SIERRA LEONE – KỶ LUẬT ĐI CHUNG VỚI VŨ LỰC

          Sierra Leone, một đất nước nhỏ bé nằm phía Tây châu Phi, với dân số khoảng 7,8 triệu người, trong đó 80% là Hồi Giáo. Sierra Leone thuộc Tỉnh dòng Sa-lê-diêng AFW cùng với 3 nước khác là Gha-na, Ni-gê-ri-a và  Li-bê-ri-a.

          Đất nước này đã phải chịu nhiều thiên tai và dịch bệnh; chẳng hạn như đại dịch Ebola xảy ra cách đây 4 năm, đã cướp đi 11.000 sinh mạng. Dân cư địa phương cũng chịu ảnh hưởng bởi sự khắc nghiệt của cái nắng nóng cháy da khét thịt, dễ làm cho con người bực bội, khó chịu; vì thế phần nào đó cũng hình thành nên tính khí háo chiến háo thắng, thích dùng đến vũ lực, cũng như không ngại đổ máu để áp đảo hoặc chinh phục đối phương. Việc dùng cây roi và những cú bạt tai như trời giáng của giáo viên trong học đường cũng là một ví dụ cụ thể.

          Trong giáo dục, không ít lần tôi đã phải to tiếng nhắc nhở các giáo viên không được dùng những hình phạt kiểu đó để giữ kỷ luật học sinh, nhất là phạt học sinh trước tập thể. Thế nhưng những lời nói của tôi chỉ như “nước đổ lá môn” mà thôi. Có thể nói việc sử dụng vũ lực là một phần cuộc sống của họ. Giáo viên không thể không dùng đến những hình phạt nặng nề. Còn học sinh thì “nhờn thuốc” vì quá quen với những hình phạt nặng nề đó rồi. Thậm chí một số em còn tỏ ra thích thú khi bị thày cô đánh.

          Một hôm nọ, sau khi chào cờ buổi sáng xong, tôi thấy một học sinh ngồi bệt xuống đất,  hai dòng nước mắt chảy dài trên gò má. Hỏi ra thì biết em bị một giáo viên bạt tai. Kiên nhẫn chờ học sinh vào các lớp xong, tôi đến gặp riêng giáo viên đó. Tôi cố gắng dùng những lời lịch sự, nhỏ nhẹ để giải thích cho thầy hiểu rằng phương pháp giáo dục Sa-lê-diêng không cho phép giáo viên đánh học sinh; đồng thời cũng không cho phép phạt học sinh trước tập thể, kẻo làm mất thể diện của em trước các bạn. Nhưng giáo viên này vẫn coi chuyện ấy là bình thường và còn nói với tôi: “Thầy ơi, đây là đất nước châu Phi, chúng tôi đã  quen sống và lớn lên như thế rồi. Thầy phải thích nghi với môi trường này chứ!”.

          Lúc ấy tôi nóng bừng bừng. “Thầy lớn lên với những điều ấy, có nghĩa là thầy có quyền đánh học sinh ư? Thầy nghĩ thế nào nếu tôi bạt tai thầy trước mặt các học sinh? Sở dĩ tôi không muốn sỉ nhục thầy trước đám đông, nên tôi mới gặp riêng thầy, sau khi các em đã vào lớp. Đây cũng là cách thức tôi muốn thầy thực hiện khi sửa dạy học sinh. Tôi không muốn nhìn thấy thầy đánh học sinh một lần nào nữa!”. Sau lần tranh luận đó, giáo viên đó đã ngại và tìm cách tránh mặt tôi. Nhưng biết làm sao được! Là người Sa-lê-diêng, con tim nhà giáo dục không cho phép tôi câm lặng trước sự việc tồi tệ ấy.

          Dần dần qua cuộc sống, tôi phần nào hiểu rõ hơn về văn hóa của người Sierra Leone. Ngay khi còn trẻ, cha mẹ đã giáo dục con cái bằng đòn vọt, bằng những lời quát tháo và những cái bạt tai rồi. Khi đến trường, họ cũng bị thầy cô dạy bằng những lời nói và hành động tương tự. Cứ như vậy, thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, họ lớn lên với những thói quen tiêu cực đó. Một lần kia, trong khi tôi cố gắng giữ trật tự và im lặng trong lớp học, các học sinh cứ đua nhau quậy phá nói chuyện, dù tôi có gào thét cỡ nào cũng vô ích. Một em chạy lên bục giảng, lấy cái roi để ở góc tường, đưa cho tôi và nói: “Thầy đánh tụi nó đi thầy. Tụi nó cứng đầu lắm”. Chứng tỏ rằng nếu không có đòn roi, không có bạt tai thì không thể nào giữ được kỷ luật.

          Thế nhưng giáo dục là chuyện của con tim; mà vũ lực hoàn toàn đi ngược với lý lẽ của con tim. Tôi vẫn thường nói với các giáo viên rằng hãy dùng tình thương thay thế vũ lực. Đó mới là sự thành công đích thực của công tác giáo dục. Để giúp các giáo viên thấm nhuần phong cách giáo dục Sa-lê-diêng, hằng năm cộng đoàn đã tổ chức những buổi hội thảo để chia sẻ với các giáo viên về phương pháp giáo dục Dự phòng của Don Bosco.

          Ngoài ra, sự hiện diện thể lý của người Sa-lê-diêng cũng rất quan trọng, nhằm đồng hành và nhắc nhở các giáo viên không nên đánh học sinh, dù đây là điều rất khó đối với họ. Thế nhưng hoạt động thì nhiều, mà hội viên Sa-lê-diêng lại ít, nên việc hiện diện thường xuyên của các Sa-lê-diêng là điều chưa trọn vẹn. Chính vì vậy, việc đánh đập học sinh cứ diễn ra. Chỉ khi có sự hiên diện, các giáo viên cũng bớt đi phần nào chuyện này. Có những giáo viên nhanh tay giấu cây roi của họ khi thấy tôi hay các Sa-lê-diêng khác. Đó cũng là những dấu hiệu đáng mừng.

          Hy vọng trong tương lai không xa, những cây roi, những cái bạt tai sẽ không còn nữa, mà thay vào đó là những lời sửa dạy nhẹ nhàng nhưng cứng rắn của các giáo viên như một thứ “bàn tay thép bọc nhung” của Don Bosco.

Tác giả: Tư giáo Phaolo Trần Đại Kỳ Quân,

truyền giáo tại Sierra Leone 

Visited 32 times, 1 visit(s) today