TUỔI TRẺ NÀY ĐÁNG GIÁ BAO NHIÊU?

Nguyễn Xuân Quang, sdb

Bạn thân mến!

Ai trong chúng ta rồi cũng phải trải qua số mệnh của đời người là sinh – lão – bệnh – tử và người ta gọi đó là quy luật của cuộc sống. Kinh nghiệm của những người đã đi qua để lại cho chúng ta rằng sau khi đã trải qua những thăng trầm và ngồi nghĩ lại thì thấy quãng thời gian tuổi trẻ là quãng thời gian cho ta nhiều thứ nhất: Về những lần vấp ngã, về những lần khóc trong bóng tối nhưng phải cố để người bên cạnh không nghe thấy, để rồi sau tất cả là những điều mà sau khoảng thời gian đó nghĩ lại thấy mình là người may mắn vì đã được tuổi trẻ ban tặng như món quà giúp bản thân bạn trưởng thành hơn.

Người ta vẫn thường hay nói mỗi lần vấp ngã là một lần đau và sau mỗi cú ngã ấy, chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ và trưởng thành hơn bao giờ hết. Thế nhưng, khi sự vấp ngã đã trở thành thói quen với một thân mình chằng chịt vết trầy xước, đó chính là khi tâm hồn dần dần hình thành sự vô cảm và chai sạm trước những nỗi đau. Cái đáng giá của tuổi trẻ chính là ở đây: đừng để tâm hồn mình nên chai sạm trước những nổi đau chằng chịt vết trầy xước của nhiều lần vấp ngã bạn nhé.

Bạn thân mến!

Trưởng thành giúp chúng ta có thể đi mọi nơi mình muốn. Nhưng có một nơi luôn rộng tay đón bạn trở về, ôm bạn vào lòng, xoa dịu những tổn thương trong bạn, giúp bạn lên tinh thần mỗi khi yếu lòng hay thất vọng. Đó là nhà. Có lẽ bạn chưa biết rằng chúng ta có nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi duy nhất để trở về đó là nhà, nơi đó có những người để bạn yêu thương mà ta gọi nó với hai từ đầy cảm xúc: “gia đình”.

Tuy nhiên, khi còn trẻ chúng ta vẫn luôn tìm cách để ra đi.

Lúc còn ngồi trên ghế nhà trường chúng ta thường mơ mộng sẽ khám phá thế giới này như thế nào, chúng ta sẽ trưởng thành ra sao, sẽ làm được điều gì có ý nghĩa cho cuộc đời mình? Và những ước mơ đó là động lực để chúng ta cố học thật nhiều, để thực hiện được những khao khát của tuổi trẻ, để được đi thật xa chinh phục thế giới.

Một bạn trẻ, 27 tuổi và đang độc thân. Sự nghiệp đúng chuyên ngành, đúng đam mê và đang trên đà đi lên khiến cho chàng trai ấy luôn phải cố gắng với hết thử thách này đến thử thách khác. Công việc bận rộn, đòi hỏi tôi anh ta thường xuyên phải di chuyển liên tục. Ngay từ bé bạn trẻ ấy đã ước được làm một công việc có thể đi nhiều nơi nên bây giờ, dù đi nhiều nhưng được làm việc mà bạn ấy yêu thích và thỏa mãn sự khám phá nhiều miền đất mới khiến bạn trẻ ấy không thấy mệt mỏi.

Thế nhưng sống xa quê, bận rộn công việc đồng nghĩa với tần suất bạn trở về nhà cũng thưa dần. Ngày lễ bận chuẩn bị cho sự kiện nọ, sinh nhật mẹ lại vướng chuyến công tác xa… Những đầu việc không tên đó cứ cuốn bạn trôi đi khỏi cái nơi mà bạn đã từng thuộc về.

Đã có rất nhiều lần nhìn lại, ta tự hỏi bản thân: “Rốt cuộc mình đang cố gắng để làm gì?”. Công việc tiến xa, đi xa cũng nhiều, bạn gần như đã đạt được những mục tiêu mà bản thân mình đã đặt ra, nhưng cuối cùng, hình như chúng ta lại đang xa cách với chính gia đình của mình.

Có những tuần bận rộn, nghĩ lại xem bạn đã có một cuộc điện thoại nào gọi về cho ba mẹ. Một năm, số lần bạn về thăm nhà cũng chỉ đếm được trên một bàn tay. Và cứ thế, từng ngày trôi qua bạn càng xa gia đình như thế. Xa về khoảng cách, xa cả những yêu thương.

