Thứ Tư sau Chúa Nhật 25 Thường Niên Năm A

ĐỪNG MANG GÌ
Lc 9,1-6

Khi ấy, Ðức Giêsu tập họp Nhóm Mười Hai lại, ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật. Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. Người nói: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo. Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó và từ đó mà ra đi. Hễ người ta không đón tiếp anh em, thì khi ra khỏi thành, anh em hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.” Các ông ra đi, rảo qua các làng mạc loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi.

SUY NIỆM

Là hiệu trưởng của một trường trung học, tôi thường cố gắng trang bị cho giáo viên của tôi những kỹ năng quản lý lớp học và các nguồn tài liệu giảng dạy để hỗ trợ họ trong công việc đào tạo, nhằm giáo dục cho học sinh của chúng tôi được tốt hơn. Tuy nhiên, hầu hết các nhà giáo dục đều biết rằng, cách giảng dạy hiệu quả thường đi kèm với khả năng xây dựng mối tương quan có ý nghĩa với học sinh và làm cho họ luôn khao khát học hỏi. Tất cả các phương pháp sư phạm và giảng dạy trên thế giới sẽ chỉ thành công khi hai nền tảng này đồng thời được diễn ra.

Trong Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy các tông đồ ra đi để “công bố Nước Thiên Chúa” và “loan báo Tin mừng”. Chúa Giêsu ban cho họ khả năng trừ quỷ và chữa bệnh. Tuy nhiên, ngài sai họ ra đi gần như với hai bàn tay trắng – không dụng cụ, không thức ăn và tiền bạc, thậm chí không có thêm quần áo.

Vậy các tông đồ có quyền lực như thế nào?

Khi Chúa Giêsu sai họ ra đi, họ được cho biết hãy dành thời gian cho những người tiếp đón và giúp đỡ họ và nói về những sự thật mà Chúa Giêsu đã dạy cho họ. Theo ý nghĩa đó, Chúa Giêsu đang mời gọi họ làm hai điều: hiệp thông với người khác và tìm cách để truyền cảm hứng cho họ bằng chính sự thật. Ngài đã trang bị cho các tông đồ với khả năng giảng dạy.

Chúa Giêsu là Thầy dạy vĩ đại nhất. Giống như bất cứ những giáo viên xuất sắc nào, ngài cũng biết rằng chỉ ngang qua mối tương quan với người khác và khao khát truyền cảm hứng cho họ với sự thật, chúng ta mới có thể giải phóng họ khỏi những gì áp bức hay làm hại họ.

Ngày nay, chúng ta cũng được mời gọi trở nên người thầy giống như Chúa Kitô, Thầy dạy của mỗi người chúng ta. Làm thế nào chúng ta có thể xây dựng được mối tương quan với người khác và truyền cảm hứng để họ có thể nghe được Tin mừng như chúng ta đã nhận lãnh nơi Chúa Kitô? Làm thế nào chúng ta lắng nghe được những nhu cầu của người khác và cho phép họ xua đuổi ma quỷ ra khỏi chính họ, và mở lòng cho Thiên Chúa tác động nơi chính cuộc sống của họ?

Chúng ta hãy làm việc để trở thành những thầy dạy trong thời đại ngày nay, những người luôn tìm cách xây dựng mối tương quan và truyền cảm hứng cho tất cả những ai chúng ta gặp gỡ đang muốn tìm kiếm Nước Thiên Chúa.

John Clark ’07, ’09M. Ed.
Gia Thi, SDB chuyển ngữ


Visited 8 times, 1 visit(s) today