Môn đệ Đức Giêsu : Trở nên ánh sáng cho trần gian.
Các bài đọc trong phụng vụ hôm nay giới thiệu cho chúng ta Đức Giêsu như là ‘Ánh sáng soi chiếu trần gian’. Ngài là đối tượng đức tin mà chúng ta phải quy hướng về. Đức Giêsu đã mời gọi các môn đệ năm xưa, cũng như khuyến mời chúng ta hôm nay hãy tiếp nối dấu chân của Ngài để hiển thị ánh sáng ấy cho mọi người bằng chính cuộc sống của chúng ta mỗi ngày.
Trình thuật Tin Mừng
Bài Tin Mừng hôm nay chia làm hai phần rõ rệt. Độc giả của Matthêu là các Kitô hữu gốc Do Thái, vì thế Thánh sử đã nhiều lần trích dẫn lời của các ngôn sứ trong cựu ước để nói về vài trò Cứu thế nơi Đức Giêsu, Đấng Messia. Khởi đầu trình thuật hôm nay, Thánh Matthêu cũng lập lại lời tiên tri Isaia để quảng diễn sứ mệnh rao giảng Tin Mừng mà Đức Giêsu đang thực hiện : “Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng. Những kẻ đang ngồi trong bóng tối của tử thần, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi”. Đức Giêsu đến trần gian nhằm cứu vớt đoàn dân đã được Thiên Chúa ưu tuyển. Để thực hiện sứ mạng ấy, Ngài đi khắp nơi để rao giảng. Lời hiệu triệu đầu tiên Đức Giêsu công bố nhằm mời gọi dân chúng sám hối để thoát khỏi bóng tối tội lỗi và được hưởng nhận nguồn ánh sáng mà Thiên Chúa đem đến. “Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã gần đến”(Mt 4,17).
Trong phần thứ 2, Thánh ký kể lại giai thoại Đức Giêsu tuyển chọn 4 học trò đầu tiên bên bờ hồ Galilê, đó là hai anh em Simon và Phêrô cùng hai người con của ông Dêbêđê. Những học trò này sẽ trở thành nền móng để xây dựng Vương quốc mà Đức Giêsu khai mở. Các ông sẽ cùng sát cánh với thầy mình trong hành trình rao giảng và chữa lành.
Mầu nhiệm ơn gọi
Câu chuyện Chúa gọi bốn môn đệ đầu tiên là quy chuẩn để chúng ta nhìn vào chính ơn gọi nơi mình. Chúa chọn các học trò hoàn toàn do ‘ngẫu hứng’ và không hề có toan tính từ trước. Tại các tổ chức xã hội, ngay cả trong các xã hội chuyên chế và độc tài, người ta luôn chọn những người lãnh đạo hay những ai kế vị với những cân nhắc rất kỹ lưỡng, thường theo chuẩn mực ‘tài đức’ phải song toàn. Đối với Đức Giêsu thì không phải vậy. Bốn người học trò đầu tiên chỉ là những ngư dân tầm thường, dốt nát, một chữ bẻ làm đôi cũng không biết. Phêrô thì hăng hái nhưng lại rất bộc trực và yếu đuối. Ông đã khẳng khái tuyên bố sẽ theo Thầy đến cùng, nhưng rồi vì quá khiếp sợ đã chối bỏ Sư phụ mình ngay trước mặt một cô gái nhỏ. Hai anh em con ông Dêbêdê cũng thế. Họ là những con người tham quyền cố vị, từng mơ ước chiếc ghế ‘thủ tướng’ và ‘chủ tịch nước’ chia đều cho hai anh em trong Vương quốc mà Đức Giêsu sẽ thiết lập. Nói chung, những môn đệ được Chúa tuyển chọn không phải là những con người ưu tú với những phẩm tính trổi trang, trái lại họ chỉ là những ngư phủ rất bình thường và lắm khuyết điểm. Chắc chắn, Chúa đã chọn đệ tử không theo một quy tắc mô phạm nào cả và Ngài chọn họ chỉ vì Ngài muốn như vậy. Đức Giêsu cũng đã từng nói: “Không phải anh em chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em.”
