Ý THỨC THUỘC VỀ
I. Cầu xin Thánh Thần
II. Lời Chúa: (Mt 12,46-49) Thuộc gia đình của Đức Giê-su?
Người còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy.” Người bảo kẻ ấy rằng: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? ” Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.”
III. Suy niệm
Chương 12 Tin Mừng Mátthêu nằm giữa Lời Truyền dạy ra đi truyền giáo của chương 10 và chương 13 là Diển từ của Đức Giêsu dạy về Nước Trời thông qua những dụ ngôn. Đoạn văn Mt 12,46-49 kết thúc chương 12 để chuyển sang nội dung lời loan báo Tin Mừng là chính Nước Trời với câu hỏi: Ai là mẹ tôi, ai là anh em tôi?”
Ai sẽ là người ra đi rao giảng Tin Mừng, ra đi truyền giáo? Ai là người có thẩm quyền công bố bản chất Nước Trời. Nhân vật xứng hợp hơn nhất không ai khác hơn là chính Đức Giê-su, Vị Rao Giảng, Hiện thân của Nước Trời, người Công Bố Triều đại Thiên Chúa đã đến nơi bản thân của Người, hủy diệt triều đại của Satan: Nếu Con Người dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì các ngươi biết rằng Nước Trời đã đến!
Chính vì thế, chỉ những ai “thuộc về Chúa Giê-su, những ai lắng nghe ngài rao giảng, cùng chia sẻ cuộc sống với ngài” mới là những người được ủy thác trách nhiệm rao giảng Tin Mừng, ra đi tiếp tục sứ mệnh của ngài để lại.
Trong khi Đức Giê-su đang bận rộn với sứ vụ, với đám đông, nhóm “gia đình ngài, mẹ và an hem của ngài “đứng bên ngoài” và muốn tìm cách nói chuyện với ngài, trong tư thế họ đứng bên ngoài. Chúa Giê-su không ra bên ngoài, ngài không rời bỏ đám đông trong nhà với ngài, ngài không rời bỏ sứ mệnh. Tuy thế, việc gắn bó với sứ mệnh không có nghĩa là ngài thực thi sứ mệnh một mình.
Ngay từ những ngày đầu thực thi sứ vụ công khai, Đức Giê-su đã mời gọi những người cộng sự với ngài, để cùng với ngài, họ làm một đoàn thể và từ đó, làm nên một gia đình mới. Mối tương quan mới được thiết lập, vượt trên mối tương quan trước đây là máu mủ. Thực vậy, tương quan máu mủ, thôn làng rất là quan trọng và thiêng liêng trong thời trước đây, song có một thực tại mới mẻ đang xảy ra, làm cho những người lắng nghe Giê-su thật ngỡ ngàng: Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi.50 Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.”
Những ai thi hành Thánh Ý Thiên Chúa Cha ngự trên trời, người ấy là anh chị em của Đức Giê-su.
IV. Chiêm ngắm Lời chúa trong cuộc sống
Theo Thánh Ý và lòng nhân lành của ngài, các Saledieng được Thiên Chúa kêu gọi và quy tụ để trở thành thực tại Gia đình mới của ngài. Ngày khấn dòng, từng Saledieng đã nguyện ước mãi mãi sống trong Tu Hội. Và thay mặt Bề Trên Cả, vị Bề trên tiếp nhận lời khấn tuyên bố: “Cha tiếp nhận con vào hàng ngũ anh em Salêdiêng Don Bosco…” Từ ngày đó, người Saledieng thuộc về Tu Hội Salêdiêng. Việc thuộc về này vừa là một sự kiện khách quan lại vừa là của chủ thể. Qua tiến trình biện phân hai chiều trước khi tuyên khấn, Tu Hội Salêdiêng (được biểu thị bằng các bề trên) nhìn nhận đoàn sủng đó có nơi cá nhân, và cá nhân khám phá trong đoàn sủng đó tặng phẩm họ nhận được từ Thiên Chúa một dự phóng tốt đẹp cho cuộc đời họ.
Nay, việc thuộc về trên bình diện khách quan phải trở thành một cảm thức thuộc về trên bình diện chủ thể. Phải có một bước quá độ “từ tôi sang chúng ta“. Đoàn sủng tôi nhận được từ Thiên Chúa và nay tôi sống cũng đã được nhận từ Thiên Chúa và nay được những anh em của tôi sống. Chúng ta đồng phận đồng thuyền: tất cả chúng ta cùng nhau sống một đoàn sủng. Như vậy, đời sống của tôi trở thành gắn chặt với đời sống của những hội viên khác đến nỗi tôi đồng nhất hóa với họ và không còn có thể nghĩ về chính mình tách khỏi việc chính tôi hiệp thông đời sống với họ – giờ đây người ta có thể nói tôi có được một cảm thức thuộc về.
V. Hành động với Lời Chúa
“Sống hiệp thông trong tinh thần và hành động với anh em con”. Từ nay trở đi, hiện hữu của tôi, hoạt động của tôi, sức khỏe, thời giờ của tôi đã trở thành của chúng ta. Tôi đặt toàn bộ cuộc sống của mình để cùng với anh em chung lưng sát cánh thi hành sứ mệnh của cộng thể theo như kế hoạch đã được phê chuẩn.
Đó là cả một hành trình được đào luyện và cố gắng không ngừng. Vì cái tôi tự quyết, cái tôi tự do, cái tôi tự mình làm chủ cuộc đời mình vẫn luôn níu kéo tôi ra khỏi thực tại gia đình mới đó. Càng sống lâu trong Tu Hội, càng được trao những trách nhiệm cụ thể, nhất là những trách nhiệm cần phải lấy quyết định, dường như để đối phó với những ai không đồng nhận thức của mình, tôi dễ dàng né tránh. Việc tôi tôi làm, việc anh anh làm.Tôi né tránh những kế hoạch chung để theo đuổi kế hoạch riêng của mình.
Nhưng đó lại nghịch với điều tôi đã từng cam kết: Sống và làm việc chung với nhau là dấu chỉ và là sự bảo đảm cho ơn gọi của mỗi người Salêdiêng. Lý do đơn giản nhất là chỉ như thế tôi mới gắn kết trong gia đình của Chúa Giê-su.
6. Cầu nguyện
Lạy Chúa, khi Tu hội mời gọi chúng con phải trở thành loại người Saledieng ra sao cho người trẻ hôm nay, người trẻ đang sống cuộc đời phân hóa, bị chao đảo bởi cá nhân chủ nghĩa, “chủ nghĩa tôi trước đã,” họ lại khao khát được một cộng đoàn như một gia đình đón nhận họ, để họ được cảm nhận tình yêu Chúa một cách cụ thể thông qua những người Saledieng cùng yêu thương, cùng nhau làm việc cho họ. Xin trợ giúp chúng con biết thăng tiến mỗi ngày ý thức mình thuộc về anh em của mình. Mỗi ngày lại thuộc về nhau hơn nữa.
7. Tận hiến cho Mẹ Phù hộ