SỰ TRỢ GIÚP THIÊNG LIÊNG
MỤC ĐÍCH
– Lòng trung thành với tinh thần chân chính của Don Bosco, cùng với việc cam kết sống hiệp thông với các nhóm trong Gia đình Salêdiêng khiến Tu hội VDB ‘xin Cha Bề Trên Cả cung ứng sự trợ giúp thiêng liêng ở mọi cấp độ, để có các linh mục thi hành sứ vụ, đặc biệt trợ giúp về việc đào luyện và tư vấn’.
– Công việc này nhằm diễn bày sự hiệp thông với Gia đình Salêdiêng. Chúng ta cũng muốn khẳng định việc chúng ta cần phải sống trung thành với tinh thần và đoàn sủng từ căn gốc, nên ý thức rằng chính Tu hội Salêdiêng Don Bosco (SDB) sẽ giúp chuyển tải đoàn sủng cho chúng ta cách tận căn.
– Khi nói về nét đẹp diễn tả chúng ta là một thành phần trong đại gia đình Salêdiêng, chúng ta biết rằng đó là quà tặng Chúa ban, bao hàm toàn thể những vai trò liên quan, và cũng nói lên sự cam kết đi vào lộ trình chung hướng tới sự thánh thiện. Động thái này nhằm nâng đỡ tất cả chúng ta sống trung thành với lời Chúa kêu gọi, giúp khơi dậy cuộc sống chứng tá khả tín và đem lại cho chúng ta tinh thần phục vụ trong yêu thương đối với các anh chị em của chúng ta.
– Tác vụ linh mục đối với chúng ta rất cao quý và không gì có thể sánh được, mời gọi chúng ta phải biết cộng tác với các ngài trong việc đào luyện và tư vấn, trợ giúp chúng ta trong việc sinh động, tự quản, và lãnh lấy trách nhiệm trong chính Tu hội của chúng ta. Vai trò của vị Trợ úy giúp vạch dẫn những công việc phục vụ cách chuẩn xác, được thực hiện theo phong thái Salêdiêng, ở cấp độ địa phương, cấp miền cũng như ở cấp Trung ương.
* Tu hội VDB với mục đích trung thành với tinh thần chân chính của DonBosco, cũng như để sống hiệp thông với các nhóm trong gia đình Salêdieng, đã xin Cha Bề Trên Cả đáp ứng sự trợ giúp thiêng liêng ở mọi cấp độ, và đồng hợp tác với các vị hữu trách liên quan.
Khoản luật số 72: Sự trợ giúp như thế được thực hiện bởi một vị Trợ úy (Ecclesiastical Assistant), lý tưởng phải là một anh em Salêdiêng và trong tư cách là một linh mục, ngài trợ giúp chúng ta trong việc đào luyện và tư vấn.
CON NGƯỜI CỦA LINH MỤC SALÊDIÊNG
+) Là linh mục
– Ngài thông truyền sự hiện diện và tác động của Chúa Kitô cũng như của Giáo hội trong Tu hội chúng ta, giúp các chị em trải nghiệm tình yêu nơi mầu nhiệm nhập thể. Mầu nhiệm này đem lại ý nghĩa cho đặc nét trần thế tính nơi cuộc sống thánh hiến của chúng ta.
– Ngài giúp chúng ta cung chiêm mầu nhiệm hiệp thông nơi Chúa Ba Ngôi, và đi sâu vào tình yêu vô hạn của Ngài đối với thế gian.
– Đời sống chứng tá và những công việc phục vụ của Ngài về đời sống thiêng liêng là nguồn lực quý giá để nâng đỡ chúng ta, giúp chúng ta nhìn lại cuộc sống hằng ngày sao cho phù hợp với lối sống của những người sống ơn gọi thánh hiến Salêdiêng giữa đời.
– Ngài cử hành các bí tích cho chúng ta, đặc biệt Bí tích Hòa giải và Bí tích Thánh Thể. Ngài giúp mỗi chị em tăng trưởng ơn gọi và đạt đến mức trưởng thành, giúp các chị em sống hiệp thông sâu xa với Chúa Kitô và với nhau.
