Kể gì khi chúng ta nói về chuyện ma…?
Có!
Chúng tôi đã háo hức rủ nhau đi xem phim “Ác quỷ ma sơ”. Vì sao lại háo hức? Bởi vì chúng tôi đang trên tiến trình để trở thành ma sơ. Là người xem phim, tôi tự phản tỉnh với một suy nghĩ đơn giản: mình có phần “ma sơ” lớn hơn hay phần “ác quỷ” lớn hơn? Câu hỏi có vẻ vô thưởng vô phạt nhưng nó đeo bám tâm trí tôi từ ngày bước chân vào Dòng – Tôi đã sống để trở thành một “ma sơ” hay trở thành một con quỷ đội lốt ma sơ?
[Bài viết có tiết lộ nội dung phim, bạn cân nhắc khi xem – Khuyến cáo xem phim trước khi đọc]
“The Nun” là một phim mua bản quyền chuỗi phim “Conjuring/Annabelle” của hãng Warner Bros. Phim gây ra nhiều tranh cãi trái chiều trong giới làm phim. Đây là một phim kinh dị kinh điển với các cảnh quay đẹp, góc máy đa dạng, và xử lý hậu kỳ công phu, chưa kể đến việc các thông tin về tôn giáo được cân nhắc khá chu đáo khi được lồng ghép vào phim. Tuy nhiên, phim cũng bị đánh giá đi theo lối mòn dàn dựng kinh điển của thể loại phim kinh dị như tận dụng âm thanh tối đa, sử dụng các mảng tối để tạo hiệu ứng, các nhân vật ẩn hiện, lướt đi, đột ngột xuất hiện hoặc biến mất, và cả bạo lực.
Tôi không mời bạn bình luận về kỹ thuật điện ảnh của phim, nhưng mời bạn ngồi xuống, nhâm nhi tách trà, dùng miếng bánh, và chia sẻ về thông điệp mà phim gởi gắm đến người xem, dưới mắt nhìn của tín hữu theo Chúa. Có thể bạn đồng ý hoặc chưa đồng ý, vậy chúng ta cùng thảo luận.
1. Ở những cảnh quay ban đầu, để giới thiệu nhân vật “Sơ Irene”, người xem nhìn thấy một nữ tập sinh trẻ, yêu thích đặc sủng giáo dục của mình. Chị đặt cả tình yêu vào việc giảng dạy, vượt ra khỏi khuôn mẫu dành cho nữ tu vào thời đại đó, hoặc ít nhất là nguyên tắc giáo dục của Hội Dòng. Vậy nên cái hắng giọng và lắc đầu không hài lòng của Sơ Bề Trên khi gọi chị ra đã như là một tín hiệu quen thuộc. Tôi nhặt ra hai điều để suy nghĩ.
a. Thứ nhất, Thiên Chúa mong muốn một nữ tu đạo mạo, lạnh lùng, chuẩn mực hay Ngài muốn một nữ tu vui tươi, nhiệt huyết, và tràn ngập tình yêu? Dĩ nhiên với đặc sủng giáo dục, người nữ tu cũng cần có trong mình sự mô phạm cần thiết, nhưng trên hết, có lẽ tình yêu thì cần hơn.
b. Thứ hai, tôi lưu tâm đến tiếng “ồ” nho nhỏ của bọn trẻ khi Sơ Bề Trên hắng giọng nhắc nhở Sơ Irene. Con người được dựng nên với sự bén nhạy nhất định trước các sự việc xung quanh, và trẻ con, dù đơn sơ vẫn rất nhạy bén với thái độ của người lớn. Chẳng vậy mà người ta bảo trẻ con có thể cảm nhận được ai thương nó thật lòng qua thái độ, cử chỉ. Tôi cho rằng, Sơ Bề Trên đã không đủ khéo léo trong việc nhắc nhở chị, có thể chị chưa đúng, nhưng việc “thị uy” chị trước mặt các đối tượng phục vụ có lẽ không phải là một hành vi khôn khéo. Vậy, đã bao nhiêu lần chúng ta vì những điều mình tin là đúng, đã làm tổn thương, hạ thấp danh dự những người cộng sự của mình?
