VẤP NGÃ VÀ ĐỨNG DẬY TRONG HÔN NHÂN – MỘT TIẾN TRÌNH

Mang phận người, khó ai tránh khỏi những vấp váp. Thế nhưng, có những vấp váp rất nhẹ nhàng; có những vấp váp khó gượng dậy nổi. Nhìn chung, vấp váp trong hôn nhân: ly hôn – là điều chẳng ai muốn. Đây là một trong những loại vấp váp khó gượng dậy đối với cả hai phía.

Các nghiên cứu gần xa, trong và ngoài nước đều nhận thấy rằng: ly hôn không đến tự nhiên. Nó là cả một quá trình dài mà chỉ khi đi qua, những người trong cuộc mới chợt nhận ra. Không thể gượng dậy khi không thể khám phá ra tiến trình này. Tuy thế, gượng dậy không phải là dễ dàng. Không ít người lại tiếp tục vấp ngã sau lần gượng dậy. Họ cần có những trợ giúp từ nhiều phía. Nhưng trợ giúp thế nào? Đó là vấn đề mà ngay chính cả những nhà chuyên môn cũng cần phải định dạng lại. Đứng từ góc độ tâm lý học, trong bài viết này, tôi xin được khởi đi từ việc xác định lại tiến trình vấp ngã trong hôn nhân để đề xuất một vài định hướng cho chính bản thân người vấp ngã cũng như những người đóng vai trò hỗ trợ, tư vấn và đồng hành.

1- Vấp ngã và đứng dậy một tiến trình

  • Nhận dạng tiến trình:

Ly hôn, qua các nghiên cứu cho thấy có rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Những nguyên nhân đã xuất hiện và tác động trực tiếp đến từng mỗi cá nhân vợ/chồng trong quan hệ hôn nhân. Mỗi cá nhân sẽ đối diện với những nguyên nhân này khác nhau tùy theo tính cách, riêng của họ. Tuy nhiên, để đi đến một quyết định, mỗi cá nhân sẽ trải qua một tiến trình dài để nghiền ngẫm nó.

Kế đến, tùy theo nhận thức của cá nhân về những nguyên nhân này mà mỗi cá nhân sẽ nảy sinh những cảm xúc khác nhau trước vấn đề mà họ đã và đang đối diện với nó. Có thể, đó là những cảm xúc rất tích cực nhưng cũng có thể là những cảm xúc rất tiêu cực. Tùy thuộc vào những cảm xúc mà họ có được ngang qua con đường của nhận thức, mỗi cá nhân sẽ có những quyết định cho bước tiếp theo của tiến trình này: ứng phó.Trước tiên, đó là sự nhận thức về những nguyên nhân này. Nhận thức của mỗi người không hoàn toàn giống nhau. Nó tùy thuộc vào nhiều yếu tố: tính cách, khí chất, giáo dục,….

Sự ứng phó và giải quyết vấn đề của hôn nhân và gia đình là bước cuối cùng của tiến trình này: đối diện hay chạy trốn.

Nguyên nhân của tiến trình này cũng không khác ở những gia đình hạnh phúc. Nó chỉ khác nhau trong tiến trình đi từ nhận thức của cá nhân đến ứng phó giải quyết vấn đề. Lẩn trốn hoặc giải quyết sai lầm sẽ dẫn đến sự phức tạp hơn cho tiến trình. Vì thế, tiến trình này luôn là một tiến trình khép kín và tăng dần.

  • Hậu quả của tiến trình:

Mô hình của tiến trình trên cho thấy, ngay khi chịu tác động của những nguyên nhân, từng mỗi cá nhân đã chịu những ảnh hưởng nhất định của nó về nhiều mặt: sức khỏe cá nhân (tâm lý và thể lý), những bất thường trong hành vi và những tác động nhất định đến gia đình và xã hội.

Những hậu quả của này lại góp phần tác động lẫn nhau và tác động ngược trở lại làm cho những nhận thức của cá nhân trở nên thiếu sự sáng suốt và có thể dẫn đến sự sai lầm trong suốt tiến trình. Đàng khác, chính những hậu quả ban đầu này đã tác động ngược trở lại như những tác nhân mới góp phần với những nguyên nhân ban đầu làm cho cá nhân nhận thấy tiến trình trở nên khó khăn để giải quyết hơn.

  • Những hỗ trợ xã hội:

Sự đóng góp và hỗ trợ từ phía xã hội góp phần rất lớn trong việc nhận dạng và giải quyết tiến trình này. Những hỗ trợ này có thể là những chuyên viên tư vấn hôn nhân gia đình, những cố vấn trong các tôn giáo, thân nhân, bằng hữu…

Về mặt nguyên tắc, khi nhận được sự hỗ trợ, các cá nhân sẽ có những nhận thức tốt hơn trước vấn đề của gia đình họ. Họ sẽ có những nhận thức đúng đắn hơn để đi đến những cảm xúc tích cực và giải quyết nó cách sáng suốt hơn. Đồng thời, họ ngăn chặn được ngay những hậu quả bước đầu của tiến trình.

