TẠI SAO?

Trong trách nhiệm tư vấn học đường tại nhà trường, tôi đã từng nghe nhiều câu chuyện, mà thiết nghĩ nếu quý phụ huynh được chia sẻ, sẽ trở thành những kinh nghiệm quý báu để việc giáo dục được tốt đẹp.

Tối nọ, tôi nhận điện thoại của một học sinh lớp 8.

  • Chào cô! Em đang có một việc khiến cho việc học bị chi phối nhiều lắm, cô trả lời giúp em được không?
  • Ừ! Cô vẫn luôn chờ nghe em nói đây. Hãy nhớ, lúc nào cô cũng đặt mình ở trạng thái sẵn sàng như vậy để lắng nghe em!
  • Cảm ơn cô!

Và câu chuyện bắt đầu.

Em sẽ kể cho cô nghe từ đầu câu chuyện, từ khi ba em bị tai nạn cách đây hai năm, trong dịp đi dự đám cưới. Sau sự cố ấy, chân ba bị tật vĩnh viễn không đi thẳng được nữa. Chữa trị tốn kém rồi ba bị mất việc làm. Từ đó gánh nặng kinh tế dồn hết lên đôi vai gầy của mẹ. Mẹ phải lo việc nhà, phải tần tảo chạy chợ lo bữa cơm hằng ngày cho gia đình, lo cả tiền thuốc cho ba. Nhưng ba em kỳ lắm, chẳng những không thương mẹ, lại còn thường xuyên uống rượu, bực bội, trút giận lên bất cứ ai, bất cứ vật gì trong tầm tay. Ba đập phá những gì mà ông cho là nó làm ông “ngứa mắt”…

Có bữa, mẹ dọn lên mâm cơm với vài bìa đậu rán, đĩa rau muống luộc, chén nước mắm. Thấy vậy, mắt ba long lên sòng sọc, ông nốc rượu ừng ực rồi gầm lên, thẳng tay bưng mâm cơm vất ra sân. Những lúc như vậy hai chị em rất sợ. Còn mẹ chỉ biết khóc, lẳng lặng hốt những mảnh vỡ.

Rồi thì những đồ đạc có giá trị trong nhà lần lượt đội nón ra đi theo những cơn đau của ba. Nhưng mẹ hay lắm cô à. Tự dưng mẹ mua đôi gà chọi về nhà nuôi, mới đầu ba rất ghét, nhưng một hôm trời mưa, mẹ không có ở nhà, đôi gà không được che đậy bị mưa ướt kêu “quang quác”. Chân yếu ba không chạy ra che được. Ngồi trong nhà nhìn ra, ba tức tối ném cái cốc uống nước vào lồng gà. Cú ném mạnh đến độ làm cái lồng nghiêng chỏng lên. Chờ có thế, đôi gà lao ra khỏi lồng chạy nép mình xuống chân phản ở hiên nhà. Con trống rủ mạnh lông cho văng bớt nước rồi rỉa lông giúp bạn và xòe cánh ủ cho con mái cho đỡ lạnh. Chăm chú nhìn đôi gà ông thấy lòng mình dịu lại. Vừa lúc đó mẹ đội mưa lóp ngóp chạy về, nhảy bổ vào chỗ lồng gà, hốt hoảng gọi gà “chút…chút…”. Ba đứng lên, lẹt quẹt cái chân què đến dây phơi rút khăn bảo mẹ “lau đi”.

Sáng hôm sau, mẹ thức dậy ra dọn chuồng, cho gà ăn trước khi đi chợ, nhưng ba đã dậy từ lúc nào, lồng gà quét sạch, thóc đổ đầy khay, ống nước sóng sánh. Nhìn cảnh đó, mẹ im lặng sắp quang gánh ra chợ. Từ đó ba ở nhà chăm sóc gà, nấu cơm, nước sẵn chờ vợ con về ăn.

