Suy niệm Lời Chúa – Lễ Thánh Gia – Gia đình là trường học đầu tiên dạy ta lớn khôn thành người.

    Có một triết gia nọ đã nhận định: “Cuộc sống con người chúng ta được đan dệt bằng biết bao huyền nhiệm. Có những cái đơn sơ nhất lại trở thành những điều khó hiểu nhất. Có những sự việc xem ra rất tầm thường lại hàm ngậm những thực tại quá cao cả và phi thường”. Nhận xét đó rất đúng với Thánh gia thất mà hôm nay Giáo hội mừng kính.

Cộng đoàn bé nhỏ này có ba thành viên: Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse. Cuộc sống gia đình ấy rất đơn sơ và bình dị tại miền quê Zazareth, nhưng đó lại là một Thiên đàng thu nhỏ ở trần gian để chúng ta cung chiêm và học hỏi.

Ba khuôn mặt nhỏ diễn bày ba bài học lớn.

Trước hết chúng ta nhìn vào Đức Giêsu, thành viên nhỏ nhất nhưng cũng là nhân vật lớn nhất mà cả gia đình Nazareth quy chiếu vào. Nếu không am hiểu Kinh thánh, chúng ta dễ kết án Chúa Giêsu như một cậu bé thích nổi loạn và toan tính thoát ly. Một đứa trẻ mới 12 tuổi đầu đã trả lời bố mẹ có vẻ hơi ‘xấc’: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2,49). Đứa bé đó sau này lớn lên lại tuyên bố một điều xem ra có vẻ còn ngang ngược hơn nữa: “Ai là mẹ tôi và anh em tôi. Đó là những ai thi hành ý của Cha tôi”. Rồi Đức Giêsu chỉ vào các môn đệ và công khai nói trước mặt mọi người : “Đây là mẹ và anh em tôi”. Đứa trẻ này mang dáng dấp của một quý tử dường như muốn nổi loạn và đang làm cuộc cách mạng để ly thoát khỏi sự cương tỏa từ nơi gia đình. Nhưng sự thật thì hoàn toàn không phải như vậy. Chúng ta phải có cái nhìn toàn diện để có thể khám phá ra đứa trẻ ấy là ai và tại sao lại có lối hành xử xem ra khác thường như thế. Chúng ta cũng phải truy tầm lý do tại sao đứa trẻ khó hiểu ấy lại sống giữa một gia đình nhân loại như chúng ta và sống ẩn dật như thế để làm gì. Đây là một mầu nhiệm khó hiểu. Rất khó hiểu ở chỗ, một Thiên Chúa cao cả đã mang lấy kiếp người hèn hạ. Một Đấng Toàn năng cả vũ trụ chứa không nổi lại đến ẩn náu trong một gia đình bé xíu nơi xóm nghèo miền quê Nazareth. Cái tầm thường nhất lại tiềm ẩn những điều phi thường nhất. Điều xem ra quá bé nhỏ lại mang chở những chân trời vĩ đại mà cả vũ trụ không kham chứa nổi.

Thứ đến, chúng ta hãy nhìn vào Đức Maria, một thôn nữ quê mùa chất phác và cũng là một bà mẹ quê đơn sơ dung dị. Tin mừng Luca thuật lại quãng đời thơ ấu của Chúa Giêsu, khởi đầu với biến cố dâng Chúa vào đền thờ và kết thúc với sự kiện hai ông bà lạc mất con cũng tại đền thờ Giêrusalem. Cả hai biến cố này đều mang đậm nét bi thương nơi tâm hồn Đức Maria. Lời cụ già Simêon như một mũi gươm đâm thấu tâm hồn Mẹ. Có người mẹ nào lại không xót xa khi lạc mất người con trai yêu dấu? Đức Maria lúc đó không hiểu, hay chính xác hơn là chưa hiểu. Nhưng Thánh Luca đã tóm kết mọi biến cố xảy đến với Đức Maria bằng một thái độ nội tâm căn bản nơi Ngài: “Mẹ Người hằng ghi nhớ những điều ấy trong lòng”(Lc 2,51a). Bản tính nhân loại nơi Mẹ đã mở toang cho ân sủng chiếm ngự. Tự nhiên kết hợp với siêu nhiên. Cái tầm thường nhất của cuộc sống bình lặng dân dã đã tiềm ẩn sự phi thường cao cả để khai mở một chân trời vĩ đại và rất nhiệm mầu. Đức Maria là ‘Thầy dạy đức tin’ qua thái độ chiêm niệm này.

