MỘT GIỜ SÁNG

1h sáng.
Giữa phố Bùi Viện đông đúc khách Tây lẫn khách ta, một đám lửa xuất hiện. Mọi người quay lại nhìn. Vài vị khách xì xào “xiếc đường phố hả?”. Đám lửa tắt ngấm. Một thằng nhóc xuất hiện, cầm cái nón lụp xụp, giơ giơ trước mặt mọi người. Vài người sau màn thán phục quay sang làm ngơ hoặc xua tay đuổi cậu. Vài vị khách nước ngoài lấy trong ví ra bỏ vào vài tờ bạc nhỏ. Cậu nhóc cúi đầu, cảm ơn rồi đi. Khu phố lại ồn ào đông đúc. Cậu nhóc thu dọn đồ đạc, hai mép miệng đậm dấu đen do ngậm xăng và tàn tro của lửa. Giữa phố Bùi Viện đông đúc, cậu nhóc lại tiếp tục đi. Chẳng ai nhận ra rằng đám lửa mà lúc nãy họ khen ngợi trầm trồ còn to hơn người của cậu nhóc.

Tôi gặp Thảo lần đầu như vậy. Một cậu nhóc mới 20 tuổi, vóc người nhỏ thó, cặp mắt tinh anh đượm buồn. Người ta nói với tôi rằng đôi mắt phản ánh những gì mà con người ta đã trải qua, đã chịu đựng trong cuộc đời này. Tôi không biết “người ta” thế nào, nhưng với Thảo, điều đó chắc phải đúng đến hơn 90%.
Tôi có một người bạn viết nhạc. Mong ước cháy bỏng của anh là đưa các trẻ em đường phố lên sân khấu, muốn mọi người biết rằng ngoài kia còn nhiều lắm những mảnh đời bất hạnh. Các bản nhạc của anh day dứt và trăn trở. Theo đề nghị của anh, tôi cùng một bạn tên Nhung đến tìm Thảo.

