BÊN BẾN SÔNG VẮNG

       Lâu lắm rồi chúng tôi mới có dịp hẹn nhau đến thăm cô. Bến sông năm nào đã từng tấp nập thuyền bè ra vào giờ đây chỉ là một bến vắng. Căn nhà mái lá nhỏ nằm ven bờ sông cạnh trường tiểu học Kênh 5 dường như chẳng thay đổi chút nào. Ngôi trường giờ đây cũng bỏ hoang vì người dân đã có điều kiện đưa con ra thị xã để học. Bến vắng, sông vắng nhưng người lái đò thì vẫn ở lại. Đó chính là cô giáo chủ nhiệm của chúng tôi năm lớp năm. Bước vào căn nhà, chúng tôi vui mừng gặp lại cô. Trông cô già đi rất nhiều, mái tóc xanh đã chuyển màu điểm bạc. Phải, đã hơn hai mươi năm qua rồi, bao ký ức lại ùa về, hình ảnh ngôi trường năm nào vẫn hiện rõ trong tâm trí tôi…

       Ngôi trường tiểu học vừa mới mọc lên ngay đầu bến con sông kênh 5. Sau biết bao khao khát, người dân con kênh này mới có được ngôi trường tiểu học tử tế. Bởi trước đó trường học chỉ là vài căn chòi với mái lá dừa nước để học. Ngôi trường mới nhỏ bé và đơn sơ, chỉ vỏn vẹn có bốn phòng. Giữa sân trường, thầy hiệu trưởng cho trồng hai cây trứng cá để lấy bóng mát. Thế là niềm vui lan tỏa từ đầu làng đến cuối xóm. Bởi cũng do quan niệm, người ta ít quan tâm cho con đi học. Từ ngày có ngôi trường mới, bà con hớn hở hẳn ra. Thế là con mình không còn liệt vào hàng chuyên “mò cua bắt ốc” nhưng được đi học hẳn hoi. Ít nhất cũng là biết cái chữ, cái nghĩa để đặt tên cho con, em, cháu mình. Chứ từ trước đến giờ người ta cứ lấy số thứ mà đặt tên cho con, đứa là Hai, Ba, Tư, Năm…Lâu lâu có nhà văn minh hơn lấy tên trái cây đặt luôn cho con mình: Nho, Nhãn, Mận…

       Ngày khai giảng đã đến, mọi ghe xuồng hớn hở cập bến nhà trường để đưa con em đi học. Ba tôi chống chiếc xuồng câu chở tôi đi học. Có trường mới để học, thích thật. Vốn tính tinh nghịch nên trước khi đến trường, ba tôi dặn dò đủ điều là phải biết vâng nghe lời thầy cô, coi thầy cô như ba mẹ. Nếu bị đuổi học thì ba mua cho một trăm con vịt để đi chăn cho dốt luôn. Tôi cứ “vâng vâng, dạ dạ” cho xong chứ thật lòng thì chẳng để ý gì đến những lời ấy. Bất quá tôi về chăn vịt cũng sướng mà, tha hồ chơi và còn có cái thú lụm trứng để nướng. Tôi vẫn nhớ như in ngày đầu tiên đến trường mới, năm ấy tôi học lớp năm. Thầy hiệu trưởng giới thiệu một cô giáo mới chuyển về trường và sẽ phụ trách dạy lớp tôi. Cô người Hà Tĩnh, nói vô cùng khó nghe, cứ chọ chọe làm sao ấy. Cô ở tại trường trên mảnh đất bồi ra của con sông trong căn nhà lá thầy cô cất vội để đón cô.  Lần đầu tiên trong xóm có một người nói chẳng ai hiểu gì cả. Rồi cô trở thành tâm điểm của lớp trong việc nhái lại và trêu chọc cô. Nhắc đến cô, chúng tôi ồ cười. Có cả những lần cô cố gắng nói thật chậm nhưng chúng tôi cứ lơ đi như không hiểu để có những lí do cho việc không học bài hay không làm bài tập. Đối phó với cái đám “nhất quỷ, nhì ma thứ ba học trò” như chúng tôi chắc cô đã từng không ít lần đau đầu, xoắn não. Tuy vậy chúng tôi vẫn nhận ra cô rất thương học trò. Cô luôn có nhiều sáng kiến để khích lệ cho chúng tôi học thật tốt. Có lần, cô tổ chức cắm trại giao lưu giữa các trường ở những xóm lân cận. Chúng tôi phải cuốc bộ gần hai cây số. Đến khi đi về, chúng tôi tự ý nháy nhau:

–        Lát nữa về, một đứa canh cho cô đi trước, rồi chúng mình lội ruộng băng tắt ngang cánh đồng để về cho gần.

