“Don Bosco thật may mắn! Con đường của ngài luôn được trải đầy hoa hồng! Ngài không có nỗi lo lắng nào trong cuộc sống. Chẳng có chút ưu phiền nào!” “Nhưng họ không thấy được những chiếc gai đang đâm thấu đôi chân tội nghiệp của tôi. Dù vậy, tôi vẫn cứ tiến lên.” Mỗi cuộc đời đều được đan xen bởi hoa hồng và gai nhọn như trong giấc mơ ‘Giàn Hoa Hồng’ nổi tiếng của Don Bosco. Chính niềm hy vọng là động lực giúp chúng ta tiếp bước bất chấp gai nhọn.
Kính gửi quý độc giả, những người bạn của Gia đình Salêdiêng và các ân nhân đã giúp đỡ công cuộc của Don Bosco trong mọi hoàn cảnh, thông qua Tập san Salesian Bulletin, cha muốn gửi đến các bạn một suy tư về chủ đề Hy Vọng, như chúng ta đã bàn luận trong số trước. Cha làm điều này không chỉ vì muốn tiếp nối câu chuyện, nhưng vì đây là một chủ đề cần được làm rõ, bởi tất cả chúng ta đều rất cần điều này. Đó là chấp nhận lòng nhân từ của Thiên Chúa trong cuộc sống chúng ta. Tuy nhiên, khi nói về Hy vọng, trước hết chúng ta hãy nhớ rằng đó là một yếu tố nhân bản và là một tiêu chuẩn rõ ràng để giải thích đời sống của mọi tôn giáo. Triết gia người Hàn Quốc, Byung-Chul Han chỉ ra rằng Hy vọng liên quan mật thiết đến sự siêu việt và đức tin, tình yêu và sự sống vĩnh cửu. Ông nhấn mạnh trong các tác phẩm của mình rằng khi chúng ta chỉ làm việc, sản xuất, và tiêu thụ, sẽ không có sự mở ra cho siêu việt, và do đó, không có Hy vọng khi sống như vậy.
Chúng ta đang sống trong một thời đại thiếu vắng chiều kích của nghi lễ, dù xung quanh ta có nhiều thứ làm ta loá mắt. Một thời đại không có nghi lễ là một thời đại không có Hy vọng. Xã hội tiêu thụ và trọng thành tích mà chúng ta đang sống có nguy cơ khiến chúng ta dễ dàng đánh mất khả thể hạnh phúc, không còn vui mừng trước thực tại của cuộc sống (dù trong tình huống khó khăn nhất cũng luôn loé lên những tia sáng!).
Hy vọng làm cho chúng ta tin vào tương lai, bởi nơi mà chúng ta cảm nghiệm được Hy Vọng mãnh liệt nhất chính là trong Đấng Siêu Việt. Nhà văn và chính trị gia người Cộng Hòa Séc, Vaclay Havel, đã từng là Tổng thống Tiệp Khắc trong thời kỳ “Cách mạng Nhung” [The Velvet Revolution], đã định nghĩa “hy vọng” như một trạng thái tinh thần, một chiều kích của tâm hồn.
Hy vọng là một định hướng của trái tim giúp siêu vượt khỏi thế giới kinh nghiệm hiện tại; Nó là điểm neo nằm ngoài chân trời. Cội rễ của Hy vọng nằm đâu đó nơi Đấng Siêu Việt. Đó là lý do tại sao có Hy vọng và cảm thấy hài lòng vì mọi việc đang thuận lợi không phải là một và như nhau.
Khi nói về tương lai, chúng ta hiểu nó liên quan với điều sẽ xảy ra ngày mai, tháng tới, hay hai năm nữa. Tương lai là những gì chúng ta có thể hoạch định, dự đoán, điều khiển, và tối ưu hoá. Hy vọng là việc xây dựng một tương lai kết nối chúng ta với tương lai mà không bao giờ kết thúc– với Đấng Siêu Việt, với chiều kích Thần Linh. Nuôi dưỡng Hy vọng là điều tốt cho tâm hồn, vì nó mang lại năng lượng cho những nỗ lực của chúng ta trong việc xây dựng con đường về Thiên Đàng.
Từ ngữ Don Bosco nhắc đến nhiều nhất
Cha Alberto Caviglia viết: “Lướt qua các trang sách ghi lại những lời nói và phát biểu của Don Bosco, người ta thấy rằng ‘Thiên Đàng’ là từ mà ngài sử dụng trong mọi hoàn cảnh như lý lẽ mạnh mẽ nhất để khuyến khích mọi việc thiện và mọi kiên nhẫn trước nghịch cảnh.”
Don Bosco lặp lại câu nói này khi gặp những khó khăn: “Một Thiên Đàng có thể giải quyết mọi thứ!”. Thậm chí trong các trường học quản trị hiện đại, người ta cũng dạy rằng một tầm nhìn tích cực về tương lai có thể biến thành động lực sống mạnh mẽ.
Khi già yếu và lưng còng, Don Bosco thường bước đi với những bước chân ngắn như của một con kiến, những người đi qua thường chào ngài bằng một câu quen thuộc “Chúng ta đang đi đâu vậy, Don Bosco?” Vị thánh trả lời với một nụ cười trên môi, “Đi về Thiên Đàng”.
Don Bosco luôn nhấn mạnh về điều này: Thiên Đàng! Ngài khuyến khích các thanh thiếu niên của ngài luôn hướng nhìn về Thiên Đàng từ trong tâm hồn và trước đôi mắt họ. Tất cả chúng ta đều biết rằng chúng ta có thể là Kitô hữu, thậm chí là những Kitô hữu nhiệt thành, mà không thực sự tin vào Thiên Đàng.
Don Bosco dạy chúng ta liên kết cuộc sống hiện tại với cuộc sống mai sau. Và ngài đã làm như vậy nhờ Niềm hy vọng.
Chúng ta hãy mang lấy điều này trong tâm hồn và mở lòng mình ra với đức ái và với nhân tính đã thấm nhập niềm tin sâu sắc của chúng ta.
Khi mọi người nhận được thông điệp ngắn này trong tháng 11, hãy sống niềm Hy vọng này với các thánh cũng như với những người thân yêu của chúng ta đã qua đời, như một nhóm người leo núi gắn kết với nhau bằng một sợi dây bắt đầu từ cuộc sống hằng ngày và được cắm neo vào Đấng Vô Biên ở đằng cuối.
Như Don Bosco, chúng ta hãy sống như thể chúng ta nhìn thấy Đấng Vô Hình, được nuôi dưỡng bởi Niềm Hy Vọng là Sự Hiện Diện Quan Phòng của Thiên Chúa. Chỉ những ai kiên định, thực tiễn, và vững vàng như Don Bosco mới có thể sống bằng việc luôn hướng ánh nhìn về Đấng Vô Hình ấy.
Ban Truyền Thông Don Bosco Việt Nam
Visited 10 times, 1 visit(s) today