
Trong Chúa Nhật thứ nhất mùa chay, chúng ta được dẫn vào sa mạc để cùng với Đức Giêsu đối diện với những cám dỗ và thử thách. Bước sang Chúa Nhật tuần hai, Giáo hội mời gọi chúng ta trèo lên núi Thabor chiêm ngưỡng vinh quang của Chúa, để đi vào cuộc biến đổi nội tâm. Tiếp đến Chúa nhật thứ ba, chúng ta cũng được khơi dậy cảm thức sám hối để thực hiện cuộc biến đổi này. Ngày hôm nay Chúa nhật thứ tư mùa chay, Giáo hội muốn chúng ta đào sâu hơn tâm tình thống hối để mở lòng đón nhận vòng tay yêu thương của Thiên Chúa. Dụ ngôn Người Cha Nhân hậu chúng ta nghe trọng phụng vụ hôm nay là hình ảnh thật rõ nét về tấm lòng của Thiên Chúa đối với thân phận tội lỗi nơi con người. Đây là đặc nét nổi bật nơi Thiên Chúa mời gọi chúng ta suy nghiệm, đặc biệt trong năm nay, năm thánh Lòng Thương Xót Chúa.
Bài học nơi người cha
Chúng ta vẫn thường gọi đây là dụ ngôn đứa con hoang đàng, nhưng chính xác hơn dụ ngôn đầu tiên trong 3 dụ ngôn mà Thánh Luca viết lại nơi chương 15 diễn bày chân dung về một người cha khoan hậu. Người cha trong dụ ngôn là hình ảnh nói về Thiên Chúa, Đấng luôn bao dung và sẵn lòng tha thứ tội lỗi. Cho dù đứa con phản bội và tỏ ra bất hiếu, người cha cũng chẳng bao giờ ghét bỏ, ngày đêm vẫn ngong ngóng đợi chờ ngày nó trở về. Từ đàng xa, khi vừa thoáng thấy bóng đứa con trong bộ dạng tả tơi nơi đầu ngõ, ông đã vội chạy ra với vòng tay dang rộng. Đứa con khi trở về và định nói với bố :“Thưa cha, con đã phạm tội đến trời và đến cha, con không xứng đáng làm con cha nữa”, nhưng mới nói được nửa câu, nó đã bị ông bịt miệng lại. Bởi vì cho dù đứa con bất hiếu, nó vẫn luôn là người con yêu quý và có một chỗ đứng trang trọng nơi tận đáy lòng của ông. Việc xỏ nhẫn vào tay hoặc khoác giầy mới cho đứa con… là những động thái biểu tỏ niềm vui tột cùng và ông không bao giờ coi đứa con như một kẻ xa lạ bị hất bỏ. Hình ảnh người cha ám thị rằng Thiên Chúa không bao giờ kết án và loại trừ con người, cho dầu chúng ta tội lỗi đến mấy. Chỉ khi nào con người chối từ vòng tay yêu thương của Chúa, chúng ta mới tự kết án và đang đào hố chôn mình.
Bài học từ đứa con thứ
Có lẽ đây là hình ảnh mà chúng ta ấn tượng nhất khi đọc lại câu chuyện. Nó phản chiếu thân phận hiện sinh nơi tất cả mọi người không loại trừ ai, bởi vì con người chúng ta ai ai cũng đầy ắp tội lỗi. Tội luôn là một tình trạng phản bội và bất hiếu giống như người con đã bỏ nhà đi hoang. Người con đòi chia gia tài khi ông bố còn sống sờ sờ trước mắt, quả là một hành vi tráo trở và ngang ngược. Bởi lẽ con cái chỉ phân chia tài sản sau khi bố mẹ đã chết. Động thái của đứa con thứ giống như hành vi khai tử người bố đã đẻ ra mình. Thứ đến, sự nghiệt ngã của phận làm thuê khi bị đối xử thậm tệ, bị đói rã họng đến mức độ thèm ăn cả cám heo mà không ai cho, nói lên sự khốn cùng tột độ khi con người sa lầy trong vũng bùn tội lỗi. Heo là con vật nhơ uế theo quan niệm Do thái, đến độ luật Do thái cấm ăn thịt heo. Đằng này, người con thứ không những phải sống chung với heo, nó còn thèm thuồng cả thứ cám bẩn mà heo vẫn ăn, nói lên sự khủng khiếp tột độ của một kiếp sống sa đọa trong tội.
