Cha Anrê Majcen SDB (1904 – 1999)
Vị tông đồ nhiệt thành đặt nền móng cho Don Bosco Việt Nam
Lm. FX. Phạm Đình Phước, SDB
Tiểu sử cuộc đời
Cha Anrê Majcen sinh ngày 30 tháng 9 năm 1904 tại Maribor, Slovenia. Cha của ngài là Anrê Borove, làm việc tại tòa án Maribor, và mẹ của ngài là Maria Schlick, một phụ nữ đạo đức. Anrê Majcen là con trai cả trong gia đình có bốn anh chị em: Anrê, Maria, em trai Zoran và em gái út Milka.
Năm 1919, Anrê Majcen học tại trường sư phạm ở Maribor và tốt nghiệp năm 1923. Ra trường, Anrê Majcen không tìm được việc làm, nhưng nhờ sự giới thiệu của thầy giáo cũ, Anrê Majcen tìm được việc làm tại trường học của dòng Don Bosco tại Radna.
“Sự tử tế, tốt lành, sự dịu hiền và thái độ vui tươi, sự nghiêm chỉnh học hành và lòng đạo đức của quý cha quý thầy dòng Don Bosco đã tạo ấn tượng và tạo nên một sự thay đổi lớn nơi Anrê Majcen”.[1] Những đề xuất của cha Knific đã khơi dậy mầm ơn gọi nơi Anrê Majcen và cậu vào nhà Tập tại Radna vào ngày 31 tháng 8 năm 1924.
Anrê Majcen tuyên khấn lần đầu ngày 5 tháng 10 năm 1925, sau đó được truyền chức linh mục ngày 1 tháng 7 năm 1933. Khi sống trong ơn gọi Salêdiêng, đặc biệt khi được đón tiếp và lắng nghe các tu sĩ Salêdiêng truyền giáo tại Nam mỹ như Đức Hồng Y Gioan Cagliero chia sẻ, đã dấy lên trong lòng cha Anrê Majcen lòng khát khao đi truyền giáo.
Ngày 11 tháng 9 năm 1935, cha Anrê Majcen xuất hành truyền giáo đến Trung Hoa, hoạt động tại Côn Minh từ 1935 đến 1951.
Trở về Hồng Kông, cha Anrê Majcen nhận bài sai từ cha Giám Tỉnh Braga để đến Việt Nam: “Tôi cử cha đi khởi đầu công cuộc Salêdiêng và khơi dậy những ơn gọi Salêdiêng đầu tiên tại Việt Nam”.[2]
Sau 22 năm truyền giáo tại Việt Nam trong hai giai đoạn: 1952-1954 và 1956 – 1976, cha Anrê Majcen trở lại Trung Hoa và sau đó trở về quê hương Slovenia, và qua đời tại đó vào ngày 30 tháng 9 năm 1999, hưởng thọ 95 tuổi.
Ngày 5 tháng 11 năm 2008, Bộ Phong Thánh đã ban hành tài liệu Nihil Obstat, chấp thuận cho việc khởi sự tiến trình phong chân phước cho cha Anrê Majcen, và ngày 4 tháng 8 năm 2010, Tổng Giáo Phận Lubiana đã mở án phong chân phước cho đầy tớ Chúa Anrê Majcen.
