Nếu tính từ ngày Chúa Nhật 18/05 chính thức giới hạn số người tập trung dự lễ, thì đã hơn 03 tháng Sài Gòn đã ở trong đợt dịch bùng phát lần thứ tư. Những khó khăn vẫn còn đó: kinh tế phải dừng lại, nhà nhà cửa đóng then cài, đường xá vắng tanh, tiếng xe cứu thương vẫn hú, rồi những chiếc quan tài lần lượt được khiêng đi vội vã…Trong cái bầu khí xem ra khốn khó đó, đâu đó chúng ta vẫn nhận ra một Sài Gòn đang rất nỗ lực, có rất nhiều con người can đảm đứng lên tuyến đầu. Và trong lúc này đây, khi mà các gia đình chúng ta bắt đầu bước vào giai đoạn ngặt hơn của lịch trình giãn cách, chúng ta có thời gian chiêm nghiệm và cần có tâm tình tri ân:
1. Tri ân vì những con người đang phục vụ trong những ngày nắng nóng:
Ba tháng của mùa hè, cái nắng vẫn như thiêu đốt, hiếm lắm mới có những cơn gió nhẹ. Vậy mà có những con người là các y bác sĩ, những nhân viên thiện nguyện, họ vẫn mặc bộ đồ bảo hộ trùm kín và liên tục như thế trong nhiều giờ liền.
Khi chúng ta không chịu đựng được những buổi trưa nóng, chúng ta có thể ở trong phòng với máy quạt thậm chí là máy lạnh để tự cho mình cái cảm giác thoải mái. Thì những y bác sĩ, những người thiện nguyện đã không cho phép mình cởi bộ đồ bảo hộ chỉ vì một mục đích là bảo vệ mình cho an toàn để mà giành giật sự sống cho các bệnh nhân. Chắc hẳn những giọt mồ hôi đang tuôn trào bên trong sau lớp áo bảo hộ khiến họ mệt mã, nhưng họ không dám ngừng nghỉ vì những giờ phút lúc này thật quí báu đối với sinh mạng bệnh nhân. Và những ngày tháng qua, họ phải chấp nhận bỏ lại gia đình người thân để chuyên tâm vào công việc chuyên môn. Họ là những người tuyến đầu để bảo vệ sự sống cho những người đang bị virus covid tấn công.
Có những anh chị em phải trực máy để kết nối giữa người bệnh F0 đang tại nhà với bác sĩ nhằm giúp kịp thời chuyển họ đến bệnh viện. Có những tài xế phải nhanh nhạy để chạy đua với tử thần nhằm kịp tìm đến bệnh nhân đưa họ đến nơi có thể cấp cứu kịp.
2. Biết ơn vì những người phục vụ trong những cơn mưa hè:
Mấy ngày nay khi mà Sài Gòn liên tục có những cơn mưa lớn buổi chiều, chúng ta có thể ở trong ngôi nhà an toàn tránh trú mưa gió, sấm chớp. Thì có những người đang trực các chốt gác để hạn chế người dân ra đường (nhằm giảm thiểu lây nhiễm bệnh tật). Họ phải nỗ lực suốt ngày đêm vì công vụ như thế. Nếu chỉ canh một vài ngày đêm như canh nồi bánh chưng ngày tết thì có lẽ tâm trạng sẽ thoải mái hơn. Đằng này phải trực trong hoàn cảnh tế nhị và lại kéo dài thì thật sự cũng mệt mỏi. Họ phải ăn cơm đường cháo chợ liên tục như thế chắc không có gì là ngon lành. Họ là những người tuyến đầu để giúp giảm thiểu cơn đại dịch đang lây lan.
Coi trên những youtube có những đoạn quay hình ảnh những người mặc bộ đồ bảo hộ phải lo chu toàn cho những anh chị em đã mất vì covid. Họ phải lo tẩn liệm và khiêng những quan tài ngay cả khi trời mưa gió. Thương cho những gia đình nạn nhân covid ở trong hoàn cảnh thật xót xa đó, thì cũng cảm phục những người đã cống hiến sự phục vụ đồng loại ở thời khắc cuối cùng bất kể đêm hôm, mưa nắng.
Họ là những người tuyến đầu của chuỗi những công việc phục vụ cộng đồng trong những ngày Sài Gòn ‘’lâm bệnh’’. Hẳn chúng ta cần có lời tri ân vì những sự phục vụ của họ (dù họ có nhận được đồng lương thì những công việc này vẫn tiềm ẩn những nguy cơ lớn đối với họ).
3. Tri ân vì những cách thế phục vụ cộng đồng nhân loại đang khốn khó:
Chắc hẳn có nhiều vị hữu trách với trách nhiệm của mình, các vị đã phải nỗ lực nhiều lắm để cố gắng đóng góp vào mục tiêu chung là khống chế dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại cho anh chị em đồng loại.Có những vị đã âm thầm ngoại giao vaccxine và thuốc nhằm sớm bao có thể phòng chống dịch cho người dân mình. Họ là những người tuyến đầu do vị thế của mình mà lo lắng cho dân ta.
Có những tập thể, cá nhân đã quảng đại bỏ tiền túi của mình để có được những phương thế tốt nhất bao có thể nhằm chia sẽ thuốc, oxy, khẩu trang…để tham gia vào tuyến đầu cứu chữa đồng bào mình. Họ là những người tuyến đầu với năng lực của mình nhằm tranh thủ đem về những phương thế tốt giúp đỡ các bệnh nhân.
