(2 Mcb 7:1.20-23.27b-29; Rm 8:31b-39; Lc 9:23-26)
Kinh nghiệm cuộc sống dạy rằng khi yêu ai một cách chân thật, chúng ta sẵn sàng trao ban mọi sự, ngay cả mạng sống mình cho người mình yêu. Một tình yêu chân thật luôn biến những người yêu nhau trao ban cho nhau những gì mình có và mình là. Tình yêu chân thật có thể biến những con người “nhút nhát” trở nên can đảm để bảo vệ người mình yêu. Đây chính là điều đã xảy ra với người mẹ và bảy người con trong bài đọc 1 hôm nay. Tác giả sách Maccabê quyển thứ hai trình bày cho chúng ta về sự can đảm của người mẹ và bảy người con cùng bị bắt trong thời vua Antiôkhô. Họ bị đánh bằng roi gân bò, “để bắt họ ăn thịt heo là thức ăn luật Môsê cấm” (2 Mcb 7:1). Tuy nhiên, vì tình yêu dành cho Thiên Chúa và luật của Ngài, họ đã chấp nhận chịu đánh đòn và chịu chết, chứ không vi phạm luật Thiên Chúa. Họ trở nên những tấm gương cho chúng ta noi theo. Nhiều người trong chúng ta ngày hôm nay xem luật Thiên Chúa như một gánh nặng. Chúng ta không muốn tuân theo vì chúng ta nghĩ rằng luật Thiên Chúa không làm cho chúng ta được tự do. Vì vậy, nhiều khi có những luật của nhà nước đưa ra trái ngược với luật của Thiên Chúa, chúng ta cũng tuân theo. Chỉ có những người yêu mến Thiên Chúa thật lòng mới có thể hiểu và tuân giữ luật Thiên Chúa.
Trong bài đọc 1, chúng ta có thể rút ra hai bài học quý giá từ người mẹ. Bài học thứ nhất là chính gương sáng của người mẹ: “Bà mẹ là người rất mực xứng đáng cho ta khâm phục và kính cẩn ghi nhớ. Bà thấy bảy người con trai phải chết nội trong có một ngày, thế mà bà vẫn can đảm chịu đựng nhờ niềm trông cậy bà đặt nơi Đức Chúa. Bà dùng tiếng mẹ đẻ mà khuyến khích từng người một, lòng bà đầy tâm tình cao thượng; lời lẽ của bà tuy là của một người phụ nữ, nhưng lại sôi sục một chí khí nam nhi” (2 Mcb 20-21). Đây là hình ảnh của một người cha người mẹ gương mẫu mà các bậc làm cha làm mẹ và những người lãnh đạo cần phải học hỏi. Đáng khen nơi bà mẹ là sự can đảm và tình yêu bà dành cho Thiên Chúa. Chính tình yêu này đã làm cho bà can đảm và đầy nghị lực để động viên các con sống trung thành với luật Thiên Chúa. Gương sáng của bà được biểu hiện không chỉ bằng lời nói mà bằng chính sự kiên cường chịu đau khổ của bà.
Bài học thứ hai chúng ta được rút ra từ lời khuyên của người mẹ cho các con của bà, nhất là với người con út. Trong lời khuyên của mình, người mẹ cho thấy rằng, dù bà là người cưu mang con trong dạ, nhưng sự sống của những người con thuộc về Thiên Chúa: “Chính Đấng Tạo Hoá càn khôn đã nắn đúc nên loài người, và đã sáng tạo nguồn gốc muôn loài. Chính Người do lòng thương xót, cũng sẽ trả lại cho các con thần khí và sự sống, bởi vì bây giờ các con trọng Luật Lệ của Người hơn bản thân mình” (2 Mcb 7:23). Chính vì sự sống thuộc về Thiên Chúa, nên không ai có thể cướp mất được dù là tên đao phủ (x. 2 Mcb 7:29). Chi tiết này giúp chúng ta hiểu rằng chúng ta không phải là “chúa” của sự sống mình. Chúng ta chỉ là những người được trao cho sự sống để sống cho Chúa và cho anh chị em mình. Vì vậy, hãy sống cho trọn một kiếp người để làm chứng cho Chúa và trung thành với Chúa. Cuộc sống ở trên trần thế này sẽ qua đi. Chỉ có trong Thiên Chúa chúng ta mới có được sự sống vĩnh cửu. Đừng sợ mất mát hoặc thua kém trong cuộc đời này. Điều quan trọng là trung thành tuân giữ luật Thiên Chúa.
Trong bài đọc 2, Thánh Phaolô trình bày lý do tại sao chúng ta không sợ hãi để làm chứng cho Chúa dù phải hy sinh chính mạng sống mình. Lý do là: vì chúng ta có Thiên Chúa bênh đỡ (x. Rm 8:31b). Vì yêu thương mà Thiên Chúa ban cho chúng ta chính Con Một của Ngài để chết cho chúng ta để chúng ta được tha tội và sống lại để mở lối vào sự sống vĩnh hằng. Theo Thánh Phaolô, vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta với một tình yêu vô điều kiện, nên không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Ngài, “dù là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo” (Rm 8:35). Chính niềm tin này đã làm cho các thánh tử đạo sẵn sàng đổ máu mình ra để sống trọn vẹn cho Chúa. Họ không để bất kỳ điều gì tách họ khỏi tình yêu của Thiên Chúa. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có để cho mình bị của cải vật chất và thú vui trần thế tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa không?
Bài Tin Mừng đưa ra cho chúng ta những điều kiện cần thiết để trở nên những người môn đệ chân chính của Chúa Giêsu, đó là: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9:23). Sống trong thế giới tôn vinh chủ nghĩa cá nhân hôm nay, con người thường giữ chặt cái tôi của chính mình, đặt chính mình làm trung tâm của mọi sự. Con người luôn muốn người khác phải cung phụng mình. Bên cạnh đó, chủ nghĩa tiêu thụ và chủ nghĩa hưởng thụ làm cho con người không còn sẵn sàng chấp nhận những khó khăn đến trong cuộc đời mình. Con đường hy sinh từ bỏ của thập giá không còn giá trị gì với con người. Lời Chúa Giêsu đưa ra cho các môn đệ vào trong thế giới của tình yêu thập giá. Chỉ những môn đệ nào đặt Chúa Giêsu làm trung tâm điểm đời mình và học từ mầu nhiệm thập giá vẻ đẹp của tình yêu tự hiến thì mới có thể hiểu được những hệ quả mà Chúa Giêsu trình bày tiếp theo trong bài Tin Mừng hôm nay, đó là (1) người muốn cứu mạng sống dương thế để rồi chối bỏ Thiên Chúa thì sẽ mất trong đời sống vĩnh cửu; (2) ai liều mất mạng sống trên dương thế để tuân giữ tình yêu dành cho Thiên Chúa và luật của Ngài thì sẽ được sống lại trong ngày sau hết; (3) đừng để được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân; (4) ai xấu hổ vì Chúa Giêsu và lời của Ngài, thì trong ngày sau hết Chúa Giêsu sẽ xấu hổ vì người ấy (x. Lc 9:24-26). Chúng ta là những người môn đệ như thế nào của Chúa Giêsu: là những người tìm cách cứu mạng sống dương thế của mình qua việc tìm kiếm lời lãi cả thế gian đến độ xấu hổ vì Chúa Giêsu và lời Ngài hay là những người liều mất mạng sống dương thế để sống trung thành với lời Chúa?