Bài chia sẻ của Tư giáo Giuse Trần văn Lịch, hội viên Việt Nam đang làm việc truyền giáo vùng Amazon ở Brazil

Làm việc truyền giáo giữa giới trẻ và đồng bào sắc tộc nghèo khổ khiến tôi cảm thấy mình là một tu sỹ Salêdiêng cách sâu xa hơn.

Tôi đặt chân đến Brazil vào cuối năm 2014 để làm tập vụ. Hiện nay, sau 3 năm tập vụ, tôi bắt đầu chương trình học thần học tại thủ đô Sao Paolo. Trong suốt 4 năm qua, tôi đã đi qua nhiều nơi, đã tiếp cận nhiều nền văn hóa khác nhau và cũng đắc thủ cho mình một số kinh nghiệm. Tôi xin chia sẻ đôi điều với các bạn.

Khi vừa tới Brazil, tôi được sắp xếp để ở tại cộng thể nhà tỉnh trong 2 tuần lễ. Sau đó, tôi được chuyển về làm việc trực tiếp giữa các thổ dân ở vùng truyền giáo. Vào lúc đó, tôi không biết một chút gì về tiếng Bồ đào nha hoặc thổ ngữ Xavante, loại ngôn ngữ riêng của sắc dân vùng này. Tôi đến giữa họ như một người vừa câm lại vừa điếc, vì tôi không hiểu họ nói gì và tôi cũng không thể nói để họ hiểu. Dẫu sao, tôi biết một chút tiếng Anh, và bắt đầu năm tập vụ giữa các học sinh, những em không biết sử dụng Anh ngữ cũng như tiếng Bồ đào nha. Tôi đã trải qua 1 năm rưỡi trong tình trạng khó khăn như thế. Tuy nhiên, tôi cảm thấy đó là một vùng đất hứa, để tôi sống và làm việc giữa những bạn trẻ nghèo khổ nhất. Tôi mong muốn sớm kết thúc chương trình thần học hiện nay để có thể trở về sống với các bạn trẻ thân thương của tôi.

Tôi phải học một lúc 2 nền văn hóa khác nhau, văn hóa Brazil và văn hóa của thổ dân Xavantes. Thổ dân Xavantes chỉ là một nhóm dân tộc thiểu số vùng Amazon. Nhiều lúc tôi bị cám dỗ muốn quay về Việt nam, nhưng sau khi đã cầu nguyện và suy nghĩ chín chắn để phân định ý Chúa, tôi quyết định ở lại. Sau khi quyết định như thế, tôi quyết tâm phải học cho bằng được thổ ngữ mới lạ này để làm việc truyền giáo cách hiệu quả hơn. Tôi tìm kiếm một vài công việc để làm cũng như để cùng vui chơi với các bạn trẻ, và dần dần tôi cảm thấy có nhiều tiến bộ.

Tôi đã trải qua những giây phút tuyệt vời khi có dịp được chung sống giữa thổ dân bản địa. Ví dụ, có lần tôi được tham dự một lễ hội dân gian của người da đỏ, tiếng địa phương gọi là lễ hội ‘Wai-a’. Họ tổ chức lễ hội cứ 15 năm một lần và dân chúng tỏ ra rất phấn khích. Tôi cũng sống chan hòa với họ và chung chia niềm vui với họ trong dịp lễ hội này.

Sau khi cùng múa nhảy và ca hát với họ giữa trời nắng chang chang, chẳng có áo sống trên người, tôi cảm thấy mệt lả nhưng rất vui. Tôi ở lại với các bạn trẻ cho đến 4 giờ chiều, và cảm nhận ra rằng Chúa muốn tôi sống cuộc sống giống như họ và cuộc sống như thế quá tốt lành.

Sau thời gian sống tại ngôi làng của những thổ dân Xavantes, tôi được gửi lên thành phố ở khu Mato Grosso để tham dự khóa học tiếng Bồ đào nha, cũng như để trợ giúp một vài công tác xã hội. Tôi học khá tốt tiếng Bồ đào nha của người dân Brazil. Tuy nhiên, đây là thời gian tôi cũng phải làm việc cật lực để phụ giúp các công cuộc bác ái xã hội mà các anh em Salêdiêng đảm nhận, từ Thứ Hai đến Thứ Sáu hằng tuần, buổi sáng từ 7 giờ rưỡi đến 11 giờ trưa, buổi chiều từ 1 giờ đến 5 giờ chiều. Vào các ngày Thứ Bảy và Chúa nhật, tôi còn phải lo thêm công việc nguyện xá. Tôi theo học tiếng Bồ đào nha, mỗi tuần 3 ngày, từ 5g30 chiều tới 7 giờ tối. Nhiều lúc tôi cảm thấy rã rượi vì quá mệt mỏi, nhưng tôi nghĩ rằng cuộc sống Salêdiêng cần phải như thế, phải tất bật suốt ngày và không có thời giờ để nghỉ ngơi. Don Bosco đã làm gương và đã dạy bảo các con cái của Ngài như thế.