Ngay từ những trắc trở ban đầu của cuộc hành trình khám phá về vụ tự tử của một nữ tu tại một đan viện, Irene liên tục bị chất vấn về việc “khấn” và “chưa khấn”. Vì sao lời khấn quan trọng? Người ta nói, lời khấn là một “hợp đồng” tự nguyện của đương sự với Thiên Chúa, qua đó, người ta xác nhận sự dâng hiến trọn vẹn và dấn thân tuyệt đối vì Chúa và cho dân Ngài. Nói như vậy không có nghĩa là những ngày tháng trước khi khấn là bỏ đi, chính Irene cũng đã nói “đây là giai đoạn chuẩn bị cho một sự dâng hiến hoàn toàn”. Lời khấn không phải là điểm kết thúc, nhưng là một bước ngoặc cho một hành trình lớn hơn, dài hơn, xa hơn với Thiên Chúa. Chẳng vậy mà trước khi bắt đầu trận chiến cuối cùng với Valak, Irene đã xin cha Anthony Burke được tuyên khấn “I would like to take my vows”. Tôi nghĩ đó là một câu thoại đẹp của phim, bởi Irene chọn theo Chúa trọn vẹn lúc đối mặt với hiểm nguy chứ không phải lúc an ổn trong tu viện. Chính lúc đối mặt với một thế lực đen tối chị không hiểu được thì chị vẫn xác tín vào sự bảo bọc của Chúa và dâng lên Ngài những bước chân trong đêm của mình.
2. Daniel – cậu bé bị quỷ ám – bóng ma quá khứ của linh mục Anthony Burke. Cậu bé chết vì những tổn thương không thể tránh khỏi trong quá trình trừ tà từ nhiều năm về trước, và vị linh mục đã mang theo mình cái chết của cậu bé như một sự dằn vặt. Chính vị linh mục đã không thể tha thứ cho chính mình về sự ra đi của cậu bé, chẳng vậy mà con quỷ đã dùng bóng ma quá khứ này để làm vị linh mục kiệt sức trước khi đối đầu với nó. Daniel xuất hiện, oán thán, trách móc, gợi lại một mặc cảm tội lỗi vốn bị vùi lấp trong tâm trí vị linh mục. Tôi cho rằng không phải Valak làm cho Daniel xuất hiện nhưng chính cha Anthony đã không thể để cho mình được chữa lành. Chúng ta cũng vậy, con người có xu hướng trốn tránh, chôn vùi những bóng ma quá khứ hơn là đối diện và đối thoại với nó. Chúng ta chọn cách lãng quên và không nhắc tới những điều làm ta đau đớn, mặc kệ cho vết thương mưng mủ và rỉ máu hơn là đau đớn sát trùng rồi băng bó nó và để cho nó được chăm sóc đến khi lành hẳn. Bạn chọn cách đau đớn chạm vào vết thương để được chữa lành hay bỏ mặc nó tự lành nhưng thỉnh thoảng vẫn sẽ đau nhức hoặc không ngừng mưng mủ?
3. “Mary points the way”. Các nhà truyền thông Công Giáo đánh giá cao chi tiết này của phim. Đây là một trong hai chi tiết được cho là đúng với thần học. Đức Mẹ là người chỉ đường cho chúng ta theo Chúa và chống lại cái ác. Người Việt Nam cũng đã có kinh nghiệm này qua biến cố tại La Vang hay Trà Kiệu và nhiều biến cố cá nhân khác. Nhìn lại dòng lịch sử Giáo Hội, không biết bao nhiêu lần Đức Mẹ xuất hiện như một ngôi sao chỉ đường, như một người mẹ bảo bọc chính con cái của mình khởi đi từ chính lời dặn của Chúa Giêsu khi Ngài trao phó Giáo Hội trong tay mẹ.
