Chúa Nhật 3 Thường Niên Năm B: Sống Ơn Gọi Với Tâm Tình Sám Hối

Phụng vụ hôm nay với các bài đọc Lời Chúa, tiếp tục mời gọi chúng ta suy gẫm về mầu nhiệm ơn gọi Kitô hữu gắn liền với cảm thức sám hối khởi từ sâu thẳm trong nội tâm mỗi người. Ngày xưa, Chúa đã gọi và sai Giona đi rao giảng cho dân thành Ninivê để mời gọi họ sám hối và trở về. Hai ngàn năm trước, Chúa Giêsu cũng đã gọi 4 môn đệ đầu tiên để biến trở các ông trở thành những người phục vụ Tin Mừng. Ngày hôm nay Chúa cũng luôn vang vọng lời mời gọi gửi trao đến chúng ta để chúng ta biết quay trở về và trở nên môn sinh của Ngài.

Đứng trước lời Chúa mời gọi, chúng ta hãy nhìn lại chính mình và tự hỏi xem, tôi là ai, và tôi đã đáp trả lời Chúa mời gọi như thế nào. Thái độ căn bản đầu tiên rất cần thiết, là chúng ta phải biết sám hối hầu có thể trở nên môn đệ của Chúa Giêsu.

Sống ơn gọi gắn liền với sự sám hối

Chúa đã gọi Phanxicô Borgia qua hình tượng một xác chết, khi Phanxicô còn là một sĩ quan trong triều đình, đứng gác trước thi thể đang dần thối rữa của hoàng hậu Isabella. Cuối cùng Phanxicô Borgia đã nhận ra rằng, mọi giá trị trần thế như vinh hoa phú quý, sắc đẹp mặn mà, hoặc công thành danh toại,… tất cả chỉ là phù vân. Chúa cũng gọi Phanxicô Assisi khi Ngài gặp những người cùng khổ rách rưới bên vệ đường. Phanxicô đã nghe tiếng Chúa gọi mời. Ngài từ bỏ tất cả mọi giàu sang để trở nên một sứ giả hòa bình, sống khất thực nghèo khó để thuộc trọn về Chúa. Chúa đã gọi Ignatiô, một hiệp sĩ ôm bao hoài vọng, lúc Ngài bị thương tích, khiến ngài đã can đảm từ khước tất cả tham vọng trần gian để trở nên một hiệp sĩ phục vụ cho Nước Trời.

Tương tự như thế, Chúa cũng đang gửi trao đến chúng ta lời mời gọi qua bất cứ biến cố nào xảy ra trong cuộc sống. Có thể đó là một tai nạn giao thông trên đường phố khi chúng ta đứng trước cái chết của một người bạn thân mới hôm qua còn đang cụng ly vui vẻ, hôm nay chỉ còn lại một đống thịt bầy nhầy nằm bất động dưới gầm xe. Có thể Chúa gọi chúng ta qua một chuyến làm ăn thua lỗ khi mọi tài sản ky cóp đã sớm tiêu tan, để chúng ta nhận ra rằng tiền bạc không phải là tất cả. Chúa cũng có thể nói với chúng ta qua một cuộc tình tan vỡ, khi chúng ta bị người yêu bội phản và lặng lẽ chia tay để sớm nhận ra rằng chỉ có tình yêu Thiên Chúa mới trường cửu, còn tình người thường dễ thay trắng đổi đen. Tất cả mọi biến cố trong cuộc sống đều hàm ngậm một sứ điệp mà Thiên Chúa đang muốn gửi trao. Điều Chúa muốn nói với chúng ta, là thế gian đang qua đi, chỉ mình Thiên Chúa mới tuyệt đối và trường cửu. Đây cũng là chân lý mà thánh Phaolô đề cập đến trong bài đọc 2 hôm nay : “Những người có vợ hãy sống như không có. Ai khóc lóc hãy làm như không khóc,… Ai mua sắm hãy làm như không có gì cả. Kẻ hưởng dùng của cải của đời này hãy làm như chẳng hưởng. Vì bộ mặt của thế gian đang biến đi (1C 7,31)”.