+) Với tư cách là linh mục, ngài cần phải:
– Chăm lo đời sống nội tâm của mình, diễn bày chứng tá về tình yêu Thiên Chúa và dấn thân trong việc mục vụ. Ngài phải có tâm hồn rộng mở để chăm lo cho sự phát triển đời sống thiêng liêng nơi các chị em VDB, chú tâm đến các dạng thức của đời sống thánh hiến và các phẩm chất đặc thù nơi các Tu hội đời, đặc biệt là Tu hội VDB, với những đặc nét chuyên biệt và nguyên tuyền trong ơn gọi Salêdiêng.
– Ngài là người cổ võ sự hiệp thông, cổ võ sứ mệnh biệt loại của một người Salêdiêng sống giữa trần thế, đồng thời cũng phải lưu tâm đến nơi chốn và hoàn cảnh sống của các chị em.
– Ngài rộng mở để giúp thăng tiến việc đào luyện hướng tới một tình yêu mang tính nhân bản và quân bình; Ngài là người cha và cũng là một người anh luôn biết đối thoại. Ngài cổ xúy bầu khí tin tưởng lẫn nhau và không có sự phân biệt hay kình chống nữ giới, hơn nữa Ngài cũng phải học hỏi để hiểu biết về nữ giới nhiều hơn và biết trân quý họ. Ngài sử dụng tính khí nam nhi để đóng góp ý kiến, có sự khẳng quyết trong những vấn đề, và đưa ra những khả thể để cân nhắc những quan điểm khác nhau.
– Ngài là một con người luôn mở rộng tầm nhìn để hướng đến việc đào luyện tri thức. Ngài cần học hỏi để hiểu biết về tính cách biệt loại của ơn gọi thánh hiến giữa đời, đồng thời cũng phải am tường những giáo huấn của Giáo hội và những tài liệu của Tu hội VDB. Ngài cần tìm tòi để phân định những cái mới cần phải cập nhật trong khi thi hành tác vụ, song song với việc giúp các chị em hướng tới sự trưởng thành, tính tự quản, và có tinh thần trách nhiệm trong đời sống nhân bản và cuộc sống Kitô hữu.
+) Là Salêdiêng
– Ngài trân trọng vị thế của các chị em VDB trong gia đình Salêdiêng. Qua sự hiểu biết và sự trân quý đối với Tu hội VDB, ngài quảng bá ơn gọi VDB giữa các anh em SDB và giữa các nhóm khác trong gia đình Salêdiêng.
– Ngài thông dự vào trong ơn gọi chung (ơn gọi Salêdiêng); Lòng yêu mến của ngài đối với Tu hội thúc đẩy ngài hướng đến sự cộng tác với các chị em hữu trách khi ngài được mời để chăm sóc các ơn gọi (cổ vũ văn hóa ơn gọi, giúp các chị em trẻ phân định ơn gọi, lưu tâm đến những dấu chỉ về ơn gọi sống thánh hiến giữa đời nơi các chị em, ngài phải luôn sẵn lòng tiếp đón và hướng dẫn những ai muốn gia nhập Tu hội VDB).
– Ngài diễn bày những phẩm tính về linh đạo Salêdiêng qua phong cách vui tươi và cuộc sống chứng tá, cụ thể:
+) Có tình yêu và những phẩm tính của vị mục tử nhân lành.
+) Là một người cầu nguyện theo phong thái Salêdiêng: Cụ thể, hiện thực, liên tục xuyên qua việc cử hành Lời Chúa và Bí tích Thánh Thể, có lòng tín thác con thảo đối với Đức Maria Phù hộ các giáo hữu.
+) Có ý thức về tình cha nơi Thiên Chúa, là Chúa của lịch sử và của cuộc sống chúng ta.