Tuy nhiên, trong thực tế, những hỗ trợ xã hội hiện nay cũng lại là những tác nhân – vì nhiều lý do – góp phần làm cho tiến trình này trở nên phức tạp hơn. Những lý do đó có thể là do thiếu hiểu biết về mặt chuyên môn, không khách quan trong đánh giá vấn đề của người được hỗ trợ, ….

2- Những đề xuất

  • Với những người đã vấp ngã muốn đứng dậy

Mô hình cho thấy, sai lầm của quý vị chính ở chỗ đã có những nhận thức không đủ về vấn đề của mình. Việc nhận thức vấn đề không chỉ là cách tiếp cận “lâm sàng” trên bề mặt của vấn đề. Đàng sau và bên dưới những biểu hiện “lâm sàng” có thể thấy là cả một chuỗi những vấn đề cần phải được tháo gỡ. Bao lâu những người trong cuộc không có khả năng đào bới trong quá trình nhận thức vấn đề của mình để tìm ra những nguyên nhân sâu đang ẩn giấu bên trong, chắc chắn họ sẽ có những nhận thức sai và kết quả dẫn đến những cảm xúc tiêu cực; ngay cả khi dù là cảm xúc tích cực cũng khó có thể có những ứng phó và giải quyết đúng đắn.

Trong trường hợp đứng dậy sau ly hôn cũng thế. Nếu quý vị không thực sự nhận thức được nguyên nhân thực sự của việc cần thiết phải đứng dậy mà chỉ chọn lựa như một cuộc chạy trốn hoặc lấp đầy sự trống vắng của mình. Chắc chắn kết quả của cuộc đứng dậy lại là chính một lần vấp ngã mới.

  • Cảm xúc đóng vai trò quan trọng trong hôn nhân. Nó cũng có vai trò quan trọng trong tiến trình của “vấp ngã và đứng dậy” của quý vị. Việc nhận biết những cảm xúc nảy sinh sau quá trình nhận thức của quý vị đóng vai trò rất quan trọng trong quyết định giải quyết vấn đề.

Hôn nhân là mối tương quan liên cá nhân: vợ – chồng và những cá nhân liên quan. Vì thế, nhận dạng cảm xúc không chỉ là của mình nhưng còn là cảm xúc của người phối ngẫu và con cái nữa. Theo các nhà tâm lý học trí tuệ, cảm xúc là một phần của sự khôn ngoan của con người. Nói cách khác, cách giải quyết vấn đề của quý vị có được coi là khôn ngoan hay không tùy thuộc vào quá trình nhận biết cảm xúc này. Từ chỗ nhận biết, đi đến chỗ điều khiển và điều chỉnh cảm xúc của mình và các bên liên quan đã là một khâu tích cực trong tiến trình giải quyết vấn đề.

Trong trường hợp gượng dậy sau vấp ngã, những cảm xúc này đóng góp sự thành đạt hay thất bại rất lớn. Những người đã trải qua kinh nghiệm của một lần vấp ngã phải có được khả năng nhận diện lại cảm xúc dẫn tới cuộc hôn nhân và đổ vỡ lần trước. Tình yêu và hôn nhân là kết quả của những cảm xúc và tiếp tục được nuôi dưỡng bởi những cảm xúc. Những cảm xúc “bất thường”, nếu không được điều chỉnh kịp thời chắc chắn sẽ dẫn tới những sai lầm tiếp theo trong chọn lựa.

  • Đối diện và giải quyết vấn đề của gia đình hay lựa chọn chạy trốn là bước quyết định cuối cùng của tiến trình.

Chọn lựa chạy trốn trong xử lý vấn đề của hôn nhân cũng chính là đã chọn lựa bỏ cuộc. Điều đó cũng có nghĩa là sớm hay muộn, quý vị cũng nhận kết quả là sự phó mặc cho người phối ngẫu tự giải quyết một mình. Con đường của ly hôn khó tránh khỏi.

Chọn lựa đối diện và giải quyết bằng con đường đối thoại với nhau là giải pháp tối ưu. Tuy thế, không phải mọi người chọn lựa con đường này đều thành công. Sự thất bại của quý vị chính là tư duy mang theo mình khi đối thoại. Sự thất bại của lần trước chính là do quý vị đã chọn lựa đối thoại với tư duy phải thắng của mình. Hôn nhân là giao ước không có thắng thua. Trong hôn nhân, chọn lựa tư duy mình phải thắng tức là quý vị đã chọn lựa kết quả thua cuộc.

Trong trường hợp đứng dậy sau vấp ngã, nếu quý vị tiếp tục chọn lựa lối tư duy này như một sự thách đố mới, chắc chắn kết quả cũng không thể khác lần trước.

