ĐỨC MARIA, ĐẤNG ĐẦY ƠN PHÚC

Phúc-họa trong đời thường

Phúc và họa là hai điều luôn gắn liền với cuộc sống của mỗi con người chúng ta. Ai cũng mong cuộc đời của mình có nhiều phúc và ít họa.

Theo định nghĩa của nhà Phật, Phúc là một dạng năng lượng dương mang đến cho chúng ta những điều có giá trị tích cực, ví dụ như: sức khỏe, sự giàu có, danh vọng, địa vị cao trong xã hội.v.v… Phúc cũng được hiểu là “những điều tốt lành” hay là “những điều may mắn” đem lại sự no ấm, bình an, sung túc cho cuộc sống của con người. Khi nói rằng ai đó có phúc thì người ta thường nghĩ đến sự bình an, hạnh phúc, vui vẻ, may mắn, danh thơm tiếng tốt, phú quý giàu sang… Người có phúc thì thường gặp nhiều điều may mắn như: ăn nên làm ra, được nhiều người giúp đỡ; cuộc sống thì nhẹ nhàng sung túc; gia đình thì êm ấm, hạnh phúc; tâm trạng thì an hòa, vui vẻ,…

Còn họa là tất cả những gì kém may mắn, xui xẻo. Từ “họa” gợi nhắc chúng ta đến các cụm từ như “tai họa”, “tai nạn”. Họa thường xảy đến bất ngờ và đem đến sự đau khổ, buồn phiền, ưu sầu hay thậm chí là tuyệt vọng cho cuộc sống con người. Sự thất bại trong công việc làm ăn, sự mất mát hao tổn của cải vật chất, sự ra đi vĩnh viễn của những những người thân yêu, hay là những nỗi buồn phiền những nỗi lo âu, những nỗi khổ đau dày vò trong tâm hồn….tất cả đều có thể được diễn tả bằng một từ “họa”.

Phúc họa trong đời của Mẹ Maria

Với góc nhìn phúc và họa được trình bày như trên, có thể nói, cuộc đời của Mẹ Maria có nhiều họa hơn là phúc. Chúng ta có thể thấy điều này một cách dễ dàng, khi lược qua cuộc đời của Mẹ.

Ngay sau khi thưa tiếng xin vâng với sứ thần, cô gái chưa tròn 20 tuổi đã phải đối diện với mối nguy bị thánh Giuse hiểu lầm; và tệ hại hơn nữa, là bị kết án và ném đá vì tội ngoại tình theo luật của người Do Thái. Rồi đến khi sinh hạ đứa con đầu lòng, tình cảnh của Mẹ cũng thật đáng thương. Mẹ chuyển dạ trong chuyến hành trình dài mệt đầy mệt nhọc và phải sinh con giữa đêm đông giá lạnh nơi hang bò lừa nghèo nàn. Khi hài nhi vừa mới sinh, Mẹ đã phải cưu mang Ngài cùng với thánh Giuse đi lánh nạn ở nơi đất khách quê người.

40 ngày sau khi sinh, Đức Mẹ cùng với thánh Giuse cử hành nghi thức dâng con trong đền thờ theo tập tục của người Do Thái. Ngay khi ẵm Chúa Giê su vào đền thờ, Mẹ đã phải đón nhận một điềm gở từ cụ già Simeon “Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà”.

Cuộc sống ở Nazareth cũng chẳng có gì là sung túc. Cả gia đình đã phải lao động cực nhọc để đảm bảo cho cuộc sống của mình. Rồi đến khi Chúa Giê su đi rao giảng, chắc hẳn Mẹ cũng phải lo âu vì Ngài luôn gặp rất nhiều những sự chống đối và đe dọa từ cả hai phía chính quyền và giáo quyền.

