ĐI ĐẾN VÙNG NGOẠI BIÊN

Đến miền Nam Mỹ

Như ba nhà đạo sĩ từ phương Đông xa xôi đến thờ lạy Hài nhi Giê-su sau một cuộc hành trình dài thật gian nan vất vả, trong hơn 10 năm qua, các tu sĩ Sa-lê-diêng Việt Nam cũng hăng say lên đường đến những vùng đất xa xôi tại châu Mỹ và những đất nước khác để tìm gặp được Thiên Chúa nơi những con người bản địa, không phân biệt sắc tộc, văn hóa, màu da… Nam Mỹ, một địa danh mà các Sa-lê-diêng đầu tiên của Tu Hội đã đến để thực hiện sứ vụ truyền giáo do chính Don Bosco sai đi. Trong số này, chúng tôi cũng muốn giới thiệu với quý độc giả về một trong những đất nước vùng Nam Mỹ, đất nước Bô-li-vi-a.

Bô-li-vi-a là một quốc gia lọt thỏm trong vùng lục địa Nam Mỹ, rộng 1.098.580Km2 (gấp 3 lần diện tích Việt Nam) với dân số khoảng 10 triệu người (ít hơn cả dân số Thành phố Hồ chí Minh), trong đó 2/3 sống nghề nông và khoảng 80% là người Công giáo. Thế nhưng đây vẫn là một vùng đất cần được tái loan báo Tin Mừng.

Sứ mệnh truyền giáo Sa-lê-diêng

Năm 1895, các tu sĩ Sa-lê-diêng từ Ắc-hen-ti-na đến Bô-li-vi-a để mở 2 công cuộc đầu tiên tại Lapaz và Sucre. Mô hình nguyện xá Van-đốc-cô thời Don Bosco đã được thực hiện tại đây: Nhà nguyện, trường nghề, trường học, nhà nội trú, sân chơi… đã đem lại một luồng sinh khí và sức sống mới cho người trẻ tại đất nước này. Chỉ sau một thời gian ngắn, rất nhiều bạn trẻ đã kéo nhau đến các cộng đoàn Sa-lê-diêng để vui chơi và được thăng tiến nhiều mặt. Sứ mệnh giáo dục của Don Bosco như đã có được một mảnh đất màu mỡ để sinh ích cho các linh hồn.

Sau 120 năm hiện diện, đến nay Tỉnh dòng Sa-lê-diêng Bô-li-vi-a đã có 24 cộng đoàn với 130 anh em hội viên, trong đó hơn một nửa là hội viên bản địa. Họ hoạt động và cống hiến hết sức lực của mình cho giới trẻ của một đất nước thuộc dạng nghèo nhất của lục địa Nam Mỹ. Hiện nay, Bô-li-vi-a vẫn là nước có tỷ lệ biết chữ thấp hơn chuẩn của Nam Mỹ; do là một đất nước mà phần đa dân chúng vẫn sống nghề nông, nên cuộc sống của người dân vẫn còn nhiều người nghèo đói. Vì thế, nơi đây vẫn còn nhiều vùng NGOẠI BIÊN mà Đức Thánh Cha Phan-xi-cô mời gọi Giáo hội dấn thân. Chính vì thế, sự hiện diện của 4 anh em Sa-lê-diêng Việt Nam ở đất nước này: Gioan B. Nguyễn Đức Tín, Phê-rô Nguyễn Thanh Sơn, Giuse Nguyễn Quang Vinh và Giuse Nguyễn Ngọc Toản, được coi như lời đáp trả tiếng mời gọi của Đức Thánh Cha đi đến vùng ngoại biên để sống với đàn chiên, để loan báo về một Thiên Chúa luôn ưu tiên hiện diện và nâng đỡ người nghèo.

Những Trải nghiệm về vùng truyền giáo

Đức tin và cuộc sống. Dù có đến 80% là tín hữu Công giáo, nhưng đời sống đức tin và phụng vụ của người dân nơi đây còn đơn sơ và chưa được chuẩn bị để bén rễ sâu trong đời sống đức tin. Việc tham dự phụng vụ dù rất chân thành nhưng vẫn chưa có sự hòa nhập đức tin vào cuộc sống. Ngoài ra, số người tham dự phụng vụ hàng tuần cũng đang sút giảm dần.

Tục hóa và hưởng thụ. Chủ nghĩa tục hóa và hưởng thụ đang tác động mạnh trên người trẻ Bô-li-vi-a dù họ vẫn là những người mà phần đa hoàn cảnh sống vẫn còn thiếu thốn và nghèo đói. Chính những tác động này cũng làm cho Giáo hội Bô-li-vi-a giảm sút số những người trẻ ước muốn dấn thân trong ơn gọi trong thời gian gần đây. Họ yêu thích những hoạt động vui chơi và dấn thân cho công việc thiện nguyện chung, nhưng để làm một cam kết lâu dài cho một lý tưởng dấn thân thì họ thoái lui dù biết đó là con đường giá trị. Việc này đòi buộc những người Sa-lê-diêng phải cấp bách canh tân để làm phong phú trong lãnh vực mục vụ, nhằm đáp ứng những biến chuyển của tác động xã hội đang ảnh hưởng đến đời sống và nhân cách của người trẻ Bô-li-vi-a.

Những nỗ lực đáp trả. Hiện nay, các tu sĩ Sa-lê-diêng đang nỗ lực đến với những vùng ngoại biên để thực hiện sứ mệnh giáo dục: Mở các trường dạy nghề, thiết lập đài phát thanh để thông tin và thăng tiến văn hóa; thực hiện các công tác xã hội cùng với người dân bản địa như xây dựng những con đường giao thông giúp cho việc đi lại thuận tiện hơn, mở những trường nội trú, khích lệ việc học qua việc trợ cấp học bổng.. Tuy nhiên nhưng vẫn còn cần lắm những sáng kiến tông đồ, sự trợ lực từ nhân sự và lời cầu nguyện của mọi người trên một hành trình đồng hành dài với người dân của đất nước Bô-li-vi-a.

Thay lời kết

Con Thiên Chúa đã giáng sinh làm người và Ngài chọn người nghèo là đối tượng ưu tiên. Chính người nghèo biểu trưng qua những người chăn chiên ngoài cánh đồng Bê-lem, đã được nghe Tin mừng Giáng sinh đầu tiên. Trong cuộc đời rao giảng công khai, Ngài đã đi đến những vùng ngoại biên để ở giữa người nghèo và chia sẻ cuộc sống nghèo khó với họ. Ngài đã công bố mối phúc cho người nghèo. Lời mời gọi này lại một lần nữa được Đức Thánh Cha Phan-xi-cô kêu gọi không chỉ trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, mà cả khi gặp gỡ các tu sĩ Sa-lê-diêng nhân kỳ họp Tổng Tu Nghị 27 năm 2014, Đức Thánh Cha đã kêu gọi hãy gởi những anh em có những phẩm chất tốt nhất để đến với những người nghèo khổ, những vùng ngoại biên để loan báo Tin Mừng vì trung tâm của Giáo Hội nằm ở ngoài Giáo Hội, nơi những người nghèo khổ đang bị gạt ra bên lề xã hội do tác động của thứ chủ nghĩa tiêu thụ.

Lời mời gọi đến từ Thiên Chúa và Giáo Hội không chỉ là sự khích lệ cho những tu sĩ Sa-lê-diêng dấn thân truyền giáo, nhưng còn là sự gợi hứng cho các Sa-lê-diêng và toàn thể tín hữu công giáo, đặc biệt trong Năm thánh Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.


Visited 12 times, 1 visit(s) today