Trong thời gian đi tập vụ, tôi đã học được rất nhiều điều từ các bạn trẻ. Các bạn không chỉ dạy tôi về ngôn ngữ, nhưng đặc biệt dạy tôi biết cách mở rộng cõi lòng. Nhiều em thường đến hỏi tôi ‘Thầy có gì cần để con giúp ?’ hoặc các em ấy nói ‘Thầy có cần gì không ?’. Ngay cả khi được chia một vài công việc mục vụ, các em cũng mời tôi cùng tham gia. Đây là sắc nét đặc thù của các bạn trẻ thổ dân ở vùng này, một đặc nét rất cao đẹp. Ngoài ra, các bạn còn biết phát huy nhiều sáng kiến. Tôi đã gặp một vài em trợ giúp các bạn mình bằng cách lôi kéo các bạn ấy trở về sinh hoạt với nhóm để được các anh em Salêdiêng đồng hành.

Năm nay, tôi đang trải qua năm thứ hai tại cộng thể đào luyện ở Sao Paolo. Đây là cộng thể đa văn hóa rất rộng lớn với nhiều nền văn hóa khác nhau, có các anh em Việt nam, và có cả những anh em đến từ Indonesia cũng như từ nhiều vùng trong nước Brazil. Điều này khiến cuộc sống Salêdiêng của anh em chúng tôi trở nên rất phong phú. Tôi đã học được những sắc nét đặc thù của nền văn hóa Brazil từ những anh em hội viên gốc Brazil. Tuy nhiên, cuộc sống ở đây cũng đầy thách đố. Cộng thể gồm nhiều hội viên, nhưng rất khó để kiếm được một người bạn thân thiết, hiểu mình và đồng cảm với mình. Nhiều khi tôi thấy rất cô đơn, vì các anh em mỗi người ở một phòng riêng. Anh em chỉ gặp nhau trong giờ ăn hay trong các giờ cử hành phụng vụ.

Hiện nay, trong những năm học thần học, chúng tôi cũng tham gia vào các việc tông đồ cũng như các sinh hoạt tại giáo xứ. Từ năm ngoái, tôi đi giúp nguyện xá vào các ngày Thứ Bảy và Chúa nhật. Có 170 em đến sinh hoạt vào ngày thứ Bảy, còn ngày Chúa nhật, các em đến đông hơn, khoảng 200 em. Tôi rất thích vui chơi với các em tại nguyện xá, vì các em ở đây rất nghèo. Được sống giữa các em, tôi cảm thấy mình là một tu sỹ Salêdiêng đúng nghĩa, và đó chính là ơn gọi của tôi.

Khi tôi viết những dòng chia sẻ này, tôi có dịp ôn lại cuộc sống thánh hiến Salêdiêng của tôi. Điều cuối cùng tôi muốn nhắn gửi đến các anh em Salêdiêng trẻ tại miền EAO một điều, liên quan đến tinh thần truyền giáo. Đó là, trước hết chúng ta cần phải trở nên Salêdiêng một cách đích thực hơn. Kế đến, chúng ta hãy kiến tạo cho mình một niềm vui mang tính Salêdiêng một cách sâu xa. Niềm vui đó ở sâu tận nơi tâm hồn chúng ta, khi chúng ta biết sống kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu. Niềm vui ấy giống như một nụ cười rạng rỡ trên đôi môi bên ngoài, nhưng nó phát nguồn cách sâu xa từ sâu tận trong cõi lòng. Chúng ta đem niềm vui đó đến cho các bạn trẻ, giúp chúng vượt thắng những khó khăn và thách đố trong cuộc sống. Cuộc sống nào cũng có khó khăn nhưng luôn hàm ngậm niềm vui, và chúng ta cần biết cách kiến tạo niềm vui đích thực cho chính mình.

Văn Hào, SDB chuyển ngữ


Visited 1 times, 1 visit(s) today