Giuse Nguyễn Xuân Quang, sdb.
Bạn thân mến, hãy học cách cho đi, chúng ta sẽ nhận lại được nhiều hơn thế.
Một lần nọ, thầy giáo cùng mấy học trò của ông tổ chức đi dã ngoại tại một vùng ngoại ô. Khi họ đi tới một cánh đồng, bỗng những người học trò nhìn thấy một đôi giày cũ rách, dường như là của người nông dân nghèo đang chuẩn bị trở về nhà sau một ngày làm việc cực nhọc.
Khi thấy đôi giày cũ đó, các học trò tinh nghịch đã nghĩ ra một ý tưởng hài hước và nói: “Thưa thầy, sao chúng ta không giấu những chiếc giày ra sau bụi rậm và chờ người nông dân tới nhỉ. Sẽ thật buồn cười khi xem ông ta phản ứng ra sao nếu không thể tìm được chúng..!”
Người thầy giáo cảm thấy thật tệ, nhìn đám học trò đang cười khúc khích của mình và nói: “Này các em, chơi một trò đùa ác như vậy với một người nghèo khổ là không tốt đâu”. Thầy giáo nghĩ ngợi một lúc và sau đó mỉm cười, vui vẻ nói: “Các em, thầy có ý này hay hơn. Sao chúng ta không bỏ một vài đồng xu vào từng chiếc giày. Sau đó ta hãy trốn sau bụi rậm và xem phản ứng người nông dân ra sao khi ông ấy thấy được những đồng tiền trong đôi giày rách đó?”
Mấy học trò chỉ thích thú muốn xem phản ứng của người nông dân nghèo nên ngay lập tức đã làm theo những gì thầy bảo. Sau đó cả thầy và trò đã nấp sau bụi rậm phía xa xa để quan sát xem người nông dân sẽ phản ứng như thế nào.
Người nông dân đã hoàn thành xong công việc, dáng vẻ mệt mỏi đi về phía đôi giày rách của mình. Khi xỏ chân vào ông cảm thấy có vật gì đó cứng cứng ở dưới chân, cúi xuống kiểm tra ông đã phát hiện những đồng xu. Người nông dân rất ngạc nhiên khi nhìn thấy những đồng tiền trong giày. Ông lấy chúng ra và hướng mắt nhìn cẩn thận xung quanh, xem có ai đang tìm những đồng tiền này hay không, liệu chúng có thuộc về ai đó không. Nhưng nhìn một lượt vẫn thấy hoàn toàn yên tĩnh, không có bóng dáng một ai, ông mới dám cất những đồng xu và trong túi.
Sau đó ông xỏ chân vào chiếc giày còn lại, và như lần trước, lại cảm thấy có vật gì đó cứng cứng ở trong giày. Cúi xuống kiểm tra, ông lại tìm được nhiều đồng xu hơn nữa. Nhìn những đồng xu trong tay mình, người nông dân bất giác xúc động trào nước mắt.
Người nông dân gầy gò cảm động chắp tay trước ngực, ngước khuôn mặt đen xạm lên trời và nói: “Ôi Chúa ơi! Cho con xin gửi ngàn lời cảm tạ đến người ẩn danh đã giúp con lần này. Nhờ có lòng nhân hậu của người đó mà bây giờ con có thể mua thuốc cho người vợ đang ốm và mua bánh mỳ cho những đứa con đang đói của mình”.
Với những đồng xu được cất trong túi, người nông dân rảo bước trở về nhà, nước mắt vẫn không ngừng rơi lã chã trên mặt. Mấy học trò tinh nghịch sau khi chứng kiến cảnh này, dường như mắt ai nấy đều ngấn lệ.
Sau khi người nông dân rời đi, người thầy hỏi các học trò của mình: “Giờ hãy nói cho ta biết điều gì sẽ khiến các con vui hơn? Giấu giày của ông ấy đi hay bỏ tiền vào giày của ông ấy?”.
Một học trò mắt vẫn còn ướt vì xúc động nói: “Thưa thầy, con sẽ không bao giờ quên bài học mà thầy đã dạy con ngày hôm nay. Giờ con đã hiểu niềm hạnh phúc của việc cho đi lớn hơn rất nhiều so với nhận lại. Niềm vui của việc cho đi là không có giới hạn. Con cảm ơn thầy!”
