Đức tin – Hạt giống âm thầm mọc
Có một lần, Đức Hồng y Etchegarey đã nói với các bạn trẻ như sau : “Đứng trước một khu rừng, người ta thường để ý đến những tiếng động ầm ĩ khi một cây cổ thụ già nua bị đốn hạ, nhưng ít ai lưu tâm đến hàng ngàn cây xanh khác tuy nhỏ bé nhưng đang âm thầm vươn cao và lớn mạnh”. Hình ảnh những hạt giống bé xíu được gieo vào lòng đất đang nảy mầm và lặng lẽ tăng triển, đã được Chúa Giêsu vay mượn để nói về mầu nhiệm nước trời, cũng như ám chỉ về đời sống đức tin nơi các Kitô hữu. Hạt giống sẽ tăng trưởng nếu nó được gieo vào một mảnh đất tốt, được vun xới và được chăm bón cẩn thận.
Cũng vậy, chúng ta cần biến tâm hồn mình thành một thửa đất phì nhiêu, tức là phải mở rộng cõi lòng để cho ơn thánh tác động, giúp hạt giống đức tin vươn cao thành một cây to lớn, đến nỗi chim trời có thể đến ẩn náu.
Cách thức ươm mầm hạt giống đức tin
Ngày nay, nhiều bạn trẻ lý luận rằng, tại sao lúc tôi còn nhỏ, bố mẹ đưa tôi đến nhà thờ để rửa tội lại không hỏi ý kiến tôi ? Chúng tôi là những con người có tự do, có quyền quyết định về sự chọn lựa đức tin của mình. Đây chỉ là những lý luận mang tính ngụy biện. Tại sao các bạn ấy đã không đòi bố mẹ phải hỏi ý kiến trước khi sinh họ ra đời, cho họ trở thành công dân của nước này hay của nước nọ, làm người da trắng hay người da đen ? Về đời sống đức tin cũng thế, chúng ta phải cảm tạ Chúa đã cho chúng ta trở thành Kitô hữu. Khi lớn lên, chúng ta có bổn phận phải vun trồng, phải chăm tưới để hạt giống đức tin nơi chúng ta được tăng triển mạnh mẽ.
Ông Henri Fabre, một nhà côn trùng học nổi tiếng, đã tâm sự với các bạn bè trong những năm tháng cuối đời của ông như sau : “Sau 87 năm nghiên cứu khoa học và nghiền ngẫm sự đời, tôi vẫn chưa dám chắc rằng tôi đã có được đức tin vững mạnh hay chưa, nhưng có thể nói, tôi đã nhìn thấy Chúa và gặp được Ngài”. Cũng tương tự, bác học Edison là một con người rất thông thái và uyên bác đã trả lời một anh bạn khi anh ta đến hỏi ông, làm cách nào ông có được những kiến thức uyên bác như thế. Ông trả lời : “Tôi đã đắc thủ được những kiến thức cao sâu nhờ vào việc đọc 3 quyển sách: Quyển sách thứ nhất là lương tâm, hay tiếng nói của Chúa vang vọng trong tâm hồn tôi. Quyển thứ hai là cuốn Kinh thánh, cuốn sách ẩn chứa những mầu nhiệm cao siêu về nước trời. Và quyển thứ ba là những biến cố xảy đến trong cuộc đời tôi. Trong lăng kính đức tin, tôi đã khám phá ra biết bao điều kỳ diệu nơi ba quyển sách này”. Đây là những cách thức vun xới hạt giống đức tin mà Chúa Giêsu nói đến trong bài Tin Mừng hôm nay. Đức tin không phải là kết quả của những lý luận. Đức tin cũng không phải là tổng hợp những kiến thức do con người tìm tòi qua sách vở. Trước hết, đức tin là ơn Chúa ban cho những tâm hồn khiêm tốn biết mở rộng cõi lòng để đón nhận. Hành trình tăng triển đức tin cũng giống như quy trình của hạt giống được gieo vào lòng đất. Nó âm thầm mọc lên và sau khi được chăm tưới, nó sẽ trở nên những cây cối xum xuê và trĩu hạt.