Có những tu sĩ, linh mục Công giáo và các tăng ni Phật tử đã sẵn sàng đứng vào hàng ngũ những người chuyên môn, những người săn sóc bệnh nhân để thay thế người thân của họ, nhằm nâng đỡ và an ủi họ trong giai đoạn bệnh tật hiểm nghèo, sẵn sàng phục vụ từ những công việc nhân sinh như: dọn dẹp, thay tã, đấm bóp, nói chuyện tâm sự… giúp người bệnh lạc quan và hy vọng khi mà lại không có người thân bên cạnh. Họ là tuyến đầu của những người đem sự yêu thương trong đời sống tu trì đến với những người khốn khó.
Có những anh chị em thiện nguyện sẵn sàng tham gia cung ứng những suất ăn cho các nhân viên ý tế, các tình nguyện viên và bệnh nhân. Công việc âm thầm nhưng rất đỗi cực nhọc và phải làm việc liên lỉ. Họ là những người tuyến đầu lo cho sức khỏe về ‘’cái dạ dày’’ của bao con người.
Và còn có biết bao người khác đang đứng vào tuyến đầu trong những ngày tháng mà chúng ta đang đối đầu với dịch bệnh. Không thể kể hết ra được những thành phần đã hy sinh cách này cách khác cho tha nhân trong một cuộc chiến đấu cam go với dịch bệnh, cần phải có lời tri ân nếu như chúng ta mục kích được những lao nhọc họ đã cống hiến.
4. Mỗi người chúng ta có thể đứng vào tuyến đầu được không?
Khi bình tâm suy nghĩ thấu đáo, chúng ta nhận ra có những anh chị em mình đang tiếp tục cống hiến cho quê hương, cho đồng loại trong đại dịch này. Vậy thử hỏi, mỗi người chúng ta có thể đứng vào tuyến đầu nào đó trong những thời khắc này không?
Trong phạm vi nhỏ bé của không gian mình sinh sống, tôi nhận ra có nhiều anh chị em đang dù âm thầm vẫn cách nào đó dám đứng vào tuyến đầu của sự phục vụ hôm nay:
Có những anh chị em trong gia đình giáo xứ, vẫn can đảm cộng tác để sẵn sàng đem những vật phẩm lương thực, rau quả đến từng hộ gia đình khó khăn.
Có những ân nhân cả ở trong và ngoài nước đã âm thầm đóng góp những thành quả lao tác của mình để tiếp sức cho đồng bào đang gặp thử thách thông qua các tổ chức để hình thành nên những sáng kiến bác ái vì người nghèo.
Có những bạn trẻ dù chưa có khả năng tài chính, nhưng đã sẵn sàng làm cầu nối cho các ân nhân và người thực hiện, cho những người nghèo và tổ chức phân phát…nhằm có thể sẻ chia kịp thời cho những mảnh đời thắt ngặt.
Có những anh chị em dù không trực tiếp phục vụ cộng đồng thông qua những công việc cụ thể, nhưng trong niềm tin họ đã cầu nguyện khẩn thiết hơn để xin ơn trên phù trì cho quê hương đất nước, cho những gia đình những bệnh nhân được nâng đỡ và cả cho các linh hồn đã khuất vì dịch bệnh sớm được hưởng phúc thanh nhàn.
Thật hạnh phúc thay, dù trong nghịch cảnh lúc này khi bức tranh Việt Nam chúng ta nói chung và Sài Gòn chúng ta nói riêng đang còn có những mảng tối vì dịch bệnh covid hoành hành. Thì vẫn có đó những điểm sáng lòng người thật đẹp đẽ biết chung tay cống hiến nhằm mang lại sự bình an cho quê hương và chia sẻ những khó khăn giữa người với người trong cơn đại dịch. Nếu mỗi chúng ta thể chọn cho mình một vị trí, một công việc đứng vào tuyến đầu của thời khắc này, thì ai trong chúng ta cũng có thể tin một ngày không xa cuộc sống sẽ yên bình trở lại và tình người được thăng hoa hơn khi mà trong lúc hoạn nạn có nhau.
Dù vẫn có đó những ‘’hạt sạn’’ trong đại dịch như: làm thuốc giả chữa covid trục lợi, bắt chẹt gia đình có người nhà qua đời vì dịch bệnh đòi tiền hỏa táng, tăng giá các mặt hàng nhằm hưởng lợi trước những khó khăn của đồng loại, kiếm chác trong việc môi giới chích vacxine…chúng ta vẫn thấy nhiều điều tốt đẹp đang diễn ra trong cuộc sống bởi rất nhiều người dám đứng vào tuyến đầu đầy can đảm nhằm đem lại điều tốt đẹp cho anh chị em đồng loại và cho một quê hương đất nước, một Sài Gòn bình yên:
‘’Sài Gòn tôi sẽ sớm mai sum vầy
Sẽ không có dây, phố thưa lại đầy
Sài Gòn tôi sẽ tái sinh rạng ngời
Sẽ như lúc xưa sẽ lại vui…(Thái Dương)./.
Phêrô Phạm Huy Hoàng SDB
Visited 8 times, 1 visit(s) today