+) Có sự hòa đồng, sống tình bạn, có tinh thần lạc quan, biết đối thoại huynh đệ, biết rộng mở đối với người khác, có sự trung thực và sự giản dị trong giao tiếp.
+) Có niềm đam mê đối với thế giới người trẻ, đặc biệt những em nghèo khổ nhất và những em bị bỏ rơi.
+) Biết để ý đến những dấu chỉ thời đại.
+) Sống với tinh thần làm việc và tiết độ để phục vụ Vương quốc Nước Trời, sẵn sàng dấn mình để phục vụ, biết cộng tác với các chị em hữu trách, với ban cố vấn cũng như với các chị em khác.
CÁC CÔNG VIỆC CỦA VỊ TRỢ ÚY
– Liên quan đến tác vụ linh mục:
+) Thực thi thừa tác vụ Lời Chúa.
+) Thực thi thừa tác vụ cử hành Bí tích Thánh Thể.
+) Sẵn sàng ngồi tòa cáo giải.
+) Sẵn sàng đồng hành thiêng liêng.
+) Lên chương trình cho các cuộc tĩnh tâm và các khóa bồi dưỡng thiêng liêng.
– Liên quan đến sự hợp tác trong công việc đào luyện:
+) Cộng tác để đào luyện các chị em trong giai đoạn tu sinh và những chị em trong thời kỳ khấn tạm.
+) Cộng tác để lên chương trình đào luyện và thực hiện những chương trình này, chung với các nhóm cũng như chung với miền.
+) Đặc biệt lưu tâm đến việc đào luyện đời sống thiêng liêng (phụng vụ, các việc đạo đức, mục vụ, trần thế tính, Salêdiêng,…)
– Liên quan đến lãnh vực tư vấn:
+) Tham gia tư vấn ở cấp địa phương, cấp miền và cấp trung ương.
+) Sẵn sàng tư vấn đối với các chị em hữu trách ở mọi cấp độ và ở mọi hoàn cảnh.
+) Sẵn sàng tư vấn cá nhân.
CÁC CÔNG VIỆC Ở NHỮNG CẤP ĐỘ
+) Vị Trợ úy địa phương.
Vị Trợ úy địa phương do vị Ủy viên (Delegate) cấp cao hơn chỉ định với sự chuẩn nhận của vị Trợ úy cấp miền, thông qua ý kiến đề xuất của Hội đồng địa phương.
Trong khi mỗi chị em VDB đều có sự tự do tuyệt đối để chọn cha linh hướng, thì vị Trợ úy vẫn có thể giúp họ sống đời sống thánh hiến cách sâu xa, theo tinh thần của Tu hội. Vị Trợ úy cũng được mời gọi cộng tác đặc biệt trong quá trình đào luyện các tu sinh, cùng với chị Ủy viên phụ trách đào luyện cấp địa phương.
Ngài hiện diện tại Hội đồng địa phương để trợ giúp về mặt thiêng liêng và luân lý, nhưng không có quyền tài phán.
Cụ thể:
– Ngài tham dự các cuộc họp của Hội đồng địa phương nhắm đến việc đào luyện và trợ giúp thiêng liêng. Ngài nhận thức rằng những cuộc họp như thế là những biến cố quan trọng mang tính đào luyện, và sự hiện diện của ngài cần thiết để có những lời khuyên hoặc đưa ra những đề nghị thích hợp khi được yêu cầu, cho dầu ngài không có quyền quyết định.
– Ngài thi hành tác vụ linh mục để phục vụ các chị em trong những dịp tĩnh tâm tháng. Ngài nhận thức rằng những dịp đặc biệt như thế mà Tu hội ấn định là những thời khắc để trợ giúp việc đào luyện và để các chị em đi vào sự hiệp thông nhằm giúp tăng trưởng ơn gọi VDB hầu nhận thức rõ nét hơn về đời sống thiêng liêng, tu đức và tông đồ nơi các chị em.
