Có một lời bài hát làm tôi suy nghĩ: “Và con tim đã vui trở lại, tình yêu đến cho tôi ngày mai…”. Lời hát ngắn này chất chứa nhiều tâm trạng: buồn, vui và hy vọng. Niềm vui trở lại mang tên niềm vui của sự tha thứ. Không biết có lần nào bạn “nghiệm ra” rằng trong đời mình có những niềm vui rời bỏ ta ra đi, lại có những niềm vui quay trở về; có niềm vui đã mất nay lại tìm thấy, có con tim cô đơn khô cằn đã chết nay sống lại?
1. Có lần nào con tim buồn?
Có lẽ ai trong chúng ta cũng đã có lần “lê bước” về nhà với tâm hồn nặng trĩu cùng nỗi lo lắng, buồn phiền vì một điều gì đó mình làm không tốt hay đã để lại dấu ấn xấu; ta ray rứt vì những điều đúng ra mình phải làm “ngon lành” hơn, nhưng kết quả lại cho thấy là “rất tệ”.
Biết bao lần tôi chứng kiến các cô cậu học trò vẻ mặt lấm lét, bất an khi cầm trên tay cuốn Sổ liên lạc với hạnh kiểm và điểm số yếu kém mà phải trình diện ba mẹ. Biết bao chàng trai cô gái không dám nói cho cha mẹ hay về tình yêu, về công việc của mình khi “có một chút vấn đề nào đó” đã và đang xảy ra, mà trước đó họ đã lỡ báo tin là “Mọi chuyện đều ổn cả! Ba mẹ yên tâm!”.
Lo âu, bối rối nơi mỗi người không cùng mức độ như nhau. Ở mức độ nhẹ thì sự lo lắng ấy sẽ qua khi người ta nói ra được vấn đề của mình cho một ai đó và được cảm thông. Nhưng cũng có những sự việc, vấn đề đã xảy ra mà mức độ nghiêm trọng hay hậu quả mà điều đó để lại (xét ra không đúng, không tốt, không hợp lý, không hợp tình) sẽ khiến người ta bị trăn trở, suy nghĩ nhiều hơn, có khi phải ăn năn, sám hối cả cuộc đời.
Đúng thế, gánh nặng trong tim kiểu ấy nhiều lần thôi thúc người ta đi tìm sự tha thứ để cho lòng mình nhẹ nhàng hơn. Chúng ta cần sự tha thứ lắm chứ! Sự hối hận hay cảm thức “bị cắn rứt” khiến cho lương tâm ray rứt và gây nơi chúng ta cảm giác bất an. Việc ăn năn hoặc thống hối đánh dấu một giai đoạn quyết liệt trong bước đường sám hối, làm lại cuộc đời, tìm lại sự bình an. Đó là lúc người ta nghĩ đến đồng thời tình trạng bản thân mình – về những điều mà mình đã làm và cảm nghiệm sự bất an, và hậu quả mình có thể gây ra cho người khác.
Như một sinh viên ở lại lớp, khi hối hận, tôi cảm thấy buồn vì mình đã không qua được các kỳ thi, đã phí thời gian vì ham chơi; và lúc đấy tôi cũng sẽ nghĩ ngay đến “tình hình mẹ cha”: chắc chắn họ sẽ buồn lắm vì mọi thứ đầu tư cho tôi không thu được kết quả như lòng mong ước. Biết nghĩ đến điều ấy, người ta bắt đầu tìm được động lực để vươn lên, biết xin lỗi, biết đổi mới và thay đổi cuộc sống của mình sau đó.
2. Lời tâm sự riêng với dân “con nhà có đạo”!
Các bạn trẻ là người Công giáo cũng có thể hiểu thêm rằng trong khoé nhìn mang tính đạo đức kitô giáo, lòng ăn năn sám hối được biểu hiện qua hai thái độ: Thứ nhất, đó là lòng khiêm nhường nhìn nhận thân phận và trạng thái khốn cùng của chính mình (Con đắc tội với Chúa – 2Sm 12, 13; Tv 50, 5-6); kế đến, đó là niềm cậy trông nơi lòng từ bi, nhân hậu của Thiên Chúa. Sự ăn năn, thống hối và sự tha thứ được nói đến trong bí tích Giao hoà như những thực hành nền tảng để tìm thấy sự bình an trong tâm hồn.
