CUỘC HÀNH TRÌNH CỦA VỊ ĐẠO SĨ THỨ TƯ

Trong những ngày Hoàng đế Au-gút-tô và vua Hê-rô-đê cai trị trên vùng đất Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Ác-ta-ba-nô sống giữa vùng núi xứ Ba tư trong thành phố Éc-ba-ta-na.

Đó là một người đàn ông cao lớn, có nước da nâu, khoảng độ trên 40 tuổi. Ánh mắt sắc, sáng rực, trán cao, miệng rộng, chứng tỏ đó là một con người nhạy cảm nhưng lại có ý chí sắt đá, một người luôn có ý chí phấn đấu tìm kiếm một cái gì đó. Ác-ta-ba-nô thuộc về một đẳng cấp tư tế thời cổ của các Đạo sĩ, những người thờ thần lửa. Một ngày nọ, ông tụ họp các bạn lại và nói với họ những lời này: “Ba vị chiêm tinh là Gát-pa-rê, Men-ki-ô-rê, Ban-đát-sa-rê và cả tôi nữa đã nghiên cứu chiếc bàn cổ của Can-đê và theo như chúng tôi tính toán thời gian thì câu chuyện sẽ xảy ra vào chính năm nay.

Chúng tôi đã chiêm ngắm, tìm kiếm, và thấy một ngôi sao lạ, nó rực sáng chỉ trong một đêm và rồi biến mất. Ba người anh em của tôi đã nhìn thấy nó khi đang canh thức trong ngôi đền cổ tại Ba-by-lon, còn tôi thì thấy nó tại đây. Trong vòng mười ngày tới, nếu ngôi sao lạ mà xuất hiện một lần nữa thì chúng tôi sẽ khởi hành đến Giê-ru-sa-lem để tìm gặp và thờ lạy Đấng đã được hứa ban, Đấng sẽ sinh ra và là vua dân Do Thái. Tôi tin rằng dấu hiệu đó sẽ lại xuất hiện. Tôi đã chuẩn bị mọi sự cho cuộc hành trình. Tôi bán căn nhà và tài sản của tôi, và tôi đã mua được từng đây châu báu, gồm một viên lục bảo ngọc, một viên hồng ngọc và một hạt trân châu, để làm quà tặng dâng cho Vua mới. Tôi cũng mời các bạn cùng tôi đi hành hương, cho tới khi chúng ta cùng tìm ra vị Hoàng Tử”.

Nói đoạn, ông rút ra từ nếp gấp bí mật của chiếc đai lưng ba viên ngọc lớn, đẹp chưa từng thấy. Một viên mầu xanh dương như mảng trời đêm, một viên mầu đỏ như ánh dương buổi hoàng hôn, một viên chói lọi như đỉnh núi phủ tuyết phản sáng giữa trưa hè.

Nhưng một tấm màn thắc mắc và hoài nghi phủ trên khuôn mặt các bạn hữu, giống như làn sương bốc lên từ đám bùn lầy để rồi nấp mình trên những ngọn đồi. Một người lên tiếng: “Ác-ta-ba-nô, có phải đây chỉ là một giấc mơ thôi, có phải không?”. Rồi mọi người bỏ đi.

Ác-ta-ba-nô ở lại một mình và bước ra lan can của căn nhà. Lúc ấy, trên trời cao, luồng sáng kéo dài sau ngôi sao tỏa chiếu một dải lung linh vô cùng đẹp mắt. Ngôi sao lạ lại xuất hiện, và Ác-ta-ba-nô liền chuẩn bị lên đường.

“Cứu tôi với!”

Đi-ê-man là con lạc đà một bướu của Ác-ta-ba-nô nổi tiếng chạy nhanh. Cát trong sa mạc như bị nghiền nát dưới những gót chân soải trong gió của nó. Ác-ta-ba-nô phải tính toán thời gian thật kỹ lưỡng để có thể theo kịp ba vị Đạo sĩ ngoại quốc. Vượt qua chân núi của dẫy Ô-ron-tét, ông vượt qua đồng bằng Ni-se-ni là nơi nuôi đàn ngựa chiến nổi tiếng, sau đó vượt qua nhiều chặng đường giá buốt và hoang vắng. Ông cứ thế lao đi giữa làn gió mạnh như quất vào người, xuyên qua bóng đêm như cái miệng mở rộng, chạy theo tiếng gầm của dòng sông chảy siết.

Ông đã gần đến bức tường đổ nát của Ba-by-lon, và khi đến khu rừng cọ, ông thấy một người đàn ông nằm sấp trên đường. Làn da khô vàng úa như tấm da cổ cho thấy ông đang bị loại sốt vàng da của vùng đầm lầy. Bóng thần chết đã lan đến cổ. Ác-ta-ba-nô dừng lại. Ông bồng ông lão trên tay. Ông lão nhẹ tênh, làm ông nhớ đến người cha của mình. Và Ác-ta-ba-nô đã đưa ông lão vào quán trọ và xin chủ quán chăm sóc cũng như cho ông lão trú ngụ trong những ngày còn lại của đời mình. Ar-ta-ba-nô trả công người chủ quán bằng viên lục bảo ngọc.

Ngày hôm sau, Ác-ta-ba-nô lên đường. Mặc dù thúc Đi-ê-man lao đi hết cỡ, Ác-ta-ba-nô vẫn không theo kịp các vị Đạo sĩ. Chẳng ai muốn lỡ hẹn với vị Vua Vĩ đại.

