Thông điệp của Cha Bề Trên Cả: Lễ Phục Sinh ở trại tị nạn Palabek

Don Bosco đã đến trại tị nạn ở Palabek, Uganda. Đây là tin mừng về sự Phục sinh của Đức Giêsu.

Chúng con thân mến! Đúng là như thế. Don Bosco đã đến Palabek ngang qua những người con của ngài, các Salêdiêng Don Bosco (SDB). Cha viết cho chúng con để nói với chúng con điều này, bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể vui mừng từ những thông tin rõ nét về những con người đang sống trong trại tị nạn Palabek. Không còn nghi ngờ gì nữa, những người con trong gia đình của Don Bosco và những người đang sống đặc sủng của Don Bosco có thể nhận ra ngay lập tức, tin tức này đã nói với họ về Tin mừng và cách thức của những người Salêdiêng. Nó cũng đem lại nhiều điều ích lợi cho những ai chỉ đơn giản cảm thấy gần gũi với những điều tốt lành mà họ đã làm cho các trẻ em, các thanh thiếu niên và những người trẻ thông qua một “cây vĩ đại”, đó là Gia đình Salêdiêng Don Bosco, gồm 31 thành phần khác nhau được công nhận chính thức trên toàn thế giới.

Đang sống trên miền bắc Uganda hiện có khoảng 1.200.000 người tị nạn, họ hầu hết đến từ Nam Sudan. Những người đầu tiên đến trại tị nạn kể từ sau tháng 3 năm 2016. Palabek cách Gulu, thành phố lớn nhất ở miền bắc Uganda khoảng 77 km (48 dặm) và cách Kampala, thủ đô Uganda khoảng 340 km (211 dặm)

Những hiểu biết về nơi đây là nhờ cha Giám tỉnh Tỉnh dòng Africa-Great Lakes (AGL), ngài đã đến thăm và nói chuyện với cha về vấn đề này. Cha đã yêu cầu một thành viên của phái đoàn truyền giáo của chúng ta đến đó để xem xét khả năng thành lập một Điểm Hiện Diện nơi đó, vì nơi đây có nhiều trẻ em, thanh thiếu niên và người trẻ vị bỏ rơi, và chắc chắn đây là nơi dành cho những người con của Don Bosco. Chính Don Bosco đã làm như thế.

Ngày nay có khoảng 36.000 người trong trại ti nạn Palabek, trong đó 86% là phụ nữ, trẻ em và một số lớn thanh thiếu niên. Người cao tuổi rất ít. Cha muốn xem như là dịp để minh chứng cho thấy rằng, phụ nữ, và trong trường hợp này, phần lớn là các bà mẹ, đang phải chịu gánh nặng rất lớn từ những chiến đấu và hy sinh của họ. Tuy nhiên, điều đó cho thấy chính họ là những người đang trực tiếp “cứu vớt” con cái của họ qua từng ngày sống. Chúng ta cảm ơn những người phụ nữ và các bà mẹ này. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao của chúng ta khi ở đó để phục vụ những người con của họ.

Chúng ta nhận ra ngay từ đầu rằng các trường mầm non, trường tiểu học, trường kỹ thuật, các phòng thí nghiệm và các trung tâm trẻ Salêdiêng sẽ là cần thiết. Chúng ta sẽ thực hiện những bước đi mà chúng ta có thể làm ngay bây giờ, và rồi sau đó, nhiều người và các tổ chức khác có thể giúp đỡ; chúng ta sẽ quyết tâm không trì hoãn việc đó.

Vào ngày 31 tháng 01, các anh em Salêdiêng đã “cắm trại của họ” tại trại tị nạn ở Palabek. Cha Arasu đóng vai trò sinh động tại đây. Cùng với ngài còn có 3 anh em Salêdiêng khác, họ là nhà truyền giáo đến từ Venezuela và Ấn Độ. Ba anh em Salêdiêng trẻ người Châu Phi cũng đang chuẩn bị hiện diện nơi đây vào tháng Chín.

