Bài chia sẻ với uỷ viên và CTV của Sư huynh Đaminh Nguyễn Đức Nam – Đặc trách CHV và CTV Thế giới.

    Con xin kính chào cha bề trên vùng Đông Á Châu Đại Dương, Quý cha và quý sơ uỷ viên và các anh chị em cộng tác viên rất thân mến. Thật là một dấu mốc quan trọng cho hiệp hội CTV Saledieng Vn kỷ niệm 25 năm thành lập. Con cám ơn cha uỷ viên và anh điều phối viên đã cho con có cơ hội hiện diện trong ngày họp mặt đầy ý nghĩa này. Hơn thế nữa lại cho con được chia sẻ chút tâm tình của con với quý cha và anh chị em trong buổi họp mặt này.

Trước hết con xin gởi lời chào thăm hỏi của cha uỷ viên của cha bề trên cả về đại gia đình saledieng, cha Joan Lluis Playa’ (con có chia sẻ với cha về ngày họp mặt hôm nay):

Nhân danh cha Bề Trên cả, cha xin gởi lời chào thân ái nhất đến với từng người trong buổi họp mặt này. Như Don Bosco thường hay nói với con cái ngài rằng: “Chỉ cần biết chúng con còn trẻ là đủ để cha yêu mến chúng con thật nhiều.” Chúng ta có thể nói cũng tương tự như thế: “chúng ta là thành phần thuộc về gia đình saledieng thì đủ để cho chúng ta cảm thấy tự nhiên như nhà mình vậy.” Ngôi nhà của chúng ta là nhà của Don Bosco: một ngôi nhà tràn đầy niềm vui, rộng mở chào đón mọi người và là một gia đình truyền giáo, là trung tâm sống động để phục vụ Giáo hội và xã hội.

Cha cũng xin gởi lời chào thân thương nhất của cha Bề Trên cả đến quý cha, quý sơ và toàn thể anh chị em CTV.

Người thứ 2 trong uỷ viên thế giới cũng muốn gởi lời chào thăm quý cha, và anh chị em CVT đặc biệt là chào thăm quý sơ uỷ viên, đó chính là sơ Lucrecia Uribe, sơ viết:

“Kính thưa các sơ uỷ viên FMA, tôi hân hoan chào đón các bạn vào ngày thứ Bảy đầu tháng Truyền giáo. Đó là một cơ hội tuyệt vời để sống ơn gọi của chúng ta khi được rửa tội. Điều quan trọng là mỗi chúng ta phải sống sao cho những người xung quanh ta phải hỏi chúng ta rằng: “Xin hãy cho tôi biết về Thiên Chúa mà bạn tôn thờ”. Do đó, chúng ta hãy đảm bảo rằng chúng ta sống tinh thần phúc âm trong cuộc sống hàng ngày của mình. Chúng ta không chỉ tin một Thiên Chúa hằng hữu, nhưng chúng ta còn tin một Đấng đã yêu thương chúng ta đến cùng cực và chúng ta hãy sống xứng đáng với Tình yêu này.

Tình hình đại dịch Covid vẫn đang hoành hành trên khắp thế giới. Thiên Chúa đã gìn giữ đất nước chúng ta cách lạ lùng, và hôm nay chúng ta có được ngày họp mặt khá đông. Con tin chắc rằng mỗi người chúng ta đã có những cảm nghiệm thật đặc biệt trong thời gian cách ly và giãn cách vừa qua. Một con virut thật nhỏ bé nhưng đã làm tê liệt cả thế giới, đã khiến con người kiêu căng của thế kỷ 21 phải khiêm tốn thừa nhận lại sự hạn chế yếu hèn của kiếp làm người. Chúng ta cảm thấy bất lực khi chứng kiến những người thân của mình phải chết tức tưởi trước mắt chúng ta. Covid đã lấy đi mạng sống của hàng triệu người…

Để phòng chống dịch bênh này, chúng ta được khuyến cáo nên ở nhà và giữ khoảng cách với nhau. Chúng ta đã nghĩ rằng đại dịch sẽ đóng cửa tâm hồn của mỗi người chúng ta lại, sẽ chia cắt chúng ta ngay cả với những người thân yêu nhất của mình.

Chúng ta đang sống trong thế giới kỹ thuật số, chúng ta bước vào thế giới kỹ thuật số với khoảng 4,8 tỷ người chỉ với một cái nhấp chuột (theo các nguồn tin mới nhất về số người sử dụng internet trên thế giới.) Chúng ta có thể hỏi những người đang hiện diện ở đây, trong một ngày chúng ta bỏ ra bao nhiêu thời gian để lướt web, lướt facebook, chat với nhau… lúc đầu con nghĩ chắc chỉ có đám trẻ mới phung phí thời gian trong thế giới ảo này, nhưng con đã sai, đám già cũng mê lắm luôn!