Tuy nhiên cũng nên lưu ý rằng sự thống hối hay việc ăn năn thật không là cảm thức “bực bội với chính mình” và cố tìm cách đào thoát khỏi quá khứ, hay phủ nhận thực trạng đớn hèn của mình. Đó phải là sự nhận biết thực trạng tâm hồn và đời sống của bản thân; không căm tức bản thân hay muốn tìm giải pháp ngay tức khắc để rũ bỏ quá khứ, vì hoặc chối từ chính cuộc sống của mình bởi sự yếu hèn; ngược lại đó là thái độ nghiêm túc chấp nhận sự đền bù, chấp nhận trách nhiệm, biết đón lấy cái giá phải trả và biết rằng mình phải dấn thân nhiều hơn nữa trong cuộc chiến nơi chính bản thân, giữa ao ước hướng thiện và xu hướng nghiêng chiều về sự dữ, để không buông theo dịp tội nữa.
Sự ăn năn nói đến việc một cá nhân “đi tìm lối ra” khi biết nhìn nhận lỗi lầm của mình, muốn xin lỗi, thú tội, đo lường trách nhiệm và xin tha thứ, cam kết đền bù những hậu quả của hành vi phạm tội, kiểm điểm lại toàn bộ đời sống và tìm hướng đi mới.
Có bạn đã hỏi tôi: tại sao sám hối lại phải nghĩ đến Chúa? Tôi muốn hỏi bạn và cũng tự hỏi mình đúng hay sai khi mình hối cải chỉ vì nghĩ đến mình? Theo Đức Cha Fulton Sheen, mỗi khi chúng ta đặt cái tôi của mình làm trung tâm và bắt mọi sự qui về đó, chúng ta rất dễ bị tổn thương, vì khi mình tập trung vào chính bản thân mình, chúng ta sẽ đi tìm mọi sự cho mình, kể cả sự cảm thông, tha thứ. Đòi hỏi này là chính đáng, nhưng khi ta chỉ tập trung cho mình nó trở thành quá đáng. Vả lại, chẳng có tiền bạc, sự nuông chiều, thoả mãn, đồng cảm, tha thứ nào có thể khiến ta yên tâm. Việc ăn năn sám hối không chỉ là thái độ luân lý quy về bản thân ta (tôi buồn lo, hối hận, day dứt, bất an) mà còn hơn thế nữa phải quy về Thiên Chúa: Đó là việc đo lường tội lỗi và hậu quả của sự dữ mình đã làm và xét xem đã làm thương tổn đến Thiên Chúa ra sao, bằng cách chiêm ngưỡng lòng tốt của Đấng yêu thương ta hết tình mà nay bị ta phản bội hay bị xúc phạm. Đó là ăn năn tội cách trọn, là ăn năn sám hối do đức ái: do lòng mến Chúa thật sự thúc đẩy ta thực hiện việc sám hối.
Chắc chắn bạn sẽ chẳng bao giờ nói lời xin lỗi người khác khi chỉ nghĩ về mình, đặt cho mình cái lý cao nhất. Có thể cùng với một chút “xấu hổ” bạn sẽ lên đường, quay về, chạy đến với cha mẹ, bạn bè, thầy cô, anh chị em, đồng nghiệp… để gặp và xin lỗi họ khi cảm thấy mình có lỗi. Cùng có thể bạn sẽ ngập ngừng vì không muốn cho người khác thấy sự yếu đuối, tầm thường của mình. Có thể bạn sẽ không bao giờ dám nói sự thật của lòng mình, và lòng bạn khép lại, rồi lâu lâu lại thấy đau nhói vì sống chưa trọn tình và tiếp tục cảm thấy bất an.
Bước chân của chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn, bánh xe của ta sẽ quay nhanh hơn để đi đến các cuộc gặp gỡ này sớm hơn… Có thể lắm chứ, nhưng khi nào? Điều này chỉ xảy ra khi nào chúng ta biết nghĩ đến “đối tượng” là những ai đã sống hết tình hết lòng với mình mà ta đã tỏ ra lạnh nhạt, phản bội, lừa dối.
Chúng ta “mắc nợ nhau” vì tình thương, nói như Thánh Phaolô. Con tim sẽ vui trở lại khi một ai đó cho ta nghe lời tha thứ vì “món nợ tình thương” ấy. Đến lượt mình, chắc là bạn cũng nghĩ như tôi, mình cũng phải biết tha thứ cho người khác, cho họ được bình an trong tâm hồn. Có lẽ đó là món quà đẹp nhất và có giá trị mà chúng ta có thể trao ban cho người khác trong thế giới đang cần tình thương và tha thứ.
Bài viết: Lê An Phong, SDB