CÁI GIÁ CỦA SỐNG ĐẸP

Mặt nó vẫn lặng như tiền khi mà người đàn ông đá vào người nó, không một giọt nước mắt hay một lời kêu ca than vãn, cũng có lẽ nó đã không còn nước mắt để khóc hay nó biết dù có khóc lóc thì cũng chẳng giải quyết được vấn đề. Nó quen rồi!

  • Đồ ăn hại! Má mày chứ! Đánh có vài đôi giày mà cũng không xong. Chỉ lo ham chơi. Mà mất tiền là sao chớ? Mày giấu đi xài riêng có phải không? Mày cũng ăn mới sống mà…

Nó lặng lẽ bước vào góc phòng, ngồi xụp xuống trong khi những lời la mắng từ người đàn ông đó vẫn tuôn ra không ngớt. Ông ấy chửi má nó. Nhưng nó nào biết má nó là ai. Nó không biết nó từ đâu tới, được sinh ra từ đâu và ba mẹ nó là ai.

Từ khi có trí khôn, nó chỉ biết và sống với người đàn ông đang không mắng nhiếc nó. Thời gian còn lại là những ngày tháng rong ruổi trên mọi con đường của Sài-gòn, với chiếc hộp đánh giày trên tay. Người đàn ông đó được nó xem như người cha nuôi và là người thân duy nhất của nó trong hàng ngàn người hằng ngày lướt qua nó trên dòng đời tấp nập. “Bố nuôi” của nó hằng ngày cũng rong ruổi từng cuốc xe ôm để kiếm sống qua ngày. Ngày hôm nay nó cũng đi đánh giày như mọi ngày, nhưng vì không đem về được đồng nào cho người “bố nuôi”, nên nó mới bị đá và hứng lấy trận mưa những lời sỉ vả trên đầu. 

Thực ra, không phải nó lười đâu, nếu không nói là hôm nay nó kiếm được hơn hẳn mọi hôm. Nó đã cười tươi và nghĩ đến việc sẽ xin “bố nuôi” một bữa cơm gà thịnh soạn vào buổi tối. Đã hai tuần rồi nó không được ăn một bữa cơm ngon lành.

Đang ngồi nghỉ trên ghế đá, nó thấy một cô bé gầy gò, ốm yếu đi ngang qua nó với xấp vé số dầy cộm còn trên tay. Đã gần tới giờ xổ số mà còn nhiều như vậy, con bé chắc chắn sẽ phải ôm xấp vé số đó mất. Tội nghiệp, nó còn bé và chỉ là con gái! – Nó nghĩ.

Bất ngờ, con bé đổ gục xuống trước mặt nó. Làm sao bây giờ? Công viên lúc ấy khá vắng, chỉ mấy người qua lại. Nó đến gần, sờ tay lên trán thấy nóng hổi, mặt đứa bé đỏ bừng, người hầm hập. Chắc là nó trúng gió hoặc say nắng. Nó nhìn quanh một vòng rồi hấp tấp chạy tới gọi người lớn lại để xin giúp cho con bé. Chẳng biết vì nó nói không gẫy gọn, hoặc vì nhìn nó “lưu manh”, mà chẳng ai tỏ ra muốn giúp đỡ. Có bà thương hại đưa nó gói xôi, còn những người khác dửng dưng nhìn con bé nằm mê man, rồi tiếp tục đi trên con đường của mình. Trách ai được! Chắc là người ta nghĩ nó dàn cảnh… hoặc là sợ phiền phức.

Chẳng kịp nghĩ thêm, nó sốt ruột chạy gọi chiếc tắc-xi, đưa con bé đến bệnh viện gần nhất như một người thân. Cũng may, gần cổng bệnh viện có bà là người quen của con bé, nhận ra và phụ đưa con bé vào bệnh viện. Nó cũng thật thà kể lại sự việc và nói sẽ ngồi ngoài đợi người nhà của con bé với hy vọng lấy lại được số tiền. Nhưng đợi hoài không thấy ai tới nhận con bé, mà tới giờ nó phải ra chỗ mà “bố nuôi” nó tới đón vào mỗi tối.

Vừa đau, vừa đói, nó chìm trong giấc ngủ vùi. Trong mơ, nó thấy mình đi lại chiếc ghế đá, nơi mà nó đã giúp con bé bị ngất xỉu. Nó ngồi xuống mắt nhìn xa xăm. Rồi bỗng nó nhìn thấy một ánh mắt trìu mến đang nhìn nó với lòng cảm ơn và sự cảm kích. À, thì ra là cô bé mà nó đã giúp, trên tay cô bé ấy vẫn đang cầm xấp vé số. Trong mơ, cô bé ấy dường như lớn hơn, khuôn mặt tròn trĩnh và thật xinh. Nó mỉm cười lại, lòng dâng trào một cảm xúc mãnh liệt khó tả. Chẳng biết vì việc tốt nó đã làm hay tại vì một lý do mơ hồ nào đó.

Dẫu sao, giấc mơ vẫn đẹp, và nó dám trả giá cho việc sống đẹp ấy.

Bài viết: Jos Phạm


Visited 1 times, 1 visit(s) today