- Hoạt động truyền giáo tại Việt Nam
Cha Anrê Majcen đến Việt Nam ngày 3 tháng 10 năm 1952 cùng với cha Giacomino Filho khởi đầu công cuộc truyền giáo tại Việt Nam. Ngày 19 tháng 10 năm 1952, các ngài chính thức tiếp nhận trung tâm mồ côi, thời bấy giờ gọi là thị xá Kitô Vương, tại Hà Nội. Cha Giacomino là giám đốc và cha Anrê Majcen là phó giám đốc. “Các ngài hứa sẽ không bao giờ bỏ rơi các trẻ em và sẽ mãi mãi làm việc cho thanh thiếu niên nghèo khổ”.[3]
Sau khi Đức Giám Mục Paul Seitz đi Kontum và cha Giacomino đi học tiếng Việt, cha Anrê Majcen điều hành Cô Nhi Viện, cùng với điều đó là việc hình thành cộng đoàn theo giáo luật được Tòa Thánh chấp thuận vào ngày 8 tháng 11 năm 1952.[4] Sau đó, “nhà Hà Nội được cha Bề Trên Cả Renato Ziggiotti chính thức thành lập vào ngày 14 tháng 03 năm 1953 với tước hiệu thánh Têrêsa, có hai công cuộc là Nguyện xá và Trường học cho thanh thiếu niên (Văn Thư, số 682, ký ngày 14.03.1953)”[5] và cha Anrê Majcen làm giám đốc cho đến ngày 15 tháng 8 năm 1954.[6]
Ngày 21 tháng 7 năm 1954, hiệp định Genève chia đôi Việt Nam lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới. Vì thế, một cuộc di cư vĩ đại vào Miền Nam đã xảy ra. Ngày 24 tháng 8 năm 1954, các trẻ em thuộc Cô Nhi Viện lên phi cơ bay vào Ban Mê Thuột. Sau đó, cha Anrê Majcen trở về Hồng Kông nhận sứ mệnh mới, với vai trò giám đốc trường Trung học Tang Kim Po, và ngài đảm nhận vai trò này đến tháng 7 năm 1956.
Ngày 15 tháng 7 năm 1956, cha Giám tỉnh Mario Acquistapace mời gọi cha Anrê Majcen trở lại Việt Nam, làm giám đốc nhà tại Sài Gòn và đại diện Giám tỉnh cho sứ vụ tại Việt Nam. Trước đó, vào ngày 15 tháng 1 năm 1955, các tu sĩ Salêdiêng đã mang 260 trẻ cô nhi từ Ban Mê Thuột đến Sài Gòn, trong đó 200 em ở Thủ Đức và 60 em ở Gò Vấp. Nhân sự lúc này gồm bốn người: cha Anrê Majcen là đại diện Giám tỉnh và Giám đốc nhà, cha Generoso Bogo Quảng làm giám học kiêm giám linh, cha Cuisset Quý làm quản lý kiêm trách nhiệm nhà Gò Vấp, và sư huynh Marius Lu. Cha Anrê Majcen sống và làm việc tại Thủ Đức từ năm 1956 đến năm 1962.
Ngày 4 tháng 9 năm 1959, cha Anrê Majcen được bổ nhiệm làm tập sư, và năm Tập đầu tiên tại Thủ Đức khởi sự vào ngày 15 tháng 8 năm 1960 với 9 tập sinh.[7] Trước khi đảm nhận trách vụ này, cha Anrê Majcen được Tổng giám linh của Dòng thời bấy giờ là cha Antal khuyên bảo và đề nghị tham khảo những tập sư giàu kinh nghiệm. Trong thời gian thăm gia đình và hành hương đến nước Ý, cha Anrê Majcen đã thăm các vị tập sư khác nhau là cha Siri tại Tập viện Villa Moglia ở Chieri (nước Ý), cha Giogié ở Tập viện Lanuvio (Rôma), cha Natigal tại Tập viện La Navarre (Pháp), cha Ameil, vị tập sư lão thành từ thời Don Bosco, cũng như thăm vị tập sư tốt lành thánh thiện là linh mục Annibale Bortoluzzi. Ngoài ra, khi về đến Việt Nam, để chuẩn bị làm tập sư, cha Anrê Majcen cũng thăm các linh mục tập sư của dòng Phanxicô và dòng Chúa Cứu Thế. Đồng thời, ngài đọc kỹ các hướng dẫn của cha Pietro Ricaldone về đào luyện Salêdiêng, các sách của cha Giulio Barberis, tập sư tiên khởi của Dòng, và cha Terrone, nghiên cứu thêm các sách tu đức Pháp, Việt, học tiếng Việt chuyên về tu đức. Tất cả những sự chuẩn bị ngài thực hiện trong thời gian này rất vất vả, nhưng rất hữu ích sau này.[8]
Năm 1962, Tập viện chuyển lên Trạm Hành (tp. Đà Lạt) và cha Anrê Majcen làm giám đốc và tập sư. Cha Anrê Majcen đã làm tập sư 10 năm (1960-1970), hướng dẫn 150 tập sinh, trong đó 90 người khấn dòng.[9]
Năm 1970, cha Anrê Majcen được bổ nhiệm làm giám đốc nhà Gò Vấp và ngài đảm nhận vai trò này cho đến năm 1972. Năm 1970, nhà Gò Vấp có 37 hội viên, bao gồm các linh mục, các thầy tư giáo, các sư huynh, các thầy tập vụ, các sư huynh đang trong thời kỳ đào luyện chuyên biệt, 470 học sinh và các giáo viên. Nhà Gò Vấp khá phát triển, bao gồm trường Kỹ thuật, Đệ tử viện cho các đệ tử theo ơn gọi sư huynh, một nhà nội trú, và các công cuộc khác đang hình thành.[10]
Đầu năm học 1972 – 1973, theo kế hoạch, cha Anrê Majcen sẽ lên phục vụ tại học viện Đà Lạt, nhưng vì nhu cầu của nhà Dòng, nên ngài trở về Sài Gòn để đảm trách việc điều hành nhà Thủ Đức. Sau đó, ngài được bổ nhiệm làm giám đốc nhà Thủ Đức trong nhiệm kỳ 3 năm (1973 – 1976).