– Ngài tham dự bao có thể các cuộc họp về đào luyện của các nhóm hay các tiểu nhóm cũng như các cuộc họp trên cấp miền (các buổi gặp mặt, các ngày sum họp gia đình…), để trợ giúp bằng những công việc liên quan tới tác vụ linh mục trong tinh thần chia sẻ huynh đệ, qua đó đóng góp vào việc cổ võ sự dấn thân và bầu khí huynh đệ vui tươi, nét đặc trưng của tinh thần Salêdiêng.
– Ngài quan tâm đặc biệt đến việc đào luyện các tu sinh, trong tinh thần hợp tác và chia sẻ trách nhiệm với các chị Ủy viên Đào luyện cũng như với các chị đặc trách. Ngài thực thi sự quan tâm như thế qua các cuộc họp, song song với chương trình đào luyện của Tu hội VDB (Khoản luật số 16, 19). Cần ghi nhớ rằng:
+ Việc lượng giá tiến trình tăng trưởng ơn gọi nơi các tu sinh, thuộc phạm vi nội bộ của các vị hữu trách trong Hội đồng cố vấn. Nếu được yêu cầu, vị Trợ úy có thể đưa ra những kiến nghị nhưng với sự bảo mật cần thiết. Ngài phải rút khỏi trước khi Hội đồng Cố vấn là những vị có trách nhiệm bỏ phiếu quyết định.
+ Nếu 1 tu sinh xin hướng dẫn thiêng liêng, vị Trợ úy nên sẵn sàng. Khi đồng hành với các tu sinh, điều cần thiết là phải tìm kiếm thánh ý Chúa qua việc phân định ơn gọi, đào sâu về đời sống thiêng liêng và ý nghĩa đời thánh hiến.
+ Vị Trợ úy và chị Ủy viên đặc trách đào luyện cần hợp tác với nhau, không phải để tổ chức các cuộc họp, nhưng là để soạn thảo nội dung chương trình đào luyện cá nhân các chị em VDB. Điều này bao hàm việc đề xuất các mục tiêu, cũng như tìm hiểu cách biệt loại và tổng quát để nắm bắt được hoàn cảnh cụ thể của tu sinh đó (như tính khí, sự trưởng thành về đời sống thiêng liêng và nhân bản…)
+ Nhìn dưới góc cạnh này, một điều khá quan trọng là cần phải làm rõ và phân định 2 vai trò khác biệt nhau nhưng bổ túc cho nhau, đó là vai trò của vị Trợ úy và vai trò của chị Ủy viên đặc trách đào luyện. Hai vị cần phải gặp gỡ nhau thường xuyên để cùng thống nhất khi có những vấn đề cần phải can thiệp hoặc cần đóng góp ý kiến.
– Ngài đồng hành, cùng cộng tác với chị phụ trách ở cấp địa phương về việc đào luyện các chị em trong thời kỳ khấn tạm, thể hiện qua các cuộc họp về đào luyện cách đều đặn theo chương trình đã vạch ra, cùng với sự đồng ý của chị VDB đó (Khoản số 17).
Trong 3 năm đầu của thời kỳ khấn tạm, các đề tài được nói tới trong các cuộc họp về đào luyện cần phải đi sâu vào những lãnh vực liên quan đến việc thực hiện ơn gọi sống thánh hiến Salêdiêng giữa trần thế, mặc dầu không nhất thiết phải báo trước những đề tài này (Khoản số 17).
Các quyết định liên quan đến các chị em sau thời kỳ khấn tạm, thuộc phạm vi của Hồi đồng cố vấn. Tuy nhiên, vị Trợ úy cũng có thể cung cấp những lời khuyên khi có yêu cầu, nhưng phải tôn trọng tính bảo mật.
– Ngài cũng có thể quan tâm đến việc đào luyện các chị em đã khấn trọn đời, trong sự hợp tác với chị Phụ trách địa phương và với Hội đồng cố vấn, để giúp đề ra chương trình đào luyện và có những đóng góp tùy theo khả năng, tùy theo cơ hội và tùy theo nhu cầu.
