Noel Đà Lạt, Mùa Đông năm nào cũng lạnh rát da. Phủi lớp bụi trên phiến đá, Tú ngồi xuống một góc công viên. Lôi mấy con búp bê gỗ từ cái giỏ cũ rách, nó cẩn thận bày ra trước mặt, rồi ngồi như một người bán hàng chuyên nghiệp, kiên nhẫn gọt đẽo mấy cục gỗ cho thành những con búp bê mới. Nó vẩn vơ hát theo bài nhạc Giáng Sinh vọng lại đâu đó, đang khi cô Hoa bưng đến cho nó tô bún riêu nóng hổi: “Ăn cho nóng! Quà Giáng Sinh đấy! Mà tao bảo, mày bỏ nghề đi! Qua phụ tao bán bún, mày làm cái này tao thấy rỗng công!”
– Rỗng công nhưng là ông chủ, vẫn sướng hơn! Hì hì… Cô không mua chuộc được cháu đâu, với lại cháu thích nghề này. Tú cười dí dỏm.
– Hay mày chê tiền, đã thế mai mốt tao gả con gái cho, ha ha… mà tao nói thật, búp bê của mày xấu như ma trơi, có thằng điên với mua!… ha ha.
– Kệ! Cháu làm để trưng chứ đâu phải để bán! Hì hì… mà biết đâu, hôm nay lại bán được!
– Khéo mơ! Noel, người ta ăn bún, mua bánh, ai thèm mua cục gỗ!
Cô Hoa vẫn thích ghẹo nó như vậy. Cô quý nó ở cái hiền lành, thật thà, nghèo nhưng chẳng hề có chút tham lam. Nói nó rỗng công cũng phải, vì nó có bán được gì! Chiều nào nó cũng ra đây ngồi để quên thời gian, vơi buồn, và để nhớ lại những lúc mà ba Khánh dạy nó làm búp bê. Mà thật đúng như cô Hoa nói: Búp bê gì xấu như ma trơi, vừa thô, vừa vụng, màu sắc chẳng hài hoà, chẳng có trật tự nào. Chỉ duy nó hài lòng với sản phẩm tay mình, nó thừa biết: Chẳng ai mua! Thỉnh thoảng trong đám người đi dạo, có ai tò mò đứng lại xem thì chỉ liếc qua là lựa cách đi ngay.
Búp bê, chính xác hơn thì nên gọi là mấy cục gỗ, xem chừng chẳng có thiện cảm, mà hơn nữa, nó đó – lem luốc, cười nói nhưng cái mặt chỉ thấy buồn – trông thách thức quá! Giữa cái phố du lịch này, không ai ưa nhìn người cơ khổ, mồ côi, xin ăn. Tú không phải “ăn xin”, cũng chẳng mồ côi, nó thiếu một gia đình. Mẹ nó buôn bán giỏi, chẳng may bị tai nạn, mất trí, bỏ đi biệt tăm. Ba nó là nghệ sĩ điêu khắc, thương vợ, ra sức đi tìm mẹ nó, nhiều lần tìm kiếm mà vẫn vô vọng. Cách đây đã hai năm, ông bán nhà, gởi nó cho một chủ nhà trọ, nhất quyết đi một chuyến xa, nói là để tìm bằng được mẹ nó thì mới về. Đó cũng là lần gần nhất Tú còn thấy được ba. Sau lần ấy, ba nó chẳng về nữa, chỉ gởi ít tiền và bảo nó phải tự chăm sóc cho mình. Ông chủ nhà trọ thấy thế thì bảo nó vào ở trong cái kho, ông sẽ nuôi ăn và không lấy tiền, bù lại nó sẽ lo việc quét dọn kho cho ông. Như thế cũng là may, nó không phải lo ăn, lại còn có chỗ nương nhờ.
Nhưng cuộc sống con người đâu thể lấy thế làm đủ. Tú sống những ngày tháng không người chia sẻ. Nó trải qua những đêm mệt mỏi vì trăn trở và mong nhớ. Ước gì có mẹ ở đây! Ước gì ba nó sớm tìm được mẹ! Cuộc đời lấy đi của nó nhiều thứ, nhưng cũng dạy cho nó phải biết tự lập, quên đi những buồn khổ, và phải chấp nhận cả những điều không như ý muốn. Niềm vui còn lại của nó là hằng ngày gọt đẽo những con búp gỗ, chăm chú sơn vẽ,… chiều đem ra công viên, tối lại gói mang về. Tẻ nhạt, nhưng càng ngày nó càng cảm thấy thích thú với những con búp bê gỗ. Có điều gì đó lạ lùng, khó hiểu mỗi khi làm xong một con búp bê, nó thấy chính nó trong đó, nó cảm thấy ba mẹ nó thật gần.
