RMG – Nhìn lại các Tổng Tu Nghị của Dòng Salêdiêng: 7 Tổng Tu Nghị đầu tiên

(ANS – Rôma) – Tổng Tu Nghị của Tu hội Salêdiêng là hội nghị tập hợp các đại diện của tất cả các cộng đoàn Salêdiêng trên khắp thế giới. Theo Hiến Luật Salêdiêng, đây là “dấu chỉ chính yếu về sự hiệp nhất trong sự khác biệt của Tu Hội (…), là cuộc gặp gỡ huynh đệ trong đó các người Salêdiêng thực hiện một công việc suy tư tập thể để giữ mình luôn trung thành với Tin Mừng và đặc sủng của Đấng sáng lập, và bén nhạy trước những nhu cầu của thời đại cùng nơi chốn’, một thời khắc của ân sủng và hiệp thông, trong đó họ “gắng sức tìm biết thánh ý của Thiên Chúa” (HL. 146)

Từ góc độ pháp lý, TTN trước hết là cơ quan có thẩm quyền lập pháp đối với toàn thể Tu hội Salêdiêng. Điều này không chỉ bởi vì TTN bầu chọn Bề Trên Cả, mà còn vì nó có thể thiết lập hoặc tu sửa các luật lệ cho tất cả hội viên, miễn là chúng phù hợp với tinh thần của Hiến Luật.

Tổng Tu Nghị 29 của Tu hội Salêdiêng Don Bosco sẽ khai mạc vào Chúa Nhật, ngày 16 tháng 02 năm 2025, tại Turin. Trước đó, TTN 28 đã góp phần đưa Tu hội Thánh Phanxicô Salê đến vị trí ngày nay, khởi đi từ nền tảng mà Don Bosco đã lập ra, và trải qua nhiều thay đổi cần thiết do dòng chảy thời gian, các biến chuyển trong xã hội, trong Giáo hội và ngay chính trong Tu hội.

Ngay cả các Tổng Tu Nghị cũng đã thay đổi và phát triển theo thời gian, phản ánh những chuyển biến trong nhiều thập kỷ qua ở mọi cấp độ. Tuy nhiên, nếu có một đặc điểm chung xuyên suốt 150 năm lịch sử TTN, thì đó chính là khả năng duy trì di sản cao quý từ thuở ban đầu, đồng thời biết hội nhập văn hóa, nhận ra các dấu chỉ thời đại và tiếng gọi của lịch sử cũng như các thực tế cụ thể nơi các con cái của Don Bosco đang phục vụ Thiên Chúa, Giáo hội và người trẻ. Nói tóm lại, sự biện chứng giữa trung thành và đổi mới chính là nơi các Tổng Tu Nghị được hiện thực hóa và kiểm chứng. Nhằm gìn giữ ký ức về những gì đã thực hiện, Hãng Thông Tấn Salêdiêng (Salesian iNfo Agency), nhân dịp chuẩn bị cho TTN29, mong muốn nhìn lại hành trình đã qua, bằng cách thu thập những thông tin và dữ liệu quan trọng nhất của từng TTN.

Hôm nay, chúng ta sẽ cùng điểm lại bảy TTN đầu tiên-  vốn chưa có một hình thức hoàn toàn cố định – và bốn TTN đầu diễn ra khi Don Bosco vẫn còn tại thế. Ngoại trừ TTN đầu tiên có thời gian dài hơn vì lý do cơ cấu, các TTN sau đều rất ngắn gọn (từ bốn đến mười ba ngày), mặc dù số người dự ban đầu khá giới hạn, nhưng có thể thấy đang gia tăng. Trong giai đoạn ra mắt này của Tu hội, trọng tâm chính là việc xây dựng cơ cấu nội bộ và quy định cho các hoạt động tông đồ. Cần dành một lưu ý đặc biệt cho TTN2, vì tài liệu về nó rất ít do biên bản đã bị thất lạc. Tuy nhiên, “Tổng Tu Nghị 2 chỉ là một sự rà soát và hoàn chỉnh của Tổng Tu Nghị đầu tiên” (MB 14, tr. 520) và chính Don Bosco cũng không dành quá nhiều thời gian cho nó. Dưới đây là tổng quan về bảy Tổng Tu Nghị đầu tiên của Tu hội Salêdiêng Don Bosco (1877-1895), cho thấy cơ cấu ban đầu cùng các chi tiết về các chủ tọa (Bề trên cả), điều hành biên, số thành viên, địa điểm, thời gian, các chủ đề chính, và những phát triển quan trọng.

