EAO, ngày 28 tháng 8 năm 2023 – Mông Cổ có lẽ là vùng đất truyền giáo đáng sợ nhất trong khu vực EAO của chúng ta. Đối với nhiều người, Mông Cổ gắn liền với cái lạnh cực độ. Tuy nhiên, khí hậu lạnh giá có thể được xoa dịu bởi sự ấm áp và tình bằng hữu của người Mông Cổ.
Năm 1992, quan hệ ngoại giao giữa Mông Cổ và Vatican chính thức được thiết lập, và ba tháng sau, nhóm truyền giáo đầu tiên đã đến.
Cha Václav Klement, lúc đó là Giám tỉnh của Hàn Quốc, đã được Cha Luciano Odorico, Cố vấn Truyền giáo, đề nghị có chuyến thăm đầu tiên tới đất nước này. Năm 2001, nhóm Salêdiêng đầu tiên đã đến đây: Cha Carlo Villegas (Philippines) dẫn đầu đoàn truyền giáo; Cha Giuse Toth (Slovakia); Cha Simon Lee (Hàn Quốc); Thầy Phaolô Trung; Thầy Anrê Tín và Sư huynh Phương (tất cả đều là người Việt Nam).
Ngày nay các Salêdiêng có mặt ở thủ đô Ulaanbaatar, nơi họ điều hành một Trung tâm dạy nghề, Trung tâm Chăm sóc trẻ em và một Trung tâm Chăm sóc các trẻ nam gặp khó khăn. Vào năm 2005, một điểm hiện diện thứ hai đã được mở ra tại thành phố Darkhan, nơi không có người Công giáo nào cả. Ngày nay có Giáo xứ Đức Mẹ Phù hộ các Giáo hữu với 300 người Công giáo, một Trung tâm Học vấn cung cấp các khóa học ngắn hạn bằng tiếng Hàn, tiếng Trung và tiếng Anh và một nguyện xá hàng ngày được nhiều bạn trẻ lui tới.
Shuwuu là một khu vực nghèo bên ngoài Ulaanbaatar, nơi những gia đình nghèo ở nông thôn thường ở lại một thời gian cho đến khi tìm được việc làm ở thành phố. Tại đây, điểm hiện diện Salêdiêng thứ ba đã được mở vào năm 2016 theo lời mời của Đức Tổng Giám mục Tông tòa Wenceslao Padilla. Vào ngày 15 tháng 8 năm 2023, Đức Hồng Y Giorgio Marengo đã thánh hiến Nhà thờ và phó dâng cho Thánh Gia. Mặc dù nơi đây có một cộng đồng nhỏ gồm 75 người Công giáo, nhưng nhiều trẻ em và thanh thiếu niên theo các tôn giáo khác hoặc không theo tôn giáo nào thường xuyên đến nguyện xá và Trung tâm chăm sóc trẻ em.
Có ý nghĩa gì khi sống cuộc đời mình trong một bầu không khí khắc nghiệt với một số ít người Công giáo như vậy không? Nhiệm vụ chính của sự hiện diện Salêdiêng của chúng ta ở Mông Cổ là thúc đẩy việc rao giảng tiên khởi. Ở đó Giáo hội là ‘một đàn chiên nhỏ’ (Lc 12:32). Thật vậy, đó là một đặc ân được tham gia vào thời kỳ ban đầu của Giáo hội ở Mông Cổ giống như thời các Tông đồ.
Lối sống của chúng ta như những người thánh hiến, chứng tá cá nhân và cộng đoàn của chúng ta qua các công việc bác ái, tình bạn và mối tương quan huynh đệ, tất cả đều là những lời rao giảng ban đầu có thể khơi dậy sự quan tâm đến Chúa Giêsu Kitô. Vì vậy, sự hiện diện của chúng ta tại Nguyện xá, Trung tâm chăm sóc trẻ em, Trung tâm chăm sóc các trẻ nam gặp khó khăn và trong Giáo xứ là cách chúng ta thúc đẩy việc Rao giảng tiên khởi, để gieo trồng và xây dựng Giáo hội địa phương. Thách thức đối với mọi nhà truyền giáo Salêdiêng và mọi cộng đoàn Salêdiêng ở Mông Cổ là thường xuyên suy ngẫm và nghiên cứu ý nghĩa cũng như tính cấp bách của lời Rao giảng tiên khởi. Nếu không có ý định rõ ràng này, chúng ta có nguy cơ trở thành những nhân viên xã hội và những người cung cấp dịch vụ xã hội đơn thuần.
Ngày nay chỉ có 11 người Salêdiêng làm việc ở Mông Cổ. Chúng ta cần những người Salêdiêng cam kết trọn đời để củng cố sứ mệnh đầy thách thức nhưng quan trọng này của khu vực EAO của chúng ta.
Ước mong, những ai cảm nhận được tiếng gọi của Chúa để trở thành những nhà truyền giáo, sẽ được khích lệ phân định với một vị hướng dẫn thiêng liêng, và rồi, sẵn sàng đến Mông Cổ!
Bài viết: Cha Alfred Maravilla, SDB – Tổng Cố vấn truyền giáo
Chuyển ngữ: Ban Truyền Thông SDB