Bạn có thắc mắc vì sao khi các Sơ quy tụ trong nhà nguyện và đọc kinh để chống lại ma quỷ và nỗi sợ, thì lời kinh mà các Sơ đọc là kinh Kính Mừng (bằng tiếng Latin) mà không phải là Kinh Lạy Cha, Kinh Tin Kính, Kinh Sáng Danh, hay một kinh nào khác? Có thể có nhiều lý giải khác nhau mang tính thần học hay với các hiểu biết khác về Kinh Thánh và Giáo Hội, nhưng với những hiểu biết đơn sơ của tôi rằng: Kinh Kính Mừng ngắn và dễ đọc (khi bạn sợ hãi, những lời kinh càng đơn giản càng dễ đọc); và vì Mẹ đã hứa với con cái rằng Mẹ sẽ bảo vệ chúng ta và sẽ cầu nguyện cho chúng ta. Qua gương các thánh, chúng ta dễ dàng nhận ra hình bóng Mẹ như một Người Bảo Vệ. Thánh Catherine LaBoure được Đức Mẹ mạc khải vẽ nên huy hiệu Đức Mẹ ban ơn để yêu cầu các tín hữu sám hối và cầu nguyện để được cứu rỗi; Thánh I-nhã dâng mình và bắt đầu hành trình hoán cải trước mặt Đức Mẹ; thánh Raphaela Mary Porras dâng mình và chọn sống tận hiến cho Mẹ vào ngày Thiên Thần truyền tin; Thánh Maximillian Kolbe dâng mình cho Đức Mẹ và được Đức Mẹ gìn giữ ngay cả bị biệt giam tuyệt thực và đưa vào phòng hơi ngạt (tương truyền rằng chính Đức Mẹ đã đến đón ngài vào lúc ngài trút hơi thở cuối cùng); Thánh giáo hoàng Gioan Phaolo II được Đức Mẹ đỡ khi bị ám sát…. Rất nhiều những bằng chứng trong lịch sử Giáo Hội cho thấy Mẹ đã ra tay chở che con cái Mẹ.
4. Một chi tiết rất nhỏ, khi Irene ngồi nói chuyện với sơ Oana trong phòng, một nữ tu khác đã bước vào và cắt ngang câu chuyện, yêu cầu Irene hãy rời khỏi đây, nhưng sau đó thì sơ Oana nói “muộn rồi, đã hoàng hôn, cổng đã đóng”, vị nữ tu kia quay mặt đi và rơi nước mắt. Tôi đã không hiểu giọt nước mắt đó. Tôi đã đoán đó là một giọt nước mắt cảm thán vì tội nghiệp cho một cô gái sắp phải trải qua đêm kinh hoàng cùng các chị em vốn đã quen với sự căng thẳng hàng đêm khi bóng tối bao phủ và ma quỷ hoành hành. Nhưng sau đó, bộ phim hé mở, các nữ tu mà Irene gặp gỡ và trò chuyện cách chân thật đều đã chết và đó chỉ là một loại ảo giác (hoặc thị kiến) mà Irene có; tôi nghiệm ra chúng ta thuộc về một Giáo hội hiệp thông; Hiệp thông không chỉ ở phương diện những người còn sống và đang đi trong cuộc lữ hành trần thế mà còn hiệp thông giữa những người còn sống và những người đã qua đời. Có lẽ đó là giọt nước mắt vì nhận ra một cô gái trẻ sắp chịu chung số phận với mình; có thể giọt nước mắt xót xa, nuối tiếc, ân hận… Chính (linh hồn) Sơ Oana đã cứu Irene khi cô lạc lối trong hầm. Chính (linh hồn) Sơ Oana đã dặn Irene rằng hãy cầu nguyện, dù nghe thấy gì, hay bất cứ chuyện gì xảy ra hãy cứ nhìn lên Thánh giá và không được dừng cầu nguyện. Tôi đã có một cái nhìn khác về những người đã qua đời. Bạn thì sao? Bạn sẽ cầu nguyện cho họ trong giờ cầu nguyện hằng ngày chứ?
5. Các nhà bình luận phim cho rằng “The Nun” có nhiều lời cầu nguyện hơn bất kỳ phim Công giáo nào. Tôi cho là rất đúng. Bạn hãy đếm xem đã có bao nhiêu lần các nhân vật trong phim làm dấu Thánh giá? Bao nhiêu lời nguyện ngắn, tự phát được dâng lên? Bao nhiêu lời kinh được lặp đi lặp lại? Bao nhiêu những lời kinh công thức được đọc lớn tiếng? Cuối cùng, sơ Irene và cha Anthony đi được đến giây phút cuối của cuộc chiến với Valak, không phải bởi sức riêng của họ, mà là ở sức mạnh của lời cầu nguyện và sự đáp trả của Thiên Chúa qua một chuỗi dẫn dắt và dấu chỉ của Ngài.