Trong sứ điệp Đức Thánh Cha Phanxicô gởi cho các bạn trẻ Việt Nam trong dịp đại hội giới trẻ Giáo Tỉnh Miền Bắc ngài đã nhắn nhủ: «Các con quy tụ đông đảo về một nơi, với tư cách là người Công giáo: chúng ta cảm ơn Chúa về cơ hội này. Cha hiện diện bằng tất cả trái tim với các con. Cha cũng có một thông điệp gởi đến các con. Thông điệp này xoay quanh một chữ “nhà”, là chữ hàm ý trong câu chủ đề được chọn cho kỳ Đại Hội Giới Trẻ lần này: “Hãy về [nhà] với thân nhân” (Mc 5,19)».

Ngài nhắn nhủ rất kỹ lưỡng các bạn trẻ như sau: «Trong văn hoá Việt Nam, cũng như trong những nền văn hoá Châu Á, có lẽ không có từ ngữ nào đẹp cho bằng chữ “nhà”. Chữ ấy gói ghém tất cả những gì là thân thương và quý giá nhất trong trái tim của một con người, bao gồm không chỉ gia đình, họ hàng thân thuộc, mà cả nơi chôn nhau cắt rốn, quê hương xứ sở. Dù đi bất cứ đâu, người ta cũng mang theo bên mình chữ “nhà”. Từ chữ “nhà” này đã sản sinh ra văn hoá của các con, vốn diễn tả truyền thống gia đình, cổ võ tình yêu thương dành cho những người thân cận, khuôn đúc nên nhân đức thảo kính cha mẹ, và nuôi dưỡng một sự kính trọng đặc biệt dành cho những bậc cao niên. Do vậy, “Hãy về nhà” nghĩa là một hành trình thúc đẩy các con trở về với cội nguồn của các con và đào sâu di sản văn hoá và truyền thống của các con. Những di sản ấy là những kho tàng quý giá của các con. Đừng bao giờ để mất kho tàng ấy».

Bạn trẻ mến, đi là để trở về, về với nguồn cội, với di sản văn hóa, với truyền thống cha ông.

Quả thực, thời gian và mọi thứ ở thành phố này cứ lặng lẽ vô tình trôi mãi mãi, đến khi ngoảnh lại, chợt nhận thấy bên cạnh mình chẳng còn mấy ai. Cho đến một ngày bạn chợt nghe được tâm sự của một cô bé lớp 12: “Em muốn đi du học vì không muốn sống gần gia đình, em không muốn suốt ngày phải nghe tiếng cằn nhằn của ba”. Câu chuyện của cô gái nhỏ làm chúng ta nhớ đến những khát khao chinh phục thế giới của chính mình trong thời tuổi trẻ, nhưng điều làm chúng ta quyết dứt áo ra đi lại chính là thứ “cằn nhằn” mà cô bé ấy đang ghét lại là điều mà bạn khi trưởng thành bây giờ đang “thèm” được nghe (dù đó là lời cằn nhằn, hoặc thấm chí là chửi của ba mẹ).

Bất giác chúng ta lại tự hỏi mình, đã bao lâu rồi tôi không trở về nhà, đã bao lâu rồi tôi chẳng được nghe tiếng bố mắng, bao lâu rồi tôi không ăn một bữa cơm nhà. “Về nhà”, hai chữ mà có lẽ không chỉ tôi mà những người sống xa quê, những người bận rộn với guồng quay công việc đều cảm thấy quý trọng. Ai đó nói với tôi rằng: “Thế giới sẽ nhìn bạn là ai rồi sau đó sẽ chọn cách đối xử với bạn, nhưng nhà sẽ luôn yêu thương bạn vì bạn là chính bạn“. Đúng vậy, giờ tôi có thành công thế nào hay tôi có vấp ngã ra làm sao thì chỉ có bố tôi mới lo việc tôi có ăn đủ bữa không, mẹ tôi thì lo liệu tôi có được ngủ đủ giấc? Những yêu thương quen thuộc, sao bỗng nhiên lại trở thành những điều “xa xỉ” trong tôi lúc này. Chợt những giọt nước mắt lăn dài trên má, quẹt nhẹ dòng lệ như chiếc cần gạt nước của kính xe ôtô, tôi tuyên bố: “Phải trở về nhà thôi”.