Thêm một điều không may nữa là chồng của Mẹ mất sớm. Tương truyền, Thánh Giuse qua đời trước khi Chúa Giê su bắt đầu cuộc đời hoạt động công khai của Ngài… Có lẽ mối họa lớn nhất trong đời của Mẹ Maria là việc phải chứng kiến người con trai độc nhất của mình phải chịu đựng sự đau đớn và nhục nhã khi bị tra tấn dã man và phải chết oan ức trên thập giá như một tên tội phạm. Sau khi Chúa Giê su qua đời, Mẹ Maria lại phải mang thân phận của một trong những hạng người đáng thương nhất trong xã hội thời đó: bà góa không con.

Mẹ đầy ơn phúc

Cuộc đời của Mẹ quả là đầy “họa”, đầy thử thách và đau khổ. Thế nhưng, trong cảnh gian truân ngập tràn, Mẹ vẫn luôn chúc tụng Thiên Chúa:  “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tì hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc” (Lc 1,46-48).

Mẹ Maria tự thấy rằng mình có phúc. Giáo hội cũng chân nhận và tuyên xưng rằng Mẹ là Đấng đầy ơn phúc. Có lẽ khái niệm về phúc và họa của Mẹ, của Giáo Hội và của tất cả những người đã đặt niềm tin và niềm hy vọng vững vàng vào Thiên Chúa rất khác với quan niệm thông thường của người đời về hai vấn đề này.

Các mối phúc trong đời của Mẹ Maria phải được hiểu và nhìn nhận trong mối liên hệ với Thiên Chúa. Chúng ta hãy cùng nhìn lại 3 sự kiện cụ thể trong cuộc đời của Mẹ Maria để có thể thấy rõ hơn những mối phúc lớn lao của Mẹ.

Thứ nhất, Khi đến gặp Mẹ Maria, sứ thần Gabriel đã phải thốt lên rằng “Mừng vui lên, hỡi Ðấng đầy ân sủng, Ðức Chúa ở cùng bà.” Mẹ có phúc vì Thiên Chúa luôn ở cùng Mẹ.

Thứ hai, khi Mẹ đến thăm viếng bà Elizabet, người chị họ này của Mẹ cũng phải mở miệng kêu lên rằng: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.” Mẹ có phúc vì đã đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa và không do dự chấp nhận kế hoạch của Thiên Chúa cho cuộc đời của mình.

Thứ ba, Chính Đức Giê su cũng đã khen Mẹ Ngài là người có phúc…. Khi người đang giảng dạy, thì có một người phụ nữ nói với Ngài: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!” Chúa Giê su đáp lại một cách thật tự nhiên: “Ðúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa”. Rõ ràng, câu nói này của Chúa Giê su là dành cho Mẹ của Ngài. Mẹ có phúc vì đã lắng nghe và thực hành lời Chúa truyền dạy.

Mẹ là đấng đầy ơn phúc nhưng cuộc đời của Mẹ lại đầy sóng gió và chông gai. Thật dễ để chúng ta có thể tuyên xưng Mẹ là Đấng Đầy ơn phúc. Nhưng có lẽ ít ai trong chúng ta mong đợi và vui vẻ chấp nhận sống một cuộc sống đầy sóng gió, đầy thử thách và đau khổ như cuộc sống của Mẹ Maria.

Chắc hẳn, cuộc đời của mỗi chúng ta không thể tránh khỏi những gian truân, thử thách, khổ đau và thậm chí là tuyệt vọng. Thế nhưng, như Mẹ Maria, nếu chúng ta có Chúa ở cùng, nếu chúng ta luôn đặt trọn niềm tin tưởng vào Chúa và phó thác đời mình trong tay Ngài, nếu chúng ta luôn biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa, thì dù cuộc sống của chúng ta có bất hạnh thế nào đi nữa, chúng ta vẫn thấy rằng mình có phúc và tâm hồn chúng ta sẽ luôn bình an, vui sướng; và chúng ta sẽ có thể cùng Mẹ ca vang khúc hát tạ ơn: :  “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc”.

Minh Đức, SDB

Visited 50 times, 1 visit(s) today