________________________________________

1. TTN I (1877): Củng cố Tu Hội

  • Địa điểm: Lanzo, Turin
  • Thời gian: 31 ngày (5/9 – 5/10/1877)
  • Chủ tọa: Cha Gioan Bosco
  • Điều hành viên: Cha Michael Rua
  • Thành viên: 23 Nghị viên, 4 Cố vấn, 2 khác mời
  • Chủ đề: Áp dụng thực tế các Hiến luật vào đời sống cộng thể, luân lý, kinh tế, và việc thiết lập các tỉnh dòng.
  • Lưu ý và diễn tiến quan trọng: Thành lập 8 ủy ban chuyên trách các lĩnh vực cụ thể như học tập, kinh tế và cộng tác viên Salêdiêng.

________________________________________

2. TTN2 (1880) – Rà soát và Hoàn thiện TTN1

  • Địa điểm: Lanzo, Turin
  • Thời gian: 13 ngày (3-15/9/1880)
  • Chủ tọa: Cha Gioan Bosco
  • Điều hành viên: Không ghi rõ
  • Thành viên: 27 Nghị viên
  • Chủ đề: Xem xét lại các nghị quyết của TTN1, bầu chọn các thành viên của Ban Tổng Cố Vấn (ngoại trừ Don Bosco, là Bề Trên Cả trọn đời).
  • Lưu ý và diễn tiến quan trọng: Tài liệu hạn chế, tập trung vào cải thiện quy chế và quản trị nội bộ.

3. TTN3 (1883) – Các quy định khác nhau

  • Địa điểm: Turin, Valsalice
  • Thời gian: 7 ngày (1-7/9/1883)
  • Chủ tọa: Cha Gioan Bosco
  • Điều hành viên: Cha John Bonetti
  • Thành viên: 35 Nghị viên
  • Chủ đề: Quy chế tĩnh tâm, chương trình học cho tu sinh, sứ vụ giáo xứ, Bản tin Salêdiêng và Cộng tác viên Salêdiêng.
  • Lưu ý và diễn tiến quan trọng: Đề xuất tách riêng nhà tập cho các Sư huynh.

4. TTN4 (1886) – Cơ cấu Tổ chức

  • Địa điểm: Turin, Valsalice
  • Thời gian: 7 ngày (1-7/9/1886)
  • Chủ tọa: Cha Gioan Bosco
  • Điều Hành viên: Cha Francesco Cerruti
  • Thành viên: 37 Nghị viên
  • Chủ đề: Quy chế giáo xứ, ngành thủ công, tập viện và việc áp dụng sắc lệnh của Đức Piô IX.
  • Lưu ý và diễn tiến quan trọng: Đây là TTN cuối cùng khi Don Bosco còn sống.

5. TTN5 (1889) – Đạo luyện và Sứ mệnh

  • Địa điểm: Turin, Valsalice
  • Thời gian: 6 ngày (2-7/9/1889)
  • Chủ tọa: Cha Michael Rua
  • Điều hành viên: Cha Celestino Durando
  • Thành viên: 42 Nghị viên, 4 Cố vấn
  • Chủ đề: Việc học thần học và triết học, tập viện và miễn nghĩa vụ quân sự.
  • Lưu ý và diẽn tiến quan trọng: TTN đầu tiên sau khi Don Bosco qua đời.

6. TTN6 (1892) – Củng cố và Phát triển

  • Địa điểm: Turin, Valsalice
  • Thời gian: 9 ngày (29/8 – 6/9/1892)
  • Chủ tọa: Cha Michael Rua
  • Điều hành viên: Cha Francesco Cerruti
  • Thành viên: 69 Nghị viên
  • Chủ đề: Hệ thống hóa các nghị quyết trước đó, phát triển đời sống thiêng liêng và chuyên môn.
  • Lưu ý và diễn tiến quan trọng: Đơn giản hóa các quy chế Salêdiêng

7. TTN7 (1895) – Quản trị nội bộ

  • Địa điểm: Turin, Valsalice
  • Thời gian: 4 ngày (4-7/9/1895)
  • Chủ tọa: Cha Michael Rua
  • Điều hành viên: Cha Francesco Cerruti
  • Thành viên: 93 Nghị viên
  • Chủ đề: quản trị nội bộ, vâng phục, khó nghèo, kinh tế, Cộng tác viên Salêdiêng và lòng sùng kính Đức Mẹ Phù Hộ.
  • Lưu ý và diễn tiến quan trọng: Củng cố các quy chế cho cộng thể Salêdiêng.
Visited 19 times, 1 visit(s) today