Bạn thân mến!
Trong cuộc sống này, dường như điều khiến người ta nghĩ đến trước tiên là làm gì đó để có thể đem lại niềm vui và sự thỏa mãn cho chính bản thân mình. Cũng giống như đám học trò tinh nghịch trong câu chuyện ở trên, muốn giấu đôi giày cũ rách của người nông dân nghèo, đùa vui một chút để có được những tràng cười sảng khoái. Tuy nhiên, chúng ta quên mất rằng, nhiều khi dù cố tình hay vô ý, vì để thỏa mãn bản thân, chúng ta lại đang đùa vui trên sự đau khổ của người khác.
Vậy nên, thay vì chỉ để mỗi bản thân mình nhận được một tràng cười, hay thay vì tạo ra những rắc rối cho ai đó, chúng ta hãy học cách cho đi, hãy giúp đỡ người khác bất cứ khi nào có thể. Bởi khi cho đi, dù chỉ là những đồng xu nhỏ bé, chúng không chỉ mang lại niềm vui cho người khác mà còn mang lại niềm hạnh phúc cho chính chúng ta. Tựa như niềm vui của người nông dân nghèo và giọt nước mắt long lanh hạnh phúc của đám học trò tinh nghịch trong câu chuyện ở trên vậy.
Chắc có lẽ bạn hiểu được ý nghĩa của 2 từ trong tiếng anh là “give” and “take”. Có khá nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này: “Cứ cho đi rồi sẽ nhận lại”, “Chỉ biết “nhận” mà không biết “cho” là ích kỉ”, “Cho mà không nhận được gì là bất hạnh”.Với tôi, sau những ngày vừa qua khi bão lũ tràn về trên mãnh đất miền Trung thân yêu, nhìn vào cuộc sống cũng như trong cách ứng xử của mọi người, tôi chợt hiểu được ý nghĩa của câu nói “cho đi sẽ nhận lại được nhiều hơn”. Cũng chính lúc này đây, tình người lại một lần nữa được nở rộ. Từ mọi miền xa xôi, cả nước đều hướng về khúc ruột miền Trung bằng cả trái tim. Những lời động viên, những câu cầu chúc, những tin nhắn bình an liên tục được gửi đi. Không chỉ dừng lại ở ngôn từ, mọi người còn ngay lập tức dùng hành động để hỗ trợ, giúp đỡ người dân miền Trung. Với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, không chỉ các cơ quan đoàn thể hay doanh nghiệp lớn mà chính các bạn trẻ cả người có sức ảnh hưởng lẫn những người bình thường đã tự đứng ra quyên góp. Vì bởi khi cho đi, bạn sẽ nhận lại được nhiều hơn thế!
Tuy nhiên, vẫn có nhiều người không đồng ý, bảo rằng: “Cuộc sống làm gì có sự công bằng, nhiều lúc cho đi mà chẳng ai cảm ơn, và nhiều lúc còn mất mát nữa chứ nhận được gì chứ”.
Nhưng bạn ơi, cuộc sống này rất diệu kì và luôn có những phép màu…
Tất cả chúng ta sinh ra và tồn tại trên đời này đều mắc nợ nhau một mối tương quan với nhịp cầu là “cho” và “nhận”. Cho đi và nhận lại là hình thức luân phiên để trả nợ cho nhau. Khi bạn cho đi những điều tốt đẹp thì bạn sẽ nhận được sự bình yên trong tâm hồn. Mỗi người chúng ta gặp nhau, quen biết nhau, yêu nhau, căm ghét nhau âu cũng là cái duyên, cái nợ. Không có duyên là sao quen biết, yêu nhau, gặp nhau, ghét nhau trong cuộc sống này! Và cao hơn nữa, trong niềm tin Kitô giáo, chúng ta là anh em của cùng một Cha trên trời, là chi thể trong một thân thể Giáo Hội với Đức Kitô là đầu.