Nhưng điểm nhấn của câu chuyện là đứa con đã hồi tỉnh và trở về. Sám hối theo nguyên ngữ Hy Lạp, ‘Metanoia’ tức là trở về. Cuộc hành trình quay về với cha của người con thứ gồm ba giai đoạn. Trước hết, nó cảm thấu thân phận bi thương trong kiếp đọa đầy. Nó cảm thấy mình bất xứng với cha, và xót xa khi phải sống giữa đàn heo hôi hám. Giai đoạn kế tiếp, nó can đảm đứng dậy giã từ quá khứ. Cũng vậy, sự sám hối đòi hỏi chúng ta phải quyết liệt và mạnh mẽ đứng lên, không thất vọng trước lầm lỗi đã qua. Đây cũng là điều mà thánh Charles de Faucauld đã từng thốt lên khi cầu nguyện với Chúa :“Lạy Chúa, Chúa để con tự do làm mọi sự, nhưng Chúa vẫn không bao giờ cho phép con tuyệt vọng trước sự khốn nạn của con”. Giai đoạn cuối cùng và cũng quan trọng nhất, người con đã đi về và lao vào vòng tay yêu thương của cha.
Hình ảnh một đứa con đi bụi với áo quần tơi tả, được bố mặc cho một chiếc áo mới, ngón tay được xỏ nhẫn quý, chân mang giầy sang trọng, là hình ảnh nổi bật nói về chiến thắng của ân sủng trước sức mạnh của tội lỗi. Tội làm cho con người mất đi phẩm giá, nhưng ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa sẽ khôi phục lại nguyên trạng nơi chúng ta và còn hơn thế nữa. Đây là nghịch lý vĩ đại của Lòng Thương xót. Một nhà tu đức đã quảng diễn nghịch lý này khi mô tả: “ Thật kỳ diệu và khó hiểu biết bao. Một cô gái điếm vẫn có thể bình thản ngồi bên chân Chúa, trò chuyện thân tình và hôn lên đôi bàn chân thánh thiện của Ngài. Một đứa con đi hoang vẫn có chỗ ngồi trang trọng trong bàn tiệc gia đình và được ôm đón trong vòng tay yêu thương của cha. Thậm chí một tên cướp khét tiếng vẫn có thể là một vị đại thánh được Chúa Giêsu trực tiếp mở của Thiên Đàng đón đưa vào”. Đó là nghịch lý cao cả của lòng Thương xót nơi Thiên Chúa mà đầu óc suy lý con người chúng ta không thể nào hiểu thấu.
Bài học từ ông anh cả
Có lẽ chúng ta dễ bỏ quên hình ảnh người con lớn trong bài Tin mừng hôm nay. Ông anh này thực ra không đến nỗi tệ. Anh ta vẫn ở với cha, chẳng bỏ nhà đi hoang như đứa em. Anh ta vẫn săn sóc và phụng dưỡng cha già, vẫn chu toàn những bổn phận thường ngày của một người con. Nhưng người con cả này lại có tâm địa hẹp hòi và cái nhìn quá thiển cận. Hẹp hòi vì nó tỏ ra ghen tỵ khi thấy cha mở tiệc đón tiếp đứa em. Thiển cận vì nó đã không nhận ra ‘tất cả những gì của cha đều là của con’.
Có lẽ chúng ta thường dễ rơi vào thái độ giống như thế. Đa phần chúng ta vẫn giữ đạo nghiêm túc, vẫn đi lễ hằng ngày, chẳng bao giờ ăn trộm ăn cắp của ai, và cũng không làm điều gì tai tiếng. Nhưng chúng ta rất dễ có thái độ hẹp hòi và thiển cận giống như người con cả trong dụ ngôn hôm nay. Chúng ta không nhận ra rằng cuộc sống chúng ta, tất cả đều là ân huệ Chúa ban, chứ không phải do tài sức hay công cán của mình. Chúng ta đừng vội trưng ra những thành tích đạo đức như một bức bình phong để tự cản che đôi mắt hướng nhìn về Thiên Chúa, là cha yêu thương tất cả mọi người không loại trừ ai. Người con cả dường như hơi tự mãn, vì anh ta vẫn ở trong nhà của cha, vẫn săn sóc và phụng dưỡng cha già như một một người con hiếu thảo. Nhưng, anh ta lại ích kỷ và hẹp hòi khi thấy người cha quá tốt lành, tốt lành cả với đứa con hư hỏng.
Ở dưới một góc độ nào đó, có lẽ chúng ta chưa đến nỗi như đứa con phung phá bỏ nhà đi hoang, song chúng ta rất dễ rơi vào thái độ khép kín và nhỏ nhen giống như người anh cả trong dụ ngôn hôm nay.
Kết luận
Bạn và tôi, chúng ta đang có thái độ sống như thế nào, giống người con thứ hoặc giống ông anh cả, hay có khi giống cả hai ? Chúng ta phải bình thản lục soát lại lương tâm và duyệt xét lại cách sống. Điều quan trọng nhất là chúng ta biết sám hối để trở về. Chỉ khi nào thật sự trở về trong nhà cha, chúng ta mới có thể khám phá ra Thiên Chúa, Người Cha rất tốt lành của mọi người. Lòng Thương xót nơi Ngài mãi mãi là một bài học mà chúng ta phải suy tư, phải nghiền gẫm và phải học hỏi cho đến suốt đời.
Văn Hào, SDB