Biến cố năm 1975 xảy ra và cha Anrê Majcen trao lại chức giám đốc cho cha Fabiano Lê Văn Hào, đồng thời đến bệnh viện Saint Paul để chữa bệnh và nghỉ ngơi. Sau đó, vào ngày 6 tháng 5 năm 1975, ngài được bổ nhiệm làm tập sư lần thứ hai, bắt đầu Tập viện năm 1975-1976 với 15 tập sinh.[11]
Khoảng giữa tháng 6 năm 1976, tình hình sức khỏe của cha Anrê Majcen trở nên xấu đi. Tuy nhiên, ngài cũng khởi sự năm tập mới 1976-1977.
Ngày 21 tháng 7 năm 1976, chính quyền thông báo cho ngài phải rời khỏi Việt Nam và khoảng 13g00 ngày 23 tháng 7 năm 1976 ngài lên máy bay, là vị truyền giáo Salêdiêng sau cùng sống trên đất nước này.
“Cha Anrê Majcen là nhà truyền giáo đích thật của Thiên Chúa và của Don Bosco cho dân tộc Việt Nam, đặc biệt là cho giới trẻ Việt Nam. Ngài tỏ lòng khao khát và hạnh phúc nếu được ở lại và chết tại Việt Nam. Có thể nói, Thiên Chúa và Don Bosco đã cho cha Anrê Majcen một chút an ủi về điều ngài khát mong: Ngài là nhà truyền giáo Salêdiêng ngoại quốc sau cùng rời Việt Nam; ngài cũng được xác nhận là công dân Việt Nam, được cầm lá phiếu bầu cử chính quyền sau biến cố 1975. Ngài tỏ vẻ rất hạnh phúc vì được mang tư cách là công dân Việt Nam. Niềm vui đó được bộc lộ trên nét mặt hạnh phúc và tươi vui của ngài”.[12]
- Dung mạo thiêng liêng
Trong suốt dòng lịch sử, Thiên Chúa luôn khơi dậy những con người nam nữ thánh thiện, loan báo Tin Mừng và thực thi lòng mến Chúa yêu người. Cuộc đời của cha Anrê Majcen biểu lộ kế hoạch và sự quan phòng của Thiên Chúa. Cha kiên trì theo đuổi sự hoàn thiện Kitô giáo, và cho dẫu gặp những nẻo đường khó khăn và trắc trở, cha vẫn tiến bước trên con đường thánh thiện Salêdiêng.