Cuối cùng, chúng ta nhìn vào gương mẫu của Thánh Giuse, người gia trưởng hoàn hảo. Đây là con người mà Thánh sử Matthêu đã tóm kết với tước hiệu ‘Người Công chính’. Thánh Giuse ít nói, nhưng chính xác hơn trong cả bốn sách Tin mừng, chúng ta không thấy Thánh Giuse hé miệng thốt ra một câu nào. Thánh Giuse ít nói không phải vì Ngài là một con người bị trầm cảm, hoặc ít giao tế xã hội. Cũng chẳng phải Ngài là một con người lì lợm, có bị đánh đến chết cũng không hé răng. Hoàn toàn không phải thế. Thánh Giuse thinh lặng để diễn bày một tư thế nội tâm sâu xa, và đó là thái độ chúng ta cần phải học hỏi và sao chép. Thánh Giuse đã thinh lặng để có thể nghe được tiếng Chúa. Trong tĩnh lặng của đêm khuya, Giuse đã nghe tiếng sứ thần nói bên tai : “ Đừng ngại đón Maria về nhà”. Cũng trong đêm khuya thanh vắng, Giuse đã nghe Chúa truyền lệnh : “Hãy dậy mau, đem con trẻ Giêsu và Mẹ ngài trốn sang Ai Cập”. Samuel năm xưa cũng đã nghe được tiếng Chúa gọi giữa đêm khuya thanh vắng khi cậu bé ngủ trong đền thờ với thầy cả Hêli. Thiên Chúa vẫn luôn nói với chúng ta qua từng mỗi biến cố, nhưng chỉ khi nào chúng ta biết trở về trong tĩnh lặng của cõi lòng giữa đêm tối, chúng ta mới có thể nghe được tiếng nói của Ngài. Thánh Giuse đã làm được điều đó. Thái độ thinh lặng nội tâm nơi Ngài trở nên chuẩn mẫu để chúng ta noi theo. Trong xã hội Do Thái khi xưa, người bố trong gia đình là nhân vật lớn nhất. Vai trò của ông bố vẫn được xem như là người đại diện cho Thiên Chúa. Người cha chủ tọa các buổi cầu nguyện trong gia đình. Ông chúc lành cho con cái trước khi đi ngủ. Những đứa trẻ Do thái luôn tuân phục cha mẹ, xem ông bố như là họa ảnh của Thiên Chúa trong gia đình mình. Thánh Giuse là gia trưởng, là nhân vật lớn nhất tại Thánh gia, đồng thời Ngài cũng trở nên người nhỏ nhất, luôn thinh lặng xắn tay áo lên, cột áo choàng lại để ra tay phục vụ. Vì vậy phụng vụ Giáo hội vẫn sánh ví Thánh Giuse như một người ‘tôi tớ trung thành’. Đó là hình mẫu người tôi tớ khiêm hạ luôn sẵn sàng trong phục vụ để chúng ta dõi bước.

Đây là ba khuôn mặt lớn trong một gia đình nhỏ, nhưng lại diễn bày ba bài học quan trọng để chúng ta suy nghiệm và học hỏi.

Nhìn vào đời sống gia đình hiện nay.

