SUY NIỆM LỜI CHÚA THỨ TƯ NGÀY 2/12/2020

 Mt 15, 29-37

    Khi ấy, Chúa Giêsu đến gần biển Galilêa, và Người lên ngồi trên núi; dân chúng lũ lượt đến cùng Người, đem theo kẻ câm, mù, què, liệt và nhiều người khác, và đặt họ dưới chân Người. Người đã chữa lành họ. Dân chúng kinh ngạc nhìn thấy kẻ câm nói được, người què bước đi, người đui lại thấy, và họ tôn vinh Thiên Chúa Israel.

Còn Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ mà phán: “Ta thương xót đoàn lũ này, vì đã ba ngày, họ ở lại với Ta, nhưng không có gì ăn. Ta không muốn cho họ về bụng đói, sợ họ té xỉu dọc đàng”. Các môn đệ thưa Người: “Chúng con lấy đâu đủ bánh trong hoang địa này mà cho ngần ấy dân chúng ăn no?” Chúa Giêsu nói với họ: “Các con có bao nhiêu chiếc bánh?” Họ thưa: “Có bảy chiếc, và ít con cá nhỏ”. Người truyền dân chúng ngồi xuống đất. Người cầm lấy bảy chiếc bánh và mấy con cá, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ, các môn đệ đem cho dân chúng. Tất cả đều ăn no, và mảnh vụn còn lại người ta thu lượm được bảy thúng đầy. Số người đã ăn lên tới bốn ngàn, không kẻ đàn bà con nít. Sau khi giải tán dân chúng, Người bước lên thuyền và đến địa phận Magađan.

    Chiều hôm qua trong lúc đọc Tông Huấn Evangelii Gaudium <Niềm Vui của Tin Mừng> tôi đã rất xúc động khi Đức Thánh Cha Phanxico trân trọng và đánh giá cao vai trò của giáo dân và những người bình dân trong việc rao giảng Tin Mừng. Tại chương III, mục 1 “Toàn thể dân Chúa rao giảng Tin Mừng” Ngài đã viết: “Lòng đạo bình dân giúp chúng ta thấy rằng đức tin, sau khi được lãnh nhận, sẽ hội nhập vào một nền văn hoá và không ngừng được truyền lại cho các thế hệ sau như thế nào. Từng có thời bị coi thường, lòng đạo bình dân đã được đánh giá cao trở lại trong những thập niên sau Công Đồng. Trong Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã tạo một động lực quyết định trong lãnh vực này. Trong Tông Huấn, Đức Giáo Hoàng nói rằng lòng đạo bình dân “biểu lộ một lòng khao khát Thiên Chúa mà chỉ những kẻ đơn sơ và nghèo khó mới cảm nhận được”[100] và “nó khiến người ta có thể quảng đại và hy sinh đến mức anh hùng khi cần chứng tỏ đức tin”.

Tôi chưa bao giờ phủ nhận vai trò của các bậc giáo sĩ, tu sĩ trong việc giảng dạy và loan truyền đức tin nhưng tôi tin là mình thật may mắn khi đức tin của tôi được nuôi dưỡng và kiện cường đáng kể bởi gương sáng, lối sống của những con người rất bé nhỏ và tầm thường trong xã hội. Tôi nhớ như in hình ảnh của một cô bé Anna 4 tuổi đã nói với tôi bằng một chất giọng Ý cực kỳ đáng yêu khi làm dấu Thánh Giá trên trán tôi và lập lại lời các Linh Mục thường nói với cô theo cách của mình: “Anna grande (nghĩa là Anna lớn… vì tôi lớn hơn cô bé và Anna là tên mà mọi người nơi đây gọi tôi) Thiên Chúa chúc lành cho chị. Amen!” (Anna grande! Dio ti benedica. Amen). Tâm hồn tôi thực sự đã rạo rực khó tả, tôi đã cười suốt mấy ngày liền khi nghĩ về điều đó và tôi nói với Chúa rằng: “Chúa ơi con thật có phúc vì được Ngài ban ơn qua bàn tay của một đứa trẻ”. Nếu xét về năng quyền mà Giáo Hội trao cho các giáo sĩ, linh mục thì thực sự là việc ban ơn của bé Anna là một cử chỉ hết sức trẻ thơ và không có nhiều giá trị nhưng tôi đã nghĩ và sống điều này trong tâm thế của một người được cô bé yêu mến và trên hết là niềm tin của cô bé vào ơn lành của Thiên Chúa sẽ đến với tôi qua bàn tay nhỏ bé ấy.