3.1. Yêu mến Đức Maria
Sáng ngày 23 tháng 7 năm 1976, ngày cuối cùng ở tại Việt Nam, cha Anrê Majcen nhắn nhủ rằng, bất cứ giá nào cũng phải yêu mến Thánh Thể, Đức Maria Phù Hộ Các Giáo Hữu và Đức Giáo Hoàng.[13]
Đức Maria luôn ở bên cạnh “hướng dẫn và nâng đỡ” Don Bosco, và Mẹ cũng luôn đồng hành với cha Anrê Majcen trong cuộc đời, chăm sóc ngài và các Kitô hữu “đang lữ hành trên dương thế và đang gặp bao nguy hiểm, thử thách, cho đến khi họ đạt tới hạnh phúc quê trời”.[14]
Khi đón nhận sứ mệnh tại Việt Nam, cha Anrê Majcen đã đến cầu nguyện trong nhà thờ Đức Maria Phù Hộ Các Giáo Hữu, cầu xin Mẹ trợ giúp và nâng đỡ ngài trong sứ vụ mới này. Đồng thời, ngài xin cha Giám Tỉnh Braga ban phép lành Mẹ Phù Hộ để khởi sự công cuộc tại Việt Nam.[15]
Những biến động của chiến tranh khiến cho cha Anrê Majcen và các bề trên quyết định đưa các em cô nhi vào Ban Mê Thuột. Chuyến bay từ Hà Nội đưa ngài và các em gặp sự cố, một động cơ ngừng và máy bay mất độ cao. Cha Anrê Majcen xin các trẻ em cầu nguyện, và máy bay phải hạ cánh khẩn cấp ở Hải Phòng. Viên đại úy phi công nói với ngài: “Cám ơn các lời kinh Mân Côi của quý vị mà chúng ta tới được đây an toàn với những giọt nhiên liệu cuối cùng còn lại”.[16]
Cha Anrê Majcen yêu mến và quảng bá Đức Maria. Sau khi tiếp nhận Cô Nhi Viện ở Hà Nội, cha Anrê Majcen đã đưa tinh thần Salêdiêng vào môi trường này: việc cử hành lễ Mẹ Phù Hộ, Mẹ Vô Nhiễm, lễ Don Bosco, lễ các thánh Salêdiêng, việc lần hạt Mân Côi.
“Cha Anrê Majcen thành lập Hội Áo Đức Mẹ và làm phép áo Đức Mẹ cho tất cả những người xin gia nhập. Hồi đó, tôi (là sư huynh Nguyễn Văn Thọ) và người bạn của tôi là Giuse Nguyễn Tiến Mỹ, xin gia nhập Hội. Ngài trao cho chúng tôi mỗi người một cỗ tràng hạt. Một hôm, bạn Mỹ ra ngoài và làm rớt cỗ tràng hạt xuống ao, và nhờ tôi xuống ao tìm. Tôi tìm hoài mà không thấy, và bạn Mỹ cứ tiếc cỗ tràng hạt đó”.[17]
“Cha Anrê Majcen không chỉ yêu mến Đức Maria trên bình diện tình cảm sốt mến, nhưng lòng sùng kính của ngài còn dựa trên kiến thức Kinh Thánh, mầu nhiệm của Thiên Chúa…”.[18]
3.2. Đức ái mục tử
Trung tâm và tổng hợp của tinh thần Don Bosco là đức ái mục tử,[19] là đức ái thông dự vào sứ mệnh của Chúa Giêsu Kitô, vị mục tử tốt lành, được diễn tả qua hai chiều kích: yêu mến Thiên Chúa và phục vụ tha nhân (phụng sự một mình Chúa và tìm kiếm các linh hồn).
Cha Anrê Majcen là con người của đức ái, nổi bật nơi hai chiều kích nhân bản và đối thần. Chiều kích đối thần phản chiếu sự tương quan giữa Thiên Chúa và cuộc đời thánh hiến của ngài. Đó là đời sống cầu nguyện, kết hiệp sâu xa với Thiên Chúa. Chiều kích nhân bản phản chiếu mối tương quan giữa cha Anrê Majcen và thế giới của thanh thiếu niên mồ côi, các đệ tử, những người nghèo. Đó là cuộc đời yêu thương và phục vụ, hiến dâng và nhân lành.
Những ai tiếp xúc với cha Anrê Majcen đều có thể nhận thấy tâm hồn đức ái mục tử nơi ngài.
