Tục ngữ Việt nam nói “bán anh em xa mua láng giềng gần”. Điều ấy cho thấy ai nấy đều khát mong một sự thông giao thật sự. Chẳng ai bằng lòng với mối tương giao “tôi-hắn”, nhưng luôn vươn đến tương giao “tôi-anh” (triết gia Buber). Vì vậy, “không có gì trên trần này được đắt giá hơn tình bạn chân thật” (Thánh Toma). Thế nhưng, với bùng nổ cách mạng của Internet, mối tương giao đó thay đổi nhiều, nhiều lắm. Y như con người đang thay đổi về nếp sống, quan niệm. Nhiều bạn trẻ nói “bạn xa hàng vạn dặm, nhưng lại thật gần trái tim tôi vốn chẳng quan tâm đến khoảng xa đó.” Cả một trào lưu tình bạn online, tình bạn trong thế giới ảo, hò hẹn ảo….
Tại sao thay đổi thế? Vì lẽ tương giao thực, diện đối diện, đang bị đổ vỡ. Vợ chồng chán ngán nhau sau ít ngày chung sống; bạn bè nói xấu nhau hơn là nâng đỡ khi mà tương giao ganh đua chủ trị. Thông giao người-người trở thành tương giao không kém địa ngục (Satre, Marx…). Do đó, chúng ta sợ những mối tương giao thực, ngán ngẩm đến chán chường những kẻ cận kề, vì dưới mắt ta, họ xấu như quỷ “dạ xoa”!!! Thế là ta bắt đầu đi tìm những tương giao “ảo” trên Internet. Quãng cách như thể đảm bảo cho tình bạn chân thật, ở đó ta mở lòng “thoải mái”. Chắc là vẫn có những tương giao ảo khởi đầu cho một tình bạn mật thiết và bền vững. Nhưng không phải mọi tương giao ảo đều kết tận như thế, bởi lẽ cuối cùng để là một tương giao thật sự nhất thiết phải là một tương giao diện đối diện, chia sẻ cùng một tâm tư, cùng một ý chí, cùng một đích tới. Chúng ta không giao tiếp với hình bóng, những ý tưởng. Không. Chúng ta trò chuyện, tiến bước với những con người thực.
Đức Phanxicô chỉ dẫn các bạn trẻ như sau. “Tình yêu, sự sống, bạn bè:…. cả ba hạn từ này thật quan trọng cho cuộc sống, và chúng đều có chung một gốc rễ: ước ao sống…. Tình yêu chuyển động trên hai trục. Trước tiên, tình yêu được tìm thấy trong hành động chứ không phải trong lời nói: tình yêu thật cụ thể… và trục thứ hai trên đó tình yêu xoay vần, ấy là tình yêu luôn luôn thông giao chính mình, nghĩa là, tình yêu lắng nghe và đáp trả, tình yêu tìm thấy trong đối thoại và hiệp thông. Tình yêu không điếc lác cũng chẳng câm lặng, nó thông giao chính mình….” Như thế, tình yêu luôn linh thánh, luôn trong sạch. “Cha xin các con: hãy nỗ lực sống yêu thương cách trong sạch.” Chỉ khi yêu mến cách trong sạch, tình bạn mới chín muồi qua năm tháng, vì “Tình bạn không phải là mối tương giao tan bay hay phù du, song thật bền vững, mạnh mẽ và trung thành, trưởng thành khi năm tháng qua đi. Một tương giao tình yêu mang chúng ta lại với nhau và tình yêu quảng đại tìm kiếm điều thiện của người bạn chúng ta.” Nó luôn triển nở trong tin tưởng và yêu mến lẫn nhau.
Bạn muốn có một tình bạn chân thật xua đuổi mọi khoảng cách ư, Đức Phanxicô chỉ cho bạn như sau. Đức Giêsu không chỉ là bạn của mỗi người trẻ, song còn là người bạn chân thật nhất. “Không ai có tình bạn lớn hơn người hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình.” Và ngài là người như thế đó. Không chỉ vậy, ngài còn là người bạn gần gũi nhất, hiểu chúng ta ngay cả khi ta chưa thốt nên lời. Ngài thâm sâu với chúng ta hơn cả chính chúng ta. “Đức Giêsu là người bạn ta tin tưởng, người bạn không bao giờ bỏ mặc ta. Đức Giêsu không bao giờ phá vỡ mối liên hệ tình yêu với ta. Chúng ta không thể phạm một tội nào khủng khiếp đến nỗi Đức Giêsu ngừng yêu thương ta.” (Robert Lauder). Không chỉ thế. Ngài chỉ cho chúng ta con đường yêu mến, tự do và sống đích thực mà không một quãng cách nào có thể xen vào. Ngài nói với chúng ta rằng yêu thương là thẻ chứng minh nhân dân của các bạn hữu của ngài. Đức Phanxicô dạy chúng ta: “Tình yêu là “giấy tờ” nhận diện ta là Kitô hữu. Nó là giấy tùy thân duy nhất giá trị. Nếu nó hết hạn và không được canh tân liên lỷ, chúng ta hết là chứng nhân của Chúa…. Bạn hữu chân thật của Đức Giêsu cốt yếu nổi bật bởi tình yêu chân chính; không phải là tình yêu “bánh vẽ”; không. Nó là tình yêu chân thật tỏa chiếu trong cách sống của họ. Tình yêu luôn được tỏ ra trong những hành động thực sự. Nhưng ai không thực và chân chính và nói về tình yêu thì giống như những nhân vật trong vở kịch nhiều tập, một chuyện tình lừa gạt nào đó.”
Như thế, ta thấy rằng tình yêu mới hủy diệt mọi khoảng cách bằng cách kính trọng mọi ngôi vị, tôn trọng sự khác biệt trong hiệp nhất. Đang khi đó, tội lỗi lại gia tăng khoảng cách bằng cách khinh bỉ mọi khác biệt, mọi ngôi vị khác, chỉ để tôn chính mình thành ông chủ tuyệt đối. Khi nào điều ấy lên ngôi, sẽ có mọi khoảng cách dù thể lý chẳng cách xa nhau.
Hãy để tình yêu lên ngôi và tình bạn sẽ vững bền mãi mãi.