Giáo hội Công giáo và Tông truyền
Tuần trước, qua các bài đọc Lời Chúa, chúng ta đã suy niệm về mầu nhiệm Giáo hội với hai đặc tính : Duy nhất và thánh thiện. Chúa nhật tuần này, chúng ta có dịp đào sâu thêm về hai phẩm tính khác của Hội thánh, đó là đặc tính Công giáo và đặc tính Tông truyền. Cả bốn thuộc tính nơi Giáo hội mà chúng ta vẫn đọc trong kinh tin Kính đều có một yếu tố căn bản duy nhất, đó là Thánh Thần, hay Thần Khí của Đấng Phục Sinh và cũng là Đấng hằng làm việc trong Giáo hội.
Giáo hội với Công giáo tính
Chúa Giêsu đem ơn cứu độ đến cho mọi người, không phân biệt mầu da, chủng tộc, ngôn ngữ hay văn hóa. Thánh Phaolô đã viết: “Trong Đức Kitô, không còn phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, nam hay nữ (Gal 3,28). Vì thế trong Giáo hội, tất cả chúng ta đều được chia sẻ chung một phẩm giá, là được trở nên con cái Thiên Chúa, và được đồng thừa tự với Đức Giêsu. Câu chuyện được thuật lại trong bài đọc 1 minh dẫn về xác tín này. Tác giả sách Tông đồ Công vụ thuật lại giai thoại Tông đồ Philip đã xuống miền Samari rao giảng và nhiều người ở đó đã tin, đã lãnh nhận Thánh Thần và đã chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu (Cv 8,14-17). Samari là vùng đất ngoại giáo. Người Do Thái vẫn có mối thù truyền kiếp với cư dân Samari và quyết không đội trời chung với họ. Nhưng Thánh Thần đã tác động, nối kết những dị biệt lại, và hóa giải những xung khắc. Cư dân ở đây đã nghe Philipphê rao giảng về Đức Kitô kèm theo những phép lạ mà vị tông đồ đã thực hiện. Cuối cùng nhờ Chúa Thánh Thần, họ đã được biến đổi. Đặc tính Công giáo của mầu nhiệm Giáo hội được hiển thị rõ nét qua biến cố trên. Ngày nay, Giáo hội đã lan rộng đến khắp mọi miền trên khắp thế giới.
Giáo hội và tính Tông truyền
Chúa Giêsu đã thiết lập Giáo hội trên nền tảng các Tông đồ. Trong sách Khải huyền, Thánh Gioan đã thuật lại thị kiến khi Ngài chiêm ngắm Thành Thánh Giê-ru-sa-lem được đặt trên 12 móng có khắc tên 12 Tông đồ của Con Chiên (Kh 21,14). Sau khi sống lại, Chúa Giêsu cũng ban năng quyền tha tội cho các Ngài trong ngày Phục sinh. Trong nhãn quan thần học của Thánh Gioan, sự kiện Chúa Phục sinh – và thiết lập Hội thánh chỉ là một thực tại duy nhất. Cũng tương tự, Thánh Luca mô tả Hội thánh tiên khởi tại Giê-ru-sa-lem luôn quy tụ chung quanh các Tông đồ và lắng nghe lời dạy dỗ của các Ngài. Trong bài đọc 1 hôm nay, các Tông đồ ở Giê-ru-sa-lem nghe biết dân Samari đã đón nhận lời Chúa, liền cử hai ông Phêrô và Gioan đến với họ. Hai vị tông đồ này là đại biểu Tông đồ đoàn đến đặt tay trên họ để trao ban Thánh Thần.
