Suy niệm Lời Chúa – Chúa Nhật 19 Thường niên năm A

     Nhìn thấy Chúa trong cuộc sống

     Thánh Augustinô đã viết : “Trong cuộc sống con người, có một thời để sống, một thời để chết và một thời để đi vào vĩnh cửu. Thời để sống là lúc chúng ta đi tìm kiếm Thiên Chúa. Thời để chết là lúc chúng ta đến gặp gỡ Thiên Chúa và thời đi vào vĩnh cửu là lúc chúng ta chiếm hữu Ngài cách trọn vẹn”. Tiếp nối triền suy tư ấy, thánh nhân đã dâng lên Chúa lời cầu nguyện : ‘Lạy Chúa, linh hồn con khao khát tìm gặp Chúa, cho tới khi được nghỉ ngơi an bình trong tay Ngài’(trích trong sách Confessio). Như vậy, cuộc lữ hành trần gian của chúng ta hôm nay là một chặng đường dài, trong đó con người phải luôn khát khao đi tìm kiếm Thiên Chúa, bởi vì Ngài là cùng đích, là đối tượng duy nhất mà chúng ta phải vươn hướng về. Nhưng chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa ở đâu, gặp dưới dạng thức nào và làm sao chúng ta có thể nhận ra Ngài trong các biến cố cuộc sống đời thường ? Các bài đọc lời Chúa hôm nay gợi mở những phương cách để giúp chúng ta thực hành.

     Thiên Chúa đang hiện diện trong cuộc sống của mỗi người

     Nietzche, một triết gia vô thần đã ngạo nghễ tuyên bố : “Thiên Chúa đã chết rồi”. Ông muốn khai tử Thiên Chúa và cho rằng, con người ngày nay đã đạt đến cao điểm của nền văn minh khoa học, nên Thiên Chúa không còn lý do để hiện hữu. Ông đã phạm một sai lầm rất lớn khi muốn loại bỏ Thiên Chúa và vào cuối đời, ông đã chết trong tuyệt vọng. Cũng tương tự, triết gia Jean Paul Satre đã trở thành con người vô thần khi chối từ Thiên Chúa. Ông cảm thấy cuộc đời của mình hoàn toàn trống rỗng và vô nghĩa như một cơn buồn nôn. Để diễn tả tâm trạng bất an nơi mình, ông đã viết cuốn ‘La Nausée’ (cơn buồn nôn). Cho dù nhiều người đang cố gắng đào thải Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống để chạy theo chủ nghĩa vô thần hiện sinh, nhưng Thiên Chúa vẫn luôn hiện hữu. Tuy nhiên, chỉ khi nào chúng ta đi sâu vào cảm thức đức tin, chúng ta mới có thể khám phá ra sự hiện hữu của Ngài và tiếp cận được Ngài.

     Trong bài đọc 1, tác giả sách Các Vua đã thuật lại câu truyện về ngôn sứ Elia trên đường đến núi Hô-rep để gặp Chúa. Chúa không ở trong những tiếng động ầm ĩ của gió bão, cũng không ở trong những tiếng rung chuyển của cơn động đất hay trong ngọn lửa hừng hực phun trào trên đỉnh núi cao. Cuối cùng, Chúa đã đến với Elia trong tiếng gió thổi hiu hiu rất âm thầm và nhẹ nhàng. Trong cuộc sống của chúng ta hôm nay cũng vậy, có biết bao tiếng động ồn ào làm cản che đôi tai khiến chúng ta không nghe được tiếng Chúa nói, hoặc bịt kín đôi mắt khiến chúng ta không thể nhận ra dung mạo của Chúa. Sự ồn ào gây nên không phải bởi những tiếng gầm rú của xe cộ ngoài đường phố hay bởi những loa nhạc mở hết công suốt tại các phòng trà. Trên hết, đó là những tiếng động xào xạc của tiền bạc, của lòng tham nơi con người khi họ đang hướng về một lối sống hưởng thụ và ích kỷ. Chính cuộc sống duy vật ấy đang dần khai tử Thiên Chúa, và hình ảnh của Thiên Chúa đang dần trở nên mờ nhạt trong tâm hồn con người ngày hôm nay.

     Cũng tương tự như thế, trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, thánh Matthêu thuật lại giai thoại Chúa Giêsu đi trên biển để đến với các môn đệ, nhưng các ông tưởng là thấy ma. Con thuyền lênh đênh giữa biển khơi đầy sóng to và gió lớn khiến các ông khiếp sợ. Sự sợ hãi đã khiến các ông không nhận ra Chúa. Trong cuộc sống hiện nay cũng vậy, chúng ta sẽ không thể nhận ra sự hiện diện của Chúa cho dù Ngài đang đứng bên cạnh chúng ta, đặc biệt mỗi khi chúng ta chìm ngập trong sợ hãi và bị những bóng ma cản che con mắt đức tin. Đó là bóng ma của tiền bạc, của lạc thú, của một nếp sống hưởng thụ khi chỉ nghĩ đến bản thân mình một cách ích kỷ. Phêrô đã dần dần nhận ra Chúa và muốn đến với Ngài. Nhưng khi nỗi sợ hãi dâng cao, ông lại từ từ lún chìm giữa lòng biển khơi ngập sóng. Những bóng ma trong đêm tối dễ làm cho con người chúng ta khiếp sợ. Sự khiếp hãi làm sói mòn đức tin và nó đốt cháy lòng tín thác của chúng ta đặt để nơi Chúa.