Đức ái mục tử thể hiện nơi niềm vui và lạc quan: “Cha Anrê Majcen sống gần gũi và niềm nở với giới trẻ. Chúng rất yêu mến ngài, vì ngài có những tương quan rất dễ thương”.[20] “Ngài luôn ở bên cạnh chúng tôi, ngài nói chuyện vui cười”.[21] “Cha Anrê Majcen là vị Giám đốc rất đặc biệt, vì ngài không xa con cái ngài, ngài luôn sống tại nhà. Ngài thường xuyên ở với chúng tôi. Trong giờ chơi, đôi mắt ngài nhìn xa, hiện diện với nụ cười”.[22]
“Là tập sư, cha Anrê Majcen luôn tươi cười với mọi tập sinh, không bao giờ rầy la hoặc to tiếng hay tỏ vẻ thiếu kiên nhẫn hoặc làm vẻ mặt buồn với tập sinh, dù có những lúc ngài đau đớn, cơn đau lộ ra nơi khuôn mặt ngài, nhưng liền sau đó ngài lại mỉm cười ngay, làm như không có gì xảy ra cả”.[23] “Ngài rất gần gũi và dễ thương, hiền lành và dễ mến, luôn tươi cười, hiện diện giữa chúng tôi, luôn nói với từng người chúng tôi rằng: con là con yêu dấu nhất của cha”.[24]
Đức ái mục tử của cha Anrê Majcen kính múc nơi Chúa Giêsu Kitô, vị mục tử nhân lành, trở nên mọi sự cho mọi người (x. 1 Cr 9,22), nhân hậu, kiên nhẫn, đón nhận và chịu đựng tất cả (x. 1 Cr 13,7). Thật vậy, “cha Anrê Majcen luôn vui tươi, không thấy ngài nóng giận, buồn bực”.[25] “Một trong những đức tính đặc biệt của cha Anrê Majcen là lối cư xử rất nhân bản”.[26] “Ngài có trái tim mục tử, hiền lành và tự hiến, vui với người vui, khóc với người khóc, trở nên mọi sự cho mọi người”.[27]
Cha Anrê Majcen đã sống theo giáo huấn của Don Bosco: “Chúng ta hãy bác ái đối với nhau, hãy luôn kiên nhẫn chịu đựng và tha thứ cho nhau. Hãy khuyến khích nhau làm việc thiện, yêu mến và kính trọng nhau như anh em. Chúng ta hãy cầu xin để mọi người chúng ta có thể làm thành một lòng, một linh hồn để yêu mến và phụng sự Chúa” (MB IX, 168).
3.3. Nhiệt tâm tông đồ
Linh đạo tông đồ muốn nói đến nhiệt tâm tông đồ, sẵn sàng phục vụ và dâng hiến trọn vẹn. “Người Salêdiêng chân chính, là một người luôn cháy bỏng với lòng bác ái, luôn thổi bùng lên ngọn lửa tình yêu Thiên Chúa. Không gì ngăn trở người Salêdiêng, ngay cả mệt nhọc, hy sinh hay những vu khống tệ hại nhất, miễn là họ phục vụ vì vinh danh Chúa và phần rỗi các linh hồn”.[28]
Cha Anrê Majcen bắt chước Don Bosco, tiêu hao đời mình cho giới trẻ qua việc giáo dục và rao giảng Tin Mừng, qua các bí tích, đặc biệt là bí tích Giải Tội; qua việc linh hướng để tìm lợi ích thiêng liêng cho mọi người; qua việc hòa mình vào giữa các bạn trẻ, sử dụng “lời nói rỉ tai” vốn giúp biến đổi lương tâm các em, và đây là phương tiện “thúc đẩy ban đầu cho một số em, hướng các em đến đời sống thánh hiến”;[29] qua đời sống khiêm tốn và giản dị, tốt lành và nhân từ; qua việc chăm lo cho người nghèo, trẻ mồ côi.