Cũng vậy, ơn gọi của chúng ta luôn luôn là một mầu nhiệm. Mầu nhiệm ấy là một nghịch lý mà chúng ta không thể nào hiểu thấu theo đầu óc suy lý của con người. Chúa chọn chúng ta theo kế hoạch riêng của Ngài chứ không theo kiểu toan tính thế gian. Để chọn một người làm tổ phụ một dân tộc đông đúc, Chúa không chọn ai khác ngoài Abraham, một cụ già đang tuổi gần đất xa trời và theo lẽ thường tình không thể sinh con cái được nữa. Để chọn một người làm vua, làm thủ lãnh dân riêng, Chúa cũng chỉ chọn Đavít, một cậu bé chăn chiên vô danh tiểu tốt chẳng ai biết đến, đến độ bố mẹ chàng trai cũng quên mất sự hiện diện của nó trong gia đình. Tương tự, Chúa đã chọn Đức Maria, một cô thôn nữ nghèo nàn dung dị, quê kệch để làm Mẹ Đấng Cứu thế. Chúa cũng chọn một anh học trò đã từng ba lần phản bội để đặt làm đá tảng xây dựng Hội Thánh, kế tục công trình của Ngài. Oái ăm nhất, Chúa chọn một con người đã từng ra tay sát hại biết bao Kitô hữu làm nhân vật vĩ đại chuyên đi rao giảng về Đấng mà trước kia ông đã từng ghét bỏ. Ơn gọi đúng là một mầu nhiệm, hàm ngậm những nghịch lý khó hiểu nhất. Có một nữ tu đến gặp Mẹ Têrêsa Calcutta và nói: “Thưa mẹ, con cảm thấy như Chúa đang mời gọi con để phục vụ các cháu cô nhi không cha không mẹ, nhất là các trẻ bị tật nguyền”. Mẹ Têrêsa trả lời: “Này con, chỉ có một ơn gọi duy nhất mà thôi, đó là hãy bước theo Chúa Giêsu và trở nên môn đệ Ngài. Sau đó Chúa sẽ dạy cho con biết phải làm những gì”.
Điều quan trọng ở chỗ chúng ta là gì chứ không phải làm gì. Trước hết hãy trở nên môn đệ Đức Giêsu, rồi Chúa sẽ chỉ cho chúng ta biết những gì chúng ta phải làm. Bốn môn đệ đầu tiên đã mau mắn đáp trả lời mời gọi của Đức Giêsu, và sau đó Chúa đã huấn luyện để các ông trở thành nền móng xây dựng Hội Thánh.
Sống ơn gọi Kitô hữu – Trở nên nguồn sáng.
Đức Giêsu, Thầy của chúng ta, là ánh sáng chiếu soi muôn dân. Các học trò của Ngài cũng phải thể hiện tính năng ấy. Nhà văn Aesop của Hy Lạp có viết một câu chuyện mang tính ngụ ngôn răn đời rất ý nghĩa. Ở thành phố Athens, có một người bị mù từ bẩm sinh. Anh ta gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày, đặc biệt vào ban tối mỗi khi anh ra đường vì bị nhiều người va vấp phải. Một người hàng xóm tốt bụng tặng anh một cây đèn, để anh mang theo mỗi khi đi ra khỏi nhà. Cây đèn đã giúp anh rất nhiều. Một buổi tối nọ, anh mù ra phố và cũng cầm cây đèn trên tay như mọi lần, nhưng anh đã bị một người va đụng phải. Anh mù bực tức và nói : “Ông mù hay sao mà không thấy cây đèn trên tay tôi để tránh ra”. Người khách đi đường lồm cồm đứng dậy và trả lời : “Thưa anh, đúng vậy, anh đang cầm cây đèn trên tay, nhưng cây đèn ấy đã tắt từ lâu rồi mà anh không biết hay sao?”.
Mỗi người chúng ta đã lãnh nhận cây đèn đức tin từ ngày chúng ta được thánh tẩy. Nhưng cây đèn đó có khi đã lịm tắt từ lâu mà chúng ta vẫn không hay biết. Chúng ta không thể trở nên ánh sáng soi dẫn người khác nếu ngọn đèn đức tin của chúng ta đã tắt lịm hoàn toàn.
Kết luận
Không ai có thể cho đi cái mà mình không có. Chúng ta cũng không thể trở thành môn đệ Đức Giêsu và nên ánh sáng cho mọi người nếu chúng ta vẫn sống trong bóng tối đặc kín tội lỗi. Xin Chúa giúp chúng ta biết châm đầy dầu vào cây đèn đức tin mà chúng ta đang giữ trên tay. Xin Ngài cũng giúp chúng ta luôn trở thành những môn đệ đích thực của Đức Giêsu. Chúng ta hãy nhìn vào mẫu gương của ông Dunan, người sáng lập hội Hồng Thập Tự quốc tế. Ông rất tâm đắc điều mà ông đã khẳng quyết : ‘Hoặc tôi là môn đệ của Đức Giêsu, hoặc tôi không là gì cả.”
Lm GB Trần văn Hào SDB