Chính vì noi gương nơi Thầy chí thánh Giêsu với tình yêu vô vị lợi mà những chiến sĩ Chúa Kitô mạnh dạn bước vào những khu bệnh viện cách ly để phục vụ bệnh nhân. Từng lớp, từng lớp những người ra đi với đầy hy vọng làm cho tình yêu triển nở nơi mảnh đất mình đi qua.
Sài gòn những ngày giãn cách thật đìu hiu đến lạ, những cảnh tưởng chừng như sẽ chẳng bao giờ có nơi thành phố không ngủ này. Không còn những tiếng cười nói hòa lẫn nhạc từ các hàng quán, tiếng còi xe inh ỏi chen chúc nhau trên từng con đường cũng vơi bớt đi khi người dân thực sự ý thức được rằng “Chỉ ra đường khi thật sự cần thiết” (16/CT-TTg). Những tiếng xe inh ỏi trong nhịp sống tấp nập của phố thị nay được thay bằng tiếng hãi hùng của xe cứu thương. Tiếng chuông giáo đường vồn vã vang xa như đang vẫy gọi nay còn đâu,… Đời sống ngày càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, khi vấn đề thực phẩm trong những ngày giản cách chưa được đáp ứng tốt. Những mảnh đời vất vả, lầm than không nơi nương tựa, những nẻo đường góc phố đang chìm trong tịch mịch của hoang vu.
Không thể phủ nhận bao đau thương mà dịch bệnh Covid-19 mang lại cho toàn thể nhân loại, khi số người nhiễm bệnh và qua đời ngày càng tăng cao, những gia đình phải chịu cảnh xa cách, khó khăn trong đời sống. Ấy vậy, đây cũng là cơ hội của mỗi chúng ta để nghỉ ngơi sau những năm tháng làm việc cần mẫn, cơ hội để dành nhiều thời gian cho gia đình hơn, những mối tương quan trong đời sống của chúng ta cũng được bồi dưỡng bằng những sự quan tâm dù nhỏ bé. Trong khi giãn cách xã hội, chúng ta chỉ có thể tiếp nhận thông tin, kiến thức bằng những phương tiện truyền thông, qua đó mà có thể học thêm được nhiều kỹ năng bổ ích cho đời sống mỗi người.
Trong cuộc nói chuyện với các chị em, Mẹ Teresa thành Calcutta đã hỏi các chị: “Đâu là giây phút hạnh phúc nhất trong cuộc đời của mỗi chúng ta”. Mẹ cũng đã khẳng định rằng: “Chính giây phút này đây”. Câu trả lời của Mẹ không chỉ đúng ngay thời điểm đó, nhưng nó còn phù hợp ở tất cả mọi thời. Hạnh phúc chẳng ở đâu xa để chúng ta đi tìm, nhưng chính mỗi người trong chúng ta phải là người tạo ra hạnh phúc. “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu” (x. 1 Tx 5, 18). Hạnh phúc thật đơn giản khi ta biết cảm tạ và sống hết mình trong giây phút hiện tại. Như khẳng định lại một lần nữa, thánh Gianna Beretta Molla cho rằng: “Bí mật của hạnh phúc là sống từng giây phút hiện tại và cám ơn Chúa tất cả những gì Chúa cho ngày này qua ngày khác, trong lòng lân tuất vô biên của Ngài”.
Với tinh thần của một Kitô hữu, chúng ta phải luôn đi tìm thánh ý Chúa trong mọi biến cố cuộc đời. Không còn tụ họp nhau cầu nguyện tại những ngôi thánh đường, nhưng trong cung lòng của chúng ta luôn được đánh động bởi tiếng Chúa. Thời gian này cũng là cơ hội để tìm về bên Chúa và những giây phút thánh thiêng dịu êm thưa chuyện cùng Ngài.
Cuộc khủng hoảng chúng ta đang trải qua chính là những hậu quả của dịch bệnh gây ra. Đời sống sẽ trở nên tốt hơn khi chính mỗi chúng ta là những cánh tay nối liền trong tình yêu Đức Giêsu. Để đối phó với đại dịch này, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi mọi người hãy dùng tình yêu và công ích để đối xử với nhau. Virus corona không biết đến rào cản, biên giới hay sự khác biệt về dân tộc, văn hóa và tôn giáo. Do đó, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta cũng không dựng nên rào cản, biên giới hay sự phân biệt cho tình yêu khi hành động vì công ích để giải quyết những vấn đề trầm trọng do đại dịch gây ra.
Đáp lại di chúc thập giá Chúa Giêsu Kitô: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (x. Ga 15,12). Hàng trăm linh mục, tu sĩ, kể cả những người trẻ đều liều mình dấn thân phục vụ, con số không ngừng tăng lên. Họ xin được làm tuyến đầu trong những công tác hỗ trợ phòng chống dịch bệnh. Họ chẳng quản ngại gian khổ, khó khăn nhưng bước theo Chúa “bước vào chỗ nước sâu” đầy nguy hiểm. Chính những lúc dịch bệnh khủng khiếp, ta mới thấy được sự quan tâm, yêu thương lẫn nhau mãnh liệt hơn bao giờ hết. Những thân phận mẹ góa, con côi, những mảnh đời chẳng có chốn tìm về không biết phải sống như thế nào để qua cơn đại dịch, đã được các mạnh thường quân, những tổ chức thiện nguyện giúp đỡ về vật chất, tinh thần. Điều đó như phần nào cho thấy tình yêu Chúa Kitô vẫn đang hiển hiện trong đời sống chúng ta. Ngài vẫn luôn bên ta, chung phần đau nỗi đau của ta, cùng buồn nỗi buồn của ta.
Với những người tuyến đầu trong công tác phòng chống dịch bệnh, họ đã biểu lộ tình yêu của Đức Giêsu thông qua những công tác phục vụ. Còn chúng ta, những người không có cơ hội cũng như điều kiện để tham gia vào tuyến đầu vẫn có thể sống tình yêu thương giữa đời qua những việc nhỏ nhặt trong đời sống và “hãy làm tất cả vì tình yêu, không áp đặt” (thánh Phanxico Sale). Thánh Teresa Hài Đồng Giêsu khi xưa đã dâng hiến cho Chúa trong tu viện dòng kín, nhưng chị vẫn trở thành tình yêu trong cung lòng Hội Thánh tình yêu qua những lời nguyện đơn sơ bé nhỏ, như những cánh hoa trắng ngần nép bên bàn thờ.
Xin được mượn lời nguyện của thầy Marcel Văn – người em thiêng liêng của Thánh nữ Teresa Hài Đồng Giêsu, để tạm kết cho bài viết “tình yêu” triển nở giữa lòng đại dịch:
“Tôi không nhìn đâu xa
Cũng chẳng nhìn quanh quẩn…
Tôi chỉ ngắm nhìn Người tôi yêu…
Chính lúc lòng tôi yêu mến
Tôi tìm thấy hạnh phúc vô tận…
Tình yêu không thể chết”.
Phương Sơn, Tu Sinh Don Bosco Xuân Hiệp.