SUY NIỆM LỜI CHÚA THỨ BA, NGÀY 1/12/2020

 Lc 10, 21-24

“Khi ấy, Chúa Giêsu đầy hoan lạc trong Chúa Thánh Thần, Người nói: “Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha vì đã giấu không cho những người thông thái khôn ngoan biết những điều này, nhưng đã tỏ cho những kẻ đơn sơ. Vâng lạy Cha, đó là ý Cha đã muốn thế. Cha Ta đã trao cho Ta mọi sự. Không ai biết Chúa Con là ai, ngoài Chúa Cha; cũng không ai biết Chúa Cha là Đấng nào, ngoài Chúa Con và những người được Chúa Con muốn tỏ cho biết!”

Rồi Chúa Giêsu quay lại phía các môn đệ và phán: “Hạnh phúc cho những con mắt được xem thấy điều các con xem thấy; vì chưng Ta bảo các con: có nhiều tiên tri và vua chúa đã muốn xem thấy những điều các con thấy, mà chẳng được thấy, muốn nghe những điều các con nghe, mà đã chẳng được nghe”.

 Tôi xin được bắt đầu những tư duy của mình với việc thừa nhận rằng: “Tôi là kẻ bé mọn trong cái tôi là, tôi làm và tôi biết”; dù có đôi lúc tôi chưa đủ đơn sơ và khiêm nhường để ý thức cách trọn vẹn điều này. Sự thật là nhiều khi tôi cũng muốn “khoa trương” về những điều tôi là, tôi làm và tôi biết nhưng rồi chính cái giới hạn của bản thân đã ngăn tôi thực hiện điều này hay đôi lúc đang khoa trương thì bị “bí”… chẳng biết phải nói gì. Lời Chúa ngày hôm nay như một lời động viên và an ủi đối với tôi, một người đang “du hành” trong một thế giới rộng lớn đầy màu sắc với vô vàn giá trị mà nó đem lại, trước một chân trời rộng mở của đức tin và tri thức. Tôi tin rằng nếu ai đó đủ đơn sơ và khiêm tốn thì người đó sẽ học được rất nhiều điều đẹp, ý nghĩa và có ích.

Nhiều người nói với tôi rằng: “Đơn sơ quá dễ bị lừa, giống quả bóng để người người tung tung ném ném”. Tôi thấy họ nói cũng đúng vì xã hội chúng ta đang sống rất phức tạp và những người chúng ta gặp gỡ hàng ngày lại quá khôn ngoan… Nhưng chắc chắc không phải vì “khù khờ” mà Thiên Chúa mặc khải Nước Trời và ơn cứu độ của Ngài cho những kẻ đơn sơ, bé mọn, những người tội lỗi và khốn cùng thay vì cho các bậc khôn ngoan, thông thái (Biệt phái và luật sĩ) – những người am tường lề luật và đạo giáo. Trong khi các bậc thông thái huênh hoang tự đắc và trói buộc người khác bởi cái thứ luật lệ vô cảm, lạnh lẽo, cồng kềnh thì những kẻ bé mọn, tội lỗi, nghèo hèn lại bày tỏ ước ao được một Đấng Tối Cao nâng đỡ, yêu thương, chữa lành và tha thứ. Thật vậy, Thiên Chúa mặc khải cho những ai khao khát và kiếm tìm Ngài với tâm hồn đơn sơ và “dễ bảo” của một đứa trẻ.