Đức thánh cha Phanxico đã hướng dẫn người trẻ rất hay trong tông huấn Đức Kitô đang sống về thế giới kỹ thuật số, Ngài phân tích rất rõ ràng mặt tích cực và tiêu cực (CV 86-90)

Thế giới kỹ thuật số này bao gồm mọi người từ những nền văn hóa, chủng tộc, giáo phái, tôn giáo khác nhau. Chúng ta phải tạ ơn Chúa về công nghệ kỹ thuật số này đã giúp chúng ta vẫn có thể liên lạc và gần gũi hơn với nhau trong hoàn cảnh Covid này. Hơn thế nữa, nó còn cho phép chúng ta tiếp cận với nhiều người mà chúng ta chưa hề quen biết. Chỉ với một cái nhấp chuột, chúng ta có thể thấy hàng nghìn công việc đầy tình người được thực hiện ở khắp mọi nơi trên thế giới cho chúng ta thấy được phép lạ đang diễn ra trước mắt chúng ta hàng ngày. Điều làm cho chúng ta hãnh diện là những con người đã làm phép lạ xảy ra hàng ngày chính là những thành viên của gia đình Sa-lê-diêng trên khắp thế giới. Họ đang làm những cử chỉ tuyệt vời trong đại dịch Covid này một cách thầm lặng. Những anh chị em nghèo khổ sống xung quanh ta còn rất nhiều. Chúng ta hãy tiếp tục đáp lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Thế giới người nghèo: “Hãy dang rộng đôi tay ra giúp đỡ người nghèo”.

Chúng ta cầu xin Chúa mở mắt để chúng ta có thể nhìn thấy việc lành của những vị thánh “hàng xóm” của mình, những vị thánh lặng lẽ sống âm thầm ngay bên cạnh ta.

Ký ức về TTN 28 vẫn còn sống động trong tâm trí con. Đó là một kỷ niệm rất đặc biệt khi chúng tôi tụ họp lại với nhau từ 134 quốc gia trên khắp thế giới với các nền văn hóa, màu da, hoàn cảnh khác nhau nhưng tất cả chúng ta là một trong Don Bosco, một trong tinh thần Salêdiêng. Chúa Thánh Thần liên kết chúng ta trong một gia đình, một trái tim và một linh hồn.

TTN 28 được diễn ra ở Valdocco. Điều này lại mang đến một ý nghĩa sâu sắc hơn với chủ để của TTN là: “ mẫu người saledieng nào cho người trẻ ngày nay”. Thật vậy, đây là cơ hội cho những tu nghị viên được sống tại Valdocco, mời gọi chúng ta quay trở lại cái nôi của đặc sủng chúng ta, quay trở lại với Don Bosco và trở lại với tinh thần Valdocco.

Chúng ta có thể hỏi chính mình câu hỏi tương tự như thế: “Mẫu người CTV nào cho người trẻ ngày hôm nay?” làm thế nào chúng ta sống ơn gọi của mình một cách thâm sâu hơn, xác quyết hơn, tích cực và cụ thể hơn để chia sẻ sứ mệnh với các Salêdiêng là chăm sóc thanh thiếu niên nghèo và bị bỏ rơi? Cũng chính ở Valdocco chúng ta có mẫu người CTV đầu tiên trong công cuộc đó chính là Mẹ Magarita (mẹ của Don Bosco). Trong những ngày diễn ra TTN, cha Bề Trên Cả đã khánh thành tượng đài mẹ Magarita, một tượng làm bằng đồng, diễn tả mẹ đang đón tiếp 1 em bé mồ côi ngay tại cổng, đứa bé nắm chặt lấy vạt áo của mẹ như muốn nài xin mẹ cho mình được ở lại, tay trái của mẹ đặt lên má của đứa bé diễn tả một tình thương của người mẹ, còn tay kia dang rộng mời gọi em đi vào nhà. Tượng này được đặt ngay dưới nền đất để nói lên hình ảnh của một người mẹ rất gần gũi và thân tình, một người mẹ rất cụ thể và thực tế diễn tả một sự nên thánh rất đời thường, không xa lạ, ai trong chúng ta cũng có thể thực hiện được. Con đường nên thánh của CTV là thế đấy, rất đơn sơ, giản dị,… sống hết tình, hết mình, sống tròn đầy bậc sống của mình với tình yêu Thiên Chúa được thể hiện trong mọi việc hàng ngày mình làm là con đường nên thánh.

