Vatican – Đệ trình “Hồ Sơ Tử Đạo” Của Các Vị Đầy Tớ Chúa Rodolfo Lunkenbein Và Simão Bororo

(ANS – Thành Vatican) – Hồ Sơ Tử Đạo (Positio super martyrio) của các Đầy Tớ Chúa Rodolfo Lunkenbein và Simão Bororo đã được trình lên Bộ Phong Thánh ở Vatican vào ngày 28 tháng 11 năm 2024.

Hồ sơ có sự tham gia của Đức Ông Maurizio Tagliaferri với vai trò là Báo cáo viên, Cha Pierluigi Cameroni, SDB trong vai trò Thỉnh Viên, Tiến Sĩ Mariafrancesca Oggianu là Cộng tác viên. Đây là một bản trình bày chi tiết và hệ thống các tài liệu cũng như lời chứng liên quan đến đời sống, sự tử đạo và danh tiếng của hai Vị Đầy Tớ Chúa – bao gồm một bản trình bày ngắn gọn của Báo cáo viên; Informatio super martyrio (phần thần học chứng minh sự tử đạo cả về hình thức lẫn vật chất của các Đầy Tớ Chúa); Hai bản Summariums (Tóm tắt) bao gồm lời chứng và tài liệu; Các Phần Kết và tập hợp hình ảnh minh hoạ.

Sau khi được đệ trình, Hồ Sơ sẽ được các Cố Vấn Thần Học của Thánh Bộ Phong Thánh xem xét. Tiếp đó, tài liệu sẽ được các Hồng Y và Giám mục nghiên cứu: các giai đoạn nghiên cứu và đánh giá này sẽ giúp Đức Giáo Hoàng, nếu kết quả tích cực, sẽ ban hành Sắc lệnh công nhận sự tử đạo của các Đầy Tớ Chúa.

Tin tức này đã mang đến niềm vui lớn lao cho Tỉnh dòng Campo Grande (Brazil) và Tỉnh dòng Đức, cũng như các giáo phận Barra do Garças (Mato Grosso) và Bamberg (Đức).

Cha Rodolfo Lunkenbein là một linh mục Salêdiêng. Ngài sinh ngày 01 tháng 04 năm 1939 tại Döringstadt, gần Bamberg (Đức), trong một gia đình nông dân bình thường. Rodolfo là con thứ hai trong ba anh em. Khi học lớp năm, Rodolfo học về cuộc đời Don Bosco và nuôi dưỡng ước mơ trở thành nhà truyền giáo. Với sự giúp đỡ của cha xứ, cậu tham gia tu sinh Salêdiêng ở Buxheim. Ở tuổi hai mươi, cậu chuyển đến tập viện ở São Paulo, Brazil, và vào năm 1963, làm tập vụ ở Meruri (Mato Grosso), phục vụ người bản địa Bororo. Từ năm 1965 đến 1969, thầy Rodolfo trở lại Đức để học thần học tại Benediktenbeuern và được thụ phong linh mục vào ngày 29 tháng 6 năm 1969. Sau đó, ngài lập tức trở về Meruri để tiếp tục sứ mạng với người dân địa phương. Năm 1972, ngài tham gia thành lập “Hội đồng Truyền giáo Bản Địa” (CIMI) nhằm bảo vệ quyền sở hữu đất đai của các cộng đồng bản địa. Trong ba năm cuối đời, ngài làm Giám đốc cộng đoàn tại Meruri. Trong thời gian này, ngài thường nhận được lời doạ giết từ những người định cư, nhưng ngài vẫn kiên trì thực hiện công việc mục vụ của mình. Ngày 15 tháng 7 năm 1976, ngài bị sát hại cùng với anh giáo dân Simão Bororo bởi một nhóm khoảng bảy mươi “người định cư” có vũ trang (fazendeiros).

Simão Cristiano Koge Kudugodu, còn được biết đến với tên Simão Bororo, sinh ngày 28 tháng 10 năm 1937 tại Meruri (Mato Grosso, Brazil). Sau khi học xong tiểu học, anh làm việc với những người khai thác kim cương. Năm 1957, anh trở lại Meruri tham gia vào các hoạt động động xây dựng và hỗ trợ các nhà truyền giáo giữa người dân Xavant, tại điểm truyền giáo ở Santa Terezinha. Từ năm 1962-1964, anh tham gia xây dựng những ngôi nhà gạch đầu tiên cho các gia đình Bororo. Simão trở thành một thợ nề lành nghề và dành phần đời còn lại cho công việc này, vừa phục vụ làng vừa hỗ trợ công việc tại điểm truyền giáo. Ngày 15 tháng 7 năm 1976, anh bị thương nặng khi cố gắng bảo vệ mạng sống cho Cha Rodolfo Lunkenbein, SDB. Cùng ngày hôm đó, anh qua đời trên khi một chiếc máy bay tới bệnh viện thành phố, sau khi tha thứ cho những kẻ sát hại mình.

Cha Lunkenbein và Simão là hai trong số nhiều nhà truyền giáo Công giáo và thổ dân đã hy sinh mạng sống trong khi đồng hành, rao giảng Tin Mừng và tranh đấu cho quyền lợi của người bản địa. Cuộc đấu tranh vì quyền sở hữu đất đai, vì các dân tộc và những giá trị tự nhiên, vì sự phong phú văn hoá, tinh thần của họ luôn được tưới bằng máu của các vị tử đạo.

Châm ngôn linh mục mà Cha Lukenbein chọn trong ngày chịu chức là: “Tôi đến để phục vụ và hiến mạng sống mình” (Mc 10,45). Trong chuyến thăm cuối cùng tại Đức (1974), mẹ ngài đã khuyên ngài phải cần thận, vì bà đã được cảnh báo về những nguy hiểm mà con trai mình đang đối mặt. Nhưng ngài trả lời, “Mẹ ơi, sao mẹ lại lo lắng?” Không có gì đẹp đẽ hơn là được chết cho Chúa. Đó là ước mơ của con.”

Visited 5 times, 1 visit(s) today