     Thưa ngài, xin cứu con với

     Đây là lời cầu cứu của thánh Phêrô lúc ông đang từ từ lún chìm vì sợ. Con thuyền của các tông đồ đang lênh đênh giữa biển khơi đầy sóng to và gió lớn khiến các Ngài hoảng loạn. Nỗi sợ hãi tăng cao khi các ông tưởng nhìn thấy một bóng ma đang lù lù tiến đến. Cũng vậy, khi cuộc đời chúng ta cứ bình lặng êm trôi, chúng ta rất dễ hướng lòng về Chúa. Nhưng khi gặp nhiều thử thách với bao sóng dữ như muốn nuốt chửng, chúng ta dễ bị chao đảo và vuột mất niềm tin nơi mình. Triết gia Karl Marx đã từng mỉa mai nói rằng “Thiên Chúa chỉ là một sản phẩm của trí tưởng tượng nơi phận người đầy khổ đau, là tiếng kêu cứu của một con người bị áp bức mà không biết bấu víu vào đâu. Ảo tưởng đó sẽ bị xóa bỏ, khi xã hội con người đạt đến tự do bình đẳng, không còn người bóc lột người và tất cả được no cơm ấm áo”. Nhận định của ông rất phiếm diện và ngày nay, học thuyết Marxism đang dần dần bị con người đào thải. Niềm tin tôn giáo không phải là một thứ thuốc phiện gây mê như ông đã từng nói. Càng sống sung túc về đời sống vật chất, con người lại càng cảm thấy nhu cầu cần đi tìm kiếm một thực tại linh thánh để có thể khỏa lấp những khao khát sâu xa nơi mình. Chỉ Thiên Chúa mới có thể làm cho con người thỏa mãn những khát vọng sâu xa ấy.

     Chúng ta hãy nhìn vào mẫu gương của thánh Phaolô được nói đến trong bài đọc 2 hôm nay. Vị Thánh Tông đồ đã trải qua nhiều đau khổ, nhưng luôn kiên định trong niềm tin vào Đức Giêsu. Thánh nhân viết : “Lòng tôi rất đỗi ưu phiền và đau khổ mãi không nguôi. Nếu tôi có bị nguyền rủa và xa lìa Đức Kitô, thì tôi cũng cam lòng” (Rm 9,2-3). Ngài viết tiếp : “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi Đức Kitô, phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ hay gươm giáo (Rm 9,35). Phaolô đã vượt qua được những sóng gió vì Ngài đã cắm sâu vào mầu nhiệm Thập giá cùng với Đức Kitô, đã vượt qua mọi sợ hãi để luôn bình thản trước những cơn sóng dữ của cuộc đời. Vì vậy Thánh nhân đã kết luận : “Không gì có thể tách tôi ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, thể hiện nơi Đức Kitô” (Rm 9,39).

     Đào sâu cảm thức đức tin

     Có rất nhiều nhà khoa học lỗi lạc đã thể hiện niềm tin sâu xa vào Thiên Chúa như Louis Pasteur, Copernic, Newton, Thomas Edison,v…v… Chúng ta hãy nhìn vào mẫu gương của ông Louis Amstrong, phi hành gia đầu tiên người Mỹ đã đặt chân lên đến mặt trăng. Vừa sau khi phi thuyền đáp xuống, ông đã quỳ gối, giơ tay làm dấu Thánh giá để biểu thị đức tin nơi mình. Cũng vậy, ông Newton, một khoa học gia lỗi lạc, khi nhìn ngắm trăng sao để nghiên cứu bầu trời, đã cảm thấy con người rất nhỏ bé trước sự hùng vĩ của thiên nhiên, là kiệt tác do bàn tay Thiên Chúa tạo thành. Ông luôn sống khiêm tốn để ngày càng đi sâu vào cảm thức đức tin. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa nói với Phêrô : “Hỡi kẻ kém lòng tin, sao lại hoài nghi”. Đây cũng là lời trách cứ Chúa nói với chúng ta, mỗi khi đức tin của chúng ta bị chao đảo. Để đức tin nơi chúng ta được nuôi dưỡng và được kiện cường, điều kiện tiên quyết là phải có một tấm lòng biết mở rộng để Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Đức Maria là thầy dạy đức tin và cũng là khuôn mẫu nội tâm để chúng ta học hỏi thái độ đức tin nơi Ngài.

     Kết luận

     Thiên Chúa luôn hiện diện và đang đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường cuộc sống. Dấu chân của Ngài luôn in đậm nét trong mọi biến cố cuộc sống đời thường của mọi người, nhưng nhiều khi chúng ta chưa hoặc không nhận ra Ngài. Kinh nghiệm mà thánh Phêrô cũng như các tông đồ đã trải nghiệm năm xưa trên biển hồ Galilê cũng thường được lập lại trong cuộc sống hiện sinh của chúng ta ngày hôm nay. Cùng với Thánh Phêrô, chúng ta hãy thưa lên với Chúa : “Thưa thầy, xin hãy cứu con. Xin hãy gia tăng lòng tin yếu kém nơi chúng con”.

GB. Văn Hào, SDB

Visited 65 times, 1 visit(s) today