Một trong những đặc điểm nổi bật của ngài là trung thành với bổn phận. “Cha Anrê Majcen không bỏ sót một giờ huấn đức (conference) nào, cho dẫu ngài bận rộn công việc. Ngay cả khi ốm đau, ngài vẫn huấn đức cho các tập sinh ngay bên giường bệnh”.[30] “Hầu như không ngày nào mà lại thiếu giờ huấn đức này, dù là đại lễ như Tết hay Giáng sinh và Phục sinh. Ngoài các giờ huấn đức và tu đức, học hỏi cha còn dành giờ linh hướng cho từng tập sinh hàng tuần”.[31]
Thật vậy, ngài trung thành với việc đàm thoại với các hội viên và tập sinh. “Những ngày cha Anrê Majcen bị bệnh, ngài vẫn cho gọi tập sinh vào phòng riêng để Rendiconto bên giường của ngài. Năm 1975-1976 có 18 tập sinh, cứ mỗi ngày một người vào phòng ngài để Rendiconto, luân phiên không bao giờ ngừng nghỉ, dù có đau ốm thì tập sinh vẫn theo thứ tự đến bên giường bệnh ngài để ngài hướng dẫn. Mỗi lần Rendiconto, ngài luôn có sẵn ¼ tờ giấy vở, vừa hướng dẫn bằng lời vừa diễn tả bằng cách vẽ lên tờ giấy những hình ảnh rất sống động, như quả tim, cái kéo, mũi tên…. kèm những từ ngữ ngắn gọn, gói ghém nội dung về điều ngài muốn nói. Ngài viết, vẽ kín cả hai mặt trên tờ giấy; có ngày ngài phải dùng đến hai nửa tờ giấy để vẽ và ghi chép nội dung bài học và cuối giờ ngài trao lại cho tập sinh. Việc dạy dỗ, hướng dẫn của cha Anrej Majcen luôn muốn in khắc trong tâm trí người tập sinh không chỉ trên lý thuyết, tư tưởng mà bằng hành động thực tế được ngài diễn tả và viết trên những trang vở (thần dược) ngài dùng. Có lúc ngài đứng lên cầm tay tập sinh bước ra phía sau phòng ngài, dẫn tập sinh đến bên gốc cây đa cạnh phòng ngài, và ngài bẻ một lá đa, mủ chảy ra và nói lặp đi lặp lại mấy lần một từ: ‘nhựa’, ‘nhựa’, và bảo tập sinh nhắc lại với ngài từ “nhựa” 3-4 lần như muốn nhấn mạnh vai trò của Chúa Thánh Thần, được ví như nhựa sống của Thiên Chúa thông truyền cho con người, đó là sự sống Thần Linh. Cuộc sống của cha Anrê Majcen thể hiện trọn vẹn tinh thần của một người cha, một người thầy truyền đạt tinh thần sống lành thánh cho con cái, diễn tả trọn vẹn tâm hồn của mình. Ngài làm cho cá nhân tôi cảm nhận được tình thương đích thật của người cha yêu thương con cái hết cả tâm hồn. Tôi cũng cảm nhận được nơi cha tập sư Anrê Majcen lòng khao khát thông truyền cho người khác: Để diễn tả một ý tưởng quan trọng, ngài vận dụng hết mọi thứ ngôn ngữ mà ngài biết để diễn tả cho tập sinh nắm bắt được điều ngài muốn nói”.[32]
“Tôi nhận thấy cha Anrê Majcen là một người Salêdiêng đích thật của Don Bosco, người Salêdiêng ‘qualis esse debet’. Ngài đào luyện chúng tôi về nhân bản, linh đạo Don Bosco, tinh thần tông đồ, giáo dục và mục vụ Salêdiêng”.[33] Như Don Bosco, cha Anrê Majcen cống hiến toàn bộ sức lực, thời gian và tài năng của mình cho giới trẻ và cho tha nhân: “Vì các con cha học hỏi, vì các con cha làm việc, vì các con cha sống, vì các con cha sẵn sàng hiến dâng cả đến mạng sống”.[34]
Thay lời kết
Cha Anrê Majcen (1904-1999) là một linh mục Salêdiêng sốt sắng, thánh thiện trên con đường thiêng liêng trong suốt hai mươi hai năm tông đồ truyền giáo tại Việt Nam.
Các tu sĩ Salêdiêng Việt Nam và Slovenia là những chứng nhân về đời sống và mẫu gương của cha Anrê Majcen cũng như những nhân đức anh hùng của ngài. Đồng thời, rất nhiều người đã đón nhận ân sủng của Chúa nhờ lời chuyển cầu của ngài. “Cũng có cả một di sản thiêng liêng, đặc biệt là những suy tư, những trang nhật ký thiêng liêng và cả nền linh đạo cá nhân của ngài (gồm 6000 trang viết tay), cho thấy chiều sâu và nỗ lực thăng tiếng đời sống thiêng liêng của cha Anrê Majcen”.[35]
Chúng ta tri ân Thiên Chúa vì cha Anrê Majcen, một tu sĩ Salêdiêng thánh thiện, tổ phụ của Don Bosco Việt Nam, đã cống hiến toàn bộ đời mình để phục vụ Thiên Chúa và giới trẻ nghèo khổ, cách đặc biệt, nhiệt tâm giáo dục và loan báo Tin Mừng trên quê hương đất nước chúng ta.
