Nhân dịp kỷ niệm 4 năm thông điệp Laudato Si được Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành, ngày 24/5 vừa qua, Đức Hồng y Peter Turkson, Bộ trưởng Bộ phát triển con người toàn diện gởi một sứ điệp đến cộng đồng khoa học.
Nội dung sứ điệp nhắc lại việc Thông điệp Laudato Si năm 2015 khuyến khích Hội nghị thượng đỉnh COP 21, với thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu, nhắm đến mục tiêu tăng nhiệt độ trung bình dưới 2oC, và nỗ lực tăng dưới 1,5oC.
Ngưỡng 1,5oC là ngưỡng vật lý quan trọng. Với ngưỡng này thì có thể tránh được nhiều tác động phá hủy của biến đổi khí hậu do con người gây ra, như hồi phục các sông băng chính và sự phá hủy của phần lớn các rạn san hô nhiệt đới. Đặc biệt, có thể bảo vệ được ngôi nhà chung của chúng ta khỏi hiệu ứng nhà kính.
Từ cuộc cách mạng công nghiệp, nhiệt độ toàn cầu đã nóng lên 1oC, nó đã tác động nghiêm trọng đối với con người, như điều kiện khí hậu khắc nghiệt, hạn hán, lũ lụt… Khủng hoảng khí hậu đang đạt đến quy mô chưa từng có. Do đó, tình trạng vô cùng cấp bách.
Con số 1,5oC cũng là một ngưỡng tôn giáo. Thế giới chúng ta đang hủy hoại là món quà của Thiên Chúa cho nhân loại, cụ thể là ngôi nhà được Thần Khí thánh hoá khi bắt đầu công trình tạo dựng.
Lời kêu gọi các nhà khoa học hành động chăm sóc ngôi nhà chung cũng đến từ tiếng kêu của những thế hệ trẻ, tương lai của họ đang bị đe doạ. Tại Ngày Giới trẻ Thế giới ở Panama năm nay, giới trẻ cho thấy “Thế hệ Laudato si”, và đưa ra một tuyên ngôn mạnh mẽ cho các cộng đồng đức tin và xã hội dân sự cần có một sự hoán cải sinh thái bằng hành động.
Sứ điệp của ĐHY Turkson kêu gọi: Đã đến lúc phải can thiệp bằng những thay đổi triệt để trong lối sống: từ việc sử dụng năng lượng, tiêu thụ, vận chuyển, sản xuất công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, v.v … Mỗi người đều được kêu gọi phải hành động và cùng nhau hành động, bắt đầu với chính phủ và các tổ chức, gia đình và người dân. Lời kêu gọi này đặc biệt đối với các nhà khoa học và giới trẻ trong việc thúc giục gia đình nhân loại, đặc biệt đối với những người đang ở vị trí quyền lực chính trị và kinh tế, thực hiện các biện pháp quyết liệt để thay đổi hướng đi.
Sứ điệp kết thúc với lời khuyến khích: “Vẫn còn hy vọng, hy vọng lớn, và vẫn còn thời gian để hành động và tránh những tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu.” Chúng ta phải tìm cách để bước đi và Chúa sẽ dẫn chúng ta tìm thấy con đường mới. (CSR_3131_2019)
Nguồn: Vatican News
Văn Yên, SJ