Một lần khác tôi có dịp được nghe tâm sự của một cô gái đã có gia đình, có con và không theo đạo. Cô gái ấy nói với tôi rằng cô ấy không theo đạo vì cả hai vợ chồng cùng làm việc trong Đảng và nhà nước (tôi đoán là vợ cô ấy cũng chưa tin đạo) nhưng cô ấy thích cách mà những người công giáo giáo dục con cái của họ. Cô ấy biết tôi qua người chị gái và người chị đó kết hôn với người có đạo. Cô ấy nói rằng cô ấy tin tưởng tôi có thể cộng tác với vợ chồng cô trong việc giáo dục đứa trẻ và cô muốn nhờ tôi làm mẹ “đỡ đầu” cho đứa con gái nhỏ của mình… Tôi xin dừng câu chuyện tại đây vì tôi chỉ muốn nhấn mạnh vai trò của giáo dân và những người bình dân trong việc đem lời Chúa đến cho mọi người. Tôi biết ơn và trân trọng những người Ki-tô hữu tốt lành đã sống tinh thần Phúc Âm trong gia đình, nơi làm việc và trong đời sống hàng ngày của mình để niềm tin là điều gì đó rất tự nhiên, bén rễ sâu trong đời sống văn hoá, tinh thần của mỗi gia đình, mỗi dân tộc hay mỗi quốc gia.

Đặt mình trong bối cảnh Tin Mừng ngày hôm nay, giữa những người câm, mù, què, liệt và những người khác để cảm nhận những khó khăn và chướng ngại mà họ phải vượt qua, đức tin mãnh liệt và sự tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa mà họ có để đến với Ngài, để được Ngài chữa lành khiến tôi hổ thẹn. Có lẽ vì so với họ đức tin của tôi quá yếu kém và tình yêu của tôi dành cho Thiên Chúa đôi khi quá nhạt.

Đoạn Tin Mừng cho chúng ta thông tin về nơi Chúa Giê-su đang dừng chân (Người lên ngồi trên núi), bằng cách nào những người câm, mù, què, liệt và những người khác tiếp cận được với Ngài? (dân chúng lũ lượt đến cùng Người, đem theo kẻ câm, mù, què, liệt và nhiều người khác, và đặt họ dưới chân Người), những người rất đỗi bình dân này đã chuẩn bị gì khi gặp Chúa? (Họ thực tế đã không màng đến việc ăn gì, uống gì, sống thế nào trong những ngày chờ được gặp Chúa và được Ngài chữa lành nhưng họ đem theo điều tốt nhất mà họ có đó là đức tin và lòng trông cậy: Ta thương xót đoàn lũ này, vì đã ba ngày, họ ở lại với Ta, nhưng không có gì ăn…). Theo bản năng thông thường của con người, người ta sẽ chuẩn bị lương thực và những vật dụng cần thiết cho những chuyến đi của mình bất kể là xa hay gần. Chúng ta có thể nghĩ những người bình dân này là những người không chu đáo, thiếu kinh nghiệm cho những chuyến đi. Điều này cũng có thể đúng nhưng nó càng tỏ lộ cách mạnh mẽ lòng thương xót và sự quan phòng của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Chúa Giê-su – Ngài biết rất rõ điều chúng ta cần cả về thể xác lẫn tinh thần (“Ta thương xót đoàn lũ này, vì đã ba ngày, họ ở lại với Ta, nhưng không có gì ăn. Ta không muốn cho họ về bụng đói, sợ họ té xỉu dọc đàng” và Ngài hỏi các môn đệ: “Các con có bao nhiêu chiếc bánh?”). Điều Ngài mong muốn nơi chúng ta là sự tin tưởng, phó thác và tình yêu trọn vẹn dành cho Ngài, phần còn lại Ngài sẽ lo liệu và ban dư đầy cho chúng ta (Tất cả đều ăn no, và mảnh vụn còn lại người ta thu lượm được bảy thúng đầy. Số người đã ăn lên tới bốn ngàn, không kẻ đàn bà con nít). Tôi không có ý muốn so sánh niềm tin của các môn đệ với những người bình dân trong đoạn Tin Mừng nhưng tôi nghĩ đôi khi chúng ta cũng như các môn đệ, những người đi theo Chúa Giê-su suốt chặng đường dài nhưng lại lo lắng về của ăn hàng ngày ngay cả khi Ngài còn đang ở giữa chúng ta… Lời Chúa ngày hôm nay thật sự đã đánh thức chúng ta về tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa và điều chúng ta cần làm là chạy đến với Ngài trong tin yêu và phó thác. Amen.

Anna, VDB

Visited 1 times, 1 visit(s) today