Ba chăm sóc gà mau lớn lắm! Ba thường huýt sáo những điệu nhạc vui. Đàn gà sinh sôi nảy nở đông đúc hẳn lên. Xuất chuồng giống gà này, thu nhập gia đình cải thiện đáng kể. Từ số tiền kiếm được, ba sắm được tivi cho hai chị em coi, xe gắn máy cho mẹ đi chợ. Em thấy thật hạnh phúc.

Có lần em sà vào lòng ba hỏi vì sao hồi trước ba “thấy ghét” mà bây giờ ba hiền quá vậy? Ba cười bẹo má em rồi nói. Đó là chính thái độ nhẫn nhịn của mẹ chịu đựng sự khắc nghiệt của ba, không một lời oán thán, không một phản ứng chống đối. Mẹ chịu thương chịu khó thay ba làm việc nuôi sống gia đình. Mẹ biết lo cho con đến trường tươm tất, đó cũng là nguyện vọng của ba. Ba còn dặn em phải học ở mẹ đức tính tốt đó.

Nhưng cô ơi, giá mà gia đình em cứ thế thì vui quá. Nhưng mới mấy tháng nay thôi cô ạ. Mẹ em thôi chạy chợ và giúp việc cho một quán cơm bình dân trên Quốc lộ 1A. Mẹ ăn mặc chải chuốt hơn. Làm quán cơm, mẹ được chủ bao ăn, lại làm trong nhà mát nên mẹ trông có đầy đặn hơn, da sáng hơn, trẻ hơn. 

Dạo này ba hay quan sát, vặn vẹo hỏi gắt mẹ điều gì đó mỗi khi mẹ đẩy xe đi làm. Gần đây, cả ba lẫn mẹ đều sao sao ấy. Mẹ dịu dàng chịu khó như thế mà bây giờ cũng dễ dàng hét lên những điều khó nghe. Lúc ấy em chỉ muốn chạy trốn khỏi căn nhà bất hạnh này.

Mâm cơm tối ngày trước đầy ắp tiếng cười thì giờ đây lạnh ngắt. Sáng hôm sau em lại đem ra thết lũ gà. Rồi tối hôm qua, tiếng gầm rít, tiếng xô xát trong phòng ba mẹ diễn ra thật khủng khiếp khiến em không tập trung học bài được, sợ có chuyện xảy ra. Giữa đêm khuya, mẹ đã bỏ đi, chỉ mang theo gói quần áo. Em can ngăn, mẹ khóc nấc lên: “Mẹ đã nhường nhịn ba con để xây dựng hạnh phúc gia đình này. Vậy mà ổng không tin mẹ. Bây giờ mẹ không chịu đựng được nữa, mẹ hết kiên nhẫn rồi, ổng thiệt quá đáng… “.

Ba cũng không vừa khi hét lên: “Tôi hết nhịn bà được nữa rồi. Cút đi! Đồ đàn bà…”.

Câu chuyện là thế đấy. Ba em bây giờ đang say mướt, còn em thì bơ vơ. Tại sao người lớn lại khó nhường nhau vậy cô. Tại sao cả hai ba mẹ em không nhịn được nhau nữa? Trước đây, ba mẹ đã vượt qua được khó khăn, đổ vỡ, tại sao bây giờ lại không? Tại sao ba dạy em phải bắt chước mẹ? Vậy em là gì của hai người? Ba mẹ không thể vì chúng em mà nhường nhịn nhau được sao?…

Một chuỗi tiếng tại sao của em còn tiếp tục vang lên, mà đáp án cho niềm hạnh phúc đơn sơ của tâm hồn tuổi trẻ vẫn còn bỏ ngỏ.

Câu trả lời ấy, mỗi phụ huynh hãy tìm cách trả lời theo những thực tế mà quý vị đang đối diện. Chỉ xin nhớ cho “Điều mỗi đứa trẻ cần chính là tình yêu thương nồng ấm của gia đình”.

Xuân Mai

Visited 5 times, 1 visit(s) today