Con cứ tiếp tục đòi hỏi một danh sách vô hạn những đồ này thứ nọ, nhưng lại lờ đi sự hiện diện của chúng ta, sự quan tâm của chúng ta, thậm chí tình yêu của chúng ta. Mặc cho đôi lúc chúng ta chẳng đòi gì nhiều, ngoài một lời đơn sơ của con là đủ đền bù cho bao thiệt hại mà con gây ra cho gia đình.
Con trai thân yêu, ba mẹ muốn một lần nói với con, không phải về bổn phận của ba mẹ vì tất cả chúng ta biết rất rõ về những điều này, nhưng ba mẹ muốn con nghĩ đến những quyền lợi của ba mẹ (hay con nghĩ rằng chúng ta không có quyền gì?).Ba mẹ đã cố gắng cho nhiều hơn mình có thể: Khi con còn bé, ba mẹ đã luôn tự trách mình là không cho con đầy đủ như mong muốn. Nhưng mọi sự ba mẹ đều dành cho con. Ánh mắt thơ ngây của con, nụ cười của con, sự nhõng nhẽo của con đã đền đáp cho mọi cố gắng đầu tư và tình cảm của ba mẹ.
Từ khi con lớn lên, thành một người trẻ thì mọi trao ban của ba mẹ dường như chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Con tiếp tục đòi hỏi với một danh sách dài vô hạn những đồ này thứ nọ, nhưng con lại lờ đi sự hiện diện của chúng ta, mối quan tâm của chúng ta, thậm chí tình yêu của chúng ta. Ngay cả khi chúng ta có đòi hỏi gì nhiều ngoài một lời đơn sơ của con, đủ đền bù cho những thiếu sót mà con gây ra. Chẳng hạn “Chúc ba mẹ ngày tốt đẹp”, “Cảm ơn”, “Chào buổi chiều”, “Xin làm ơn” khi con muốn mượn xe đi ra ngoài với chúng bạn, hay lời hỏi thăm “Ba mẹ khoẻ không?” được nói cách thân tình.
Sẽ đẹp biết mấy nếu đôi lần con nhận ra chúng ta cũng chỉ là những con người, với những tâm trạng vui buồn, sự chán nản và cả yếu đuối nữa. Giá như con để cho ba mẹ tiếp tục được phục vụ con nhiều hơn với tình yêu, và con có thể tận dụng tình yêu này với điều kiện hãy coi ba mẹ như người đồng hành trong cuộc sống với tất cả tình cảm tốt đẹp, chứ không phải như con bò sữa để các con vắt, hay như một người cảnh sát, một nhân viên được trả lương hay cái gì đại loại như thế.
Ba mẹ nhìn thấy trên tivi một chương trình dành cho tuổi thiếu niên, trong cảnh cuối cùng, ba mẹ thấy một một cậu con trai vẻ mặt đầy cảnh giác, cậu nói trong sự nghi ngờ: “Tôi rất thích nói tất cả những điều này với ba mẹ của tôi, nhưng ở nhà của tôi họ không nói …”.
Cả ba mẹ nữa, chúng ta thường rất muốn nói những chuyện quan trọng với con. Nhưng ở nhà của chúng ta, cho dù không phải ở trong trại lính bị kiểm soát, thì khi nói chuyện với nhau cũng chỉ quanh quẩn vài câu: “Mẹ ơi, mẹ có ít tiền lẻ không?”, “Mẹ, tại sao mẹ cứ mua Pepsi? Con thích Coca Cola hơn”, “Thắng có gọi điện cho con không mẹ?”.
Con thân yêu, con có bao giờ lắng nghe cõi lòng của ba mẹ không? Con tìm cách chối từ tất cả những diễn tả ba mẹ làm với con, con chà đạp tất cả những tình cảm mà ba mẹ dành cho con, những gì ba mẹ là.
