Có một chàng thanh niên nọ một mình lang thang giữa sa mạc nóng cháy. Anh ta bực mình vì đi đến đâu, luôn có một cái bóng bám theo đến đó, đó là cái bóng của chính anh ta. Anh ta đi, cái bóng cũng đi, anh ta chạy cái bóng cũng chạy, anh đứng, cái bóng cũng dừng lại. Chàng thanh niên muốn thoát khỏi cái bóng ấy nhưng không biết phải làm cách nào. Anh tìm đến một vị đạo sỹ để thỉnh ý. Vị hiền sỹ trả lời: “Nếu muốn thoát khỏi cái bóng của chính mình, anh hãy đến ẩn náu dưới một cái bóng khác lớn hơn”.
Thánh Gioan tiền hô là người luôn ẩn dấu cái bóng mờ nhạt của mình dưới một cái bóng khác cao cả hơn, vĩ đại hơn, đó là bóng dáng Thập giá Chúa Giêsu. “Người phải lớn lên còn tôi phải nhỏ lại”. Đây là câu châm ngôn mà Thánh Gioan đã chọn lựa và thực hành trong suốt cuộc sống của mình.
Tiếng hô trong sa mạc
Gioan tiền hô là vị ngôn sứ cuối cùng của cựu ước. Ngài là nhịp cầu kết nối giữa Cựu và Tân ước. Gioan tự ví mình chỉ là tiếng kêu trong sa mạc. Tiếng kêu vang vọng lại lời, còn Đức Giêsu chính là ‘Ngôi Lời’ đã đến trần gian. Thánh nhân chỉ là kẻ dọn đường, còn Đức Giêsu là chính ‘Con Đường’ để dẫn đưa chúng ta tiến về quê trời. Gioan đã công khai minh xác rằng: “Tôi không phải là Đấng Kitô. Có người đến sau tôi nhưng cao trọng hơn tôi, còn tôi, tôi không đáng cúi xuống xách dép cho Ngài” (Mc 1,6). Gioan đã chủ động làm lu mờ cái bóng mờ nhạt của mình để cho Đức Giêsu được lớn lên và trổi vượt. Khi Đức Giêsu bắt đầu ‘xuất du’ đi rao giảng công khai, Gioan tiền hô đã rút lui vào trong bóng tối của tù ngục. Suốt cuộc đời, Gioan đã thể hiện điều mà Ngài đã tâm đắc: “Người phải lớn lên còn tôi phải nhỏ lại”. Vì thế, Đức Giêsu đã đề cao mẫu gương của Gioan khi nói với các môn sinh: “Trong các phàm nhân được sinh ra, không ai cao trọng hơn ông Gioan” (Mt 11,11).
Can đảm nói sự thật
Trong cuộc sống hôm nay, chúng ta gặp không biết bao là gian dối và lừa lọc ở mọi lãnh vực, mọi cấp độ và mọi hạng người. Thiên hạ vẫn hay nói ‘Thẳng thắn, thật thà, thành thua thiệt’. Lương tâm con người ngày nay dễ trở thành xơ cứng khi cứ tha hồ gian dối mà chẳng cảm thấy áy náy chút nào. Nhà văn Lưu Quang Vũ trong vở kịch ‘Tôi và chúng ta’ đã mỉa mai nói rằng, con người đã trải qua 3 thời kỳ: thời kỳ đồ đá, thời kỳ đồ đồng, và ngày nay là thời kỳ đồ đểu’. Sự ngay thật hình như đang thoái trào để cho sự lừa lọc, gian dối và đểu cáng lên ngôi. Đây là một sự thật nhức nhối mà chúng ta thấy nhan nhản ở khắp nơi.
Nơi thánh Gioan thì không phải vậy. Ngài đã cam đảm nói lên sự thật, cho dù phải trả giá rất đắt. Sự thẳng thắn đã khiến Ngài bị biệt giam trong tù và cuối cùng bị chém đầu do bàn tay của vua Hêrôđê. Cái chết của thánh Gioan là một cái chết tử đạo đúng nghĩa, vì Ngài đã can đảm nói lên sự thật. Tử đạo, theo nguyên ngữ Hy Lạp, ‘Maturion’, có nghĩa là làm chứng. Thánh Gioan đã đón nhận cái chết phũ phàng, giống như cái chết của Đức Giêsu và cái chết ấy là một cuộc tử đạo với ý nghĩa tròn đầy.