Chúng ta xác tín rằng, cha Anrê Majcen là mẫu gương nên thánh Salêdiêng: sống vui tươi, chu toàn bổn phận, chăm lo giáo dục và rao giảng Tin Mừng cho giới trẻ nghèo, yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể, Mẹ Maria Phù Hộ và Đức Giáo Hoàng. Mẫu gương và nhân đức của cha Anrê Majcen khích lệ nhiệt tâm truyền giáo và sự thánh thiện cho chúng ta và các tín hữu. “Những điều anh em đã học hỏi, đã lãnh nhận, đã nghe, đã thấy ở nơi tôi, thì anh em hãy đem ra thực hành, và Thiên Chúa là nguồn bình an sẽ ở với anh em” (Pl 4,9). Chúng ta hãy cầu nguyện với ngài:
Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con,
Chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con,
cha Anrê Majcen,
người môn đệ trung kiên của cha thánh Gioan Bosco,
và là người cha đầy nhiệt thành yêu mến.
Ngài đã tận hiến đời mình,
cho công cuộc truyền giáo Salêdiêng tại Trung Hoa và Việt Nam.
Ngài đã hết lòng yêu thương giới trẻ
và hiến thân phục vụ những người khốn khổ nghèo hèn.
Xin Chúa ban cho chúng con niềm vui
được thấy cha Anrê Majcen vinh hiển,
để cuộc đời ngài trở nên lời mời gọi mọi người
bước trên con đường nên thánh Salêdiêng,
sống vui tươi chu toàn bổn phận hằng ngày,
và chăm lo giáo dục thanh thiếu niên.
Nhờ lời ngài chuyển cầu,
xin Chúa ban cho chúng con,
những ơn lành chúng con đang tha thiết nguyện xin.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
————
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Mario Rassiga (ed.), Don Andrea Majcen. Missionario salesiano in Cina e Vietnam, Ljubljana 1989 (bản tiếng Việt: Cha Anrê Majcen, Tổ phụ gia đình Saledieng Việt Nam, Tp. HCM 2006).
Lm. G.B. Nguyễn Văn Thêm SDB, Lịch sử Don Bosco Việt Nam theo Niên Giám (1952-1971), digital edition, Tp. HCM 2024.
Lm. Đa Minh Phạm Xuân Uyển, Lịch sử Salêdiêng Việt Nam. Tự thuật của cha Anrê Majcen nhà truyền giáo Salêdiêng tại Trung Hoa và tại Việt Nam, Xuân Hiệp, Tp. HCM 2017.
Nhóm cựu học viên Salêdiêng Hoa Kỳ, Cha Andrej Majcen. Một cuộc đời, một chân trời đức ái, nxb. Hồng Đức, Hà Nội 2013.
Chứng từ của các anh em hội viên Salêdiêng.
Tòa Tổng Giám Mục Lubiana, Sắc lệnh mở án phong chân phước cho cha Anrê Majcen, 4.8.2010.
[1] Mario Rassiga (ed.), Don Andrea Majcen. Missionario salesiano in Cina e Vietnam, Ljubljana 1989, 7.
[2] Mario Rassiga (ed.), Don Andrea Majcen. Missionario salesiano in Cina e Vietnam, 82.
[3] Mario Rassiga (ed.), Don Andrea Majcen. Missionario salesiano in Cina e Vietnam, 96.
[4] Mario Rassiga (ed.), Don Andrea Majcen. Missionario salesiano in Cina e Vietnam, 116.
[5] Lm. G.B. Nguyễn Văn Thêm, Lịch sử Don Bosco Việt Nam theo Niên Giám (1952-1971), digital edition, Sài Gòn 2024, 6.
[6] Cha Đa Minh Phạm Xuân Uyển SDB cho rằng, cha Andrej Majcen chính thức nhận sứ mệnh giám đốc vào ngày 30 tháng 11 năm 1953 (x. Lm. Đa Minh Phạm Xuân Uyển SDB, Lịch sử Salêdiêng Việt Nam. Tự thuật của cha Anrê Majcen nhà truyền giáo Salêdiêng tại Trung Hoa và tại Việt Nam, Xuân Hiệp, Tp. HCM 2017, 238).