Sống tinh thần từ bỏ tận căn

Lộ trình theo Chúa Giêsu sẽ đưa dần chúng ta đến đỉnh cao của mầu nhiệm tự hủy. “Ai muốn theo tôi, hãy bỏ mình vác thập giá hằng ngày mà theo”. Bốn môn đệ đầu tiên sau khi nghe Chúa mời gọi, đã bỏ lại ‘cha là ông Giêbêđê cùng với những người làm công mà đi theo Người (Mc 1,20)’. Có lẽ chúng ta nghĩ rằng, các môn đệ từ bỏ quá dễ vì tài sản của các ông chẳng có gì đáng giá, họa chăng chỉ là một chiếc thuyền nan cũ xì và vài manh lưới nhầu nát. Marcô đã mô tả :‘Hai ông đang vá lưới trên thuyền (c.19)’. Chúng ta không nên suy nghĩ một cách giản đơn như thế. Bản chất của ơn gọi Kitô hữu chính là cuộc hành trình sám hối và từ bỏ tất cả, nhất là cần phải đoạn tuyệt với quá khứ đan kín tội ác nơi chúng ta để đi theo Chúa Giêsu. Cái mà chúng ta phải từ bỏ không thuần chỉ là những quyến rũ của tiền bạc hay vinh hoa trần thế, nhưng là từ bỏ cái tôi của mình để thực hiện lộ trình quay đầu trở về. Sám hối hay ‘metanoia’ chính là trở về. Vì vậy, Giáo hội chọn bài đọc 1 trong phụng vụ hôm nay để nhắc nhở chúng ta về sứ điệp này. Giona đã kêu mời dân thành Ninivê bỏ đường gian ác để trở về với Giavê. Khi Chúa Giêsu bắt đầu thực hiện sứ vụ rao giảng công khai, thông điệp đầu tiên Ngài gửi đến tất cả mọi người là : “Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,14). Sau khi công bố sứ điệp này, Ngài đã chọn 4 môn sinh đầu tiên, và tiêu chí căn bản để trở thành môn đệ cũng là cần phải ‘Sám hối và tin vào Tin Mừng’.

Cuộc hành trình sám hối không phải chỉ là một giai đoạn nhất thời, nhưng nó luôn gắn kết chặt chẽ trong cuộc sống những người học trò của Đức Giêsu. Sám hối và sống tinh thần từ bỏ là điều chúng ta phải thực hành cho đến chết, bởi vì cái tôi ích kỷ luôn mãi đeo bám, khiến chúng ta phải quyết tâm và cũng phải canh tân quyết tâm đó mỗi ngày. Thánh Tôma Aquinô còn nói một cách hơi cường điệu rằng, khi chúng ta chết đi, 15 phút sau, cái tôi ích kỷ đó mới chết hẳn.

Kết luận

Trong kho tàng truyện cổ Ấn Độ có viết một câu chuyện mang tính ngụ ngôn sau đây. Một người Hồi giáo bị bắt quả tang đang ăn trộm một ít thực phẩm của nhà hàng xóm bên cạnh. Theo luật, anh ta sẽ bị ném đá cho đến chết. Nạn nhân không chối cãi và trước khi bản án được thi hành, anh ta chỉ xin Đức Vua một ân huệ cuối cùng. Anh ta nói : “Tâu Đức Vua, trước khi chết, hạ thần chỉ xin Đức vua một ân huệ. Hạ thần có một hạt táo quý. Gieo trồng chỉ trong một ngày, hạt táo sẽ nảy mầm, sẽ lớn lên thành cây và cho trái ngay lập tức. Hạ thần muốn để lại hạt giống quý cho hậu thế, nhưng thứ hạt giống ấy phải được trồng do bàn tay của một người chưa bao giờ ăn cắp. Còn nếu đã trót một lần ăn cắp mà đụng vào hạt táo đó, người đó sẽ chết tức khắc. Xin nhà vua hãy trồng hạt giống đó”. Nhà vua đồng ý và ông cũng muốn tự tay trồng thử xem sao. Nhưng ông bỗng nhớ lại lúc còn nhỏ đã nhiều lần ăn cắp tiền của vua cha. Nhà vua rụt tay lại và chỉ vào quan tể tướng. Viên quan bước ra định trồng hạt táo, nhưng hình ảnh những lần ông ăn cắp tiền của dân chúng trước đây lại hiện lên trong đầu ông. Ông lại chỉ định vị quan khác thay thế. Cuối cùng cả triều đình không một ai dám đứng ra gieo trồng hạt táo quý đó. Bấy giờ, phạm nhân mới nói với Đức Vua : “Thưa Đức vua, tất cả chúng ta đã từng ăn cắp ít là một lần. Hạ thần chỉ vì quá nghèo, nhà đông con, vợ lại đang ốm, nên lỡ lấy trộm ít bánh mì của người hàng xóm bên cạnh. Hạ thần đáng tội chết, nhưng nhà vua và mọi người hãy bình tâm và nhìn lại chính mình. Câu nói của ông đã làm thức tỉnh lương tâm chai cứng của tất cả mọi người.

Là những Kitô hữu, chúng ta cũng được mời gọi trở nên môn đệ của Chúa Giêsu. Chúng ta cũng hãy nhìn lại nội tâm nơi chính mình, tự lục soát lương tâm để thực hiện việc sám hối và mạnh dạn bước đi trên con đường theo Chúa Giêsu.

Lm. GB. Trần Văn Hào, SDB


Visited 8 times, 1 visit(s) today