RMG, ngày 14 tháng 2 năm 2024 — Người bản địa chiếm khoảng 5% dân số thế giới. Báo cáo của Liên hợp quốc năm 2014 cho biết 70% người dân bản địa trên thế giới sống ở châu Á. Nhiều dân tộc bản địa ở châu Á đều trải qua tình trạng không được công nhận bản sắc văn hóa, bị loại trừ và bị gạt ra ngoài lề xã hội. Phần lớn dân số ở hầu hết các nước Châu Đại Dương là người bản địa.
Trong hàng nghìn năm, người dân bản địa đã tuân theo những lối sống thể hiện sự tôn trọng sâu sắc đối với tạo vật vì họ hiểu đó là di sản của tổ tiên mà họ phải truyền lại cho các thế hệ mai sau. Đối với họ, đất đai là một món quà từ Tạo hóa và từ tổ tiên của họ, những người vẫn còn ở đó, một không gian thiêng liêng mà họ cần tương tác nếu muốn duy trì bản sắc và giá trị của mình. (x. Laudato Si, 146). Mối liên hệ sâu sắc này với Tạo hóa truyền cảm hứng cho sự quan tâm và tôn trọng. Điều này khiến họ phát triển kho tàng hiểu biết thực tế để chăm sóc và bảo vệ các hệ sinh thái mỏng manh, đồng thời thu được những lợi ích tiềm tàng của các loại thảo mộc và thực vật đối với đời sống con người. Họ phát triển ý thức mạnh mẽ về gia đình và cộng đồng, đồng thời có mối quan hệ tôn trọng người lớn tuổi và chăm sóc những trẻ nhỏ. Niềm tin truyền thống, tập quán văn hóa và thế giới quan của họ thể hiện sự công nhận của họ đối với một Đấng Tối cao. Một số tập tục văn hóa và mê tín của họ có thể hạ thấp phẩm giá con người. Tuy nhiên, nhiều phong tục và truyền thống của họ rất coi trọng các giá trị xã hội, tập trung vào việc quan tâm đến người khác. Quả thực, sự phong phú của họ cũng là của chúng ta!
Người dân bản địa thường cảm thấy mình như những kẻ xâm nhập không được chào đón trên chính mảnh đất của họ và ít quan tâm đến nhu cầu cụ thể của họ. Ở nhiều nơi trên thế giới, các dự án khai thác gỗ, khai thác mỏ, buôn người và cơ sở hạ tầng quy mô lớn gây ra thiệt hại không thể khắc phục được cho cộng đồng và văn hóa bản địa, vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và thậm chí gây tử vong cho những người phản đối các dự án này. Các chính phủ thường chọn cách làm ngơ trước tiếng kêu cứu của người dân bản địa, những người phụ thuộc vào rừng và đất nông nghiệp để kiếm sống và tồn tại. Quyền tái sinh, sử dụng, phát triển và truyền tải cho thế hệ tương lai nền văn hóa, ngôn ngữ, truyền thống và thế giới quan của họ thường không được đảm bảo.
Trong dòng lịch sử, nhiều giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân đã hy sinh mạng sống để bảo vệ phẩm giá của các dân tộc bản địa để họ có thể biết Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng của Người. Họ đã lên án bạo lực, áp bức, bất công xã hội và chế độ nô lệ. Giáo hội Công giáo đã nhấn mạnh rằng “học thuyết khám phá” – một lý thuyết dùng để biện minh cho việc thực dân chiếm đoạt đất đai bản địa từ chủ sở hữu hợp pháp của họ và trao “quyền” đó cho các cường quốc thuộc địa – chưa bao giờ là một phần trong Huấn quyền của Giáo hội Công giáo. Tuy nhiên, có một thực tế là các văn kiện của Giáo hội thời đó không phải lúc nào cũng phản ánh đầy đủ phẩm giá và quyền lợi bình đẳng của các dân tộc bản địa. Vì vậy, họ thường bị các cường quốc thực dân cạnh tranh thao túng vì mục đích chính trị. Tương tự như vậy, hầu hết những người thực dân đều có ý tưởng rằng một nền văn hóa (đặc biệt là văn hóa châu Âu của họ) vượt trội hơn những nền văn hóa khác. Do đó, một số người coi việc sử dụng nhiều cách khác nhau để ‘văn minh hóa’ hoặc ép buộc người dân bản địa là hợp pháp. Đôi khi, những hành vi vô đạo đức được thực hiện chống lại họ mà không có sự phản đối của các nhà lãnh đạo tôn giáo (x. Tuyên bố về Học thuyết Khám phá, n.2-9). Do đó, “cần phải thành thật thừa nhận những lạm dụng đã xảy ra do thiếu tình yêu thương từ phía những người không thể coi người dân bản địa như anh chị em của họ, như con cái của cùng một Cha”. (Thánh Gioan Phaolô II, Santo Domingo, 13 tháng 10 năm 1992).
Mối quan tâm của chúng ta đối với người dân bản địa không phải là ủng hộ bất kỳ hệ tư tưởng hay nhóm vận động hành lang nào. Thay vào đó, nó bắt nguồn từ căn tính cơ bản của chúng ta là những con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa, sâu sắc hơn bất kỳ căn tính bản địa nào. Từ đó phát sinh các quyền của họ dựa trên nguồn gốc hoặc căn tính bản địa của họ. Do đó, Giáo hội đón nhận các dân tộc bản địa với nền văn hóa của họ để họ có thể khám phá những điểm thống nhất giữa các giá trị và truyền thống bản địa của họ với những lời dạy của Chúa Giêsu Kitô. Cuộc đối thoại này dạy chúng ta đánh giá cao trách nhiệm không thể chối bỏ của mình trong việc bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên cũng như nền văn hóa và truyền thống của chúng ta theo cách thức tuyệt vời mà họ đã thực hiện. Ngược lại, họ được giúp đỡ để khám phá những “tia sáng Chân lý soi sáng tất cả” (NA, 2) trong các giá trị, văn hóa và truyền thống bản địa của họ.
Chương trình quan trọng nhất phục vụ các dân tộc bản địa là giúp họ trở thành con người một cách hoàn toàn, theo hình ảnh Thiên Chúa dành cho chúng ta và hình ảnh mà Ngài kêu gọi chúng ta. Điều này cũng liên quan đến việc mời gọi họ đến với tình bạn với Chúa Giêsu Kitô, Đấng hoàn toàn là con người, mang phẩm giá con người một cách toàn diện và mang lại sự viên mãn cho mọi trái tim và toàn bộ cuộc sống (QA 62-65, 76).
Don Bosco đã gửi các nhà truyền giáo của ngài đến với người dân bản địa Patagonia. Sau đó, những người Salêdiêng khác làm việc giữa các dân tộc bản địa khác. Ngày nay, những người Salêdiêng tích cực bảo tồn và phát huy bản sắc của họ bằng cách thành lập các viện bảo tàng văn hóa, viết từ điển và sách, đồng thời đưa ra các hoạt động và chương trình cổ vũ việc loan báo Tin mừng toàn diện. Thật vậy, công việc của chúng ta giữa các dân tộc bản địa là một biểu hiện quan trọng của việc cam kết Salêdiêng đối với người nghèo và bị gạt ra ngoài lề xã hội.
Bài viết: Cha Alfred Maravilla – Tổng cố vấn Truyền giáo
Nguồn: bosco.link/webzine/93239
Chuyển ngữ: Ban Truyền thông Don Bosco Việt Nam