Con số 10% còn chưa nói của tôi là ở đây: Mẹ của Thảo. Mẹ Thảo chỉ cho tôi gian Thảo sống trong một khu trọ lụp xụp. Bước vào, điều đầu tiên tôi thấy là Thảo đang tất bật thay áo cho con.
– Hai chị chờ em chút nha, em mới cho nó uống sữa, nó nhè là hết nên phải thay áo.
Tôi và Nhung định tới giúp, nhưng trong một khoảnh khắc, chúng tôi cùng dừng lại. chẳng ai bảo ai, nhưng dường như chúng tôi mặc định rằng, đó là niềm vui của Thảo. Không dầu hôi. Không xăng. Không mùi khói lửa ám ảnh. Chỉ còn lại mùi sữa thoang thoảng vương trên áo của cô bé được khoảng 3 tháng tuổi kia.
Thảo cười hồn nhiên, đôi mắt long lanh. Đứa bé trên tay ngọ nguậy rồi ngáp ngủ.
Chắc tới nhà em cực lắm hả, quẹo quá trời hẻm luôn mà. Hồi mới dọn về đây em cũng lạc hoài.
Vừa nói chuyện Thảo vừa đong đưa tay, ý như ru cho con bé con ngủ. Tôi và Nhung nhanh chóng bàn bạc công việc với Thảo, chuyển ý muốn mời Thảo lên sân khấu cho một liveshow sắp tới của anh bạn chúng tôi. Thảo nghe xong hào hứng liền.
Trời ơi vậy là không phải diễn chui nữa hả? Lên chỗ bự bự mà người ta hay hát nhạc đó hả chị?
À không bự đến cỡ vậy đâu, chỉ là một sân khấu nhỏ, những người yêu âm nhạc và các môn nghệ thuật đường phố đến tham gia vui thôi.
Vậy nhờ chị ra nói mẹ em nha, nhờ mẹ em bữa đó canh con nhỏ này giùm. Em chạy lên em diễn xong em về liền.
Uhm… Vậy tiền công em tính sao?
Trời ơi, công cán gì chị. Chị mua giùm em hộp sữa nhỏ nhỏ là được rồi. Em không lấy tiền đâu.
Đôi mắt Thảo sáng rực. Chẳng biết sao mà lòng tôi đau nhói.
Tôi chẳng hỏi là mẹ đứa bé đâu. Mà có lẽ, chẳng cần phải hỏi. Chỉ cần nhìn gương mặt rạng rỡ của Thảo, cách Thảo chăm chút từng chút cho đứa bé, cách cậu nhóc mới 20 tuổi đó làm mọi cách để có được hộp sữa cho con, thì vấn đề mẹ đứa bé đâu cũng không còn quan trọng.
Mẹ Thảo ngồi phân loại ve chai ở sân trước. Tôi và Nhung bàn bạc và thoả thuận về việc Thảo sẽ đi biểu diễn. Đôi mắt người mẹ cũng sáng lên.
Ừ. Vậy bữa đó tụi con qua rước nó nha, nhà không có xe. Ve chai mà, nghỉ một bữa không sao, nó đi kiếm sữa nuôi con nó là được. Bữa con nhỏ khóc quá trời vì khát sữa, cô phải chạy đi xin đó…
Cô nói mà giọng đượm buồn. Rồi cô kể cho chúng tôi nghe về Thảo. Ba Thảo bỏ đi khi Thảo còn trong bụng mẹ, rồi cứ thế lớn lên, lăn lộn với đời. Bữa nó về nó nói sắp có con, cô lo gì đâu ấy! Nhà đã nghèo, giờ còn vợ con nó nữa, lấy gì nuôi, lấy gì sống? Mẹ con nhỏ vừa dứt tháng là bỏ liền. Trách ai bây giờ, con nhỏ kia cũng mới 17 thôi mà. Khôn nhờ dại chịu! Mà cũng hên là thằng này nó biết thương con nó, cần mẫn cặm cụi kiếm tiền mua sữa cho con…
Câu chuyện về Thảo cứ thế nối dài mãi. Mà tôi cũng chẳng còn nghe thấy gì nữa, chỉ văng vẳng bên tai một điệu hát ru mà Thảo đang hát đằng phía nhà.
Tôi gặp nhiều trường hợp người ta bỏ con. Tôi chợt nghĩ: Ờ, chắc là vì khổ quá, đấu đế lắm mới phải bỏ con như vậy, nuôi mình chưa xong sao nuôi nổi con nhỏ? Nhưng có lẽ tôi đã lầm. Thảo cho tôi thấy một điều gì đó hoàn toàn mới mẻ: Một cậu nhóc 20 tuổi, ăn chưa no lo chưa tới, vậy mà bây giờ lại còn gánh vác trách nhiệm làm cha. Nhiều người còn chẳng biết “làm cha” nghĩa là thế nào nữa mà. Vậy mà, Thảo chăm con. Thảo hát ru cho con ngủ. Thảo kiếm tiền mua sữa cho con. Những việc Thảo làm người ta hay mặc định là trách nhiệm của “người mẹ”, thế mà Thảo đã làm hết mình và với một niềm hạnh phúc vô bờ bến. Thảo chẳng nhắc tới mẹ đứa bé, cũng chẳng nửa lời oán trách.
Khổ không phải lý do để bỏ con, bỏ đi giọt máu của mình. Người ta khổ cách mấy thì vẫn còn đường sống. Tôi tin rằng, đứa con của Thảo, sau này lớn lên nhất định sẽ có một cuộc đời tươi đẹp. Chẳng vì gì cả, vì chính tình thương yêu vô bờ bến mà Thảo đã dành trọn vẹn cho con từ lúc nó sinh ra và chính thức trở thành “con” của Thảo. Đơn giản vậy thôi!.

Tác giả: Tùy Phong 

 

Visited 16 times, 1 visit(s) today