Ba mẹ có quyền để biết về những điều quan trọng của đời sống con. Trước hết, bởi vì ba mẹ yêu con và hạnh phúc của ba mẹ tuỳ thuộc vào niềm hạnh phúc của con. Chính vì thế mà con dễ dàng hăm doạ chúng ta và dùng thủ đoạn với chúng ta, bằng những kiểu diễn tả như : “Con sẽ ra đi. Con đến ở với bạn con”, “Con sẽ nhảy qua cửa sổ để tự tử…”. Vậy nếu ước muốn đi ra khỏi ngôi nhà ấy là của ba mẹ thì sao?
Chúng ta là ba của con và mẹ của con, chứ không phải là quản gia hay là ôsin. Thật là khó chịu khi con không cảm thấy mình không có trách nhiệm đối với ngôi nhà con đang sống và với gia đình con đang thuộc về. Chúng ta muốn nói rằng con đang lợi dụng chúng ta một cách vô tội vạ. Tại sao con không treo tại phòng của con hoá đơn tiền điện thoại to như cái bảng quảng cáo? Tại sao con dễ dàng vất tiền qua cửa sổ thế (chính xác là tiền của chúng ta)? Tại sao con không bao giờ tắt điện, quạt khi ra khỏi phòng? Tại sao con không bao giờ trả lại đúng chỗ những đồ dùng con lấy ra xài? Tại sao con không bao giờ thay lõi giấy của nhà vệ sinh khi nó đã hết để thuận tiện cho người đến sau? Tại sao con cứ la oai oái “mẹ ơi” khi không tìm thấy thứ con cần?
Có cả những chương trình tivi ba mẹ rất thích, thế thì tại sao con cứ làm ồn trong khi chương trình nào con thích thì ba mẹ mới tìm thấy sự “im lặng là vàng” của con?
Con phải lo học hành và con sẽ phải làm việc. Đây là bổn phận của con và con không thể đổ lỗi cho bất cứ ai khác. Con biết đấy, ba mẹ và nhà trường chỉ có thể cung ứng cho con điều kiện tốt nhất có thể, nhưng người quyết định có nhận lấy những cống hiến này là chính con chứ không ai khác. Chúng ta không thể nhồi nhét vào trong đầu con được. Vậy mà con lại trốn học, lười biếng, thoái thác, giả vờ không biết. Con không quyết tâm, con không chịu giải quyết cả những vấn đề đơn giản nhất. Con cứ làm như đó là việc của ba mẹ. Con ơi, cho tới khi nào con mới quyết định để lớn lên đây?
Con ăn nói vô lễ. Miệng lưỡi của con là một thảm hoạ. Cách thức con ăn, con đối đãi với người khác đặc biệt là người già lão thật đáng trách. Ba mẹ tin chắc rằng con làm những điều ấy chỉ là để trêu tức chúng ta thôi, hay để thử xem ba mẹ sẽ phản ứng thế nào, để cho chúng ta cảm thấy mình đã già và lỗi thời. Nhưng con có thực sự xác tín rằng đây là cách ứng xử thông minh không?
Ba mẹ muốn nói với con một sự thật cứng cỏi khác mà con cần biết, đó là không phải cha mẹ luôn luôn có lỗi đâu. Điều này cũng có nghĩa là không phải mọi lỗi lầm đều là do xã hội hay hoàn cảnh đâu. Có cả trách nhiệm của con. Có cả những giới hạn. Ba mẹ tin rằng mình đã trả đủ cho những bổn phận mình phải mang vác, và bây giờ đến lượt con, như một người trưởng thành, con phải trách nhiệm, phải trả giá cho mọi việc con làm và quyết định. Con phải trả bằng chính đời sống và mồ hôi của mình.
Cuối cùng, ba mẹ nhắc con rằng trong Mười điều răn thì điều răn thứ tư “Thảo kính cha mẹ” được đặt ngay sau ba điều răn hướng về Thiên Chúa. Một ngày nào đó con cũng sẽ bị thẩm vấn về việc giữ điều răn này. Chúc con an mạnh.
Tác giả: An Bình