Cuộc đời này là vậy, chúng ta thường tiếc nuối với những gì chúng ta bỏ lỡ quá nhiều. Này các bạn trẻ, chinh phục đam mê, chinh phục thế giới là nhiệt huyết đáng trân trọng nhưng đừng quên chinh phục nơi luôn dành tình yêu cho bạn. Dịp sum họp gia đình lần này, hãy thử chinh phục bố bằng bữa ăn ngon, chinh phục mẹ bằng dụng cụ nấu bếp an toàn. Chỉ đơn giản vậy thôi là bạn đã có những ngày bên gia đình bình dị mà ý nghĩa, nạp lại năng lượng để sẵn sàng cho những hành trình sắp tới.

Và cũng đừng quên lưu lại những khoảnh khắc cả nhà quây quần bên mâm cơm ấm cúng, để mỗi khi nhớ nhà, nhìn vào những giây phút hạnh phúc bình dị ấy, chúng ta lại biết trân quý hơn hai tiếng “gia đình”. Và qua đó cũng là thông điệp bạn muốn nói với tất cả những người trẻ tuôi hôm nay: “Nhà là nơi để ta trở về”.

Để có thể nói lên được thông điệp ấy, bạn không thể treo một slogan, nhưng nó phải là kết quả của một tuổi trẻ đầy trải nghiệm.

Bạn có thể tự hào rằng: tôi đang 20 tuổi, tôi đã và đang tiếp tục hành trình của tuổi trẻ. Hành trình ấy không quá dài nhưng luôn chứa đựng những điều bất ngờ giúp ta trưởng thành hơn, để sau này khi đã “chín” ngắm nhìn lại mọi thứ đã qua sẽ thấy tuổi trẻ này của chính mình đáng giá.

Cuộc đời là những chuyến phiêu lưu trong đó con người là những nhà du hành không biết mệt mõi. Vậy để trở thành những nhà du thành thông thái có vốn tri thức và hiểu biết phong phú thì chúng cần phải không ngừng cố gắng và vươn lên với thành quả của mọi nỗ lực là những trãi nghiệm đáng quý nhất.

Người ta vẫn thường lấy thời gian để làm thước đo của sự sống, thế nhưng điều thực chất làm nên cuộc đời của bạn đó chính là những trải nghiệm bạn có được trên cuộc hành trình của mình như  triết gia Jeans-Jacques Rousseau đã từng nói: “Người sống nhiều nhất không phải người sống lâu năm nhất mà là người có nhiều trải nghiệm phong phú nhất.” Sự trải nghiệm cũng giống như một người thầy ở trường đời, một người thầy của cuộc sống. Một sinh viên tự mình đi làm thêm trang trải cuộc sống mới hiểu được đồng tiền khó kiếm như thế nào. Một start-up trẻ phải thử nghiệm, phải thất bại mới biết được cách vận hành một mô hình kinh doanh. Một người bôn ba du lịch khắp thế giới mới biết được ở nước bạn, người ta làm được những gì mà quê hương mình chưa làm được, tiếp nhận những luồng tư tưởng mới và thay đổi cách nhìn nhận của mình. Chính sự trải nghiệm mới mang lại cho chúng ta những bài học vô giá như thế. Để rồi từ đó chúng ta tìm ra được bản ngã, khám phá ra tiềm năng của mình. Chúng ta biết mình thích gì, chúng ta biết mình là ai, chúng ta có những khả năng gì và sống một cách trọn vẹn nhất có thể.

Bạn thân mến!

Tháng ngày tuổi trẻ tiếp theo sẽ là những tháng ngày của học tập bởi có người nói với tôi rằng khi còn trẻ hãy học thật nhiều thứ, học những điều mà mình cho là thích, mình cho là cần thiết. Học với tuổi trẻ là điều cần thiết, nếu như bạn bỏ ra công sức ở tuổi trẻ này bao nhiêu thì khi về nhà bạn sẽ nhận được những những quả ngọt tương ứng. Đọc những cuốn sách xung quanh là một trong những điều cần thiết và không bao giờ là quá muộn bởi sách là kho tàng tri thức khổng lồ, tôi đã từng có suy nghĩ lười đọc sách và thay vào đó là đọc những cuốn sách được đăng tải trên mạng cho nhanh chóng và thuận tiện nhưng rồi chỉ được một lúc thay vào đó là hàng giờ online mạng xã hội và để lại một khoảng trống về kiến thức, để đến khi ai hỏi về lĩnh vực mà vốn dĩ bạn quan tâm lại chẳng thể trả lời được bởi nó đã bị sự ham vui, xa đà vào thế giới ảo kia chiếm mất.

