Nguyễn Xuân Quang, sdb
201. Một số lớn HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC bày tỏ lòng biết ơn chân thành của họ đối với nhiều người thánh hiến rất tận tụy trong khu vực địa phương của họ, những người biết cách “giáo dục bằng việc truyền giáo và truyền giáo bằng việc giáo dục” dưới nhiều hình thức và phong cách khác nhau. Ngày nay, các người thánh hiến đang trải qua một giai đoạn đầy thách thức: ở một số nước, đặc biệt là ở miền Nam, có một sự mở rộng và sức sống tốt đẹp cho tương lai; tại các khu vực bị thế tục hóa nhiều hơn, có một sự sụt giảm đáng kể về số lượng và cả cuộc khủng hoảng căn tính nữa, gây ra bởi sự kiện xã hội đương thời dường như không còn cần những người thánh hiến nữa. Một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC cho rằng đời sống thánh hiến là một nơi chuyên biệt mà “thiên tài nữ giới” có thể được phát biểu. Đôi khi, người ta thiếu khả năng nhận ra, khuyến khích và dành không gian cho tính sáng tạo độc đáo hết sức cần thiết này, và hạn chế việc sử dụng các đặc sủng khác nhau làm phương thế: điều này hàm ngụ phải một “cuộc hồi tâm văn hóa” mạnh dạn và cần thiết về phía Giáo Hội.
202. Tin rằng người trẻ là một nguồn lực thực sự cho việc “tái trẻ trung hóa” các động lực của giáo hội, Liên Hiệp Bề Trên Cả thắc mắc: “Chúng ta có thực sự nhạy cảm với giới trẻ không? Chúng ta có hiểu nhu cầu và mong đợi của họ không? Liệu chúng ta có thể hiểu nhu cầu của họ muốn có các kinh nghiệm có ý nghĩa không? Chúng ta có khả năng trám khoảng trống phân cách chúng ta với thế giới của họ không? ». Bất cứ nơi nào việc lắng nghe, lòng hiếu khách và chứng từ được cung cấp cho người trẻ một cách sáng tạo và năng động, các nối kết hữu hiệu và tình bằng hữu đều phát triển. Liên Hiệp Bề Trên Cả muốn thấy một “Quan sát viên thường trực” về người trẻ được thiết lập ở bình diện Giáo hội hoàn cầu.
Các hiệp hội và phong trào
203. Nhiều người trẻ sống và tái khám phá đức tin của họ nhờ làm thành viên quyết tâm và tích cực của họ trong các phong trào và hiệp hội, vì chúng cung cấp cho họ một sinh hoạt huynh đệ mãnh liệt, những hành trình tâm linh thâm hậu, các kinh nghiệm phục vụ, không gian thỏa đáng dành cho đồng hành và những người có năng quyền cho việc biện phân. Đây là lý do tại sao sự hiện diện của họ thường được đánh giá cao. Khi Giáo hội gặp thời khó khăn trong việc duy trì sự hiện diện hữu hình và có ý nghĩa, các phong trào bảo tồn tính năng động sinh tử và đóng một vai trò quan trọng; họ cũng là một sự hiện diện tích cực ở những nơi khác nữa: phong thái cộng đồng và tinh thần cầu nguyện của họ, sự nâng cao Lời Chúa và việc phục vụ những người nghèo nhất, tư cách thành viên vui tươi của họ và việc đánh giá lại các lĩnh vực thân xác và cảm xúc, sự can dự tích cực của họ và sự thúc đẩy hướng tới tính chủ động chính là một số yếu tố chắc chắn có giá trị trong việc giải thích sự thành công lớn của chúng nơi giới trẻ. Một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC, dù nhìn nhận tính sinh hoa trái của tình huống này, vẫn yêu cầu Thượng hội đồng đưa ra một số suy nghĩ về nó và đưa ra sự hướng dẫn cụ thể để vượt qua cơn cám dỗ của một số phong trào và hiệp hội muốn trở thành những định chế tự lấy mình làm tâm điểm qui chiếu, vì cần «phải đảm bảo để các hiệp hội này tích cực tham gia vào các nỗ lực mục vụ tổng thể của Giáo Hội» (EG 105). Theo các đường hướng này, điều thích đáng là nâng cao các tiêu chuẩn do Iuvenescit ecclesia 18 cung cấp.
Kết mạng và hợp tác dân sự, xã hội và tôn giáo
204. Giáo hội được kêu gọi để tham gia dứt khoát với mọi người có trách nhiệm giáo dục giới trẻ trong lĩnh vực dân sự và xã hội. Mối quan tâm hiện tại về “tình trạng khẩn trương giáo dục” được chia sẻ bởi cả Giáo hội lẫn xã hội dân sự và đòi hỏi các cố gắng chung để khôi phục một liên minh trong thế giới người lớn. “Kết mạng” (networking) là một trong những hoạt động chủ chốt cần được khai triển trong thiên niên kỷ thứ ba. Trong một thế giới trong đó, Giáo hội ngày càng nhận ra rằng mình không phải là tác nhân duy nhất trong xã hội và mình là một “thiểu số với một đóng góp cần làm”, nghệ thuật hợp tác là điều phải học hỏi, cũng như khả năng phát triển các mối liên hệ vì mục đích chung. Không suy nghĩ gì đến việc tham gia đối thoại với các thực thể xã hội và dân sự khác nhau này là để mất bản sắc của chúng ta, một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC lý luận rằng khả năng tham gia lực lượng và lập kế hoạch mở ra các đường lối canh tân với người khác sẽ giúp Giáo Hội có được một động lực tính “đi ra ngoài” thực sự.
205. Không chỉ ở bình diện dân sự và xã hội, mà còn ở trong cả lĩnh vực đại kết và liên tôn, một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC chứng tỏ rằng theo đuổi các mục tiêu chung trong nhiều lĩnh vực khác nhau – ví dụ như nhân quyền, bảo vệ môi sinh, chống lại bất cứ loại bạo lực và lạm dụng nào nhắm vào trẻ em, tôn trọng tự do tôn giáo – sẽ giúp nhiều người khác nhau mở lòng ra, làm quen với nhau, đánh giá lẫn nhau và làm việc với nhau.