Ở Vùng Amazon, cứ Hai ngày có Một người bảo vệ quyền người bản địa bị giết

Bài viết của Robin Gomes

     Năm 2020 số vụ giết những người lãnh đạo bản xứ tăng 67% so với năm 2019.

     Một vài tổ chức của các dân tộc bản xứ ở vùng Amazon vừa lên tiếng báo động về các quyền của họ đang bị đe dọa ngày một nghiêm trọng, với sự gia tăng đột biến các vụ sát hại những nhà hoạt động vì quyền của người bản địa trong năm 2020.

     Điều phối viên của Các Tổ Chức Bản Địa Của Lưu Vực Sông Amazon (COICA), cơ quan giám sát 9 tổ chức bản địa ở Amazon, đã lên tiếng báo động vào tuần trước, ghi nhận số vụ sát hại những nhà lãnh đạo quyền người bản địa trong năm 2020 tăng 67% so với năm 2019.

202 nhà hoạt động bản địa bị giết vào năm 2020

     Trong “Tuyên bố khẩn cấp về nhân quyền cho người bảo vệ người bản địa ở Amazon: Máu chảy trong rừng nhiệt đới, chúng tôi cần công lý,” công bố ngày 14 tháng 4, COICA tuyên bố rằng vào năm 2020 có 202 vụ sát hại những nhà lãnh đạo hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ lãnh thổ, môi trường và quyền của các dân tộc bản địa ở các quốc gia như Colombia, Brazil, Peru và Bolivia. Điều này có nghĩa rằng trung bình cứ mỗi 2 này, 1 người bảo vệ quyền người bản địa đã chết ở Amazon. Vào năm 2019, 135 nhà hoạt động cho quyền môi trường và đất người bản địa đã thiệt mạng.

     José Gregorio Díaz Mirabal, Tổng Điều phối của COICA cho biết: “Sự gia tăng đáng kể các vụ sát hại trong bối cảnh đại dịch đã đặt những nhà bảo vệ bản địa và cộng đồng của họ vào nguy hiểm trong khi khiến cho rừng nhiệt đới lớn nhất của trái đất và hệ sinh thái mà chúng ta bảo vệ rơi vào nguy hiểm,”. Ông yêu cầu các chính phủ và các tổ chức quốc tế hành động để bảo vệ những người bảo vệ và các cộng đồng, đồng thời nói thêm rằng nếu không hành động, họ sẽ trở thành “đồng phạm của một cuộc diệt chủng.” Ông chỉ ra xu hướng này chưa dừng lại ở năm 2020. Trong quý 1 năm 2021, đã có ít nhất 16 vụ giết người bản địa (ở Colombia và Peru), những người đã bảo vệ các quyền của các dân tộc bản địa và môi trường.

     Oscar Daza Gutierrez, Đều phối viên nhân quyền của Tổ chức Người Bản địa Amazon ở Colombia (OPIAC) nói rằng: “Đằng sau những vụ sát hại những người bảo vệ nhân quyền của người bản địa và mẹ thiên nhiên, có những vấn đề mang tính cấu trúc liên quan trực tiếp đến sự gia tăng những hoạt động khai khoáng nhằm đáp ứng những lợi ích của các tập đoàn với các thỏa thuận nhà nước, đe dọa sự toàn vẹn về thể chất và văn hóa của các dân tộc của chúng ta.”

Hành động khẩn cấp

     Về phần mình, Jiribati Ashaninka, Chủ tịch một tổ chức khác của các dân tộc bản địa Peru, ORAU, cho biết cái chết của những người bảo vệ quyền là một ghi chép mà nhà nước không rõ và chính phủ Peru đã không thực hiện các biện pháp bảo vệ cụ thể đối với các nhà hoạt động. Ông nói: “Họ đang giết chúng tôi, và chúng tôi yêu cầu hành động khẩn cấp.”

COICA lưu ý rằng tình hình này cho thấy sự vi phạm nhân quyền có tính hệ thống đối với các dân tộc bản địa ở Amazon, đã trở nên trầm trọng hơn trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Điều này đe dọa sự tồn tại của những người sinh sống và bảo vệ lưu vực đa dạng sinh thái nhất trên thế giới.

     Trong tuyên bố của mình, đại diện COICA đã nêu vấn đề này với một số cơ quan và chính phủ, chẳng hạn như Ủy ban Nhân quyền Liên Mỹ (Inter-American Commission on Human Rights), Diễn đàn Thường trực về Các vấn đề Bản địa của Liên Hợp Quốc (Permanent Forum on Indigenous Issues of the United Nations), Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (Economic Commission for Latin America and the Caribbean – ECLAC) và chính phủ của 9 quốc gia thuộc Amazon: Bolivia, Brazil, Colombia, Ecuador, Guyana thuộc Pháp, Guyana, Peru, Suriname và Venezuela.