Tóm lại , vị Trợ úy cấp địa phương sẽ phải quan tâm đến 3 lãnh vực sau đây:
+ Trong tư cách là linh mục, Ngài hiện diện để cử hành Bí tích Thánh Thể và giúp ngồi tòa ban ơn xá giải.
+ Trong các cuộc tĩnh tâm, ngài hiện diện để đồng hành và hướng dẫn thiêng liêng cho những ai cần đến.
+ Trong tư cách là một Salêdiêng, ngài hiện diện với tình huynh đệ để khơi dậy sự hiệp thông giữa các chị em VDB với gia đình Salêdiêng, trong khi vẫn tôn trọng vai trò của VDB và tính đặc thù của riêng họ.
Vị Trợ úy cấp miền
Vị Trợ úy cấp miền (AER) ‘có nhiệm vụ trợ giúp Hội đồng miền trong những vấn đề về đào luyện, và điều phối những hoạt động của các vị Trợ úy cấp địa phương (Khoản số 21,20). Đặc biệt:
– Ngài tham dự các cuộc họp cấp miền, để góp ý trong những vần đề về đào luyện. Ngài tham phần trong các cuộc thảo luận và đưa ra những lời khuyên, nhưng không có quyền tài phán, cũng như không được bỏ phiếu.
+ Bao có thể, Ngài hiện diện trong tất cả các cuộc họp mang tính đào luyện trên cấp miền (như các cuộc họp mặt, các ngày gặp gỡ huynh đệ…)
+ Ngài điều phối các hoạt động của các Ủy viên địa phương.
+ Theo sự đề nghị của Hội đồng địa phương, Ngài đệ trình lên Cha Giám tỉnh ứng viên có khả năng phù hợp để được bổ nhiệm làm Trợ úy cấp địa phương (Khoản số 22).
NHỮNG TIÊU CHÍ VỀ MỐI TƯƠNG GIAO CŨNG NHƯ VỀ CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA VỊ TRỢ ÚY
– VỀ KHÍA CẠNH THỪA TÁC VỤ
+ Cần lưu ý khía cạnh này. Chúng ta làm việc để chia sẻ với những người nữ sống đời thánh hiến, khác với các nhóm đạo đức khác trong giáo xứ. Chúng ta quan tâm săn sóc đến một loại hình ơn gọi biệt loại, với tính đặc thù riêng cùng những khó khăn riêng. Vì thế, chúng ta cần phải quan tâm đến ơn gọi ấy để giúp các chị em VDB trở về với căn gốc Tin mừng.
+ Cần có những suy tư về thần học và về đời sống thiêng liêng, với những điểm nhấn chính xác và rõ ràng.
+ Có sự hiểu biết về đời sống thánh hiến giữa đời.
+ Có tinh thần chia sẻ trách nhiệm. Không để các chị em quá lệ thuộc vào các Salêdiêng, và tránh hành xử theo lề thói ‘chủ nghĩa cha chú’ (paternalism).
+ Thực hiện sự đồng hành thiêng liêng, chứ không phải là chỉ đạo. Luôn sẵn sàng và rộng mở để đối thoại, để lắng nghe, để trợ giúp các chị em mở rộng tầm nhìn, biết cách lượng giá và phân định, tìm cách nâng đỡ các chị em, giúp họ tăng trưởng, biết trân quý tự do, và hãy cầu nguyện cho các chị em mà vị đó đang đồng hành.
+ Khích lệ các tu sinh duy trì nhịp độ đều đặn trong đời sống Kitô hữu, như Tu luật đã đề cập tới.
+ Lưu tâm đến những mầm mống ơn gọi, như trong lúc ngồi tòa giải tội, khi hướng dẫn thiêng liêng, khi làm mục vụ, khi tiếp xúc với các bạn lãnh đạo trẻ là những em có nhiều sáng kiến trong những công việc mục vụ rất có ý nghĩa.
Như một luật tổng quát, chúng ta phải cổ xúy ý thức về đoàn sủng, hơn là chỉ nghĩ đến ơn gọi của cá nhân (cần duy trì tính riêng tư của họ cách cẩn thận).