Ai đó có thể hỏi chúng tôi ở đâu mà chúng ta có được “mảnh đất” với một số công trình như thế. Không – chúng ta chỉ đơn giản bắt đầu sống giữa họ và sống với họ, sống cùng một cuộc sống mà họ đã sống và đi lên từ sự nhiệt huyết mãnh liệt và cả sự thiếu thốn vật chất. Chúng ta sẽ tiến lên từ đây, tìm cách để cải thiện hoàn cảnh sống, đặc biệt là ở những nơi việc giáo dục được quan tâm hơn cả, nghĩa là phải chuẩn bị cho các trẻ em, các thanh thiếu niên và những người trẻ bước vào cuộc sống. Phần lớn trong số họ là các Kitô hữu, và chúng ta cũng phải đồng hành với họ trong hành trình đức tin của họ.

Chúng ta đã bắt đầu tìm kiếm sự viện trợ vật chất để sinh động các buổi cử hành phụng vụ trong các cộng đoàn khác nhau sẽ được hình thành. Chúng ta đừng quên rằng, con số 36.000 người sống ở trại Palabek đã vượt quá số người sống ở hàng trăm thị trấn hoặc các thành phố nhỏ ở nhiều nơi trên thế giới. Đó thực sự là một thành phố di động bằng những chiếc lều. Chúng ta sẽ chuẩn bị các giáo lý viên để sinh động và đồng hành với những cộng đoàn Kitô hữu khác nhau này. Chúng ta sẽ tìm kiếm và chuẩn bị cho những người trẻ có thể sinh động trong các nguyện xá Salêdiêng vì cuộc sống vẫn phải tiếp tục được vui tươi và hạnh phúc, nhu cầu của người trẻ cần được đáp ứng với niềm vui và hy vọng, nhờ đó họ có thêm động lực để sống mỗi ngày. Chúng ta cũng phải nghĩ đến cách hình thành và chuẩn bị cho người khác trở nên những giáo viên của các trường học và hướng dẫn cho các trường nghề và công nghệ. Tạ ơn Chúa, chúng ta không đơn độc trong vấn đề này, vì một số giáo dân cũng đang bắt đầu tham gia vào sứ mệnh này.

Chúng ta biết chắc rằng, khi mỗi người cùng nhau cố gắng một chút, chúng ta có thể làm nhiều điều để tạo nên một cuộc sống có giá trị hơn cho hàng ngàn người di dân. Chúng ta cũng biết rằng chúng ta không đơn độc trong vấn đề này, vì có hàng trăm người, khi đã nhận được tin tức và hiểu biết về nó, họ sẽ cảm thấy mong muốn tham gia vào những nỗ lực này hoặc ở nơi đây, hoặc cộng tác từ xa.

Đó là lý do tại sao cha chia sẻ điều này với chúng con và tại sao cha nói ngay từ đầu rằng, Don Bosco đã đến Palabek ở Uganda nhờ cách thức của những người con của Ngài, và rằng Chúa Giêsu đã sống lại trong số những dân tộc di cư ở Palabek. Điều này có nghĩa là những người “bị loại trừ” của thế giới (“loại trừ” bởi các hành động bạo lực và hành động tội ác của chúng ta) tiếp tục cảm thấy rằng, họ được Thiên Chúa của chúng ta yêu mến, Người kêu gọi chúng ta thực hiện những bước đi theo hàng ngàn cách thế, để xây dựng một nền văn minh nhân loại mà ai cũng có một vị trí xứng đáng. Nền văn minh này có thể làm được và duy trì: nền văn minh của tình huynh đệ của nhân loại chỉ có thể được xây dựng dựa trên công lý và sự thiện hảo để mỗi người đều có một cuộc sống đúng với phẩm giá của họ.

Mong rằng những nụ cười sẽ không bao giờ biến mất khỏi Palabek. Phúc lành của Lễ Phục Sinh sẽ phục sinh tất cả mọi người chúng ta.

Gia Thi, SDB chuyển ngữ


Visited 2 times, 1 visit(s) today