Ngày 27/04/1945, Đức quốc xã thất trận và rút quân về biên giới Italia. Họ tức giận vì bị quân đồng minh đẩy lùi ra khỏi cuộc chiến. Để trả thù, quân phát xít đi vào các làng mạc để cướp bóc, đốt phá và lùng bắt các Kitô hữu. Trước tình cảnh này, Cha Decande, một linh mục hiền lành và thánh thiện đã tự nguyện đứng ra điều đình để bảo vệ dân làng Fiatsa, giáo xứ nơi Ngài phụ trách. Vừa thấy Ngài, quân lính xông tới trói lại và quyết định xử bắn vị mục tử đáng kính. Ngài can đảm chấp nhận và phó thác cho Chúa. Một tiểu đội hành quyết được huy động. Vị cha già khả kính vẫn bình thản chờ đợi. Bỗng từ hàng lính đang chĩa súng vào vị linh mục, có một chàng trai trẻ từ từ bước ra. Anh ta buông súng xuống và dõng dạc nói: ‘Tôi là một người Công giáo, tôi không bao giờ bắn vào một linh mục, một người của Chúa’. Viên sỹ quan tái mặt và ra lệnh trói luôn người lính bên cạnh vị Cha già thánh thiện kia. Một vài phút sau, một loạt đạn vang lên. Cả hai bóng người ngã xuống. Dân làng Fiatsa không biết người lính trẻ kia tên là gì, nhưng họ nhớ mãi gương mặt hiền lành của chàng trai. Khi chôn cất thi hài, họ tìm thấy trong túi áo của người lính một cỗ tràng hạt. Chắc chắn Đức Mẹ đã dẫn đưa anh ta về với Chúa, vì cái chết của anh quả thật là cái chết tử đạo. Đây là một con người đã can đảm làm chứng cho sự thật.
Giáo hội thiết lập phụng vụ mừng sinh nhật của Thánh Gioan tiền hô, cũng thiết lập phụng vụ kính nhớ việc thánh nhân bị chém đầu. Ngài đã chết để làm chứng cho sự thật, và sự thật tuyệt đối là chính Đức Giêsu, như Chúa đã công bố: “Tôi là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”. Cái chết tử đạo của thánh Gioan đã hàm ngậm ngay từ khi Ngài mới được sinh ra. Lộ trình tử đạo ấy đã trải dài trong suốt cuộc sống khi Ngài chọn cho mình câu châm ngôn ‘Người phải lớn lên còn tôi phải nhỏ lại’.
Hành trình ơn gọi của thánh Gioan tiền hô
‘Đứa trẻ này rồi sẽ ra sao và quả thật, có bàn tay Chúa luôn phù hộ em’ (Lc 1,66). Đây là nhận định của nhiều người trong ngày thánh Gioan chào đời, được thánh sử Luca ghi lại. Tương lai của đứa trẻ ấy sẽ như thế nào, không ai biết. Tương lai của mỗi người chúng ta cũng vậy, chẳng ai có thể tiên đoán. Nhưng, hành trình ơn gọi của Gioan cũng như của chúng ta sẽ luôn đi đúng hướng nếu có bàn tay Thiên Chúa luôn ở cùng. Thiên Chúa là Đấng khởi xướng và mời gọi chúng ta tiếp bước theo Ngài. Ngài luôn ở bên chúng ta, và bàn tay yêu thương của Ngài luôn dẫn lối để chúng ta tiến bước. Nếu thoát ra khỏi vòng tay thân thương ấy và sống cô lẻ một mình, chúng ta sẽ vấp ngã. Gioan tiền hô thì không. Ngài cảm nhận ra ơn gọi và sứ mạng được Thiên Chúa trao phó nên đã nói với mọi người “Tôi chỉ là tiếng kêu trong sa mạc. Có người đến sau tôi nhưng cao trọng hơn tôi. Tôi chỉ đáng xách dép cho Ngài” (Mc 1,7).
Mỗi người chúng ta đều được Thiên Chúa trao ban một ơn gọi. Sống hoàn thiện ơn gọi đó, chúng ta sẽ vươn đạt tới sự thánh thiện. Trái lại nếu chúng ta chối từ lời mời gọi của Thiên Chúa, chúng ta sẽ rơi vào diệt vong.
Kết luận
Trong phụng vụ, Giáo hội chỉ mừng kính 3 lễ sinh nhật: Sinh nhật Chúa Giêsu, sinh nhât Đức Maria và sinh nhật của Thánh Gioan tiền hô. Lý do như Đức Giêsu đã nói: “Trong các phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa thấy ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy gỉa (Mt 11,11). Chúa còn sánh ví Gioan như ngôn sứ Êlia. Tuy nhiên, điểm nhấn của phụng vụ hôm nay là Giáo hội muốn chúng ta nhìn vào cuộc hành trình ơn gọi của thánh nhân như một tấm gương. Đó là một con người luôn sống khiêm hạ, ẩn dấu cái bóng bé nhỏ của mình dưới một cái bóng khác lớn hơn. “Người phải lớn lên còn tôi phải nhỏ lại”. Cuộc sống ơn gọi của thánh Gioan là hình mẫu để cho chúng ta noi theo.
Lm. GB Trần Văn Hào, SDB