Người phụ nữ vẻ mặt khắc khổ bước vào văn phòng với những bước chân nặng nhọc.
- Chị ơi! Con tôi bỏ nhà đi 2 hôm rồi.
- Tại sao thế?
- Vì tôi đã không hiểu nó!
- Sao chị lại khẳng định rằng chị không hiểu cháu?
Chị ngồi xuống, nhỏ nhẹ kể lại tình cảnh. Câu chuyện tóm tắt như sau:
Con chị, một học sinh lớp 7 mười ba tuổi, thuộc gia đình lao động nghèo. Bố em bị mất sức lao động sau một tai nạn. Nuôi bốn miệng ăn, lo tiền học, tất cả gánh nặng kinh tế gia đình đổ lên vai mẹ. Hằng ngày, thấy mẹ vất vả mà không đủ xoay xở cho gia đình, em thương mẹ lắm và quyết định làm một việc gì đó giúp mẹ.
Được một bà cụ lâu năm trong nghề bày cách lựa chọn và phân loại ve chai, nên mỗi ngày sau khi đi học về, em lại bỏ thời gian đi nhặt ve chai. Số tiền thu được dù nhỏ nhưng tăng dần theo thời gian. Từ việc tích được một món tiền nhỏ để mua tập, bút và góp chút tiền cho me, em đâm ra ham thích nên dành nhiều thời gian cho chuyện nhặt ve chai hơn. Thế là khi tối đến, em mệt quá và lăn ra ngủ, quên cả học bài. Cứ thế, kết quả học tập ngày càng sa sút.
Được thầy cô mời đến trường nhiều lần, mẹ đâm cáu gắt rồi chì chiết con. Nào là đứa “ăn hại, thứ ăn bám, chỉ có mỗi việc học mà làm không ra trò”; “hết cha rồi con hành hạ tấm thân tôi, vắt kiệt sức như vậy chưa đủ sao mà còn làm khổ tôi…”. Cảnh ấy cứ lặp đi lặp lại. Đứa bé cảm thấy đau khổ vì nó đã hết lòng chia sẻ nỗi khổ của mẹ, ai dè, mẹ lại cho rằng nó là nguyên nhân gây ra nỗi đau và sự cùng khốn cho gia đình.
Buồn rầu, nó bỏ đi và xem chuyện này như việc cất gánh nặng cho mẹ.
Câu chuyện dừng lại trong tiếng nấc của người mẹ, làm đọng lại chút đắng nơi người nghe. Tôi không cần hỏi chị về nguyên nhân vì chị đã biết. Chỉ thông cảm với chị và hứa sẽ cố gắng hết sức dò tìm tin tức và làm cầu nối đưa em về.
Chị bước ra khỏi văn phòng, nhưng vẫn còn ở lại trong tôi tiếng “bước chân đi hoang” của đứa học trò. Chút xót xa, chút nặng lòng. Phải chăng đây chỉ là kinh nghiệm của người mẹ? Tôi nghĩ không. Nhưng nó phải là bài học cho tôi là nhà giáo dục, và giờ đây tôi muốn chia sẻ bài học này cho những người cùng mang trọng trách như tôi, như người mẹ ấy.
Theo tôi, gánh nặng mưu sinh đã chiếm hết tâm trí của bà mẹ. Bà không có thời gian để biết con mình sống ra sao, có bạn bè nào, có tâm tư gì. Và khi sự cố xảy ra, bà cũng chẳng dành giờ để suy gẫm, tìm hiểu nguyên nhân của những sa sút mà tháo gỡ. Bà đã không đọc được tấm lòng của con và những nỗ lực em thể hiện để góp sức chăm lo gia đình, cho nên, dẫn đến những hiểu lầm và sự hối tiếc.
Giá mà bà có chút kiên nhẫn. Vâng, nếu có chút kiên nhẫn, bà sẽ lắng nghe được lý do vì sao nhà trường mời nhiều lần như vậy, vì sao mà con của bà lại rơi vào tình trạng sa sút. Một chút kiên nhẫn bà sẽ không đẩy con vào thế cảm nhận “tội lỗi”. Vẫn biết tấm lòng của người mẹ bị tổn thương do con cái không cố gắng đạt tới “tầm vóc” như bà đã trông mong và đầu tư, nhưng điều đó không thể biện minh cho việc la mắng oan trái. Vẫn biết lời nói gió bay, và bà có thể quên nhưng đứa trẻ thì nhớ, nó sẽ ghi mãi trong lòng cảm nhận “lỗi” chứ không là “công”. Vì thế, chữ “Nhẫn” cần được nhìn ở góc độ là giải pháp tích cực của nghệ thuật giáo dục.
* Nhẫn là sự nhẫn nhục, chịu đựng trước những nghịch cảnh trong cuộc sống, trước những tình huống khó khăn, bất lợi, với ý hướng muốn khắc phục, vượt qua.
* Nhẫn là sự kiên nhẫn, kiên trì trong hành động để đạt tới mục tiêu tốt đẹp mà mình muốn vươn tới.
Hiểu được như thế người mẹ mới có thể bình tĩnh cùng gia đình tìm cách vượt thắng nghịch cảnh. Với những Ki-tô hữu, họ có một phương thế hữu hiệu song hành với nỗ lực giáo dục con cái, đó là cầu nguyện. Việc cầu nguyện làm cho họ lạc quan tin tưởng hơn để sống sự kiên nhẫn, vì tin rằng chính Chúa sẽ biến đổi lòng người.
Cuối cùng, tôi cho rằng việc gặp gỡ trao đổi thường xuyên giữa nhà giáo dục và cha mẹ là điều hết sức cần thiết, vì qua trao đổi, họ hợp tác cùng nhau tìm những cách thức để giúp trẻ thăng tiến trong đời sống.
Để giáo dục, người lớn hãy “hiểu trẻ” hơn!
- Hãy lắng nghe!
- Hãy quan tâm một cách tích cực!
- Hãy giúp trẻ nhận biết các biểu hiện đúng, hành động đúng!.
- Hãy thảo luận và giúp trẻ có ý quyết đoán chọn giải pháp hiệu quả!
- Hãy tôn trọng trẻ để trẻ hiểu giá trị của chính bản thân!
- Hãy cho trẻ thấy trách nhiệm của bản thân đối với bản thân, với gia đình và cộng đồng xã hội!
- Hãy kiên nhẫn để gần trẻ mới có thể hiểu trẻ và giúp trẻ!
Xuân Mai