- Này, nguyên có một mùa nghỉ tết Nguyên Đán năm này đã có tới sáu ngàn vụ ẩu đả lận. Ghê quá!
- Có gì mà ghê! Bây giờ người ta không giết lẻ tẻ nữa, mà giết sỉ không hà.
- Ừ há! Vụ nào cũng cả bày, cả bày.
- Một bàn tay rơi xuống. Hộp sọ nứt toác… trước đây làm tao sợ chứ giờ nghe quen rồi. Thường thôi!
Tất cả những sự kiện được nêu trên báo chí không còn là hiện tượng xa lạ. Ngày hôm nay, thế giới người lớn và thế giới trẻ em không khác nhau là mấy. Cả hai đều chung một điều là có quá nhiều những bạo lực và chúng thường xuyên xảy ra. Nhìn vào thực trạng xã hội chúng ta nhìn thấy rõ một điều là sự hung hãn nơi người Việt đang gia tăng. Ngay cả cha mẹ cho dù rất để ý cũng khó lòng tránh những phút bực mình, dẫn đến cư xử bạo lực.
Chưa lúc nào người ta mong ước có được sự bình an như bây giờ, và có lẽ cũng chưa lúc nào mà người ta dễ mất bình an như lúc này. Vấn đề là làm thế nào để giáo dục về yêu thương để có thể sống an bình trong một bầu khí nặc mùi giận dữ hằn học đang vây buở con người hôm nay?
Con chó trước gương
Có con chó to lớn đi lang thang hết chỗ này đến chỗ khác, cuối cùng, nó chạy vào một cái phòng bốn bề đều lắp kính. Ngước mắt lên, nó giật mình khi thấy chung quanh mình là những con chó to, lực lưỡng đang nhe nanh như muốn đe doạ nó. Tự nhiên, con chó cảm thấy cơn tức giận dâng lên, nó bắt đầu nhe răng, hầm hè đe doạ. Tất nhiên, mọi con chó trong gương có cùng một phản ứng đó. Chúng đều nhe răng gầm gừ.
Thấy thế, con chó càng căng thẳng và hung hãn hơn, nó quay vòng vòng và tự vệ khỏi sự tấn công của các con chó khác. Sau cùng, cảm giác bất an, yếu thế và bị đe doạ càng tăng, đến độ không chịu nổi, nó lao tới cắn xé một trong những con chó đang hầm hè đối mặt với nó.
Cuối cùng, nó nằm vật xuống đất, thân mình bê bết máu vì cuộc ẩu đả thảm khốc đối đầu với địch thủ trong gương. Mệt mỏi, nó lim dim đôi mắt nhìn đối thủ thì thấy những đối phương cũng hiền hoà nhìn nó. Cao hứng, nó giương đuôi lên vẫy vẫy, quả thật những con chó khác cũng vẫy đuôi thân thiện chào nó.
Và chắc chắn, tiếp theo sau đó sẽ là “cuộc gặp gỡ” đầy hân hoan giữa con chó và hình ảnh của nó!
Nơi sinh ra bình an
Câu chuyện “Con chó trước gương” phản ánh một sự thật rất thường nơi tâm lý con người. Thì ra những gì con người phản ứng không hề khách quan như ý nghĩa mà vật thể mang mặc, nhưng cách thức phản ứng ấy lại như tấm gương trình bày chính thế giới bên trong của chủ thể.
Khi tâm hồn ai đó bình an, thì cách nhìn nhận của họ về thế giới thật trung dung, hiền hoà. Khi tâm hồn ai đó gợn sóng, thì làn sóng ấy được phóng chiếu trên mọi sự, và lúc ấy, mọi sự vật đều trở nên hung hãn, ghi dấu cơn sóng dữ. Chẳng thế mà người ta nói: Khi ai đó nhìn nhận một vấn đề, họ sẽ nhận định qua tấm gương kinh nghiệm của chính mình: Tâm hồn bình an hắt bóng an bình; tâm hồn dậy sóng hắt bóng cuồng phong.