Đức tin được tăng triển qua việc cầu nguyện
Hạt giống khi đã nảy mầm, nó sẽ không thể lớn lên và sinh bông kết trái nếu không có nước để tưới và phân bón để chăm tỉa. Cũng vậy, đức tin của chúng ta sẽ không tăng trưởng nếu thiếu vắng việc cầu nguyện. Ông Pshicari khi còn là một người ngoại đạo và chưa nhận biết Chúa, vẫn thành tâm cầu nguyện với tâm tình như sau: “Lạy Chúa, nếu Chúa hiện hữu, xin hãy tỏ cho con biết Chúa là ai”. Ông đã thành tâm mở rộng cõi lòng để tìm kiếm chân lý. Chính Chúa Giêsu là Đường, là Sự thật và là Sự sống, đã dẫn ông đến đời sống đức tin. Ông D’ Alembert, một bác học vô thần đã không tin vào Thiên Chúa vì ông cho rằng đức tin không thể đi đôi với khoa học, nhưng trước khi chết, con mắt đức tin của ông đã được khai mở và ông xin gặp một linh mục để diễn bày niềm tin của mình. Cũng tương tự như thế, bác học Voltaire vốn là một người vô thần đã chống báng Giáo hội cách kịch liệt, nhưng khi nằm trên giường hấp hối để quằn quại chờ chết, ông đã buột miệng thốt lên : ‘Chúa ơi, sao tôi phải chịu đau đớn như thế này?’. Một người bạn đứng bên giường hỏi ông : “Ông vẫn còn tin Chúa hay sao?” Ông nhăn mặt trả lời : “Trong cơn đau khủng khiếp mà tôi đang trải qua, cái triết lý vô thần của tôi chẳng có tích sự gì cho tôi cả”.
Càng học cao biết rộng, con người càng dễ khám phá ra Thiên Chúa, và khởi dẫn đến đức tin, với điều kiện là chúng ta cần khiêm tốn và chân thành học hỏi. Triết gia Pascal đã từng nói : “Những gì tôi biết so với những gì tôi chưa biết, cũng chỉ như một hạt cát nhỏ bé giữa lòng đại dương mênh mông”. Càng tìm hiểu về vũ trụ bao la, con người càng dễ tiếp cận Thiên Chúa hơn, bởi vì Ngài chính là tác giả, đã dựng nên hoàn vũ mênh mông này.
Nhờ đức tin, chúng ta tiến bước
Đây là kinh nghiệm của thánh Phaolô được nói đến trong bài đọc 2 hôm nay. Thánh tông đồ viết : “Chúng ta tiến bước nhờ lòng tin chứ không phải nhờ được thấy Chúa”. Cuộc hành trình đức tin giống như một cuộc mò mẫm trong đêm tối vì bây giờ, chúng ta chỉ thấy Chúa ‘lờ mờ như trong gương’. Khi tiến vào trong vinh quang với Chúa trên quê trời, chúng ta mới được tiếp cận Ngài diện đối diện. Chỉ với đức tin (sola fides) chúng ta mới được cứu độ. Tác giả thư Do Thái trong suốt chương 11 đã trình bày gương mẫu đức tin nơi các tổ phụ. Cũng vậy, trong các sách Tin mừng, đức tin luôn là điều kiện để khởi dẫn đến các phép lạ và ơn chữa lành. Chúng ta cần phải vun trồng hạt giống đức tin nơi tâm hồn mình, để hạt giống ấy nảy mầm, lớn lên và trổ sinh hoa trái.
Kết luận
Hạt giống đức tin đã được gieo trồng trên quê hương Việt nam suốt 500 năm qua. Với thời gian năm tháng, cho dù trải qua bao sóng gió, hạt giống ấy đã nảy mầm và sản sinh biết bao bông hạt. Chúng ta không cần nhìn vào cơ cấu trần thế vối đông đảo giáo sỹ và giáo dân tại Việt nam, cũng như không cần chiêm ngắm những ngôi thánh đường nguy nga mọc lên khắp nơi từ nam chí bắc, nhưng chúng ta có thể cảm nhận một sức sống dồi dào và rất mãnh liệt ngay trong lòng Giáo hội Việt nam chúng ta. Tuy nhiên nơi từng cá nhân, chúng ta có bổn phận phải làm cho cây đức tin đó tăng trưởng và lớn mạnh, đặc biệt được thể hiện qua đời sống chứng tá cụ thể mỗi ngày. Thánh Giacôbê đã viết : “Đức tin không có việc làm là đức tin chết”.
Văn Hào, SDB