Nhà thơ Trần Thu Miên đã nghiền ngẫm và tóm kết nếp sống gia đình của ông với bốn câu thơ:

‘Đêm nằm nghe vợ thở dài,

Chuyện nhà tan tác chuyện ngoài tả tơi.

Sáng mai ngoác miệng nhìn đời,

Lo cơm lo áo rã rời xác thân’.

Bức tranh thực mô tả cảnh sống các gia đình, chắc chắn mỗi người chúng ta đều đã trải nghiệm và thấu rõ. Cuộc sống gia đình hôm nay được đan dệt với bao hạnh phúc lẫn cay đắng, có khi ngập tràn niềm vui, có khi lại giống như một thứ hỏa ngục khủng khiếp với những bầm dập và tê tái. Văn hào Léon Tolstoi đã viết: “ Các gia đình hạnh phúc thì giống nhau, nhưng các gia đình bất hạnh lại rất khác nhau. Khác nhau về nền tảng, khác nhau về lối sống, cũng như khác nhau về cách ứng xử.” Điểm giống nhau của hạnh phúc là mọi thành viên trong gia đình luôn lấy tình yêu làm quy chuẩn. Còn điểm khác nhau thì rất đa dạng và phức tạp.

Chúng ta được mời gọi nhìn vào gương mẫu nơi Thánh gia thất. Thánh Luca đã tóm kết mẫu gương đó bằng một câu đơn giản: “ Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ trở về Nazareth và hằng vâng phục các Ngài. Riêng Mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 2, 51). Đây là chuẩn mẫu cho các gia đình của chúng ta. Một người con có vẻ như ‘muốn nổi loạn’ lại trở về quê nhà, sống ngoan thuần giữa một gia đình mộc mạc và hằng vâng phục cha mẹ. Một người cha và một người mẹ vùng quê tuy thất học và nghèo nàn nhưng đã luôn chu toàn bổn phận với một con tim đong đầy yêu thương, để cho đứa con được lớn lên ‘ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người ta’ (Lc 2, 52). Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô 2 trong một thông điệp ngày quốc tế thiếu nhi đã viết: “ Những gì đã xảy ra cho các trẻ em Do Thái năm xưa bị Hêrôđê giết chết, cũng đang xảy ra cho các trẻ em ngày hôm nay. Các người làm cha làm mẹ hãy bắt chước Thánh Giuse và Đức Maria. Hãy cứu con cái của chúng ta khỏi cái chết đang cận kề, chết vì chiến tranh, chết vì hận thù, nhất là chết dần chết mòn vì nghèo đói và dốt nát.”

Kết luận

Trong một nghĩa trang chôn các thai nhi bên Nhật, người ta treo rất nhiều tấm bảng trên các ngôi mộ trẻ thơ với hàng chữ ‘Con hãy tha thứ cho mẹ’. Những đứa trẻ đã bị giết một cách tàn nhẫn ngay từ trong bụng mẹ, không phải do bạo lực hay chiến tranh. Chính những người cha người mẹ ích kỷ và ác độc đã nhẫn tâm giết chết con của mình. Việt Nam là một trong số những quốc gia có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới. Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta đã nói : “Một người mẹ nhẫn tâm giết chết đứa con thì không một tội ác nào mà họ lại không dám làm”. Chúng ta hãy xin Chúa tha thứ cho những tội ác của con người, trong đó có cả chính chúng ta, những người cha người mẹ đã lỡ giết chết con cái mình qua nhiều dạng thức khác nhau. Chúng ta hãy nhìn lên gương mẫu của Thánh gia thất để học hỏi về đời sống gia đình, bởi vì gia đình của chúng ta phải trở nên ‘cái nôi nuôi dưỡng tình yêu’, và gia đình cũng phải là ‘trường học đầu tiên dạy ta lớn khôn thành người’ (tư tưởng của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô 2). Trường học này được phác vẽ nơi Thánh gia thất mà Giáo hội mừng kính hôm nay.

GB Văn Hào, SDB

Visited 6 times, 1 visit(s) today