 Tôi chợt nhớ đến triết lý giáo dục của Jean-Jacques Rousseau – một triết gia, nhà văn, nhà soạn nhạc của thời kỳ hiện đại. Trong triết lý của mình ông nói ba bậc thầy của giáo dục là thiên nhiên, con người và những sự vật/sự việc xung quanh. Trong tác phẩm kinh điển Emilio của mình, tác giả đã xây dựng hình tượng cậu học trò Emilio trải qua thời thơ ấu ở nông thôn, nơi thiên nhiên là bà giáo dạy cậu trân trọng và yêu mến những người nông dân chất phát, yêu bầu khí trong lành, thanh bình, yêu mảnh đất canh tác – nơi sẽ trổ sinh mùa màng và cây trái. Ông còn nói tất cả mọi người đều như nhau khi được sinh ra, ơn gọi chung của họ là “phận người”. Trước khi cha mẹ anh ta chọn cho anh ta một nghề nghiệp thì thiên nhiên đã gọi anh ấy đến với cuộc sống của con người; mọi sự Thiên Chúa tạo ra đều tốt lành và nó chỉ bị huỷ hoại trong bàn tay của con người. Tôi thiết nghĩ rằng Rousseau hiểu được chân giá trị của sự thuần khiết, tươi mát mà thiên nhiên đem lại cho một đứa trẻ vốn rất đơn sơ, tinh trắng và đứa trẻ ấy được giáo dục, nhào nắn ra sao là trách nhiệm của gia đình, Giáo Hội, xã hội, nhà trường. Thiên Chúa là Đấng yêu thương và nhân lành, hơn ai hết Ngài muốn uốn nắn chúng ta trở nên những người có đức tin, biết yêu thương, biết cậy trông, yêu mến và kính sợ Ngài. Thiên Chúa không ép buộc chúng ta nhưng cho chúng ta tự do lựa chọn để chạy đến với Ngài và vì thế để những giáo huấn của Thiên Chúa được sinh hoa kết trái trong đời sống của mỗi người chúng ta Thiên Chúa cần nơi chúng ta một tấm lòng đơn sơ, khiêm hạ, sẵn sàng mở ra với sự dạy bảo của Chúa Thánh thần.

Nhân đây tôi muốn kể một câu chuyện về hai đứa cháu gái nhỏ của tôi, cả hai đều sáu tuổi. Đứa thứ nhất là con gái của chị gái tôi. Một ngày Chúa Nhật nọ sau khi đi học giáo lý về cô bé hăm hở kể cho bố (anh rể tôi là người ngoại đạo) nghe về việc Thiên Chúa tạo dựng trời đất và liên tục đưa ra những câu hỏi kiểu YES/NO cho bố (Thiên Chúa rất quyền năng và giàu lòng yêu thương phải không bố? Nếu Thiên Chúa không giàu tình yêu thương thì sẽ không có bố và cũng chẳng có con đúng không?…). Tôi nghĩ là anh rể tôi chưa tin Thiên Chúa nhiều đâu dù rất tôn trọng tín ngưỡng của các thành viên trong gia đình và xuất phát từ sự tôn trọng ấy anh đã trả lời những câu hỏi của cô bé rất tử tế và chuẩn với đức tin Kitô giáo. Tôi thực sự rất cảm động vì những đứa trẻ với sự đơn sơ và lòng yêu mến Thiên Chúa đã mạnh dạn loan báo niềm vui về một Thiên Chúa đầy quyền năng và yêu thương khi tác tạo muôn loài. Đứa thứ hai là con gái của em gái tôi. Con bé biết rõ mẹ nó hay sợ tối và sợ ma. Một ngày nọ nó nói với mẹ mình: “Mẹ ơi con nghĩ là con biết vì sao mẹ sợ ma”. Mẹ con bé gạ hỏi: “Theo con nguyên nhân là gì?”. Con bé đáp: “Các anh chị giáo lý viên dạy con là nếu có Chúa ở bên thì mình sẽ không thấy sợ gì cả. Con thấy phòng mình chưa có treo Thánh Giá trên tường”. Mẹ con bé chắc hẳn đã thoáng giật mình vì sự cắt nghĩa thật đơn sơ nhưng có một nền tảng đức tin mạnh mẽ và ngày hôm sau mẹ nó đã đi mua một cây Thánh Giá và nhờ cha làm phép để treo trong phòng. Tôi nghĩ rằng đôi khi chúng ta phải học lấy nơi trẻ thơ một sự can đảm phi thường, một sáng kiến xuất phát từ đức tin và tình yêu chân thành, một óc hiếu kỳ và sự “ngạc nhiên” trước những điều kỳ diệu trong cuộc sống để tìm kiếm và khám phá tình yêu của Thiên Chúa với tinh thần mới, sức sống mới.

Tắt một lời, Thiên Chúa thật khôn ngoan và tinh tế khi mạc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những kẻ bé mọn và đơn sơ để Nước Trời hiện diện ngay trong trần thế. Ước mong rằng mỗi chúng ta biết sống khiêm nhường, đơn sơ với một lòng cậy trông và niềm tín thác vào Thiên Chúa – Đấng luôn yêu thương và chờ đón chúng ta. Amen.

Anna, VDB

Visited 3 times, 1 visit(s) today