Cập nhật thông tin: (Trong những ngày này cha Bề Trên Cả đang ở Torino để khai trương viện bảo tàng “Nhà Don Bosco” đã bắt đầu từ hôm qua và ngày mai là ngày cuối. Viện bảo tàng này lưu giữ những nơi chốn và những kỷ vật từ thời của Don Bosco và Mẹ Magarita: từ những bức tường, nhà bếp, nền nhà và nhiều vật dụng khác được giữ lại để mô tả cuộc sống thực của Don Bosco thời bấy giờ. Các vị đã sống trong hoàn cảnh rất đạm bạc.)

Đôi khi chúng ta nhầm lẫn giữa sứ mệnh với công việc, với hoạt động.

Chúng ta nên nhớ rằng: sứ mệnh là sự đáp lại lời kêu gọi của Thiên Chúa; điều đó phải nhắm đến việc đưa Chúa đến với mọi người, và đưa mọi người về với Chúa, và đưa con người đến sự Sáng tạo để bảo vệ Thiên nhiên.

Ở đây con muốn mở rộng ra một vấn đề đang được Giáo Hội và đặc biệt là Đức Giáo Hoàng quan tâm qua tông huấn “Laudato Si”. Khi chúng ta sống đúng sứ mạng là chúng ta hướng về Đấng Tạo Hoá, và vì thế chúng ta phải có bổn phận cộng tác vào công trình tạo dựng của Ngài, cụ thể là bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường sạch và xanh.

Những hoạt động của chúng ta, những công việc của chúng ta làm, nếu chúng không quy chiếu về Thiên Chúa thì chỉ là lãng phí thời gian. Sứ mệnh cốt ở trong sự mặc khải hình ảnh Thiên Chúa cho người khác.

Tôi có đưa mọi người đến gần Chúa hơn không? Tôi có ý thức và giúp người khác ý thức và tôn trọng thiên nhiên không?

Chiều nay lúc 2 giờ con sẽ có buổi họp online với anh Philip điều phối viên của vùng cùng với các uỷ viên và đại diện của 12 tỉnh dòng vùng Đông Á Châu Đại Dương. Chủ đề : CTV đã đáp trả lời mời gọi của ĐGH qua tông huấn “Laudato Si” (Ngợi khen Thiên Chúa) như thế nào?

Đã đến lúc chúng ta phải đáp trả lời kêu gọi của ĐGH một cách nghiêm túc. Đã đến lúc chúng ta phải suy nghĩ lại, nối kết lại và làm mới lại mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, với anh em và với thiên nhiên.

Để đáp lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng tôi tin rằng đã đến lúc phải Suy nghĩ lại, Kết nối lại, Đổi mới lối sống, mối quan hệ của chúng ta với Chúa, với người khác và với thiên nhiên.

Quý anh chị CTV rất thân mến, con xin thêm một tính từ đứng sau chữ “CTV”: CTV thân thiện môi trường, Với đặc tính trần thế của mình, sự hiện diện của các anh chị CTV trong sứ mạng DB, nơi mình làm việc hàng ngày, và giữa thế gian, các anh chị có một sự hiệp thông mật thiết và sự thuộc về gia đình Saledieng. Các anh chị cam kết dấn thân phục vụ giới trẻ nghèo và bị bỏ rơi. (Khoản 6 của Kế hoạch đời sống)

Và khoản 16 nhắc nhở chúng ta phải là ánh sáng, là muối men cho đời.

Xin kính chúc quý anh chị sống tròn đầy ơn gọi là saledieng giữa đời, là hình ảnh và là dấu chỉ của Tình Yêu Chúa cho mọi người xung quanh, đặc biệt là cho giới trẻ nghèo và bị bỏ rơi.

Thêm vài ý cụ thể về việc tổ chức:

  • Thông tin: biết dùng những kỹ nghệ thông tin để liên kết với nhau giữa các levels (địa phương, tỉnh, vùng, thế giới) có những HV ở rải rác, trung tâm xa cộng thể SDB…
  • Tăng sự thuộc về gia đình Saledieng của mỗi thành viên
  • Làm trẻ hoá thành viên CTV, thu hút và mời gọi người trẻ tham gia.
  • Tính tự lập

 Sư huynh Đaminh Nguyễn Đức Nam

(Đặc trách CHV và CTV Thế giới)

 

Visited 4 times, 1 visit(s) today