–        Ồ, nhất trí. Cả bọn khúc khích cười.

       Ngỡ tưởng là sáng kiến của mình nhưng khi biết được cô đã tất tưởi đi tìm chúng tôi trong nước mắt khiến chúng tôi hối hận vô cùng. Hôm sau đi học, cả nhóm im lặng để chờ một trận đòn sắp giáng xuống. Thật không ngờ, cô không một lời trách mắng và dường như đã quên chuyện ngày hôm qua. Chúng tôi thật sự được tác động và bắt đầu mến cô. Cô cũng không ngừng khích lệ động viên tôi. Nhớ cái vụ chữ của tôi như con gà bới nhưng cô lại nói:

–        Ân, con có nét chữ tròn tròn, con cần luyện thêm một ít nữa là sẽ rất đẹp.

       Lần đầu tiên có người khích lệ, tôi có động lực để luyện chữ viết của mình. Cũng nhờ cô luôn theo sát mà ngày nay chữ của tôi gọn và đẹp hơn.  Cô cũng luôn để ý đến từng người chúng tôi, lần đầu tiên trong trường làng, cô bỏ công luyện để chúng tôi đi thi học sinh giỏi cấp huyện. Biết tôi thích âm nhạc, cô tập hát và tạo mọi điều kiện cho tôi được phát huy khả năng. Cô luôn đồng hành cùng chúng tôi, khi nào rảnh chúng tôi đều có thể chạy đến trường để gặp cô. Cô là giáo viên ấn tượng nhất trong tâm trí của tôi.

       Ngồi cạnh bên cô, chúng tôi đã từng thắc mắc sao cô lại dạy ở một nơi xa nhà như thế. Cô chia sẻ, sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm, nhà nước chuyển công tác đi đâu, cô đi đấy. Vào trong nam, đặc biệt là vùng quê nghèo miền tây, người dân chân chất, rộng lượng, học sinh còn nghèo nên cô quyết định ở lại và gắn bó với ngôi trường này. Giờ trường làng bỏ hoang, cô vẫn theo đuổi nghề giáo dục ở một trường trong xã gần đó. Nhìn cô, lòng chúng tôi dâng trào tâm tình biết ơn và chúng tôi đã cảm nhận được cõi lòng của một nhà giáo nhiệt tâm. Nhờ có cô mà làng của chúng tôi mới có những người đầu tiên được bước vào đại học.

       Ai trong chúng ta lớn lên đều cũng có những người thầy dạy dỗ từ cái chữ, cái nghĩa. Ông bà ta thường hay nói: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy. Thầy cô là những người đã tận tâm truyền đạt kiến thức và đạo đức cho chúng ta. Có lẽ ngày nay nền giáo dục của chúng ta cũng cần nhiều thầy cô có cõi lòng như thế. Don Bosco nói “Giáo dục là công việc của cõi lòng”. Chúng ta đã từng nghe tin tức đây đó có những nhà giáo dục bạo hành học sinh, thiếu quan tâm, lắng nghe… Nhưng bên cạnh đó vẫn có những nhà giáo dục âm thầm cống hiến cuộc đời cho mầm xanh của đất nước. Dạy học với nhà giáo dục không chỉ là một nghề để kiếm sống nhưng đó còn là một sứ mệnh cao cả về sự nghiệp trồng người. Thật đúng như lời của Vijaya Lakshmi Pandit  “Mục tiêu của giáo dục không phải là dạy cách kiếm sống hay cung cấp công cụ để đạt được sự giàu có, mà đó phải là con đường dẫn lối tâm hồn con người vươn đến cái Chân và thực hành cái Thiện”. 

       Lời ca ngợi, tiếng tri ân đối với các nhà giáo dục thật không thừa. Đó là những cõi lòng cao thượng đã đang và tiếp tục âm thầm cống hiến để đào tạo nên những người Kitô hữu tốt và công dân lương thiện.

Tác giả: Viết Ân

Visited 31 times, 1 visit(s) today