Sự an bình tuỳ thuộc vào từng người, lớn cũng như nhỏ. Ai để cho tâm hồn mình bị hận thù, bạo lực lấn át sẽ chẳng bao giờ sản sinh được niềm bình an đích thực, ngược lại, tâm hồn ấy chỉ sinh ra gai góc, bất công và ganh ghét, và tất nhiên, nó sẽ mở ra con đường của bạo lực và chết chóc.
Do vậy, bình an được sinh ra từ cõi lòng, từ tâm hồn con người. Muốn được bình an, hãy nuôi dưỡng an bình.
Hãy nuôi dưỡng niềm bình an
Nhà thơ của các trẻ nhỏ tên Issac Watts viết:
Các bạn hãy để những con chó
giải trí bằng việc sủa và đớp
bởi Thiên Chúa đã dựng nên nó như thế.
Bạn hãy để loài gấu và sư tử chiến đấu
trong cuộc giằng xé khốc liệt,
vì đó là bản chất của chúng.
Nhưng các bạn nhỏ, trong lòng các bạn
không có niềm đam mê hung dữ
đôi tay nhỏ bé của bạn không được dựng nên
để làm nước mắt rơi từ khoé mắt của người khác.
Vẫn biết con người “nhân chi sơ tính bản thiện”, nhưng con người cũng ý thức về mặt tối tồn tại trong chính bản thân, được hình thành từ bản năng, từ những dồn nén, tính khí và cả những thói quen xấu. Những thứ này nếu không được kiểm soát sẽ gây ra những tai hoạ khôn lường.
Một lý do sâu xa khác làm lòng người ta không ổn là bởi chỉ có hình bóng của mình với những quyền lợi, và hậu quả là khước từ sự hiện diện của người khác: coi tha nhân như địa ngục, như người giành giật lấy hạnh phúc của mình. Con người không nuôi dưỡng sự yêu thương, lòng họ biến thành sa mạc. Sự hung hăng, nóng giận, thiếu kiềm chế, hành động thiếu suy nghĩ, coi thường hậu quả nguy hiểm, đánh mất khả năng liên đới… là hoa trái cụ thể của thửa đất cõi lòng này.
Để trở nên người trưởng thành, mỗi người cần phải kiểm soát được những thúc đẩy bên trong mình, chỉ như thế họ sống hạnh phúc với chính mình và người khác. Một cách cụ thể hơn, hãy luôn nuôi dưỡng những ý tưởng cao thượng, lối suy nghĩ tích cực, cách phán đoán nhân từ và luôn lạc quan trong mọi tình huống. Đồng thời, kiên quyết gạt ngay những tư tưởng tiêu cực, lối đánh giá kiểu chỉ trích, động cơ xấu trong hành động.
Tắt một lời, đó là hãy “nghĩ hay, nói tốt, làm lành”, bởi người hưởng hoa trái ấy đầu tiên là chính bạn chứ không ai khác. Hãy để tâm hồn bạn trở thành một thửa đất sinh hoa trái bình an.
– Thực trạng về đời sống nơi bạn trẻ, đặc biệt xã hội hiện tại. Người ta nhận định rằng hình như ngày nay sự hung hãn nới người Việt Nam gia tăng.
– Giá trị được đề xuất từ các nhà giáo dục: những thực hành cụ thể để giúp bạn trẻ có khả năng đánh giá bản thân và chỗ đứng của người khác. Biết tôn trọng quyền lợi của anh em và làm chủ chính mình. Làm sao để có nghị lực giúp tránh xa những sai lầm do tính bốc đồng, hay việc dễ sa ngã do thiếu suy nghĩ, thiếu kiềm chế; giá trị, và sức mạnh của sự tha thứ; đi tìm niềm vui đích thực với niềm “hoan lạc trong Thánh Thần”; niềm vui Phục sinh,…
Bài viết: Sa mạc xanh