+ Thân tình chào đón các chị em mới gia nhập tiến trình đào luyện, cùng hiệp tác với các chị phụ trách tại địa phương, để giúp các chị em mới tiếp tục trong những giai đoạn kế tiếp của ơn gọi.
+ Nâng đỡ để giúp cá nhân các chị em VDB cũng như tu hội có được tính tự quản.
– VỀ KHÍA CẠNH ĐÀO LUYỆN
+ Cộng tác với các chị hữu trách ở cấp địa phương và cấp miền
+ Đào luyện nhân bản: Có ý thức cao và biết chấp nhận, có nhận thức đúng đắn về thực tại, có sự quân bình về tình cảm, biết cách làm việc nhóm để không tự chia tách, biết tôn trọng nhau vô điều kiện, biết sống hỗ tương để nâng đỡ nhau, có sự hiệp thông huynh đệ, có sự tăng trưởng nơi cá nhân, có tinh thần trách nhiệm, có tính tự quản, có lòng quảng đại, biết học hỏi nơi người khác và giúp họ phát triển những khả năng, có tinh thần xã hội và biết cách làm việc chung, biết phán đoán, có tinh thần dấn thân làm việc xã hội…
+ Đào luyện Kitô giáo : Xác định được đâu là những ý niệm cốt lõi của đời sống Kitô hữu. Điều này rất cần thiết, nhất là đối với các chị em thuộc thế hệ trẻ.
+ Cần nhấn mạnh đến kế hoạch đời sống cá nhân và những gì mình có thể cống hiến. Nếu cần, các chị em nên có những vị đồng hành để hướng dẫn thêm.
– VỀ KHÍA CẠNH GIAO TẾ
+ Vị Trợ úy cần sống gần gũi và thân tình với Hội đồng cố vấn cũng như với các chị em khác. Cần giúp đỡ khi thấy các chị em thiếu sự hiểu biết.
+ Là nam nhi, vị Trợ úy giúp các chị em có cái nhìn về các hoàn cảnh theo góc nhìn của mình, với những lý luận riêng theo phong thái đàn ông chứ không phải của nữ giới.
+ Hiện diện để làm trung gian khi cần thiết, đặc biệt khi có những xung khắc giữa các chị em. Vị Trợ úy hiện diện để mời gọi các chị em lưu tâm đến các các phẩm tính được Tin mừng vạch dẫn và nhắc nhở sự khôn ngoan cần thiết.
+ Vị Trợ úy đều đặn liên lạc với Cha Gíam tỉnh để thông tri cho Ngài biết về hiện trạng của các nhóm, về các bổ nhiệm mới, và về những sáng kiến có thể có.
+ Vị Trợ úy cấp miền sẽ điều phối những hoạt động của các vị Trợ úy cấp địa phương. Vị Trợ úy cấp địa phương cũng nên liên lạc với các vị khác ở cấp trung ương qua việc chia sẻ thông tin, chia sẽ những tài liệu hay các bản dịch, chia sẽ những nguồn phúc lợi …
+ Cộng tác với Cha Giám tỉnh và ban cố vấn của Ngài để khơi sâu cảm thức thuộc về Gia đình Salêdiêng trong toàn tỉnh dòng.
NHỮNG SUY TƯ ĐỂ KẾT LUẬN
+ Ý thức về kinh nghiệm Phúc âm căn gốc để chân nhận rằng Tu hội VDB đóng góp vào di sản thiêng liêng và tông đồ của Don Bosco.
+ Chúng ta được mời gọi trở nên dụng cụ trong tay Chúa Thánh Thần qua việc phục vụ Tu hội VDB, theo khuôn mẫu Cha Rinaldi để lại.
+ Chúng ta tri ân Chúa vì qua việc phục vụ và qua sứ mệnh được trao phó, sứ vụ linh mục của chúng ta được nuôi dưỡng.
Văn Hào, SDB chuyển ngữ