Cha Mi-ca-en Rua, người kế vị thứ nhất của cha Bosco qua đời ngày 06.04.1910, cách đây 100 năm.
Ai đã nói và viết về cha Rua đều định nghĩa ngài là “một cha Bosco khác” và không thể nói khác được. Năm 1907, Đức Hồng Y José Calasanz đã so sánh ngài giống như “một di tích thánh sống động của cha Bosco”. Giữa họ có rất nhiều điểm tương đồng: cả hai đều là con của người vợ kế, mồ côi cha từ tuổi thơ ấu, cùng qua đời lúc 72 tuổi. Nhưng trên hết, cha Rua đã có 36 năm sống cận kề với “người cha, thầy và bạn”, người mà cha Rua đã khuôn rập mình theo “hình ảnh ngài”. Thêm vào đó, chính cha Rua ước muốn đi theo dấu vết của cha Bosco: “Sự chăm sóc của chúng ta phải trở thành một nâng đỡ và vào thời của nó, những công cuộc đã được Don Bosco khởi sự luôn ngày càng phát triển, trung thành dõi theo những cách thức này”. Và chính cha Rua đã thực hiện như thế: cùng một đam mê dành cho người trẻ, nhiệt tình cho các linh hồn, tình yêu mến đối với Chúa Giêsu, Mẹ Maria Phù Hộ, các bí tích, Đức Thánh Cha, việc hy sinh hãm mình. Ngay cả trong những cuộc hành trình của ngài, đã luôn được đồng hành bởi ân sủng, những phép lạ và sự diễn tả lớn lao của tình thương mến và lễ hội, ngài được xem như “hiện thân của cha Bosco”.
Nhưng cũng có cả vô số những khác biệt. Cha Rua không đơn giản là “nhân bản” của Cha Bosco. Khác biệt đầu tiên là về bối cảnh lịch sử (22 năm sau cha Bosco), những khác biệt về nguồn gốc gia đình, thể lý, tính tình, nền giáo dục nhận được, chương trình học và đào luyện, kinh nghiệm… Cha Rua đã biết tiếp nối chính những dấu vết của cha Bosco, bằng cách phát triển nó với sự hoà hợp và thông minh vượt trội. Những trực giác của Đấng Sáng Lập biến thành hiện thực, tổ chức, cơ cấu nơi cha Rua. Ngài là môn đệ khiêm tốn và trung thành nhưng không thụ động và nô lệ. Ngài học hỏi tất cả trên bình diện lý thuyết lẫn thực hành, nhưng ngài đã thực hiện với những bước tiến xa hơn. Ngài đã củng cố và phát triển trong mức độ “hoành tráng” (đồ sộ) những công cuộc mà trước đây người ta sợ rằng sẽ không thể tồn tại nếu đấng sáng lập qua đời. Ngài đã phục hồi và làm phong phú những diễn tả mới mẻ trẻ trung của các khánh lễ viện, và Hiệp hội Cộng tác viên ngang qua những hội nghị quốc tế rất thành công, qua sự mới mẻ tuyệt đối trong lịch sử salesien. Ngài đặt Tu hội trong sự kế thừa những con đường còn chưa công khai như phục vụ người cùi, người đau bệnh, chăm sóc người khuyết tật; ngài đối diện với thách đố của “vấn nạn công nhân” với khả năng và khôn ngoan; ngài đã phát triển gia sản giáo dục và gia sản tinh thần được thừa hưởng; ngài đã mở rộng không gian truyền giáo… Ngài đã không “mơ” như cha Bosco đã mơ, nhưng đã đưa ra những đường hướng chính xác cho tất cả, để đáp ứng những nhu cầu của Giáo hội, của người trẻ và của xã hội nơi hàng chục quốc gia trên khắp 4 châu lục.
Nhân dịp phong Chân phước cho cha Michel Rua, Đức Phaolo VI đã phác thảo một bản tóm lược rất hay về ngài: “Ngài (Don Rua) đã làm cho gương sáng của cha Bosco thành một trường học, làm cho đời sống của cha Bosco thành một lịch sử, luật lệ của cha Bosco thành một tinh thần, sự thánh thiện của ngài thành một kiểu mẫu, một phương thức… khe suối thành một dòng sông. Cha Rua đã là “một cha Bosco khác”, nhưng cũng khác với cha Bosco. Ngài đã không viết về mình, cũng chẳng hề có những bản thu tập hồi ký về ngài, kể cả về “khuôn mẫu” nhân bản lẫn thiêng liêng mà ngài đã sống, phần lớn những điều này còn đang được khám phá. Nếu cha Bosco “người nông dân” hấp dẫn của Thiên Chúa, đã có thể rực sáng như một ngôi sao lớn trong bầu trời các thánh của xã hội vào những năm 800, thì cha Rua, một con người khắc khổ và “người công dân” hoàn hảo, cũng đã được nuôi dưỡng bởi ánh sáng cách bền bỉ nhờ bởi làm việc không biết mỏi mệt và sự chú tâm đến tha nhân của ngài.
Francesco Motto
Ngọc Yến, FMA chuyển ngữ