Những năm tháng ấy là những năm tháng của sự trải nghiệm công việc part time hay full time liên quan đến công việc sau này. Bởi vì sao ư? Điều đầu tiên khi làm những công việc này sẽ cho bản thân cơ hội được trải nghiệm với môi trường làm việc trong tương lai, quen với những áp lực và deadline luôn dồn dập và cả những thiếu sót của bản thân. Một bạn trẻ chuyên ngành báo chí tâm sự: «Tôi bắt đầu việc làm thêm khi ở năm thứ hai đại học, không quá sớm nhưng cũng không muộn màng nhưng chỉ ngay với tuần làm việc đầu tiên tôi đã nềm mùi của deadline, mùi vị uất ức khi bị sếp chê bài viết là không có chất xám và cả những số tiền kiếm được từ bài viết mà mình mất cả hàng tiếng đồng hồ để tra mạng tìm hiểu. Thật sự lúc ấy tôi mới có khái niệm hình như những đồng tiền mà tôi xin từ bố mẹ hình như quá dễ dàng. Ngoài viết lách ra tôi còn tìm kiếm công việc liên quan đến vẽ vời đòi hỏi sáng tạo đôi chút, đây là lúc mà tôi nhận ra khi cầm trên tay số tiền từ người khác vất vả đến thế nào. Nếu như mình thấy là đẹp là hợp lý nhưng với người ta thì không, rồi lại liên tiếp sửa đi sửa lại hết cái này cái khác, uất ức không thể nói ra mà vẫn phải cố giữ nụ cười thân thiện và lời nói mềm mỏng nhất. Chính sự trải nghiệm của công việc khiến tôi trưởng thành rất nhiều, đặc biệt trong suy nghĩ nên tiêu gì với số tiền đã vất vả làm ra».

Với các bạn trẻ kitô giáo, hành trình về nhà của bạn là một trãi nghiệm mà Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định trong sứ điệp gởi các bạn: «điều quan trọng là đừng nghĩ về câu chủ đề của các con, “hãy về nhà”, chỉ như một cuộc trở về. Đừng nghĩ về chữ “nhà” như một điều gì đó khép kín và giới hạn. Đúng hơn, mỗi hành trình mà Chúa chúng ta ban cho “để loan báo cho họ biết những điều tốt đẹp mà Thiên Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương anh như thế nào!” (Mc 5,19)». Ngài đề ra ba thực hành cụ thể để các bạn trãi nghiệm hành trình kitô hữu của mình trong bối cảnh quê hương Việt Nam:

«Cha đề nghị với các con ba đức tính cho việc làm chứng của các con trong giai đoạn này, đó là (1) trung thực(2) tinh thần trách nhiệm và (3) lạc quan. Cả ba đức tính này cần được hướng dẫn bởi tinh thần phân định.

Trong một xã hội tục hoá bị lèo lái bởi chủ nghĩa duy vật, rất khó để trung thành với căn tính và niềm tin tôn giáo của mình nếu không có khả năng phân định. Đây là điều xảy ra tại tất cả mọi thành thị và mọi đất nước trên thế giới. Việc sống trung thực có thể thường mang đến những thiệt thòi. Tinh thần trách nhiệm có thể khiến các con vất vả và đòi các con phải hy sinh. Tính lạc quan có thể trở nên kỳ dị trước thực tế lũng đoạn của xã hội tục hoá này. Nhưng đó chính là những giá trị mà xã hội và Giáo Hội của các con đang cần nơi các con. “Giữa một thế giới như vậy, các con hãy chiếu sáng như những vì sao” (x. Phil 2,15). Các con đừng sợ chiếu toả căn tính Công giáo thật đẹp của các con. Điều này cũng sẽ làm cho các con trở thành người yêu nước hơn, thành người Việt Nam hơn: một tình yêu lớn dành cho đất nước của các con, một lòng trung thành tuyệt vời của một người yêu nước».

Bạn thân mến!

Tuổi trẻ chỉ có một, sẽ không có một lần nào nữa thắm lại, hãy trân trọng, trải nghiệm và hưởng thụ nó nhất khi có thể. Tuổi trẻ là sự vấp ngã, là sự trưởng thành, là sự lớn lên từ thể xác lẫn tâm hồn của chính bản thân. Tuổi trẻ tôi đang có, và sẽ có, tiếp tục trên con đường kia vẫn sẽ là những trang viết dài về bài học, kinh nghiệm có cả niềm vui, nỗi buồn, cả nụ cười và nước mắt. Tôi hy vọng rằng: Mẫu gương của Tôi tớ Chúa, Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, chứng nhân vĩ đại của hy vọng, sẽ nâng đỡ các bạn trên hành trình sống và trở về ngôi nhà yêu thương của mình.

Visited 8 times, 1 visit(s) today