Tổng Tu Nghị 28: “Lắng nghe Chúa yêu thương giới trẻ nghèo”

LẮNG NGHE CHÚA YÊU THƯƠNG GIỚI TRẺ NGHÈO

I. Dẫn nhập

Đáp lại tiếng Chúa gọi trong sứ mệnh giữa thế giới, người Salêdiêng chúng ta xin cho mình được chính trái tim của Chúa Giêsu: yêu thương những kẻ bé nhỏ, nghèo hèn (kinh Don Bosco). Ơn gọi chúng ta ghi dấu bằng tình ưu ái dành cho giới trẻ nghèo khổ hơn. Chúng ta xin Thánh Thần uốn nắn cõi lòng cứng cỏi của mình để nên hiền lành và mến thương, nét đặc trưng của người Salêdiêng (x. HL 3).

II. Cầu xin Thánh Thần

III. Lời Chúa: Lc 18,15-17

Người ta còn đem cả trẻ thơ đến với Đức Giêsu, để Người đặt tay trên chúng. Thấy vậy, các môn đệ la rầy chúng. Nhưng Đức Giêsu gọi chúng lại mà nói: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào”.

IV. Suy niệm

  1. Thiên Chúa luôn khẳng định: Ngài sẽ là sự ngọt ngào của những kẻ thiếu thốn nghèo hèn (x. Tv 33). Đức Giêsu hiện thực trái tim của Thiên Chúa xót thương ấy cho những người tội lỗi, bị khinh khi, nghèo hèn, nói tắt, những kẻ bị loại ra khỏi xã hội. Những người nghèo hèn có vị trí ưu tiên trong trái tim Thiên Chúa, trong trái tim của Chúa Giêsu. Thiên Chúa luôn tỏ lòng nhân hậu với những tâm hồn đau thương.
  2. Kinh nghiệm của Don Bosco khám phá thế giới của trẻ em nghèo soi sáng cho Salêdiêng chúng ta hôm nay thật nhiều. Lúc đầu, giới trẻ đối với ngài là những trẻ em miền quê thất học nhưng chất phác. Khi đi học và lên tỉnh lỵ Chieri, nhãn quan ngài nhìn về giới trẻ nghèo vẫn chưa vượt khỏi ảnh hưởng miền quê, thôn dã. Nhưng khi đến Torino, ngài bị “sốc”, có thể nói như thế. Một cú “sốc” đánh dấu bước liều lĩnh thiêng liêng và mục vụ. Don Bosco thấu rõ những nỗi nghèo và cơ cực chân thật của giới trẻ thì vượt quá lãnh vực tài chánh. Nó liên quan đến đạo đức, luân lý, liên quan đến nguy cơ rơi những cuộc đời vô nghĩa. Thăm viếng mục vụ trong các nhà tù cho ngài thấy phẩm giá của giới trẻ nghèo bị hạ thấp như thế nào cũng như chúng cần đến những bàn tay quảng đại và một tâm huyết như thế nào. Tiếng gọi của Thiên Chúa xuyên qua những em nghèo đó âm vang mãi nơi ngài và chuyển thành một chọn lựa dứt khoát, thách đố bất kỳ hy sinh nào. Tầm nhìn này đưa ngài lên cao hơn, trực giác tới những trẻ nghèo của những miền chưa được Tin Mừng thấm nhập. Đó là cái nghèo thiêng liêng. Và ngài đã đặt cho Tu hội một nét đặc trưng mới: quan tâm đến truyền giáo. Như người kết hiệp mật thiết với TC, ngài hiểu rất rõ nỗi khốn cùng khủng khiếp khi không được Tin mừng soi chiếu, khi không được nên người. Don Bosco đã mô phỏng cõi lòng của Thiên Chúa: ưu ái yêu thương những trẻ nghèo thể lý, luân lý và tinh thần.
  3. Tâm tư của Don Bosco vẫn hằng âm vang đến chúng ta: “Tu Hội ngày càng dứt khoát hướng đến những thanh thiếu niên nghèo khổ và gặp nguy hiểm khi chúng ta lắng nghe tiếng các em kêu cứu” (TTN 27, số 22). Mọi sự mà Tu hội, Tỉnh dòng, Cộng thể và cá nhân sở hữu chỉ đạt ý nghĩa đích thực khi dành cho sứ mệnh xây dựng vương quốc Thiên Chúa giữa thanh thiếu niên nghèo khổ và bị bỏ rơi, theo đoàn sủng chúng ta, mà thôi. Để bắt chước Don Bosco, đúng hơn, bắt chước Thiên Chúa, tôi phải dành ưu ái thật sự cho những thanh thiếu niên nghèo khổ hơn. Cảnh nghèo của giới trẻ có chạm đến tôi không?

V. Cầu nguyện

Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả các thanh thiếu niên: đối tượng mà Chúa trao phó cho chúng ta, song nhiều lúc chúng ta lại lơ là, không quan tâm đến hạnh phúc đích thực và toàn diện của từng em một.

VI. Tận hiến cho Mẹ Phù hộ

Visited 7 times, 1 visit(s) today