Tôi vốn là đứa nhát gan, lúc nhỏ hay sợ ma, nên mỗi lần sợ thì nhắm tịt mắt lại và đọc liên tục lời kinh tắt “Giêsu, Maria, Giuse con mến yêu xin cứu rỗi các linh hồn”. Bằng cách lặp đi lặp lại cho đến khi ngủ thiếp đi. Tôi đã trằn trọc đi qua những đêm sợ toát mồ hôi.
Chính vì vậy, khi xem phim, hòa cùng nỗi sợ của nhân vật, tôi cảm nhận được sức mạnh của lời cầu nguyện và việc bám víu vào Chúa qua lời cầu nguyện như Irene đã làm, dù lắp bắp, dù có ảo giác bị đánh, bị xé áo, chị vẫn nuốt nước mắt và liên lỉ đọc kinh. Thiên Chúa không bỏ con cái Ngài khi nó an ổn. Vậy thì Ngài lại càng không thể bỏ qua đứa đang khóc lóc đòi bế.
6. Cuối cùng, kịch bản cho biết rằng, một nhà quý tộc yêu thích sự dữ đã dành nhiều giờ để luyện và kêu gọi Valak lên trong chính lâu đài này, các hiệp sĩ Giáo Hội đã chặn đứng việc này bằng việc phong ấn cánh cửa nơi Valak “chui lên” và rảy nước thánh cùng với việc đưa một cộng đoàn các Sơ dòng kín đến ở, với niềm tin rằng các lời cầu nguyện liên lỉ của các Sơ sẽ giữ cho nơi này linh thiêng. Nhưng rồi chiến tranh đến, bom đạn tàn phá một phần tòa lâu đài khiến cho con quỷ này tìm được một con đường khác thâm nhập vào thế giới.
Tạ ơn Chúa, ma quỷ ngày nay không bước vào thế giới theo bất kỳ cánh cổng nào mà nhãn quan con người có thể nhìn thấy được. Nhưng tôi cho rằng, đây là một điểm thú vị để chúng ta nói đến. Chính con người đã mời gọi ma quỷ đến trong thế giới của mình bằng những tham lam, đố kị, và ích kỷ của mình. Chúng ta không trục ma quỷ (dĩ nhiên có một số giáo phái thờ satan thì không bàn đến trong phạm vi bài viết này), nhưng chúng ta tạo ra chiến tranh. Chúng ta không bảo ma quỷ hãy thống trị thế giới đi, nhưng chúng ta tìm cách đẩy Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của mình. Và đó là lúc ma quỷ giành lấy ngai của nó. Chúng ta không dành thời giờ để nghiên cứu về ma quỷ, nhưng chúng ta từ chối chia sẻ cuộc đời của mình với Thiên Chúa. Và đó chính là khi ma quỷ len lỏi vào cuộc sống của mình. Chúng ta không giết người để tạo ra các loại bùa chú để thỉnh ma quỷ đến như vị quý tộc kia, nhưng chúng ta từ chối giúp đỡ những anh chị em của mình. Và đó cũng là lúc chúng ta ngã vào bẫy của ma quỷ.
Chúng ta không chọn ma quỷ như cách vị quý tộc kia chọn Valak, nhưng bằng việc chối bỏ sống các giá trị Tin Mừng. Chúng ta đã chọn ma quỷ thay vì phó thác cuộc đời mình trong bàn tay của một Người Cha yêu thương.
“The Nun” có lẽ không quá thành công về mặt kịch bản kinh dị và chinh phục được các fan hâm mộ thể loại kinh dị, nhưng tôi cho rằng phim đã rất thành công trong việc truyền tải những giá trị Công giáo, mà qua đó, người xem phải dừng ít phút để phản tỉnh lại chính đức tin của mình.
Để kết, tôi cho rằng các chị nữ tu ở tu viện Carta nọ bị khô khớp nên mới có kiểu bẻ cổ bẻ tay rôm rốp như vậy. Tôi mạo muội gợi ý cho chị quản lý là nên tăng cường món đậu bắp luộc hoặc rau đay hoặc rau mồng tơi để cải thiện sức khỏe chị em.
Nữ Tỳ Tập Sự
(Dòng Nữ Tỳ Thánh Tâm Chúa Giêsu – ACI)