DẠY TRẺ BIẾT LẮNG NGHE

Gần tới tuần chín ngày dọn mừng lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, Đaminh Saviô gặp Don Bosco:

– Thưa cha, con biết Đức Mẹ sẽ ban nhiều ơn cao cả cho những ai làm tuần chín ngày này thật tốt.

– Còn con, con muốn làm gì cho Ngài trong tuần chín ngày này?

– Thưa cha, con muốn làm thật nhiều: trước hết xưng tội chung về cuộc đời của con; tiếp đến, nghiêm chỉnh thực hành hoa thiêng hằng ngày và chuẩn bị tâm hồn để mỗi sáng có thể rước lễ.

Nói tới đó, Đaminh Saviô im lặng, nhưng Don Bosco nhận thấy cậu muốn tiếp tục cuộc đối thoại, nên Ngài khuyến khích cậu nói tiếp:

– Ngoài ra còn điều gì nữa?

– Thưa cha, còn hai điều.

– Điều gì?

– Thưa cha con muốn quyết liệt tuyên chiến với tội trọng.

– Còn điều thứ hai?

– Con sẽ cầu nguyện với Mẹ Maria rất nhiều để xin Ngài ban cho con được chết còn hơn phạm tội trọng nghịch lại đức trong sạch.

Don Bosco cho biết: “Cuộc đối thoại đó rất dài”. Sở dĩ Saviô muốn nói là vì Don Bosco có nghệ thuật lắng nghe. Đó là một đặc tính nổi bật nhất của Ngài: một khả năng tuyệt diệu biết lắng nghe tất cả, nhất là lắng nghe thanh thiếu niên. Ngoài gương sáng, Don Bosco còn để lại cho các nhà giáo dục những lời chỉ dạy. Trong “Hệ thống giáo dục Dự phòng”. Ngài nói: “Hãy để cho học sinh dễ dàng tự do bày tỏ tư tưởng của chúng… Bề trên hãy để cho chúng nói nhiều, còn mình nên nói ít”.

Biết lắng nghe là một nghệ thuật thủ đắc không thể tự nhiên mà có. Nó đòi hỏi một cuộc tập luyện lâu dài. Đối với trẻ em, thì phải dạy ngay từ nhỏ. Một vài nghiên cứu nghiêm túc cho thấy rằng khi được ngỏ với cử tọa, cuộc nói chuyện bằng lời mất đi 75 phần trăm nội dung. Như vậy, hiệu suất lắng nghe chỉ được 25 phần trăm, và thông thường chúng ta chỉ lắng nghe với một nửa lỗ tai. Ông Zeon, một triết gia Hy Lạp, đã nói rằng con người được ban cho hai lỗ tai và chỉ có một cái miệng, họ cần hiểu rằng lỗ tai phải ưu tiên hơn miệng lưỡi. Cũng phải nhận rằng trong cuộc sống tương giao với người khác, chúng ta buộc lòng phải dành 40% thời gian để lắng nghe và 30% để nói.

* Bạn thường rầy la trẻ em, vì nó không nghe bạn. Nhưng phải dạy cho nó biết lắng nghe đã chứ! Dạy bằng cách làm gương: hãy lắng nghe nó, lắng nghe thường xuyên, lắng nghe luôn luôn. Thấy bạn lắng nghe, trẻ em sẽ nhận ra rằng lắng nghe cũng là một điều ích lợi và thích thú, chớ không phải là một bổn phận nặng nề. Khi lắng nghe, hầu như trẻ em cảm thấy căng thẳng, mất kiên nhẫn, mệt mỏi, chán ngán, vì nó coi đó là một bổn phận bị áp đặt từ bên ngoài. Trước hết từ nhà trường. Nó bị thầy cô nhắc mãi vì không chịu lắng nghe; ba má cũng khiển trách nó không biết lắng nghe, nhưng chẳng ai làm gương cho nó về sự lắng nghe thì làm sao nó thích lắng nghe được.

* Phải dạy cho trẻ em biết lắng nghe cách tích cực, chớ không phải chỉ nghe cách thụ động, dửng dưng (dù là trước mặt nhà giáo dục, người thân, bề trên). Người trên nói thì mình phải chú ý nghe, chứ không trơ trơ như pho tượng, không tiếp nhận tiếng động hay ánh sáng. Cần biết nghe như miếng bọt biển biết thấm nước. Được dìm vào nước là nó hút nước ngay và chỉ cần có thế. Khi nghe, trẻ em cũng phải như vậy.

* Phải luôn thích thú và hứng khởi mà lắng nghe, phải lắng nghe với tâm hồn rộng mở. Kẻ đang định đối phó với những điều người khác nói, kẻ có đầu óc chống đối hoặc muốn tự vệ, cũng như kẻ không được chuẩn bị hoặc bị mất hứng sẽ không lắng nghe được, hoặc sẽ hiểu sai.

Có người đã viết: “Tôi chưa bao giờ gặp một người như Don Bosco. Ngài tỏ ra thích thú lắng nghe người nói chuyện với Ngài. Ngài kiên nhẫn lắng nghe, với lòng bao dung, quảng đại, với sự quan tâm và lòng tốt luôn sinh động”.

Trái lại, nhiều người vợ vẫn than phiền: “Chồng tôi chỉ biết nói, chứ không bao giờ biết nghe”.

Tác giả: Lm. Carlô Ambrôgiô SDB
Người dịch: Lm. GB. Nguyễn Văn Thêm, SDB


 

Visited 17 times, 1 visit(s) today