Thông Điệp Của Cha Bề Trên Cả Ángel Fernández Artime – Thành Phố Nhỏ Của Các Mối Phúc

     Trong siêu đô thị của Chennai (Madras), giữa những khu phức hợp công nghiệp khổng lồ và những ngôi đền tráng lệ và trong bầu không khí sôi động của cuộc sống thành phố, có một mảnh sáng của lòng tốt Salêdiêng thực sự.

     Câu chuyện bắt đầu từ nhiều năm trước sau chiến tranh thế giới thứ nhất khét tiếng, tại một thị trấn nhỏ ở vùng núi nước Ý, trong một gia đình đạo hạnh nghèo khó gồm mười ba đứa trẻ.
Một buổi tối, sau khi bọn trẻ dùng món polenta, một trong số chúng nhận ra rằng cha mẹ chúng không ăn gì. Cậu hỏi mẹ: “Tại sao mẹ và bố không có gì trong đĩa?” Bà trả lời: “Tối nay ba mẹ không thấy đói.” Cậu nói: “Vậy con cũng không đói”, rồi chạy ra sân trong bóng đêm. Người mẹ bắt kịp cậu và theo sau là người bố. Chính lúc đó, Orfeo bé nhỏ đã nói một cách dứt khoát: “Nếu con trở thành linh mục, con sẽ chỉ làm việc cho người nghèo, cho những người đang đói, cũng như con đói tối nay!”

     Orfeo Mantovani gia nhập tập viện Salêdiêng, trở thành linh mục và lên đường đi truyền giáo ở Ấn Độ năm 1934. Ấn Độ trở thành quê hương thứ hai và thân yêu nhất của cha. Giám mục Louis Mathias, là một người Salêdiêng to lớn. Ngài có bộ râu của các tộc trưởng và là một người can đảm. Ngài ngay lập tức đáp ứng nguyện vọng của cha Mantovani bằng cách giao cho cha những khu vực tồi tàn nhất của Madras.

     Cha Orfeo phải làm việc ngay lập tức. Trên khoảng đất bên cạnh một ga tàu, đã đen ngòm bởi những mỏ than cũ, cha bắt đầu tập hợp những trẻ đường phố, những trẻ bị mọi người bỏ rơi và những người không thể nuôi nổi các em.

     Bằng cách này, như Don Bosco đã làm, mỗi lúc một ít, người Salêdiêng với nụ cười hiền lành đã thành lập Trung tâm cứu trợ xã hội. Trung tâm có các trường tiểu học ngày và đêm, một phòng khám và bệnh viện miễn phí, một phòng bệnh phong, và một nguyện xá. Sau khi cha qua đời, một Salêdiêng khác thế chỗ cha, rồi một người khác, và người khác tiếp theo. Đây là nét đẹp của một gia đình tu sỹ lớn. Địa điểm này đã trở thành một tòa thành của lòng bác ái yêu thương.

     Chỉ vài tuần trước, cha bước vào tòa thành đó ở Chennai. Đối với cha, đó là một trải nghiệm tuyệt vời. Công cuộc mang tên “Các Mối Phúc” và được biết đến là nhà Salêdiêng mà một người bước vào lúc ba tuổi và cũng từ đó một người rời đi vào cuối cuộc đời, để đến gặp Thiên Chúa. Nơi đây họ nói: dưới cái nhìn mỉm cười của Don Bosco “từ trong bụng mẹ cho đến ngôi mộ.”

     Có lẽ những gì cha đang viết sẽ làm mọi người ngạc nhiên. Cha ngưỡng mộ công việc của những tu sỹ Salêdiêng, sự phục vụ cho hàng ngàn gia đình, trẻ em, thanh thiếu niên và người già. Đây là thành quả của sự cộng tác giữa ba tu hội trong Gia đình Salêdiêng: Salêdiêng Don Bosco (SDB), Con Đức Mẹ Phù Hộ (FMA) và Nữ tu Đức Mẹ Phù Hộ (SMA); tất cả làm việc cùng nhau.

     Bắt đầu từ ba tuổi, trẻ em theo học tại trường ngữ pháp do Tu hội Con Đức Mẹ Phù Hộ (FMA) điều hành, cũng là nơi chăm sóc các bé gái vị thành niên. Các Nữ tu Đức Mẹ Phù Hộ (SMA) trợ giúp những người đàn ông và phụ nữ cao tuổi không có nguồn phúc lợi và không có nơi nào khác để sống qua ngày. Các tu sỹ Salêdiêng chăm sóc các trẻ trai và gái ở các lứa tuổi khác nhau cũng như nhận các trẻ em đường phố. Tất nhiên, bên cạnh tất cả những điều này, họ đến thăm các gia đình cực kỳ nghèo trong khu vực và coi sóc giáo xứ.