Giáng Sinh lạnh quá! Gió cũng vô tình, từng cơn nối nhau thổi vù vù mà chẳng buông tha nỗi cô đơn của kẻ không nhà. Người dạo phố mỗi lúc lại thêm đông, cười nói rộn ràng…
Bỗng một cô bé ở đâu chạy tới, ríu rít:
– A! Búp bê, búp bê gỗ! Dễ thương quá à!
Con bé chụp ngay lấy con búp bê, tay nó mân mê còn cái miệng thì tíu tít: “Đẹp quá! Đẹp quá!” Tú tròn mắt, bật cười. Chuyện không tưởng tượng nổi! Ai đời lại có người thích búp bê của nó cơ chứ! Không tin nổi!
– Nếu em thích, anh tặng chứ không bán, hi hi …
Con bé ngạc nhiên tươi tắn: “Anh nói thật hả?”.
Cả hai phì cười. Nhưng rồi thêm hai người nữa đi tới; người đàn ông, trạc tuổi bố Tú, ngồi xuống ngay cái ghế bên cạnh; người phụ nữ mặc chiếc áo lông trắng sang trọng, cái giỏ xách tay màu đen cũng sang trọng, đứng lù lù trước mặt Tú. Con bé nắm chặt con búp bê, rồi giựt giựt cái áo lông trắng của mẹ nó: “Má ơi búp bê gỗ nè, giống búp bê ba làm nè, con thích nè, mua nè má!”.
Ngắm nghía một lát, người phụ nữ đưa mắt nhìn Tú:
– Bao nhiêu tiền?
Mặt Tú tái mét, nó ấp úng: “Ư!!.. ah..ư…” Họng nó cứng đờ, là bởi nó đâu có sẵn câu trả lời, là vì đời nào có ai hỏi mua, nó cũng chưa khi nào định giá cơ mà. Cho đến khi giọng người phụ nữ lặp lại to hơn: “Bao nhiêu tiền?”.
– Dạ mười… mười nghìn ạ! Tú vội đáp
– Thế này mà mười nghìn à! Thà đốt tiền đi còn hơn. Chưa dứt lời, con búp bê đã bị quẳng thẳng xuống nền gạch, văng đi một đoạn mấy bước.
Tú giật nảy người, mặt bừng đỏ, nhưng rồi nó bình tĩnh được ngay. Chuyện này đối với nó cũng thường, người ta vẫn đối xử với nó như vậy, thậm chí còn nặng lời hơn. Không phải nó không biết, hay nó không mong được nghe những lời nói tử tế. Chỉ vì nó chấp nhận mình, chấp nhận đến độ thuần thục. Nó đã quen chịu vậy, những chuyện buồn nhất cuộc đời nó đã chịu được, thì mấy chuyện đó có đáng là gì.
Thấy con búp bê bị ném xuống, người đàn ông khi nãy vội lượm lấy: “Này mình, chuyện gì vậy?”
Giờ thì tới lượt người phụ nữ kia lại không biết trả lời thế nào cho phải: “Ừ, thì… thì… không có gì, em lỡ tay làm rớt. Cô xin lỗi nhé! Cô mua con này và thêm 2 con này nữa.”
Tú còn chưa biết hành xử ra sao thì người đàn ông đã lên tiếng: “Búp bê này cháu tự làm hả?”
– Dạ.
– Ai đã dạy cháu? Người đàn ông dường như đã khẳng định được điều gì rất đúng: “Cháu là con trai chú Khánh? Ba mẹ cháu đâu?… Bây giờ ở đâu?”.
Cứ thế, sau một hồi chuyện trò, Tú cũng nhận ra bác Thành, từng là bạn của ba. Lúc còn học chung nghề điêu khắc, ba Tú và bác Thành đã tự làm những con búp bê gỗ rồi đổi cho nhau làm kỷ niệm, không ngờ nó lại thành duyên cớ cho cuộc gặp gỡ quý báu này. Ông Thành đề nghị Tú về ở với gia đình, ông sẽ dạy cho Tú nghề điêu khắc mà bố cậu đã làm. Tú vui sướng vì được học nghề, nhưng cậu chưa muốn về ở với ông Thành, cậu còn nuôi một hy vọng lớn hơn: Hy vọng một ngày chính ba cậu sẽ tìm thấy mẹ Tú, và cậu sẽ sống trong chính gia đình của mình, sẽ cùng ba Khánh khắc những con búp bê gỗ thật xinh xắn.
Bài viết: Huy Khiêm, SDB