“Cho” và “nhận” là hai khái niệm tưởng chừng như đơn giản nhưng số người có thể cân bằng được nó lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ai cũng có thể nói “Những ai biết yêu thương sẽ sống tốt đẹp hơn” hay “Đúng thế, cho đi là hạnh phúc hơn nhận về”. Nhưng tự bản thân mình, ta đã làm được những gì ngoài lời nói? Cho nên, giữa nói và làm lại là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Hạnh phúc mà bạn nhận được khi cho đi chỉ thật sự đến khi bạn cho đi mà không nghĩ ngợi đến lợi ích của chính bản thân mình. Đâu phải ai cũng quên mình vì người khác. Nhưng xin đừng quá chú trọng đến cái tôi của chính bản thân mình. Xin hãy sống vì mọi người để cuộc sống không đơn điệu và để trái tim cỏ những nhịp đập yêu thương.
Cuộc sống là vậy, “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. Các bạn hãy mở rộng tấm lòng mình ra, cùng chia sẻ, cùng cho đi những điều tốt đẹp để được nhận lại những niềm vui trong tâm hồn, niềm hạnh phúc trong đời sống. Cho đi cũng là biểu hiện của cách sống đẹp, để làm nên sức mạnh duy trì cuộc sống.
“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
Để làm gì em biết không?
Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi…”
Bạn ạ! Cuộc đời này là một vòng tròn. Thật ra không có sự bất công nào đối với bạn ở đây hết, có hay chăng sự nhận lại từ người khác chỉ là đến sớm hay muộn với bạn mà thôi và cái quan trọng là bạn có mở rộng lòng mình để nhận nó hay không!
Đừng nghĩ rằng mình là người ngoài cuộc. Hãy biết xót xa khi tưởng tượng đến hình ảnh làng mạc tan hoang. Hãy cứ nghẹn ngào khi tưởng tượng đến hình ảnh người chồng ở Huế gào khóc trong tuyệt vọng khi nhìn vợ cùng đứa con sắp chào đời chìm dần trong cơn lũ dữ. Hãy cứ rưng rưng khi tưởng tượng cảnh đứa trẻ còn chưa dứt sữa ngơ ngác trước di ảnh của bố mẹ nay đã đi mãi không về. Hãy nghĩ xem những bạn trẻ không thể cắp sách đến trường giờ các em đang phải vật lộn với miếng ăn, ngụm nước và những căn bệnh truyền nhiễm đang đợi em phía trước sau khi lũ rút…
Bạn thân mến! Hãy là những con người biết chia sẻ, biết cho và nhận, bởi lẽ «Thiên Chúa yêu niềm vui của những người trẻ và mời gọi họ trên hết đến niềm vui này để sống trong sự hiệp thông huynh đệ, với niềm vui cao thượng của những người biết chia sẻ, vì “cho đi thì có phúc hơn là nhận lại” (Cv 20:35 ) và “Thiên Chúa yêu một người vui vẻ cho đi” (2 Cor 9: 7). Tình bác ái huynh đệ gia tăng khả năng hạnh phúc của chúng ta, bởi vì nó cho phép chúng ta vui mừng vì những điều tốt đẹp của người khác: “Hãy vui với những người vui” (Rm 12:15), khóc với những người khóc» (x. ChV 167). Bạn không cần làm gì to tát đâu, bởi lúc này đây chỉ một chút sẻ chia, chỉ một chút yêu thương cũng đủ để sưởi ấm bao người rồi. Đây là lúc tất cả cần chung tay hướng về miền Trung, nếu có thể, hãy tìm đến những địa chỉ uy tín để quyên góp tiền, đồ ăn, thức uống, thậm chí là sức người.
Bên cạnh đó, hãy là một sử dụng mạng xã hội cách văn minh, chỉ share những thông tin đúng và cần thiết, tránh gây hoang mang. Đừng quên cập nhật tình hình thời tiết thường xuyên, hỏi han người thân, bạn bè trong vùng lũ để cho họ biết rằng luôn được quan tâm. Nếu bạn biết hoàn cảnh khó khăn nào cần giúp đỡ, bạn có thể chia sẻ lên mạng để mọi người giúp đỡ, nhưng nhớ xác minh cho kĩ.
Thiên tai là thứ không tránh được nhưng bằng tình người, chúng ta có thể giảm thiểu tối đa nhất những hậu quả đau lòng. Đừng để ai phải cô đơn hay bơ vơ một mình giữa dòng nước lũ và giữa khó khăn chồng chất mùa lũ này.