     Theo một nghĩa nào đó, tất cả những gì xảy ra ở đó dường như là một “thành phố nhỏ của Salêdiêng”. Cha vẫn vô cùng xúc động và hứa với họ rằng cha sẽ nói về điều đó để làm cho nó được biết đến. Bởi vì, như chúng ta đã học được từ Don Bosco, điều tốt được thực hiện phải được biết đến.

     Cha trân trọng và đánh giá rất cao sự cộng tác đã bắt đầu giữa ba tu hội của Gia đình Salêdiêng chúng ta. Điều quan trọng ở đây không phải là ai sở hữu đất đai hay các tòa nhà mà là điều tốt được thực hiện – và cùng nhau thực hiện – đi ra ngoài để gặp những người nghèo nhất và mỏng manh nhất (ở đây chúng ta nghĩ về những người cao tuổi khiến chúng ta hiểu thế nào là mỏng manh và bất ổn). Nếu không có thiên đường nhỏ bé được gọi là “Các Mối Phúc”, mà Thiên Chúa đã nghĩ đến cho họ, thì sự mỏng manh, nghèo đói và bất ổn sẽ là những điều cuối cùng họ có.

     Bất cứ ai suy tư về ngôi làng Các Mối Phúc không thể không ngạc nhiên về kết quả mang lại từ một tình yêu thương nhỏ được chia sẻ. Hàng ngày, thực phẩm cho 300 người già được đảm bảo, hơn 1.000 trẻ em được phục vụ và hơn 15.000 người được cứu trợ cho những nhu cầu khác nhau, “tất cả đều miễn phí”. Những ai bước vào Làng Các Mối Phúc này sẽ tận mắt chứng kiến “năm mươi năm phép lạ hàng ngày” này.

     Những phương châm đặc trưng của ngôi nhà này là: “Phục vụ những người bệnh là lời cầu nguyện tuyệt vời nhất.” (Cha Mantovani) “Không ai có quyền được hạnh phúc một mình.” “Có thể cho đi mà không yêu, nhưng không thể yêu mà không cho đi.”

     Người ta cho rằng Làng Các Mối Phúc là một biểu hiện hữu hình về sự trung thành của những tu sỹ Salêdiêng đối với việc phục vụ người nghèo và cũng là một biểu hiện cụ thể của Chúa Quan Phòng thông qua họ. Đối với những người trẻ của những thị trấn tồi tàn, nó là một ốc đảo. Đó là một nhà thờ, trường học, sân chơi để học cách chơi bóng đá, một phòng tập thể dục và một ngôi nhà.

     Ở Chennai chúng ta có mười lăm cộng đoàn Salêdiêng. Trong số này có các giáo xứ, trường trung học cơ sở và trung học phổ thông, trường kỹ thuật, nguyện xá, trung tâm thanh thiếu niên, trung tâm trợ giúp xã hội cho trẻ em và thanh thiếu niên gặp rủi ro, nhà đào luyện, và thậm chí cả một chủng viện. Đức tổng giám mục, hàng giáo phẩm và giáo dân, cả Kitô hữu và không phải Kitô hữu, trân trọng và đánh giá rất cao nhiều công cuộc do các Salêdiêng thực hiện, đặc biệt là mối quan tâm của họ đối với mục vụ giới trẻ, đối với sứ mệnh phục vụ những người nghèo nhất, và cho các trường hàng đầu xuất sắc cung cấp chất lượng giảng dạy cho tất cả mọi người.

     Tất cả những điều này nói lên cho cha vẻ đẹp của Tin Mừng được truyền lại trên khắp thế giới, thường là với sức mạnh của lòng bác ái được thực hiện trong âm thầm; nó nói với cha về Don Bosco và tầm quan trọng với ngài thế nào để đến được những nơi xa xôi nhất trên thế giới. Cha không bao giờ mệt mỏi khi nhớ lại rằng Gia đình Salêdiêng của chúng ta, những người con của Don Bosco, ngày nay có mặt ở 134 quốc gia, 72% tổng số các quốc gia trên thế giới – và điều này bắt đầu vào một thời điểm mà khi đó có rất ít tu sỹ Salêdiêng. Dù số lượng ít, Don Bosco vẫn phái đoàn truyền giáo đầu tiên của mình đến Argentina để tiếp cận những người nhập cư Ý và sau đó tiếp cận các bộ lạc bản địa. Nếu chúng ta chỉ ở lại Ý, thì đặc sủng của Don Bosco sẽ không được như ngày nay.

     Cha kết thúc bài viết này bằng những lời nói của một quan chức Ấn Độ giáo: “Nếu Kitô giáo có thể sản sinh ra những con người như cha Mantovani, thì đó phải là thần thánh”.

Thân mến,
Cha Angel

Chuyển ngữ: Hồng Phước, SDB

Visited 22 times, 1 visit(s) today