  • Mô hình trên gợi nhắc cho quý vị thấy rằng, vai trò của những hỗ trợ xã hội có giá trị rất lớn trong quá trình xử lý những chọn lựa của quý vị. Có thể những người trong cuộc vẫn cho rằng người ngoài cuộc không thể hiểu rõ vấn đề của mình. Trong thực tế, quả đúng như thế, nhiều nhà chuyên môn nhưng không có chuyên môn đã chỉ có thể đọc những vấn đề của quý vị chỉ ở bề ngoài của vấn đề và dưới lăng kính rất chủ quan. Vì thế, cần phải biết chọn lựa và tận dụng những hỗ trợ này để những quyết định chọn lựa của mình đạt hiệu quả tốt nhất.
  • Với những người đóng vai trò hỗ trợ

Nhận thức đúng đắn những vấn đề trong tiến trình của hôn nhân là điều quan trọng. Trên nguyên tắc, đó phải là nhận dạng của chính người trong cuộc. Thế nhưng, trong thực tế, mô hình trên cho thấy, những tác động bước đầu của tiến trình đã góp phần làm cho bản thân những người trong cuộc khó có thể có những nhận thức đúng. Vì thế, vai trò của người hỗ trợ sẽ rất quan trọng.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, những hỗ trợ xã hội chưa có khả năng làm công việc giúp cho những cá nhân đang gặp khó khăn trong hôn nhân và đứng dậy sau vấp ngã có khả năng nhận thức vấn đề cách đúng đắn. Chúng ta chỉ đang làm công việc trên bề mặt của vấn đề. Trong khi đó, những mối quan hệ của hôn nhân là những mối quan hệ liên cá nhân, quan hệ của những con người khác nhau trong suốt chiều dài lịch sử của mỗi cá nhân đó. Vì thế, những người đóng vai trò hỗ trợ phải có được khả năng giúp cho mỗi cá nhân “đào bới” tận chiều sâu của lịch sử cá nhân họ để phát hiện và nhận thức đúng đắn vấn đề.

Trong trường hợp của những người cần đứng dậy sau vấp ngã. Thường họ rất dễ có những quyết định khởi đi từ những nhận thức không thực sự đúng đắn: lấp chỗ trống, tìm cảm giác mới như sự khẳng định bản thân… Họ cần được giúp đỡ để nhận thức lại vấn đề cách nghiêm túc và đúng đắn trước những quyết định mới.

  • Cảm xúc quan trọng với những người trong cuộc và liên quan tới kết quả của tiến trình hôn nhân của họ. Đóng vai trò hỗ trợ, tức là chấp nhận đi vào trong tiến trình giải quyết vấn đề cùng với các cặp hôn nhân này. Vì thế, người hỗ trợ đồng hành không thể thiếu khả năng của trí tuệ cảm xúc. Chúng ta không thể xem xét chuyện của các gia đình cần hỗ trợ như là chuyện của người khác. Cần có khả năng cảm xúc không phải là của chúng ta một cách riêng tư mà là khả năng đồng cảm cùng với các cá nhân liên quan đến mối tương quan đang được xem xét và xử lý.
  • Bước quyết định giải quyết vần đề thường được quan tâm nhiều hiện nay của những người đồng hành. Tuy nhiên, trong thực tế, đó chỉ là những lời khuyên bảo theo nhiều cách thức khác nhau. Thậm chí cả là những lời khuyên mang nặng tính giáo điều, luân lý. Quyết định cuối cùng cho tiến trình này không phải của người đồng hành nhưng là của chính các cá nhân trong mối quan hệ của họ.

Giúp cho những cá nhân tự mình có những giải pháp nghiêm túc và đúng đắn là vai trò của người hỗ trợ. Hướng dẫn và trợ giúp để cho từng cá nhân có được những kỹ năng cần thiết trong giải quyết vấn đề của họ không chỉ là để giải quyết vấn đề trước mắt nhưng còn là những vấn đề của tương lai. Có được một quyết định đúng và phù hợp với hoàn cảnh sau quá trình xem xét xuyên suốt tiến trình sẽ giúp cho từng mỗi cá nhân có thể có được một quyết định khác ngay cả khi họ đã quyết định giải tán cuộc hôn nhân trước đó.

  • Việc hỗ trợ và đồng hành được trải dài trong suốt tiến trình. Có thể các cá nhân tìm đến với người hỗ trợ khi đã trễ. Điều đó không quan trọng. Vấn đề là chính bản thân người hỗ trợ đồng hành có khả năng cũng với các đương sự tìm kiếm và bắt đầu lại cho những tiến trình của hôn nhân của họ. Đây cũng chính là những vấn đề mà những người đóng vai trò cho các cá nhân đang cần sự trợ giúp để đứng dậy sau những vấp váp trong hôn nhân của họ. Họ cần phải giải quyết tăn căn vấn đề của mình trước khi có những quyết định kế tiếp của tương lai.
  • Việc đồng hành đòi những người làm công tác này những khả năng và kiến thức tối thiểu về mặt tâm lý học, giáo dục học và xã hội. Nhưng hiện nay, đa số những người làm công tác này đều thiếu hụt về mặt chuyên môn. Đã tới lúc cần có những khóa đào tạo bài bản cho những người làm công tác đồng hành và hỗ trợ cho các gia đình, nhất là các gia đình trẻ cũng như cho những ai đã một lần vấp ngã đứng dậy một cách tự tin hơn.

Lm. Giuse Têrêsa Trần Anh Thụ – Tiến sĩ Tâm lý học


 

Visited 1 times, 1 visit(s) today