Hội thánh của Chúa Giêsu không phải là một tổ chức dân sự theo kiểu xã hội trần thế, đặt nền tảng trên tính dân chủ. Trái lại, mọi quyền bính được trao ban từ trên, khởi đầu từ Đức Giêsu. Đức Giêsu trao năng quyền cho các Tông đồ và các tông đồ chuyển giao lại cho các Mục tử là các Giám mục để các Ngài coi sóc các cộng đoàn. Trong Giáo hội, không bao giờ có chuyện một Giám mục được dân bầu lên, nhưng chỉ duy nhất một mình Đức Thánh Cha đấng kế vị Thánh Phêrô, mới có thẩm quyền bổ nhiệm Giám mục. Vì vậy, giáo luật quy định rất rõ ràng, bất cứ một vụ phong chức Giám mục nào bất hợp pháp (illicit), tức là không phải do Đức Thánh Cha ủy quyền, thì vị được tấn phong lẫn vị chủ phong đều bị vạ tuyệt thông tiền kết, cho dù bí tích vẫn thành sự (valid). Trong lịch sử Giáo hội, cũng đã từng xảy ra nhiều trường hợp như thế. Hiện nay, việc giải quyết những rắc rối tại Giáo hội Trung quốc vẫn còn khá nan giải, vì việc chọn Giám mục vẫn còn bị chính quyền trực tiếp can thiệp vào.
Tình yêu: thẻ căn cước của mọi tín hữu trong Hội thánh
Sống trong Giáo hội là nhiệm thể Đức Kitô, mọi Kitô hữu phải mang nơi mình một thẻ căn cước (identity card) chung, đó là sống tình yêu thương. Đây là điều mà Chúa Giêsu đã đề cập đến trong bài Tin mừng hôm nay. Trong diễn từ ly biệt trước khi đi thụ nạn, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ những lời tâm huyết khá dài về điều răn mới, là ‘Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu’. Để khai triển về luật yêu thương này, Chúa Giêsu đã mời gọi các môn sinh đi sâu vào tình yêu giữa Ngài với Chúa Cha như một nguyên mẫu. Đó không phải là những tình cảm hời hợt bên ngoài, nhưng đi sâu vào sự hiệp thông cách trọn vẹn, vì “Ai yêu mến Thầy thì sẽ được Cha Thầy yêu mến”.
Tình yêu là tên gọi của Thiên Chúa, và tình yêu cũng là thuộc tính căn bản của Ngài. Trong thư thứ nhất của Thánh Gioan, vị tông đồ đã xác tín điều này. Giáo hội là nhiệm thể Đức Giêsu, nên sự sống của Giáo hội là sự sống của tình yêu phát nguyên từ nơi Thiên Chúa. Vì thế, Chúa Giêsu đã nêu bật tình yêu thông hiệp giữa Ngài với Chúa Cha như một nguyên mẫu để mời gọi các học trò đi sâu vào cảm thức thánh thiêng, hầu sống sung mãn ơn gọi tình yêu. Bài diễn từ ly biệt của Chúa Giêsu khá dài đã được thánh Gioan thuật lại, nhưng quy tóm về một thực tại duy nhất đó là sống mầu nhiệm yêu thương như một giới răn mới. Đây là quy chuẩn duy nhất để nhận ra những ai là môn đệ của Đức Kitô và là những chi thể trong thân thể mầu nhiệm Ngài, là chính Giáo hội.
Kết luận
Tôi tin Giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Đây là những xác tín mà chúng ta vẫn thường lập lại khi đọc kinh Tin Kính. Sống trong một Giáo hội hữu hình với các cơ cấu hay phẩm trật, tất nhiên chúng ta dễ nhận ra những giới hạn do bản tính mỏng dòn của con người. Nhưng chúng ta vẫn thuộc về Giáo hội vô hình, một thực thể duy nhất, một dân tộc thánh thiện được khai sinh từ Đấng Phục sinh và cũng là đền thờ Giê-ru-sa-lem được xây trên nền móng 12 Tông đồ. Xác tín như thế sẽ làm tăng triển cảm thức thuộc về Giáo hội để chúng ta chung tay góp sức xây dựng nhiệm thể Chúa Giêsu ở trần thế, một cách cụ thể ngay tại Giáo hội địa phương mà chúng ta đang thông dự vào.
GB Trần văn Hào SDB