Diễn đàn Liên Hiệp Quốc (UN Forum)

     Lời kêu gọi của COICA được đưa ra vài ngày trước Phiên họp thứ 20 của Diễn đàn Thường trực Liên hợp quốc về các vấn đề bản địa (the 20th Session of the United Nations Permanent Forum on Indigenous Issues – UNPFII20) sẽ bắt đầu vào thứ Hai. Phiên họp từ ngày 19 đến ngày 30 tháng 4 có chủ đề là “Hòa bình, công lý và các thể chế mạnh: vai trò của người dân bản địa trong việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững 16”. Tổng thư ký Liên hợp quốc Jose Antonio Guterres dự kiến sẽ đưa ra một thông điệp video tại phiên khai mạc. Vì đại dịch, hoạt động này sẽ diễn ra theo hình thức kết hợp với hầu hết là các cuộc họp ảo (trực tuyến).

Đức Thánh Cha và Giáo hội

     Đức Thánh Cha Phanxico và Giáo hội Công giáo đứng về phía của những dân tộc bản địa ở Amazon. Để chăm sóc mục vụ hiệu quả hơn cho những người này, Đức Thánh Cha đã triệu tập một hội đồng giám mục đặc biệt Pan-Amazon ở Vatican vào tháng 10 năm 2019.

     Trong Tông huấn Querida Amazonia (Amazon yêu dấu) của Đức Thánh Cha Phanxico, là tổng hợp các phát hiện của Thượng hội đồng, Đức Thánh Cha đã mạnh mẽ đòi công lý cho hơn 2.5 triệu người bản địa trong khu vực. Trong tài liệu, ĐTC kêu gọi bảo vệ cuộc sống của họ, nền văn hóa, vùng đất của họ, sông Amazon và rừng nhiệt đới, chống lại “tội ác và bất công” đang gây ra trong khu vực bởi các lợi ích kinh tế mạnh mẽ, mang tính quốc gia và quốc tế, nguy cơ đó đang hủy hoại con người và môi trường.

     Sự quan tâm của Giáo hoàng Phanxico và Giáo hội Châu Mỹ Latinh đối với người dân bản địa ở Amazon đã dẫn đến việc thành lập Mạng lưới Giáo hội Pan Amazonian (Pan Amazonian Ecclesial Network – REPAM) vào năm 2014 nhằm thúc đẩy quyền và phẩm giá của những người bản địa này. Dự án, bao gồm 9 Giáo hội địa phương của vùng Amazon, với sự hỗ trợ của Hội đồng Giám mục Châu Mỹ Latinh, CELAM.

     Chủ tịch REPAM, Hồng y người Peru Pedro Barreto Jimeno của Huancayo cho biết: “Amazon rất quan trọng đối với nhân loại, đối với sự sống… nó giúp ổn định khí hậu, là nguồn sống. Ngược đãi rừng Amazon không chỉ ngược đãi những người bản địa sống bên trong nó, mà còn đang hủy hoại nền văn hóa và nơi ở của họ. Những dân tộc này là những người bảo vệ rừng Amazon. Họ có của cải to lớn về mặt tâm linh, một điều gì đó được nuôi dưỡng bởi các nền văn hóa của họ.” Ngài đã phát biểu tại Diễn đàn quốc tế ảo về khí hậu Amazon vào ngày 15 tháng 4, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo về khí hậu ngày 22 và 23 tháng 4 do tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden triệu tập, mà ông đã mời khoảng 40 nhà lãnh đạo.

Giáo hội Brazil

     Vào ngày 13 tháng 4, hội đồng giám mục Brazil và REPAM-Brazil đã công bố một bức thư bày tỏ quan ngại về một thỏa thuận có thể có giữa Brazil và Hoa Kỳ để bảo vệ rừng Amazon.

Một lá thư của Giám mục đã nghỉ hưu Erwin Kräutler, chủ tịch REPAM-Brazil và Hồng y Cláudio Hummes, chủ tịch ủy ban giám mục Brazil cho Amazon, kêu than rằng chính phủ Hoa Kỳ đang đàm phán với chính phủ Brazil về việc bảo vệ quần xã sinh vật Amazon mà không có sự minh bạch hoặc sự tham gia của người dân ở Amazon.

     Các Giám mục viết: “Bất kỳ thỏa thuận nào lấy Amazon làm cốt lõi đều đòi hỏi một sự tranh luận với người dân Amazon, những người không được tham khảo ý kiến.”

     Reuters đã đưa tin rằng các cuộc đàm phán giữa Brazil và Mỹ về một thỏa thuận nhằm giảm nạn phá rừng ở Amazon đã dừng lại. Chính phủ Brazil đã yêu cầu Mỹ tung ra các nguồn tài chính trước để có thể cải thiện việc bảo vệ rừng và phát triển các dự án bền vững trong khu vực, trong khi Mỹ khăng khăng là cần thấy số vụ phá rừng giảm trước khi chuyển giao bất kỳ khoản tiền nào. Theo các bản tin địa phương, chính phủ Brazil đã yêu cầu chính phủ Mỹ viện trợ 1 tỷ đô la để giảm nạn phá rừng.

Vi Vũ chuyển ngữ

Nguồn: https://www.vaticannews.va/en/world/news/2021-04/amazonia-indigenous-activists-murder-rights-pope-church-repam.html

Visited 14 times, 1 visit(s) today