Ác-ta-ba-nô đến một thung lũng hoang vắng, nơi chỉ có đá với đá, cùng cây đậu kim nở hoa vàng rực. Chợt ông nghe có tiếng kêu la thảm thiết. Nhanh như cắt, ông nhảy lên lạc đà và nhìn thấy một toán lính đang lôi một thiếu nữ đi sau sợi dây. Ác-ta-ba-nô sờ tay vào chuôi kiếm, nhưng toán lính quá đông, không thể áp đảo được.

Nhìn thấy người đàn ông, cô thiếu nữ vội sụp quỳ lạy khẩn khoản: “Xin thương xót tôi. Xin vì tình yêu Thiên Chúa hãy cứu tôi. Ba tôi là một thương gia, nhưng ông vừa chết đột ngột. Họ bắt tôi bán làm nô lệ để siết nợ. Xin cứu tôi”. Chẳng biết làm gì hơn. Ác-ta-ba-nô lấy viên hồng ngọc từ thắt lưng để mua lấy sự tự do cho cô gái. Cô gái vội hôn tay ông rồi chạy biến vào những rặng núi nhanh như một con linh dương.

Đôi bàn tay trống không

Rồi thì ba vị Đạo sĩ đến trước cũng đã tìm thấy Hài Nhi, Maria và Giuse trong chuồng bò chật hẹp. Họ đã cung kính dâng cho Vị Vua mới sinh những món quà đắt giá.

Còn Ác-ta-ba-nô thì tiếp tục chạy. Cuối cùng thì ông đã đến Bê-lem. Khi ấy, các gia đình đã thắp đèn lên và ông cũng nhận ra bầu khí ảm đạm đang bao trùm. Trên con đường vắng chỉ có từng người lính trang bị gươm giáo sáng ngời. Thì ra họ được lệnh giết chết mọi trẻ nhỏ trong vùng. Đang khi nhìn vào cửa sổ căn nhà, ông thấy người lính cầm lấy một cái chân của đứa trẻ trần truồng, bên cạnh đó, người mẹ đang khóc ngất. “Bây giờ, xem đây. Ta sẽ thả nó vào bếp lửa và chúng bay sẽ có món quay giòn giòn nhé…!”. Không kịp suy nghĩ gì, Ác-ta-ba-nô lao vào nhà, trên tay cầm viên ngọc to như trái trứng cút, đưa cho tên lính để đổi lấy đứa trẻ. Ông trao lại nó cho bà mẹ. Người mẹ đón lấy đứa trẻ, cảm ơn và chạy mất hút.

Mãi đến tận khuya Ác-ta-ba-nô mới tìm thấy hang đá, nơi Maria, Giuse và Hài nhi đang lẩn trốn. Giuse đang chuẩn bị cho cuộc hành trình, đứa trẻ nằm trên đầu gối mẹ, còn người mẹ dịu dàng ru con bằng lời ru “À ơi, ơi à!”

Ác-ta-ba-nô quỳ gối, đầu chạm đất. Ông không dám ngẩng đầu lên vì không có món quà nào dâng tặng Vua muôn Vua. Ông thầm thì: “Lạy Ngài, con chẳng có gì để dâng tiến. Đôi tay con trống không. Xin tha thứ cho con!”. Cuối cùng ông ngẩng lên thì thấy Hài nhi không ngủ, mà lúc ấy khuôn mặt Ngài quay sang Ác-ta-ba-nô, sáng rực rỡ. Ngài nhẹ cầm lấy đôi bàn tay trống rỗng của Ác-ta-ba-nô, và miệng vị Vua nhỏ nở một nụ cười hạnh phúc.

Những chỉ dẫn sư phạm

Sứ điệp ẩn giấu

“Trao quà, tặng quà” trở thành một hành động biểu tượng cho Giáng sinh. Thiên Chúa cũng đi con đường đó, nhưng quà tặng của Ngài có giá trị khác hẳn. Đó là tình yêu, là hy sinh, là hiến thân, là ơn cứu độ. Thiên Chúa trao quà, và Ngài mời gọi ta đón nhận món quà đẹp nhất: là người con yêu dấu của Ngài, Chúa Giê-su Ki-tô.

Ngày giáng sinh sẽ ý nghĩa nếu chúng ta vượt qua được hình tượng vật chất của quà tặng, để đạt đến ý nghĩa của nó. Và như thế mới là Giáng sinh thật.

Câu hỏi gợi ý

  • Ác-ta-ba-nô không thường được nhắc đến cùng với ba Vua. Ông ta là ai thế? Ông đã chuẩn bị quà gì cho Vị Vua mới sinh?
  • Ông làm gì để có các món quà đó? Ông có dâng quà đó cho Vị Vua mới sinh được không? Tại sao?
  • Em đã chuẩn bị quà tặng nào cho Chúa Hài Nhi?

Hoạt động

  • Giáo lý viên thêm vào trong hang đá vị đạo sĩ thứ tư. Cho các học sinh tự do bình luận.
  • Giáo lý viên vẽ trên giấy cứng 3 viên ngọc. Chia học sinh thành ba tổ, tô mầu hoặc dán giấy mầu lên viên ngọc của tổ. Mỗi tổ có 10 phút để bàn luận về giá trị các viên ngọc và cho biết tổ sẽ dùng viên ngọc ấy thế nào để mừng lễ Chúa Sinh ra. Sau đó trình bày trước lớp.

Kinh thánh kể lại

Giáo lý viên có thể kể cho các em câu chuyện phán xét chung ở Mát-thêu chương 25, câu 31-46.

Trích CĐ Don Bosco số 33

Visited 152 times, 1 visit(s) today