[7] Chín tập sinh của nhà Tập đầu tiên tại Việt Nam của dòng Don Bosco bao gồm: Máccô Nguyễn Đức Huỳnh, Gioan Ngô Hạnh Phúc, Giuse Nguyễn Văn Sử, Đaminh Phạm Xuân Uyển, Gioan Nguyễn Văn Ty, Giuse Nguyễn Văn Vấn, Giuse Liêm, Gioan Linh và Vinhsơn Quý; trong đó 6 thầy tuyên khấn vào ngày 28 tháng 8 năm 1961 (x. Lm. Đa Minh Phạm Xuân Uyển SDB, Lịch sử Salêdiêng Việt Nam. Tự thuật của cha Anrê Majcen nhà truyền giáo Salêdiêng tại Trung Hoa và tại Việt Nam, 384; Mario Rassiga (ed.), Don Andrea Majcen. Missionario salesiano in Cina e Vietnam, 206).
[8] X. Mario Rassiga (ed.), Don Andrea Majcen. Missionario salesiano in Cina e Vietnam, 185-195.
[9] X. Mario Rassiga (ed.), Don Andrea Majcen. Missionario salesiano in Cina e Vietnam, 238.
[10] X. Mario Rassiga (ed.), Don Andrea Majcen. Missionario salesiano in Cina e Vietnam, 239.
[11] Theo chứng từ của cha F.X. Trần Văn Phương SDB, tập sinh niên khóa 1975-1976, thì “lớp tôi gồm 18 tập sinh”. Năm Tập 1975 – 1976 bắt đầu vào ngày 18.05.1975; sau đó 1 tháng, nhà Tập chuyển đến khu đất Saviô Tam Hải (Thủ Đức). Quý thầy khấn lần đầu ngày 24.05.1976, sau khi khấn, năm nhà Tập này còn kéo dài thêm 1 tháng với cha tập sư Majcen.
[12] Tường thuật của Lm. FX. Trần Văn Phương SDB, 6.12.2024.
[13] X. Mario Rassiga (ed.), Don Andrea Majcen. Missionario salesiano in Cina e Vietnam, 275-276.
[14] Vatican II, Lumen Gentium, 62
[15] X. Mario Rassiga (ed.), Don Andrea Majcen. Missionario salesiano in Cina e Vietnam, 83.
[16] Mario Rassiga (ed.), Don Andrea Majcen. Missionario salesiano in Cina e Vietnam, 124.
[17] Chứng từ của sư huynh Giuse Nguyễn Văn Thọ, SDB (x. Nhóm cựu học viên Salêdiêng Hoa Kỳ, Cha Andrej Majcen. Một cuộc đời, một chân trời đức ái, nxb. Hồng Đức, Hà Nội 2013, 69).
[18] Chứng từ của sư huynh Giuse Nguyễn Văn Thọ, SDB.
[19] X. Hiến Luật Salêdiêng Don Bosco, 10.
[20] Chứng từ của sư huynh Giuse Nguyễn Văn Thọ, SDB.
[21] Chứng từ của Lm. Giuse Nguyễn Tiến Mỹ SDB.
[22] Chứng từ của Lm. Đaminh Phạm Xuân Uyển SDB.
[23] Chứng từ của Lm. FX. Trần Văn Phương SDB.
[24] Chứng từ của Lm. Gioan Trần Văn Cương, SDB, đệ tử viện 1960.
[25] Chứng từ của Lm. Isidoro Lê Hướng SDB.
[26] Chứng từ của Lm. Giuse Nguyễn Tiến Mỹ, SDB.
[27] Chứng từ của cha Gioan Trần Văn Cương, SDB.
[28] Giacomo Costamagna, Conferenze ai Figli di Don Bosco, Libreria Salesiana Editrice, Santiago del Chile 1900, 27.
[29] Mario Rassiga (ed.), Don Andrea Majcen. Missionario salesiano in Cina e Vietnam, 152.
[30] Chứng từ của cha Gioan Trần Văn Cương SDB, tập sinh năm 1969-1970.
[31] Chứng từ của cha Anthony Nguyễn Hữu Quảng SDB.
[32] Tường thuật của cha FX. Trần Văn Phương SDB, tập sinh năm 1975-1976.
[33] Tường thuật của cha Gioan Trần Văn Cương, SDB.
[34] Don Ruffino, Cronaca dell’Oratorio, ASC 110, V,10, trong Hiến Luật, 14.
[35] X. Tòa Tổng Giám Mục Lubiana, Sắc lệnh mở án phong chân phước cho cha Anrê Majcen, 4.8.2010.